Chủ nghĩa khủng bố “tuyên chiến” với nước Nga

Chủ Nhật, 11/04/2010, 21:45
Chỉ hai ngày sau vụ khủng bố tại hệ thống tàu điện ngầm Moskva, lại có hai vụ đánh bom cảm tử nữa xảy ra tại thành phố Kizliar (nước cộng hòa tự trị Daghestan - LB Nga) với hậu quả 12 người chết và 29 người bị thương. Theo nhận định của Thủ tướng Nga Vladimir Putin, có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ khủng bố lần này có "đồng tác giả" với thảm kịch tại Moskva.

Chủ nghĩa khủng bố rõ ràng đã đưa ra một lời tuyên chiến mới với nước Nga. Giờ đây, người ta đang chờ đợi những phản ứng cụ thể của chính phủ và các cơ quan hành pháp Nga trước thách thức này. Còn xét trên bình diện toàn cầu, cộng đồng quốc tế đã đến lúc cần phải có một chính sách phối hợp chung trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố...

Kịch bản quen thuộc

Vụ đánh bom đầu tiên xảy ra tại một đường phố trung tâm của Kizliar, cách các tòa nhà của Bộ Nội vụ và Cơ quan an ninh liên bang (FSB) tại đây chỉ khoảng 300 mét. Mục tiêu đã được bọn khủng bố lựa chọn từ trước: đó là một chiếc xe buýt chở các nhân viên Bộ Nội vụ. Tên khủng bố cảm tử ngồi sau tay lái chiếc xe Niva đã cho kích hoạt số thuốc nổ (tương đương 200 kg TNT) để trong xe vào lúc 8 giờ 40 sáng, đúng lúc chiếc xe buýt chở các nhân viên an ninh đi ngang qua.

35 phút sau vụ nổ thứ nhất, khi các nhân viên cứu hỏa, cấp cứu và cảnh sát có mặt tại đây để phục vụ cho công tác cứu chữa và điều tra thì vụ nổ thứ hai tiếp tục xảy ra. Thủ phạm đánh bom tự sát lần này lại là một kẻ lạ mặt mặc sắc phục cảnh sát. Hắn đã lẳng lặng tiếp cận vào sát nhóm điều tra viên tại hiện trường trước khi cho kích nổ quả bom giấu trong người. Hậu quả của cả hai vụ đánh bom liên tiếp khiến 12 người thiệt mạng (trong đó có 9 nhân viên cơ quan hành pháp) và 29 người bị thương.

Đặc điểm vụ khủng bố kép tại Kizliar cho thấy nhiều khả năng đây là bước tiếp theo của vụ đánh bom tại ga tàu điện ngầm Moskva hai ngày trước đó. Như để thách thức các cơ quan hành pháp, các vụ đánh bom đều xảy ra tại những địa điểm gần các tòa nhà của Bộ Nội vụ và FSB. Còn kịch bản đánh bom kép (gây ra vụ nổ đầu tiên và sau đó là vụ nổ thứ hai nhằm vào các điều tra viên) giống hệt như vụ tấn công tàu tốc hành Nevski trước đó của Said Buriatski và đồng bọn - kẻ mới bị các cơ quan mật vụ Nga tiêu diệt hồi đầu tháng 3 vừa qua.

Thủ tướng Vladimir Putin không loại trừ khả năng cả hai vụ đánh bom tại Moskva và Kizliar đều cùng do một nhóm khủng bố gây ra, đồng thời khẳng định đó là những tội ác thực sự nhằm chống lại cả nước Nga.

Phản ứng của Moskva

Ngay sau những vụ khủng bố đẫm máu trên, cả Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin đều khẳng định sẽ lần ra và trừng trị đến cùng những kẻ chủ mưu của các tội ác này, nhiệm vụ mà theo như ông Putin, chính là thể hiện danh dự của các cơ quan hành pháp Nga. Người đứng đầu chính phủ Nga cam kết, sẽ hoàn thiện hơn nữa hệ thống bảo đảm an ninh chống khủng bố nhằm không để lặp lại một thảm kịch thứ hai tương tự như tại Moskva vừa qua.

Ngoài việc tăng cường cuộc đấu tranh chống khủng bố từ phía các cơ quan mật vụ và hành pháp, Thủ tướng Putin còn nhắc tới một loạt các giải pháp khác: từ hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm an ninh cho người dân, phát triển hệ thống camera giám sát, hoàn thiện và triển khai rộng rãi các phương tiện kỹ thuật giúp phát hiện chất nổ, hệ thống cứu hộ, cảnh báo cho các công dân v.v...

Hiện trường vụ đánh bom kép tại Kizliar (Dagestan).

Sau nhiều dấu hiệu cho thấy, vụ khủng bố tại hệ thống tàu điện ngầm Moskva có nguồn gốc từ vùng Bắc Kavkaz, Chính phủ Nga nhiều khả năng trong thời gian tới sẽ triển khai một chính sách "bàn tay sắt" nhằm truy quét mạnh mẽ hơn các phần tử khủng bố ly khai tại đây. Thời gian gần đây, dù đã đạt được những thành công đáng kể tiêu diệt được nhiều tên trùm phiến quân, nhưng tình hình tại Bắc Kavkaz vẫn đang có những dấu hiệu biến đổi phức tạp. Phiến quân Chechnya đã mở rộng mạng lưới của mình tại cả Ingusetia và Daghestan, đồng thời xây dựng và củng cố quan hệ với các phong trào Hồi giáo cực đoan khác tại nước ngoài, kể cả Al-Qaeda.

Có nguồn tin cho rằng, quân khủng bố tại Bắc Kavkaz đã nhận được sự giúp đỡ trực tiếp của các lực lượng từ nước ngoài, đầu tiên trong việc huấn luyện kỹ chiến thuật tiến hành khủng bố. Đó là lý do khiến Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhắc tới dấu hiệu có sự trợ giúp từ nước ngoài trong vụ khủng bố tại Moskva vừa qua. Cần nói thêm, sự xuất hiện của các nữ khủng bố cảm tử trong hệ thống tàu điện ngầm Moskva là một bằng chứng nữa về chiến thuật "góa phụ đen" của bọn khủng bố, theo đó cả một đội quân nữ cảm tử đã được đào tạo và huấn luyện để trả thù cho cha, chồng hay anh em của họ đã bị chính quyền tiêu diệt trong các chiến dịch truy quét khủng bố trước đó.

Thông tin mới nhất cho biết, một trong những thủ lĩnh hàng đầu của phiến quân tại Bắc Kavkaz là Doku Umarov đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công tại hệ thống tàu điện ngầm Moskva. Trong một đoạn băng video trên các trang web của lực lượng ly khai, Umarov - tự xưng là thủ lĩnh Hồi giáo của Kavkaz - khẳng định chính hắn đã ra lệnh tổ chức hai vụ tấn công trên. Tên này cho biết những "chiến dịch đặc biệt" trên là nhằm trả đũa một chiến dịch của FSB tiến hành tại Ingusetia vào ngày 11/2 vừa qua, đồng thời quả quyết sẽ còn tổ chức những vụ tấn công tiếp theo trên lãnh thổ nước Nga.

Cho dù cần có thời gian để xác minh thông tin trên, nhưng theo các quan chức hàng đầu của Nga, Umarov chắc chắn trong thời gian tới sẽ bị truy lùng và tiêu diệt vì nhiều tội ác trước đó của hắn, bất kể hắn có thực sự dính líu vào vụ tấn công hệ thống tàu điện ngầm Moskva vừa qua hay không.

Cần một chính sách chống khủng bố toàn cầu

"Chúng ta đang phải đương đầu với một kẻ thù chung - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố như vậy khi nhận được tin về vụ khủng bố đẫm máu tại Moskva - Dù bạn đang ở trong hệ thống tàu điện ngầm Moskva hay London, trên xe điện ở Madrid hay một tòa nhà văn phòng ở New York, bạn vẫn phải đương đầu với một kẻ thù: đó là những phần tử cực đoan đang âm mưu đẩy lùi nền văn minh, bóp méo các tư tưởng tôn giáo và mọi giá trị khác".

Theo lời Ngoại trưởng Mỹ, bọn khủng bố không tự động biến mất mà ngược lại đang có xu hướng mở rộng sự liên kết với nhau. Chúng sử dụng những công cụ thời hiện đại - máy bay, thẻ tín dụng, Internet - để liên lạc, hỗ trợ lẫn nhau, trao đổi các phương pháp đào tạo kỹ năng khủng bố, chế tạo thuốc nổ v.v...

Đáng tiếc là trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố đang được "quốc tế hóa", nhân loại vẫn chưa có được một chính sách chống khủng bố mang tính phối hợp trên toàn cầu. Vụ khủng bố tại Moskva vừa qua một lần nữa cho thấy nhu cầu cấp thiết về chính sách trên. Theo Dmitri Rogozin, quan chức đại diện của Nga tại NATO, đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang là một chủ đề hợp tác quan trọng của Nga với nhiều quốc gia.

Trước mắt trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO đang tồn tại một nhóm chuyên gia đại diện cho các cơ quan mật vụ từ nhiều nước, chuyên trách việc phối hợp và trao đổi thông tin chống khủng bố trên khắp thế giới. Nhưng để có được một chính sách phối hợp chung thực sự có hiệu quả, cần phải có sự quan tâm phối hợp hơn nữa cả về chính trị và kinh tế từ phía các cường quốc hàng đầu trên thế giới

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.