Chuyến thăm nhiều mong đợi

Thứ Ba, 07/10/2014, 15:40

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang thực hiện chuyến thăm kéo dài 5 ngày tại nước Mỹ (kết hợp tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc - LHQ). Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Modi kể từ khi ông lên làm Thủ tướng Ấn Độ (sau chuyến đầu tiên đến thăm Nhật Bản vào đầu tháng 9 vừa qua). Nhiều mong đợi từ cả hai phía đang đặt ra cho chuyến đi.

Thủ tướng Narendra Modi mở đầu chuyến thăm nước Mỹ vào ngày 26/9. Ông đã đến thăm cộng đồng người Mỹ gốc Ấn Độ sinh sống tại thành phố New York, bang New York. Ông đã có cuộc nói chuyện thành công trước đám đông hàng ngàn người gốc Ấn Độ tại Công viên Madison Square Garden và tại các sự kiện khác trong 3 ngày liên tục. Tại đó, ông Modi đã nhận được sự đón tiếp cuồng nhiệt của những người gốc Ấn Độ có tinh thần dân tộc cao độ, một sự chào đón được báo chí Mỹ mô tả giống như người hâm mộ chào đón các ngôi sao nhạc pop.

Ấn Độ với 1,25 tỉ dân, hiện đang là quốc gia mới nổi hàng đầu trên thế giới, nằm trong nhóm BRICS (gồm 5 quốc gia đang phát triển cao nhất là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và là quốc gia có nền công nghệ cao hàng đầu thế giới. Rất nhiều người Ấn Độ di cư sang Mỹ sinh sống và học tập, rồi sau đó thành công trên nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin được xem là mũi nhọn của họ. Modi đã đem thân phận “cậu bé bán chè” ngày xưa của mình ra để khơi dậy tinh thần cầu tiến, vươn lên của người Ấn Độ ở Mỹ, và đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc.

Một ngày trước khi chính thức tiếp kiến Tổng thống Obama, ngày 28/9, ông Modi đã vạch ra những mục tiêu của Ấn Độ dưới thời ông làm Thủ tướng: Đó là xây dựng thêm nhiều nhà vệ sinh, mở rộng việc truy cập Internet ở các vùng nông thôn, đào tạo việc làm giới trẻ, và làm sạch sông Hằng – con sông thánh của người Hindu. Và Modi kêu gọi người Ấn Độ ở Mỹ hãy “về nước” để đầu tư và xây dựng, góp phần phát triển đất nước.

Ngày 29/9, ông Modi đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đón nồng hậu tại Nhà Trắng, và hai bên đã có cuộc nói chuyện trực tiếp, tay đôi đầu tiên. Trước đó, ông đã có cuộc nói chuyện trước Hội đồng Quan hệ đối ngoại, tại đó ông khẳng định rằng Ấn Độ, với tư cách là quốc gia đông dân thứ nhì thế giới, sẽ thách thức vị trí siêu cường của Trung Quốc trong thế kỷ này.

Ông Modi muốn giới thiệu một nước “Ấn Độ mới” do ông lãnh đạo, và bản thân ông cũng muốn tự giới thiệu mình như một người có thể tin cậy để giúp Ấn Độ thực hiện các lời hứa. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, và các nhà quan sát đang đặt câu hỏi liệu ông Modi có làm được cái việc là lấp đầy khoảng cách giữa Mỹ và Ấn Độ trong nhiều vấn đề như chính sách thuế, biến đổi khí hậu, thuê gia công ngoài, quyền sở hữu trí tuệ,… hay không.

Giới chức Mỹ đánh giá rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Modi là một cơ hội để Tổng thống Obama cải thiện hơn nữa quan hệ giữa hai nước. R. Nicholas Burns, một cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, nhận định, Mỹ cần phải tích cực khôi phục hay chấn hưng quan hệ giữa Mỹ với Ấn Độ. Nhưng việc khôi phục quan hệ đó có diễn ra trôi chảy hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và đòi hỏi sự tham gia tích cực từ cả hai phía.

Thời điểm hiện tại, mối quan hệ giữa hai nước đang bị làm mờ nhạt đi bởi việc Tổng thống Obama đang có quá nhiều mối bận tâm khác, tập trung vào các quốc gia khác ở châu Á và Trung Đông. Vì vậy, Nhà Trắng muốn nhân chuyến thăm lịch sử này để “hâm nóng” lại chính sách châu Á chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Obama đến châu Á vào tháng 11 tới.

Một điểm dừng chân ý nghĩa trong chuyến thăm New York của ông Modi là đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm nạn nhân sự kiện ngày 11/9 ở khu Hạ Manhattan, nhưng trong các cuộc nói chuyện với nhiều nhóm khán giả khác nhau, Modi tuyệt nhiên không đả động đến vấn đề liệu Ấn Độ có ủng hộ Mỹ trong chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria hay không. Ấn Độ giữ lập trường trung lập, không theo phe nào trong cuộc chiến ở Syira và tiếp tục giao thương với Iran  bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ và LHQ đối với nước này.

Nhưng, trong từng bước đi kể từ khi lên làm Thủ tướng Ấn Độ, ông Modi đã có những động thái đáng ghi nhận là tăng cường quan hệ với Nhật Bản, lên tiếng cảnh báo Trung Quốc trong vấn đề bành trướng lãnh thổ và tỏ dấu hiệu cho thấy ông có thể là một người bạn đáng tin cậy của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngoài ra, ông Modi cũng có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu – một đồng minh thận cận của Mỹ - bên lề khóa họp Đại hội đồng LHQ.

Thủ tướng Modi nói chuyện trước đám đông người ủng hộ tại công viên Madison Square Garden.

Mặt khác, quan hệ về cá nhân giữa Thủ tướng Modi với nước Mỹ cũng không được êm đẹp. Ngày 25/9, ngay trước khi ông Modi lên đường đi Mỹ, một tòa án ở quận Nam New York đã thụ lý đơn của 2 người Ấn Độ khiếu nại về vụ bạo động tôn giáo giữa người theo đạo Hindu và người theo đạo Hồi, xảy ra vào năm 2002 tại bang Gujarat, lúc ông Modi làm Thủ hiến bang. Đơn khiếu kiện đòi ông Modi phải chịu trách nhiệm vì đã không hành động kịp thời để ngăn chặn bạo lực khiến cho khoảng 1.200 người chết, trong đó đa số là người theo đạo Hồi.

Tuy nhiên, ông Modi vẫn được hưởng quyền miễn trừ theo quy định của luật pháp Mỹ và công ước quốc tế dành cho các nguyên thủ quốc gia. Trong nhiều năm qua, đã nhiều lần tòa án ở Ấn Độ thụ lý đơn kiện nhắm vào ông Modi nhưng tòa án đều phán quyết ông Modi không phải chịu trách nhiệm. Năm 2005, Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định không cấp thị thực nhập cảnh cho ông Modi với lý do là ông đã vi phạm tự do tôn giáo do không hành động đủ mạnh để chấm dứt vụ bạo lực.

Cho đến khi tình hình cho thấy ông Modi hầu như chắc chắn trở thành Thủ tướng Ấn Độ, nước Mỹ bắt đầu nhận thấy cần phải thay đối cách đối xử với ông Modi, cần phải xây dựng quan hệ tốt đẹp với ông nhằm phục vụ lợi ích quốc gia trong việc cải thiện quan hệ với Ấn Độ, bảo đảm chiến lược xoay trục châu Á của Tổng thống Obama được duy trì và không đi lệch hướng

Văn Trương (tổng hợp)
.
.