Chuyến du thuyết bất thành của Tổng thống Pháp Macron

Thứ Ba, 01/05/2018, 07:01
Chuyến thăm Mỹ 2 ngày của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đánh giá là phép thử lửa cho tình bạn mới gắn kết giữa ông và Tổng thống (Mĩ) Donald Trump. Đều là những người thực dụng, liệu những bất đồng giữa hai con người ấy có được hòa giải thông qua những mối liên kết lỏng lẻo vừa được thiết lập?

Sự biệt đãi của Mỹ đối với đồng minh Pháp

Trước khi đi vào những bất đồng hiện nay trong chính sách của Mỹ và Pháp, cần xem xét tới mối gắn kết gần đây giữa Tổng thống Macron và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Thoạt nhìn thì cả hai rất khác xa nhau. Emmanuel Macron, 40 tuổi, thuộc giới tinh hoa Pháp, lấy cô giáo cũ lớn hơn mình đến 24 tuổi, theo chủ trương đa phương. Còn ông Donald Trump, 71 tuổi, tỉ phú địa ốc, chủ casino và là người dẫn chương trình truyền hình đã có 3 đời vợ, mà người vợ hiện nay là cựu người mẫu trẻ hơn ông 24 tuổi; chủ trương "Nước Mỹ trước hết".

Mối quan hệ đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo bắt đầu từ cái bắt tay mang tính "nắn gân" nhau, tối 27-5-2017 tại Bruxelles, bên lề cuộc họp thượng đỉnh NATO. Gần 2 tháng sau, lời mời ông Donald Trump sang Paris dự cuộc diễu binh nhân Quốc khánh Pháp đã siết chặt một tình bạn mà ít ai ngờ đến.

Thực ra mối quan hệ thân thiết giữa Macron và Trump khởi đầu từ ngày 8-5-2017, ngay sau hôm ứng cử viên trẻ tuổi đắc cử Tổng thống Pháp. Emmanuel Macron nhận được cú điện thoại của Tổng thống Mỹ: "Emmanuel, chiến thắng này và những gì anh đã thể hiện tại Bảo tàng Louvre thật là tuyệt vời! Cả đêm qua tôi ngồi trước tivi. Những hình ảnh tuyệt lắm, chúc mừng anh!". Theo bản năng, hai con người cá tính này đã nhanh chóng đánh giá được nhau và thấu hiểu.

Khi thăm Pháp ngày 14-7-2017, Tổng thống Trump rất hài lòng, nhất là cuộc duyệt binh chào đón gây ấn tượng. Chuyến thăm này đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ cá nhân hai tổng thống. Riêng với "anh bạn" Macron, Tổng thống Mỹ thường cắt những bài báo nói về mối quan hệ tốt đẹp Pháp-Mỹ, hay tình trạng kinh tế Pháp được cải thiện. Ông khoanh tròn tựa bài và chú thích sau đó cho gửi sang Paris bằng vali ngoại giao. Tuy không ngần ngại chỉ trích thậm chí chế giễu nguyên thủ các nước khác, Donald Trump chưa bao giờ công khai phê phán Emmanuel Macron.

Chả thế mà khi ông Macron sang thăm Mỹ đã được khoản đãi tại Mount Vernon - dinh thự của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ và là nơi tướng Pháp La Fayette từng trú ngụ - mang ý nghĩa đặc biệt đối với Emmanuel Macron, vốn yêu thích lịch sử và các biểu tượng. Đây cũng là sự biệt đãi của Mỹ đối với đồng minh Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mĩ Donald Trump nói chuyện với truyền thông trước khi thảo luận với nhau trong Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, hôm 24-4.

Duyệt hàng quân danh dự trên sân cỏ Nhà Trắng, dạ tiệc cấp nhà nước, diễn văn trước quốc hội: trong 3 ngày thăm viếng, Tổng thống Pháp được dành cho các vinh dự mà chưa nguyên thủ nào có được từ khi ông Trump nhậm chức.

Nhiều tờ báo Mỹ hay chỉ trích Tổng thống Trump tỏ ra hoan nghênh tình bạn kỳ lạ này. Theo Đại sứ Pháp tại Mỹ, Gérard Araud, tình bạn đó là vì lợi ích của cả đôi bên. "Đối với Tổng thống Pháp, dù quan điểm chính trị thế nào, có quan hệ tốt với Tổng thống Mỹ - người quyền lực nhất thế giới - là rất quan trọng".

Ngay từ khi bước vào Điện Elysée tháng 5-2017, ông Macron đã khẳng định: "Là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là cường quốc hạt nhân, nước Pháp phải biết đóng vai trò đối trọng khi thấy xuất hiện tình trạng mất cân bằng". Để đóng được vai trò người đối thoại của châu Âu với Tổng thống Mỹ, ông Macron đã tận dụng bối cảnh 2 đồng minh lớn châu Âu của Mỹ gặp bất lợi.

Thủ tướng Anh Theresa May đang bối rối với Brexit, khó duy trì được truyền thống "quan hệ đặc biệt" giữa London và Washington. Dưới mắt ông Trump, bà Angela Merkel, đang bị yếu thế sau 6 tháng thương lượng lập chính phủ, là đại diện cho Mercedes-Benz, BMW, các nhà sản xuất xe hơi "xấu xí" của Đức, cần phải đe dọa tăng thuế hải quan. Thâm hụt thương mại - nỗi ám ảnh của ông Trump - giữa Mỹ và Đức lên đến 70 tỉ USD, còn đối với Pháp chỉ 4 tỉ USD.

Nhưng theo Le Monde nếu không có cuộc không kích chung giữa Mỹ, Pháp và Anh vào Syria ngày 14-4-2018, ông Emmanuel Macron chẳng có mấy thành tích để chứng tỏ với đồng minh Mỹ. Cho đến nay, chính sách ngoại giao thực dụng của Tổng thống Pháp đã mang lại cho ông hình ảnh tốt đẹp trên trường quốc tế, nhưng hiệu quả đến đâu, không phải là dễ dàng cho Macron, trong một thế giới cũng bất định như chính bản thân ông Trump.

Ông Macron là lãnh đạo châu Âu có thể "thì thầm" vào tai ông Trump nhưng vấn đề là có được lắng nghe hay không khi các hồ sơ mà Tổng thống Pháp phải bàn bạc đối tác Mỹ không hề dễ dàng.

Cần nhớ rằng, trong màn tiếp đón nồng nhiệt của Tổng thống Trump, Tổng thống Macron đã từng sửng sốt bởi một cử chỉ rất "Trump": đưa tay phủi bụi trên áo khoác của Tổng thống Pháp kèm câu nói: "Chúng ta có mối quan hệ rất đặc biệt vì vậy để tôi phủi mảnh gàu nhỏ bé này cho ông".

Báo chí nhận định "phủi gàu trên áo khoác" đã trở thành điểm ngoặt báo trước một cuộc nói chuyện không suôn sẻ giữa hai vị nguyên thủ có quan điểm trái ngược nhau về một số vấn đề quan tâm chung giữa hai bờ Đại Tây Dương.

"Những rào cản trong quan hệ Mỹ-Pháp

Ngày 25-4, phát biểu trước báo giới Mỹ ngay trước khi rời Washington, kết thúc chuyến thăm Mỹ 3 ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chua chát nhìn nhận mình hầu như đã "thất bại" trong nỗ lực thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi ý định đối với hai vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ là thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông Macron cố thuyết phục Tổng thống Donald Trump xem lại chính sách thuế của Mỹ với sắt thép của Pháp và châu Âu, cuộc chiến ở Syria.

Liên quan tới chính sách thuế mới đây của chính quyền Donald Trump nhắm vào lượng sắt thép nhập khẩu vào Mỹ, trả lời phỏng vấn trên kênh Fox News của Mỹ cuối tuần qua, Tổng thống Pháp đã tuyên bố: "Chúng tôi không lao vào chiến tranh thương mại chống lại các đồng minh".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 25-4.

Châu Âu muốn Mỹ vĩnh viễn miễn thuế cho các mặt hàng sắt và thép - hiện chỉ được hưởng tạm thời. Châu Âu đã xây dựng một danh sách các mặt hàng của Mỹ để đánh thuế trả đũa, nếu điều kiện nói trên không được thực hiện. Thời hạn 1-5 sắp tới, nhưng dường như Mỹ và châu Âu vẫn chưa đi tới bất kỳ đồng thuận nào về vấn đề này. Tại Berlin hôm Thứ năm tuần trước, cả Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ xuyên Đại Tây Dương và chính sách đa phương.

Trước chuyến thăm Mỹ của ông Marcon, Điện Elysée cũng giải thích: "Chắc chắn Tổng thống Macron sẽ nhắc lại là ông cực lực phản đối việc châu Âu và Mỹ cùng tăng thuế để đáp trả lẫn nhau. Lý lẽ "bảo vệ an ninh quốc gia" mà Washington đưa ra là vô căn cứ. Cả Paris và Berlin đều đồng ý về điểm này và được Liên minh châu Âu ủng hộ".

Liên quan tới cuộc chiến ở Syria, để thuyết phục Donald Trump ở lại (gần đây ông Trump tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria), nguyên thủ Pháp đã không ngần ngại cảnh báo: "Ngày mà chúng ta kết thúc cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nếu chúng ta rút hết quân và vĩnh viễn, chúng ta sẽ để lại nơi đó cho Iran, cho chính quyền Tổng thống Bachar al-Assad và đồng minh của ông ta".

Vì hai lãnh đạo Pháp-Mỹ dường như khá đoàn kết trên mặt trận Syria, nên theo giới quan sát Emmanuel Macron và Donald Trump sẽ phải tìm một giải pháp trung hòa.

Nói đến Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, các chuyên gia nhận định Tổng thống Pháp đã không thể lay chuyển được quan điểm của chính quyền Donald Trump. Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Mỹ ngày 25-4, Tổng thống Macron nói các quyết định ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu cần phải "dựa trên khoa học", một lời đối đáp chống những nhân vật bảo thủ (trong đó có ông Trump) từng bày tỏ ý kiến hoài nghi liệu con người có góp phần làm biến đổi khí hậu hay không.

Ông Macron quả quyết loài người chỉ có một hành tinh duy nhất. "Không có một hành tinh B", ông nói. Ông Trump thông báo ý định rút khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris năm 2015, nói rằng hiệp định này sẽ phương hại đến các lợi ích kinh doanh của Mỹ. Nhưng ông Macron dự đoán: "Tôi chắc chắn là sẽ có một ngày, Mỹ sẽ quay lại để gia nhập hiệp định Paris". Ngày đó không biết khi nào!

Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định quan điểm của mình cho rằng Thỏa thuận hạt nhân với Iran - tên chính thức là Chương trình hành động phối hợp toàn diện (JCPOA), ký kết năm 2015 - là "một thỏa thuận tệ hại" cần phải sửa đổi toàn diện nếu không Mỹ sẽ rút lui. Tại buổi họp báo sau hội đàm giữa hai tổng thống, khi được báo chí hỏi rằng ngày 12-5 tới - thời hạn ông Trump tuyên bố sẽ quyết định Mỹ có tiếp tục theo đuổi Thỏa thuận hạt nhân Iran hay không - ông Trump đã khôn khéo "đá quả bóng" sang người đồng cấp Pháp: "Không ai biết tôi sẽ làm gì trong ngày 12-5. Tôi nghĩ Ngài Tổng thống đây sẽ có ý kiến hay".

Tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte cùng Tổng thống Donald Trump và phu nhân Melania trồng một cây con đánh dấu trên sân cỏ Nhà Trắng.

Ngược lại, Macron cho rằng Thỏa thuận hạt nhân Iran chỉ là "chưa phản ánh đầy đủ" những vấn đề liên quan đến Iran. Trong nỗ lực nhằm thuyết phục Tổng thống Trump tiếp tục theo đuổi JCPOA, Tổng thống Macron đưa ra phương án thay thế là một thỏa thuận mới sửa đổi, bổ sung thỏa thuận cũ. Ông nói, JCPOA chỉ hạn chế các hoạt động hạt nhân lớn của Iran đến năm 2025, thỏa thuận mới sẽ đi xa hơn, áp đặt sự kiểm soát vĩnh viễn đối với các hoạt động đó, đồng thời bổ sung thêm việc hạn chế các hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo của nước này cùng với hạn chế sự can thiệp quân sự của nước này trong khu vực, nhất là tại Syria.

Tổng thống Macron khẳng định, các quan chức Mỹ và Pháp đang nỗ lực hết sức để tìm tiếng nói chung trong giải pháp đối với Iran và cả khu vực Trung Đông.

Bên cạnh đó, Tổng thống Macron còn triển khai phương án vận động quyết liệt trong hệ thống chính trị Mỹ. Trong bài phát biểu dài 45 phút tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ hôm 25-4, ông Macron đã đưa ra những tuyên bố nhằm thuyết phục các nhà làm luật Mỹ ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân Iran, khẳng định việc duy trì sự tham gia của nước Mỹ trong Thỏa thuận hạt nhân Iran, Thỏa thuận khí hậu Paris là hết sức cần thiết. Macron khẳng định, dù Mỹ không tham gia, nước Pháp vẫn sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trong phát biểu của mình, ông Macron đã cố gắng đưa ra những lập luận về sự cần thiết tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái và bảo vệ trái đất khỏi sự tự hủy diệt vì môi trường sinh thái bị hủy hoại. Trong vấn đề Thỏa thuận hạt nhân Iran, Macron khẳng định, Mỹ, Pháp cần tiếp tục tham gia thỏa thuận để kiểm soát chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.

"Chúng ta không nên từ bỏ nó nếu chúng ta không có cái gì khác tốt hơn để thay thế. Tổng thống và đất nước của quý vị sẽ phải nhận trách nhiệm về vấn đề này" - Macron nhấn mạnh.

Kết thúc chuyến thăm, Tổng thống Macron hầu như chẳng thu hoạch được gì ngoài nỗi thất vọng vì nhiều mục tiêu đối ngoại quan trọng không đạt được. Mục tiêu trước nhất là tìm kiếm đồng minh trong vấn đề Thỏa thuận hạt nhân Iran hoàn toàn là nỗi thất vọng lớn nhất. Phát biểu với báo chí ngay trước khi rời Washington của Macron được cho là khá nặng nề: "Không biết tổng thống của quý vị sẽ quyết định thế nào, nhưng theo cách nhìn của tôi, tự ông ấy sẽ tống khứ thỏa thuận (hạt nhân Iran) này vì những lý do trong nước".

Dẫn chứng việc ông Donald Trump cũng đã rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, Macron nhấn mạnh: "Những thay đổi thường xuyên như thế trong chính sách đối ngoại có thể mang lại hiệu quả trong ngắn hạn nhưng về trung và dài hạn thì thật là điên rồ".

Tổng kết 2 ngày thăm Mỹ của Tổng thống Macron, không một quyết định quan trọng nào được đưa ra. Tổng thống Pháp và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump không đạt được thỏa thuận nào trên các hồ sơ đang có bất đồng, cho dù hai nhà lãnh đạo tỏ ra rất thân tình. AFP cho biết nhân nhượng duy nhất của Donald Trump là không loại trừ khả năng các lực lượng Mỹ ở lại lâu hơn một chút tại Syria. Tổng thống Pháp chỉ tìm được nụ cười trong bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Erik Brattberg, Giám đốc Quỹ Carnegie cho hòa bình quốc tế - chi nhánh châu Âu - dự đoán: "Khi Emmanuel Macron trở về Pháp mà không đạt được thỏa ước nào liên quan tới các chủ đề đang có bất hòa, có thể ông ấy sẽ xem xét lại chiến lược cởi mở với Donald Trump".

M.T. - An Châu (tổng hợp)
.
.