Chuyến thăm đầy mạo hiểm của Giáo hoàng tới Iraq

Thứ Ba, 09/03/2021, 10:11
Chuyến thăm Iraq trong 4 ngày của Đức Giáo hoàng Francis đã bắt đầu vào Thứ sáu ngày 5-3 với điểm dừng chân đầu tiên tại Baghdad, là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau 15 tháng. Đây cũng là chuyến thăm Iraq đầu tiên của một Giáo hoàng La Mã. Chuyến công du được dư luận quan tâm nhiều vì nó diễn ra vào thời điểm không thuận lợi về nhiều mặt, thậm chí được đánh giá là “mạo hiểm” đối với Đức Giáo hoàng.

Theo kế hoạch dự kiến, Đức Giáo hoàng sẽ gặp gỡ các cộng đồng Thiên Chúa giáo tại Iraq và một trong những nhà lãnh đạo Hồi giáo có ảnh hưởng nhất thế giới. Một số nhà thờ Thiên Chúa giáo quan trọng tại 6 thành phố lớn của Iraq, những nơi Giáo hoàng dự kiến sẽ đến thăm, đã được trang hoàng tươm tất để chào đón ông. Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng chuyến đi của Đức Giáo hoàng vào thời điểm này là không thích hợp nhưng nhiều người theo đạo Thiên Chúa tại Iraq lại đang mong mỏi ông đến để giúp họ chữa lành vết thương do chiến tranh.

2 vấn đề lớn khiến cho nhiều người băn khoăn, lo ngại cho chuyến đi của Đức Giáo hoàng. Thứ nhất là vấn đề đại dịch COVID-19. Iraq hiện đang là một trong những quốc gia có số ca COVID-19 nhiều nhất thế giới, với tổng số ghi nhận hơn 700.000 ca, số ca nhiễm mới trung bình hơn 5.000 ca mỗi ngày. Đại dịch bùng phát đã buộc chính quyền Baghdad phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội nghiêm ngặt, áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm và phong tỏa hoàn toàn trong 3 ngày cuối tuần.

Áp-phích về chuyến thăm của Đức Giáo hoàng trên đường phố Baghdad.

COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động chính trị, ngoại giao tại nhiều nước thời gian qua. Tại Iraq, việc chính khách, thành viên các ngoại giao đoàn bị nhiễm COVID-19 cũng là chuyện đã xảy ra. Đại sứ Vatican tại Iraq Mitja Leskovar vừa rồi đã xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Điều này có nghĩa là hoạt động ngoại giao của Vatican tại Iraq sẽ phải hết sức thận trọng, phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Để bảo đảm an toàn cho chuyến thăm của Đức Giáo hoàng, toàn bộ thành viên đoàn cùng đi đều phải tiêm vaccine trước khi lên đường, đồng thời các biện pháp phòng dịch như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang cũng sẽ được triển khai triệt để. Số lượng người được phép trực tiếp dự cuộc tiếp đón Đức Giáo hoàng cũng hạn chế thấp nhất, đại đa số phải xem qua truyền hình.

Vấn đề an ninh mới thật sự đáng ngại hơn. Iraq đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn về mặt an ninh. Iraq từng là “vùng đất chết chóc” với cuộc chiến khốc liệt giữa phiến quân nổi dậy dòng Sunni với chính quyền mới do Mỹ hậu thuẫn sau khi lật đổ Tổng thống Saddam Hussein năm 2003. Cuộc chiến tại Iraq cũng được xem là một trong những cuộc chiến tranh tồi tệ nhất, dai dẳng nhất mà quân đội Mỹ từng tham gia trên thế giới. Người ta ước tính có khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ đã bỏ mạng tại Iraq kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Iraq 2003. Còn số dân thường Iraq bị giết hại lên đến hàng chục ngàn người.

Cho đến tận bây giờ, mặc dù chiến tranh đã thật sự chấm dứt từ lâu ở Iraq nhưng vần đề an ninh luôn được đặt ra ở mức độ cao tại nước này. Sau thời gian chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) những năm 2015-2020, Iraq trải qua giai đoạn có thể tạm gọi là “bình yên” nhất thời kỳ hậu Saddam Hussein. Tuy nhiên, sự bình yên đó chỉ ở mức độ tương đối, không có nghĩa là hoàn toàn không xảy ra biến cố nào, dù lớn hay nhỏ. Cuộc chiến chống IS vẫn đang tiếp diễn tại một số địa phương, cùng với đó là xung đột vũ trang “nhỏ lẻ” với các nhóm phiến quân.

Dư luận quan tâm chuyến đi của Đức Giáo hoàng quan ngại rằng tình hình an ninh tại Iraq đã chuyển biến xấu đi từ đầu năm 2021. Đặc biệt là gần kề ngày Đức Giáo hoàng lên đường đến Iraq, nước này lại hứng chịu loạt vụ tấn công bằng tên lửa. Cụ thể, cuối tháng 1-2021, một vụ đánh bom kép do IS thực hiện tại một khu chợ đông đúc ở Baghdad làm chết 32 người. Song song đó là những vụ bắn tên lửa của các nhóm dân quân được cho là do Iran hậu thuẫn. Gần đây nhất, chỉ ngày trước chuyến thăm của Đức Giáo hoàng, dân quân đã tập kích một doanh trại liên quân do Mỹ dẫn đầu tại khu vực phía tây Iraq gây thương vong cho một số lính Mỹ.

Năm 2000, người Thiên Chúa giáo Iraq từng mong đợi chuyến thăm của Đức Giáo hoàng John Paul II nhưng ông không đến vì trục trặc ngoại giao giữa Vatican với chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein. Còn hiện nay, Vatican xem chuyến thăm Iraq của Đức Giáo hoàng Francis là một “hành động vì tình yêu thương”. ông đến Iraq mang theo thông điệp “vì hòa bình” không chỉ cho đất nước Iraq, mà còn cả khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, ông đến Iraq còn vì những con chiên đã trải qua nhiều đau đớn. Rất nhiều người Thiên Chúa giáo ở Iraq đã phải rời bỏ đất nước kể từ năm 2003. Những người còn lại luôn mong có một “phép màu” cứu rỗi cho cuộc sống của họ.

“Chuyến thăm chứa đựng nhiều rủi ro và Đức Giáo hoàng đang chấp nhận rủi ro vì ông là một mục sư, một người cha, một người đi đến với bất cứ ai gặp khó khăn. Về vấn đề an ninh, tôi tin rằng Chính phủ Iraq sẽ thực hiện tất cả các biện pháp để đảm bảo chuyến thăm diễn ra trong yên tĩnh” - Hồng y Leonardo Sandri thuộc Bộ Giáo hội Phương Đông của Vatican nói.

Những rủi ro an ninh chờ đón Đức Giáo hoàng tại Iraq là không nhỏ. Lịch sử từng chứng kiến một sự kiện gây chấn động toàn thế giới: Một thanh niên Hồi giáo tên Mehmet Ali Aðca đã ám sát Đức Giáo hoàng John Paul II tại Quảng trường St. Peters vào năm 1981 khiến ông bị thương nặng. Nhưng sau đó, Đức Giáo hoàng đã yêu cầu chính quyền Italy ân xá cho người này. Kể từ sau sự kiện đó, việc một Giáo hoàng đi đến một vùng đất của người Hồi giáo luôn tạo sự lo ngại về mặt an ninh, bởi nguy cơ tái diễn một vụ việc tương tự là rất cao.

Chính vì thế, giới chính chính quyền Iraq đã làm mọi cách để đảm bảo an toàn cho chuyến thăm của Đức Giáo hoàng. Nhiều phương án phòng dịch, dự phòng an ninh đều đã được triển khai, để chuyến đi lịch sử của Đức Giáo hoàng Francis được diễn ra trọn vẹn.

An Châu (Tổng hợp)
.
.