Chuyện ồn ào giữa Tổng thống Philippines và Liên Hiệp Quốc

Thứ Năm, 25/08/2016, 11:25
Từ khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền Tổng thống Philippines đến nay, có khá nhiều chuyện ồn ào về ông cũng như những chính sách chống tội phạm của vị tân tổng thống này. Nhà lãnh đạo Philippines cho rằng, những người chỉ trích ông cứ mở miệng ra là phàn nàn nhưng lại im lặng về các nạn nhân bị tội phạm giết chết.

Mới đây nhất là những tuyên bố mạnh mẽ của ông nhắm vào Liên Hiệp Quốc (LHQ) khiến các thuộc cấp phải cấp tốc đính chính. Ngày 21-8, ông Rodrigo Duterte dọa sẽ rút chân khỏi LHQ để đáp lại những cáo buộc của các chuyên gia quốc tế về vụ giết chết những tội phạm buôn bán ma túy mà không qua xét xử. Ông cũng cho biết sẵn sàng “mời gọi” Trung Quốc thành lập một tổ chức quốc tế tương tự LHQ, nhưng hoạt động hiệu quả hơn.

"Tôi sẽ chứng minh cho cả thế giới thấy rằng các vị là những chuyên gia rất ngu ngốc" - Reuters dẫn lời người đứng đầu Philippines gửi đến đại diện LHQ. Bằng những lời lẽ gay gắt và có phần thô thiển, ông Rodrigo Duterte bày tỏ thái độ coi thường của mình không chỉ đối với các chuyên gia, mà còn chỉ trích LHQ là một tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh nhưng không có hành động tích cực chống đói nghèo, khủng bố và khắc phục hậu quả chiến tranh ở Iraq và Syria.

"Nếu quý vị có thể nói một điều xấu về tôi, tôi có thể cung cấp cho quý vị 10 điều tương tự. Tôi xin nói rằng quý vị rất vô tích sự, bởi vì nếu thực sự cam kết thực thi nhiệm vụ của mình thì quý vị đã có thể ngăn chặn tất cả các cuộc chiến tranh và giết chóc" - nhà lãnh đạo Philippines lớn tiếng tố cáo các chuyên gia LHQ.

Cuối cùng Duterte khuyên các chuyên gia nên tính đếm xem có bao nhiêu người dân vô tội đã chết từ các hoạt động buôn bán ma túy. Khi được hỏi về ý định rút chân ra khỏi LHQ nếu bị o ép quá đáng, ông Rodrigo Duterte nói ngay rằng Philippines có thể kêu gọi các nước khác cùng nhau tạo ra một tổ chức quốc tế thay thế cho LHQ nhưng hoạt động hiệu quả hơn và ông không loại trừ khả năng mời cả Trung Quốc tham gia, dù giữa hai nước vẫn tồn tại nhiều bất đồng. Bất đồng với Trung Quốc vốn được coi là lớn nhất, nhưng hóa ra vẫn chưa tệ hại bằng việc bị LHQ chỉ trích vì chủ trương trấn áp và bài trừ nạn ma túy.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại lễ kỷ niệm 115 năm ngành cảnh sát tại trụ sở Cảnh sát Quốc gia ở Manila.

Phản ứng của ông Duterte được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cùng 2 chuyên gia nhân quyền của LHQ thúc giục ông Duterte và chính quyền Philippines ngừng ngay các vụ giết hại mà không qua xét xử trong cuộc chiến chống lại tội phạm ma túy mà ông đang thực hiện, đồng thời tuân thủ các cam kết về nhân quyền quốc tế.

Agnes Callamard, đặc phái viên LHQ chuyên trách thống kê các vụ xử tử, trong một tuyên bố mới đây, đã nói rằng “các tuyên bố chống tội phạm ma túy cũng không thể giúp Chính phủ Philippines thoát khỏi các cam kết pháp lý quốc tế và không bảo vệ được ai trước trách nhiệm về các vụ giết người trái phép”.

Ngay sau tuyên bố của ông Duterte một ngày, Ngoại trưởng Philippines đã phải lên tiếng đính chính rằng Philippines sẽ không rời khỏi định chế quốc tế này. Ông Perfecto Yasay cho biết là tuyên bố của Tổng thống “thể hiện nỗi thất vọng sâu sắc và giận dữ ghê gớm”. Trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Philippines nói: “Chúng tôi cam kết vẫn là thành viên LHQ, cho dù định chế quốc tế này có nhiều điều khiến chúng tôi rất giận dữ”.

Trước đó vào đầu tháng 6, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon phản đối việc ông Duterte hô hào người dân tự động nổ súng bắn hạ bọn buôn ma túy, nếu thấy chúng lảng vảng trong khu vực họ cư ngụ, cũng như bắn những nhà báo đòi tiền hối lộ. Trong thông cáo phổ biến trên trang mạng của LHQ, ông Ban Ki Moon nói rằng không thể chấp nhận lời hô hào như thế, điều đó không chỉ trái với luật pháp mà còn vi phạm những quyền căn bản mà chính những kẻ phạm pháp cũng được hưởng.

Ngay sau đó, phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Thành lập lực lượng cảnh sát, ông Duterte thắc mắc tại sao LHQ lại dễ dàng can thiệp vào chính quyền của ông trong khi còn những vấn đề quan trọng hơn như các cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhà lãnh đạo Philippines cho rằng những người chỉ trích ông cứ mở miệng ra là phàn nàn nhưng lại im lặng về các nạn nhân bị tội phạm giết chết.

“Tại sao LHQ dễ bị tác động để can thiệp vào công việc của nước cộng hòa này? Hiện chỉ có khoảng 1.000 tội phạm tử vong, trong khi có rất nhiều phụ nữ vô tội và trẻ em bị giết mà không đòi được công lý” - ông nói.

Gần 1.800 người đã chết trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy ở Philippines.

Thậm chí, theo trang Breibart, Tổng thống Duterte dọa sẽ "đánh vào đầu" bất kỳ đại diện nào mà Ủy ban Nhân quyền LHQ gửi sang để giám sát chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của nước ông. Nhà lãnh đạo Philippines còn gọi những người quan tâm đến nhân quyền trong nhiệm kỳ của ông là "kẻ ngốc".

Chuyện ồn ào giữa Tổng thống Duterte và LHQ liên quan tới chính sách chống tội phạm của ông khởi lên từ tháng 6 đến nay. Ngày 22-8, cảnh sát Philippines xác nhận gần 1.800 người đã chết trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy mà lực lượng này đang tiến hành quyết liệt. Chiến dịch chống tội phạm của Tổng thống Rodrigo Duterte được đưa ra ngày khi ông đắc cử với cam kết chấm dứt tệ nạn ma túy tràn lan ở Philippines.

Giới chức Philippines cho biết, biện pháp chưa từng có tiền lệ tại đất nước này khiến hơn nửa triệu người sử dụng ma túy và những kẻ buôn bán chất cấm này phải e sợ và ra đầu thú với cảnh sát. Chủ trương trấn áp tội phạm của ông Duterte theo kiểu trao toàn quyền bắn giết cho cảnh sát, quân đội đang khiến các tổ chức bảo vệ nhân quyền ngày càng lo ngại.

Phelim Kine, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch, cho biết trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Duterte nhiều lần hùng hồn khuyến khích giết những kẻ buôn ma túy, sau đó, ông lại ủng hộ các hành xử này. Cơ quan chống ma túy và tội phạm LHQ lo ngại các biện pháp “triệt để” này và lên án chính quyền Manila ủng hộ các vụ hành quyết không thông qua xét xử. Thượng nghị sĩ Philippines, bà Leila de Lima, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, đang vận động thành lập một tiểu ban điều tra về các vụ bạo lực, giết người.

Một chuyên gia về luật ở Philippines, Jose Manuel Diokno, cho rằng lệnh bắn hạ mới nhất do Tổng thống Duterte ban ra có thể bị chất vấn về mặt pháp lý. Hôm 15-8, bà de Lima cho biết Tổng thống Duterte có khả năng sẽ phải đối mặt với tội danh chống lại nhân loại tại Tòa Hình sự quốc tế (ICC) vì số người thiệt mạng tăng cao trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy quyết liệt của nước này.

Cùng ngày, ông Duterte khẳng định kiên quyết theo đường lối chống tội phạm hiện nay, đồng thời cảnh báo ông “có thể tàn bạo hơn gấp 10 lần”. "Chiến dịch này sẽ kéo dài tới ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi nếu khi ấy tôi còn sống. Tin tôi đi, tôi không quan tâm đến nhân quyền", ông Duterte nói trong một cuộc họp báo tổ chức tại thành phố Davao, miền nam Philippines.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.