Chuyến đi “cứu vãn đồng minh” của ông Obama

Thứ Hai, 21/11/2016, 15:45
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama trong tuần này đã có chuyến công du từ biệt châu Âu trước khi rời Nhà Trắng. Châu Âu từng tỏ ra thất vọng với vai trò của Mỹ dưới thời ông Obama và có lẽ sắp tới họ sẽ còn phải thất vọng nhiều hơn nữa khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng.

Nói là chuyến công du châu Âu nhưng ông Obama chỉ đến Hy Lạp trước tiên rồi Đức trước khi bay sang Peru tham dự thượng đỉnh APEC vào cuối tuần này. Một số lãnh đạo châu Âu khác như Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha dự kiến trong ngày 18-11 sẽ bay sang Berlin để hội kiến với Tổng thống Obama.

Nhìn chung chuyến đi này của ông Obama được nhắm đến hai mục tiêu. Thứ nhất là trấn an đồng minh châu Âu về vai trò của Mỹ trong NATO và thứ hai là sự cam kết của Mỹ trong tiến trình toàn cầu hóa sau khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ. Ông Trump là người theo chủ nghĩa dân túy. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố rằng sẽ buộc các đồng minh châu Âu trong NATO phải tự bỏ tiền ra mua sự bảo vệ của Mỹ và rằng ông sẽ xóa bỏ một số hiệp ước thương mại tự do. Điều này khiến các đồng minh của Mỹ lo ngại.

Hôm 15-11, ông đã gặp Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos và Thủ tướng Alexis Tsipras. Hôm sau, ông đã thăm Acropolis và đến đọc diễn văn ở trung tâm văn hóa Stavros Niarchos. Bài phát biểu của ông Obama được đánh giá là một "di chúc chính trị", nêu bật quan điểm của ông về nền dân chủ, vào lúc chủ nghĩa dân túy đang dâng lên khắp nơi.

Trong cuộc hội kiến với Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos, tuy không đề cập đến tên ông Donald Trump, nhưng ông Obama nói với rằng có được một khối NATO hùng mạnh là một điều “tối quan trọng” và sẽ tiếp tục duy trì ngay cả khi Mỹ “đang có sự chuyển quyền”. Tuy nhiên, trong dịp này tờ báo Rizospastis (Hy lạp) chạy một tựa lớn: “Một câu trả lời không giòn giã cho các liên minh đế quốc và những cuộc chiến của họ”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Berlin ngày 17-11.

Đấy là lời phản đối việc Hy Lạp tham gia NATO, điều đã được ông Obama nêu bật. Tổng thống Mỹ đã khen ngợi Hy Lạp là một trong 5 quốc gia “tôn trọng cam kết dành 2% GDP cho quốc phòng”, cho dù đang bị khủng hoảng.

Tuy nhiên mục tiêu tự do thương mại được nhấn mạnh hơn cả trong chuyến thăm này của Tổng thống Obama. Khi vừa đến Berlin ngày 16-11, ông Obama và Thủ tướng Đức đã ra thông cáo chung ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa. Hai nhà lãnh đạo nói rằng trong khi nền kinh tế thế giới phát triển nhanh hơn bao giờ hết, sự phối hợp giữa các quốc gia là vô cùng quan trọng.

Viết trong một bài báo cho tạp chí Wirtschaftswoche (bằng tiếng Đức), hai nhà lãnh đạo lên tiếng ủng hộ Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đang được đề xuất giữa Mỹ và EU. "Sẽ không có sự trở lại với một thế giới trước toàn cầu hóa. Chúng ta có trách nhiệm với các công ty và công dân của chúng ta, và toàn thể cộng đồng thế giới, là mở mang và đẩy mạnh sự hợp tác", ông Obama và bà Merkel viết.

Thắng lợi của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là tiếng chuông báo động đối với toàn cầu hóa và thế giới phẳng. Giới chính trị tinh hoa phương Tây giờ đây nhận ra rằng bởi quá sa đà vào mục tiêu toàn cầu hóa mà họ bỏ quên lợi ích “đám đông im lặng” trên chính đất nước mình. Và “đám đông im lặng” đó đã lên tiếng, tạo nên phát súng đầu tiên Brexit, và nay là cú đại bác mang tên Donald Trump. Tất nhiên, có thể Trump không phải là người chống toàn cầu hóa, nhưng ông là người hiểu hơn ai hết những mặt trái của toàn cầu hóa. Ông đã khai thác nó triệt để...

Và giới chính trị tinh hoa cổ xúy toàn cầu hóa, họ không phải là không ý thức được các hệ quả xấu của toàn cầu hóa, nhưng có lẽ họ đã quá tự tin rằng họ gây ra vấn đề thì họ tự xử lý hoặc cũng có thể họ... phóng lao thì phải theo lao. Đặc biệt, họ không tin rằng có những kẻ phá bĩnh có thể phá vỡ được cấu trúc của họ. Việc họ chủ quan, trì hoãn, hoặc cũng có thể là bó tay (khi xử lý các phát sinh của toàn cầu hóa) khiến “đám đông im lặng” ngày càng thất vọng.

Ở đây, sự thất vọng về kinh tế chưa đến nỗi nào, nhưng sự thất vọng về mặt văn hóa, tôn giáo, chủng tộc... ngày càng trầm trọng. Như đã thấy, ngay cả một cộng đồng cởi mở như Mỹ mà ngày nay dân chúng cũng dần cảm thấy quá phiền toái với việc Mỹ cứ mở rộng cửa, cứ để cho dân nhập cư tràn vào nước Mỹ. Obama, một trong những sứ giả của toàn cầu hóa, nay cũng phải thừa nhận rằng: những hệ lụy của toàn cầu hóa đang mở ra cơ hội cho các phong trào dân túy cũng như dân tộc chủ nghĩa trên thế giới.

Giờ đây, các chính trị gia kiểu mới theo đường lối dân túy, quay trở lại với những giá trị quốc gia, dân tộc... đang trở nên “thịnh hành”. Và tất nhiên, thế hệ chính trị này sẽ cản đường toàn cầu hóa.

Việc một quốc gia này tìm đến một quốc gia khác, bên cạnh các yếu tố “râu ria” khác, thì yếu tố chính vẫn là tìm kiếm lợi ích, với hai lĩnh vực cơ bản là tài nguyên và thị trường. Trước đây thì các nước văn minh hiện đại hơn sử dụng sức mạnh quân sự để khống chế và bóc lột các nước thuộc địa. Nhưng kỷ nguyên đó giờ đã hết.

Giờ đây, để duy trì địa vị thống trị của mình, các nước đi trước không chỉ sử dụng quân sự, mà còn cả chính trị và kinh tế... Và toàn cầu hóa có vẻ là một trong những hình thức để thống trị thế giới của riêng người Mỹ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ dường như cho rằng họ có thể nắm lấy toàn bộ thế giới. Và toàn cầu hóa là một trong những “vũ khí” lợi hại mà Mỹ vẫn đang cổ xúy.

Dĩ nhiên, nếu nói toàn bộ nước Mỹ có mục tiêu như vậy thì không đúng. Thực chất thì chỉ giới chóp bu quyền lực (kinh tế, tài chính, vũ khí...) Mỹ nghĩ ra và theo đuổi lý tưởng đó. Và như Trump từng ám chỉ, giấc mộng thống trị thế giới bằng toàn cầu hóa rất viển vông và rất nguy hiểm.

Trên con đường thực thi toàn cầu hóa của mình, giới tinh hoa Mỹ không từ bất kỳ thủ đoạn nào để đập vỡ những bức tường, những trở ngại. Nhưng như Trump cảnh cáo, có những bức tường... chớ đụng vào, ví dụ Nga. Đụng vào Nga khác nào muốn hủy diệt cả thế giới...

Nhưng giới tinh hoa Mỹ, cho tới lúc này vẫn còn tin rằng họ có thể chinh phục mọi trở ngại. Dù tạm thời đang bị Trump ngăn cản, nhưng họ sẽ phản công... Ở đây, mở ngoặc một chút để nói về sự đón nhận toàn cầu hóa ở các nước nhỏ. Không rõ giới chính trị cầm quyền bị mê hoặc bởi những điều tốt đẹp của toàn cầu hóa, hay là bị “tẩy não”, nhưng họ tỏ ra rất... nhiệt tình với toàn cầu hóa. Thậm chí nhiều quốc gia còn làm như thể “không có toàn cầu hóa thì không sống nổi”.

Nhưng nên nhớ, Nhật Bản thịnh vượng từ lâu và vào cái thời đâu có toàn cầu hóa, thế giới phẳng gì đâu? Nếu tham gia vào toàn cầu hóa mà không có năng lực, không biết vươn lên, thì trong thế giới đầy cá mập như vậy, cá con sống sót như thế nào nếu như không bán đi linh hồn của mình?

Tổng thống Mỹ Barack Obama họp báo với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, tại Athens ngày 15-11.

Đúng vào thời điểm Liên minh châu Âu (EU) và Canada ký kết Hiệp định Thương mai tự do (CETA), nhà xuất bản Seuil (Pháp) cho tái bản cuốn sách nổi tiếng của giáo sư kinh tế Jacques Sapir, có tên "La démondialisation - Phi toàn cầu hóa".

Theo chuyên gia Sapir, những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất nhờ giao thương quốc tế không còn biên giới, lại là những quốc gia bảo vệ thị trường nội địa chặt chẽ nhất. Trong ván bài toàn cầu hóa đó, đừng quên là có rất nhiều nước chậm phát triển bị bỏ lại phía sau. Chỉ cần nhìn vào ngành dệt may của Tunisia hay Maroc, chúng ta cũng thấy được điều ấy.

Tựu trung lại, để trả lời câu hỏi: toàn cầu hóa có cho phép thúc đẩy tăng trưởng mậu dịch trên thế giới hay không, thì câu trả lời là có. Nhưng sự thịnh vượng đó đã không được chia sẻ đồng đều. Trong khi chỉ một số ít quốc gia hưởng lợi thì những vùng như châu Phi, đại đa số các nước Nam Mỹ và kể cả một số quốc gia châu Á vẫn bị gạt ra ngoài tiến trình toàn cầu hóa đó.

Trong 10 năm gần đây, tiến trình toàn cầu hóa bị chững lại và được thể hiện bằng cuộc khủng hoảng tài chính 2007/2008. Trong bối cảnh như trên, liệu lời trấn an đồng minh của ông Obama về toàn cầu hóa có nhận được sự cổ vũ nhiệt tình, đó là chưa kể giờ đây ông đâu còn khả năng làm nổi chuyện to tát gì nữa với châu Âu nói riêng và cho thế giới nói chung.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.