Chủ nghĩa dân túy và những cơn địa chấn!

Thứ Ba, 03/01/2017, 15:25
Năm 2016 thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy. Cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6 ở Anh với kết quả người dân “xứ sở sương mù” lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit và việc cử tri Mỹ bất ngờ chọn tỷ phú Donald Trump làm tổng thống thứ 45 được xem là đỉnh điểm của làn sóng vốn được coi là đang tiếp tục tấn công vào các thành trì châu Âu.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã phải từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp. Thất bại của ông Renzi được coi là tạo điều kiện thuận lợi cho "Phong trào 5 sao" - vốn là phong trào dân túy chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị, và kinh tế truyền thống.

Có thể thấy chủ nghĩa dân túy đang trở thành kênh hợp pháp để những cử tri bị thiệt thòi thể hiện nỗi thất vọng của mình và kêu gọi thay đổi đường lối. Giới phân tích lo ngại rằng chủ nghĩa dân túy có thể lan rộng hơn nữa ở châu Âu trong năm 2017. Hà Lan, quốc gia sẽ khởi động mùa bầu cử 2017 của châu Âu với cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 15-3, hiện được coi là "liều thuốc thử" cho nền chính trị châu Âu.

Mùa thu năm 2017, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người trong năm 2015 đã mở cửa tiếp nhận hàng loạt người tị nạn, một lần nữa sẽ ra tái tranh cử. Trong khi từ lâu phải đối mặt các phong trào dân túy đang ảnh hưởng sâu rộng ở các nước láng giềng, bà Merkel giờ đây phải đối phó với sự trỗi dậy của đảng AfD chống người nhập cư và chống người Hồi giáo, bên cạnh sự chỉ trích mạnh mẽ ngay trong chính đảng của bà.

Ngoài những sự kiện chính trị trên, một số nhân vật được dự báo sẽ trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh làn sóng toàn cầu hóa gia tăng, chủ nghĩa dân túy lan rộng cùng một loạt cuộc khủng hoảng xảy ra trong năm 2017. Theo các chuyên gia phân tích cách các nhân vật này thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử của họ sẽ ảnh hưởng lớn thế giới.

Nhân vật đầu tiên không thể không nhắc đến là Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ông đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi giành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Trong khi chiến dịch tranh cử của ông bộc lộ sự hỗn loạn ngày một gia tăng ở nước Mỹ, thì việc ông chuyển tới Nhà Trắng vào tháng 1 tới chắc chắn còn gây thêm nhiều bất ổn cho đất nước và toàn thế giới nói chung.

“Cơn địa chấn” Brexit.

Theo giới phân tích, ông Trump khó có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội “ăn sâu bám rễ”, cũng như khó có thể khôi phục nền kinh tế Mỹ dù ông đã cam kết thực hiện việc kết hợp các chính sách như sử dụng biện pháp tài khóa, đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm thuế.

Nhà quản lý tài chính nổi tiếng Bill Gross bình luận rằng việc kết hợp các chính sách sẽ làm trầm trọng hơn “cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu trong dài hạn”. Cam kết cắt giảm thuế của ông, gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp và giới thượng lưu Mỹ, sẽ “tổn hại” đến tầng lớp lao động. Đối với thế giới, tương lai sắp tới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump sẽ đầy bất ổn. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà phân tích đồng tình rằng hầu hết các chính sách đối ngoại của ông sẽ theo hướng thực dụng.

Tổng thống sắp tới của Mỹ cũng bày tỏ ý định thực thi bảo hộ thương mại. Ông đã tuyên bố “khai tử” Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nói rằng sẽ lựa chọn đàm phán với từng đối tác của Mỹ về cái mà ông gọi là các thỏa thuận thương mại “công bằng”. Ông Trump cũng đe dọa áp thuế cao với các sản phẩm của Trung Quốc nếu Bắc Kinh không chấm dứt cái mà ông gọi là “hành vi thương mại gian lận”, điều này có nguy cơ lớn khiến “môi trường kinh doanh ở Trung Quốc và Mỹ trở nên khó khăn hơn cho các công ty hoạt động ở hai quốc gia này”.

Nhân vật đang thực hiện sứ mệnh đàm phán tiến trình Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May cũng được dự đoán có nhiều ảnh hưởng đến thế giới. Đến nay, dù bà Theresa May chưa đạt được tiến triển nào trong tiến trình Brexit, ngoại trừ tuyên bố của bà hồi tháng 10 vừa qua rằng London sẽ kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp định Lisbon trước cuối tháng 3/2017 để khởi động tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 2 năm, nhưng các bất ổn dường như đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Anh cũng như những hy vọng về việc sớm đàm phán về các hiệp định thương mại song phương với các nước ngoài EU.

Đánh giá về chặng đường chông gai phía trước khi Anh tìm cách thiết lập các quan hệ kinh tế và thương mại mới, giới chuyên gia cảnh báo rằng việc rời khỏi EU chỉ là bước đi đầu tiên của hành trình này. Anh sẽ phải thiết lập chính sách thương mại mới mà có thể sẽ mất tới 20 năm.

Rõ ràng, chủ nghĩa dân túy hay chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang là một triệu chứng của các thể chế dân chủ phương Tây, trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng có thể đóng vai trò quyết định đối với sự lựa chọn của cử tri. Nếu chính phủ các nước phương Tây không nỗ lực hơn nữa để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và xã hội mà họ đang đối diện và nếu các nhà chính trị không cải thiện các thông điệp gửi đến mọi công dân, thì chủ nghĩa dân túy sẽ còn gây ra nhiều cơn địa chấn mới.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.