Chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Trung Quốc: Lành làm gáo...

Thứ Ba, 08/07/2014, 20:25

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay khi mà Trung Quốc ngày càng bị cô lập trong khu vực và thế giới vì những hành động bá quyền của mình thì chuyến thăm Hàn Quốc ngày 3 và 4/7 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tạo ra nhiều suy diễn về toan tính chính trị trong tương lai.

Về mặt chính thức, lãnh đạo Trung Quốc tới Hàn Quốc là nhằm đáp lại chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Park Geun-hye cách đây gần một năm. Qua chuyến đi này, Bắc Kinh thể hiện rõ tính toán thực dụng, đặc biệt là trong quan hệ kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc và Seoul là đối tác đứng hàng thứ tư của Bắc Kinh, (hoặc thứ năm nếu tính Liên minh châu Âu là một đối tác).

Trong báo cáo mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (ISIS, một trong những tổ chức nghiên cứu chính trị uy tín hàng đầu Mỹ) tung ra giữa tháng 6/2014, nhóm tác giả cho biết, dù dư luận Hàn Quốc luôn xem Trung Quốc như một mối đe dọa an ninh, Hàn Quốc đồng thời ngày càng gắn kết sâu với Trung Quốc qua con đường mậu dịch, kinh tế và thậm chí văn hóa.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.

Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường năm 1992, mậu dịch song phương đã tăng 35 lần và cao gấp 40 lần so với quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Năm 2004, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Mậu dịch với Trung Quốc năm 2013 chiếm 26% tổng xuất khẩu Hàn Quốc và chắc chắn tiếp tục tăng, khi mà hai nước hiện đang trong tiến trình thảo luận Hiệp định Mậu dịch tự do (FTA) với vòng đàm phán mới đây tổ chức vào tháng 3/2014; chưa kể các cuộc đàm phán về Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - một FTA mà Trung Quốc đóng vai trò chính giữa ASEAN và các đối tác FTA khác gồm Australia, Ấn Độ, Nhật, New Zealand…).

Thế nhưng, theo giới quan sát, ngoài lĩnh vực kinh tế, chuyến đi của ông Tập Cận Bình còn nhắm tới nhiều mục đích chính trị và ngoại giao. Trước tiên, đây là một lời cảnh cáo đối với Triều Tiên, đồng minh chính thức duy nhất của Trung Quốc. Mặc dù phụ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh về kinh tế, thương mại, năng lượng, nhưng Bình Nhưỡng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un, dường như "khó bảo", gây nhiều phiền toái, khó xử cho Trung Quốc, như các vụ bắn, thử tên lửa và thử hạt nhân, thái độ hung hăng với Hàn Quốc.

Đương nhiên, Trung Quốc cần Triều Tiên như một vùng đệm bảo đảm an ninh và chính biến tại Bình Nhưỡng có nguy cơ gây thảm họa tị nạn cho Trung Quốc, nhưng rõ ràng, Bắc Kinh không hài lòng về Bình Nhưỡng. Do đó, việc cải thiện quan hệ Bắc Kinh - Seoul tạo hy vọng làm dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nơi mà hai miền Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng có chiến tranh, kể từ sau Hiệp định đình chiến 1953.

Lãnh đạo Trung Quốc tới Hàn Quốc vào lúc quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đang ở mức thấp nhất. Trung Quốc muốn tìm kiếm hậu thuẫn của Hàn Quốc để đối đầu với Nhật Bản. Trong liên minh Mỹ - Nhật - Hàn thì mắt xích Nhật - Hàn là yếu nhất và Trung Quốc là người hiểu rõ nhất và đang tận dụng khai thác triệt để điểm yếu này.

Quá khứ tội ác của quân đội Nhật hoàng tại Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là những chủ đề nhạy cảm, dễ kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Hẳn chúng ta còn nhớ, cứ hễ chính khách nào của Nhật thăm đền Yasukuni thì đều gây nên phản ứng từ cả Bắc Kinh lẫn Seoul. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Hàn Quốc đều có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản.

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đồng minh quan trọng, đóng vai trò chủ chốt trong kế hoạch tái triển khai lực lượng của Mỹ, trong khuôn khổ chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama. Mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Trung Quốc là cản phá, hạn chế tối đa sự hiện diện của Mỹ trong vùng. Chiến lược này của Trung Quốc sẽ thu được kết quả nếu như Bắc Kinh thành công trong việc đào sâu hố bất đồng giữa hai đồng minh vùng Đông Bắc Á của Washington và lôi kéo được Seoul vào quỹ đạo của mình.

Chính quyền Mỹ bày tỏ lo ngại và không muốn Seoul tham gia dự án Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á - AIIB. Dự án này do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái, nhằm cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á mà theo Bắc Kinh là do phương Tây và Nhật Bản thao túng.

Mỹ cho rằng, Trung Quốc muốn sử dụng ngân hàng này vào mục đích chính trị và nếu Hàn Quốc tham gia, thì lòng tin của Mỹ đối với Hàn Quốc, với tư cách là một đồng minh, sẽ bị tổn hại. Giới phân tích nhấn mạnh: Hàn Quốc sẽ mắc sai lầm nếu làm suy yếu quan hệ với Mỹ. Chính Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đang bảo vệ Hàn Quốc để chống lại các nguy từ Triều Tiên.

Cũng có ý kiến nhận xét rằng, Seoul thật ra không thể liều lĩnh bỏ Mỹ, trên mọi phương diện. Mọi tương quan với Trung Quốc cho đến thời điểm này vẫn chỉ đặt trên cơ sở quan hệ kinh tế. Hàn Quốc vẫn cần sự hiện diện của 28.000 lính Mỹ để phòng vệ trước Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc vẫn sử dụng chủ yếu thiết bị quân sự Mỹ (gần đây họ dự tính chi khoảng 8 tỉ USD để mua ít nhất 40 chiến đấu cơ F-35 của Lockheed Martin). Hàn Quốc tiếp tục tập trận thường xuyên với Mỹ...

Seoul quan hệ với Bắc Kinh là vì hai lý do. Thứ nhất, họ muốn Bắc Kinh giúp kiềm chế sự “bướng bỉnh” của Bình Nhưỡng; thứ hai, họ muốn… chọc tức Mỹ! Seoul hy vọng Washington sẽ chú ý hơn và phải "đối xử công bằng" với họ như đối với đồng minh Nhật. Washington cho phép Nhật sản xuất hạt nhân trong khi Hàn Quốc bị khước từ là một ví dụ của sự "bất công" như vậy. Washington chia sẻ thông tin tình báo với Úc về Trung Quốc nhưng thường không làm tương tự với Hàn Quốc về Triều Tiên. Trong một số trường hợp, Washington đã không đếm xỉa Seoul khi muốn nói chuyện với Bình Nhưỡng.

Nói cách khác, chính sách đối ngoại Seoul là chính sách "đồng minh một phần" với Mỹ và "đối tác toàn diện" với Trung Quốc. Sẽ không thể và không bao giờ có chuyện Bắc Kinh lôi được Seoul vào quỹ đạo chính trị của họ. Trong cuộc chơi kiểu này, có phần lá mặt lá trái, khả năng thể hiện sự "tế nhị" là yếu tố hàng đầu. Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn chưa đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa hiện đại THAAD (Terminal High-Altitude Area Defense - được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo cách xa 257 km ở độ cao khoảng 144 km).

Tổng thống Obama trong chuyến thăm châu Á lần gần đây nhất, ngày 23/4/2014, đã không thể hàn gắn được quan hệ của các đồng minh Nhật - Hàn bị rạn nứt bởi những bất đồng do lịch sử để lại. Nếu như các tranh cãi về quá khứ tội ác của quân đội Nhật Hoàng là điều có thể hiểu được, thì thách thức chiến lược về lâu dài đối với Hàn Quốc là tránh trở thành "vệ tinh" của một quốc gia như Trung Quốc, đang ngày càng củng cố sức mạnh để thực hiện tham vọng bá chủ trong vùng

M.T. (tổng hợp)
.
.