Chuyện “thầm thì” và tài liệu mật của các nhà ngoại giao

Thứ Năm, 22/01/2009, 09:00
Ở bất cứ quốc gia nào cũng đều có những quy định chặt chẽ về tài liệu mật. Ta có phân loại mức độ như “mật”, “tối mật”, “tuyệt mật”; các nước khác cũng có mức độ tương ứng: secret, top secret, strictly secret, nhiều nước lại có thêm “For eyes only” - “chỉ đọc bằng mắt”, nghĩa là không được ghi chép, không được đọc thành tiếng và đương nhiên là chỉ được đọc tại chỗ, không được mượn đem về.

Vì là “mật” nên thiên hạ anh nào cũng “thích” đọc, cũng tìm cách được đọc một cách “không công khai” - mà nói nôm na theo đời thường là tìm cách “đọc lén”, “đọc trộm”, “ăn cắp tài liệu để đọc”!

Nghề ngoại giao cũng không nằm ngoài quy luật đó: cũng “tay bắt mặt mừng”, thậm chí ôm hôn thắm thiết, chi hàng ngàn USD để tổ chức một bữa chiêu đãi hoặc mua quà cáp đáng giá, và giữa những câu chuyện “trên trời dưới biển”  mà nghe được một câu nói hớ hênh để biết được một tin tức mật, một tài liệu mật thì được coi là… hòa vốn hoặc thậm chí là lãi lớn!

Từ những bài học vỡ lòng

Chuyện kể rằng: Một phái đoàn của một công ty lớn, cỡ “xuyên quốc gia”, sang một nước đối tác để thương lượng về một hợp đồng làm ăn trị giá bạc tỉ USD. Xuống sân bay, đoàn được đối tác đón tiếp rất trọng thể. Đích thân Tổng giám đốc của đối tác ra đón vào phòng VIP của sân bay, các nữ nhân viên của đối tác xinh như mộng chu đáo đỡ hành lý, xách hộ những chiếc cặp cho trưởng phái đoàn và tùy tùng vào phòng khách và lễ phép đặt những chiếc cặp đó ở đúng bên cạnh ghế của từng vị.

Sau ít phút hàn huyên chào hỏi, các vị được đưa về khách sạn và tất nhiên từng người tự xách chiếc cặp của mình. Trong khi phái đoàn còn tắm rửa, nghỉ ngơi chuẩn bị dự bữa tiệc đón long trọng vào buổi tối, thì ở trụ sở công ty chủ nhà, các nhân vật chủ chốt đang mải mê nghiên cứu bản dự án và kế hoạch đàm phán của phái đoàn nọ mang sang. Mọi “con bài tẩy” của khách được phơi bày để chủ nhà chuẩn bị phương án đối phó….

Đây là chuyện có thật, đã xảy ra, và được các cơ quan chức năng thuyết trình cho các đại sứ Việt Nam trước khi đi nhận nhiệm vụ. Bài học rút ra là đừng bao giờ tin vào quảng cáo của những hãng sản xuất cặp: nào là “cặp chống chụp”, “những lớp lót trong cặp chống chụp trộm”,...

Nếu đã định để tài liệu thuộc hàng “mật” ở trong cặp xách tay thì… “khôn hồn” cứ phải luôn ở trên tay, không đưa cho bất cứ người nào khác, dù chỉ trong vòng vài phút đón tiếp trịnh trọng. Cũng bởi thế, trên phim ảnh trinh thám, đã có những chiếc cặp có vòng khóa để khóa luôn vào cổ tay của người xách, coi như “vật bất ly thân”!

Đối với những tài liệu “tối mật” hoặc “tuyệt mật” thì có một nơi cất được tạm coi là an toàn: túi áo ngực bên trong chiếc áo vét của đại sứ, bởi ông này được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao (miễn khai, miễn khám) và quyền “bất khả xâm phạm” theo Công ước Vienne. Về đến sứ quán thì cất ngay vào két sắt, và sau một thời gian theo quy định, cho vào máy nghiền giấy ở phòng và sau đó đem đốt, đập cho vụn thứ tro còn lại.

Trong một lần “tán chuyện tào lao” ở tiệc chiêu đãi, một vị đại sứ nước ngoài buột miệng: “Ghi chép, in ấn làm gì! Cứ thu nó vào một cái đĩa mềm của máy tính rồi mang đi cho nó gọn!”. Một lúc sau, một vị đại sứ khác thầm thì với tôi: “Rõ là chuyện tầm phào! Chụp lại một cái đĩa mềm cất trong cặp còn… dễ hơn cả chụp một xấp tài liệu!”.

Trên đây mới chỉ là một trong những bài học “vỡ lòng” của các đại sứ. Riêng trong mục này, hàng tháng hoặc hàng quý, các cơ quan chức năng còn có những bức điện mật hướng dẫn, khi phát hiện một kiểu cách “moi tài liệu mật” mới của các nước, các vùng.

Dẫu sao, các đại sứ chỉ hàng năm mới được về nước (khi có hội nghị ngoại giao của Bộ), còn tài liệu thì không thể chờ… hàng năm được. Bởi thế, phải có những đội “giao thông ngoại giao”.

Giao thông ngoại giao: Ngao du một cách vất vả và cực nhọc!

Theo quy định trong Công ước Vienne, giao thông ngoại giao được mang hộ chiếu ngoại giao, nghĩa là cũng được hưởng quyền miễn trừ (miễn khai, miễn khám). Các “túi ngoại giao” nếu đi máy bay được cặp thẻ “cabin” để mang theo người, dù có nặng vài chục cân. Nếu đi tàu hỏa liên vận thì cũng mang vào giường của mình. Bao giờ cũng gồm 2 người để còn… thay nhau trực túi hàng. Đi tàu hỏa liên vận, đến bữa ăn cũng chỉ một người xuống toa ăn, sau đó về “đổi ca”. Buổi tối, cũng chỉ một người được ngủ – dù có đủ 2 giường, thậm chí có lúc mua luôn cả một cabin 4 giường cho 2 người. Chia nhau ra người ngủ, người thức và cũng “đổi gác” như các chiến sĩ cảnh vệ vậy!

Mỗi đội như vậy thường phụ trách việc chuyển tài liệu cho dăm bảy nước có sứ quán của ta (cho tiện đường đi lại). Theo lịch đã báo trước từ nhà, các sứ quán phải cử ít nhất là 2 cán bộ ngoại giao (có thẻ ngoại giao để được vào tận trong) đón tại nhà ga xe lửa hoặc hàng không. Đưa các vị giao thông ngoại giao về sứ quán, cũng phải có mặt 2 cán bộ ngoại giao đó làm biên bản giao nhận, những túi còn lại của các sứ quán tiếp theo phải “cặp chì” và đưa vào phòng bảo mật. Xong mọi thủ tục đó mới được… hàn huyên, hỏi chuyện quê nhà và… liên hoan, cụng ly để “chén tạc chén thù” với nhau!

Thì vẫn là “tay bắt mặt mừng”, “thân thiện, thắm thiết”, nhưng lại phải… tỉnh táo hơn cả khi… ngồi nhà! (Tác giả đến dự tiệc của một sứ quán bạn).

Anh em ngoài nghề không biết những chuyện vất vả đó, nên phán rằng: “Làm cái nghề giao thông ngoại giao thế mà sướng! Mỗi lần đi, ngao du được mấy nước, được sứ quán sở tại… nịnh bằng chết, lại chẳng phải đau đầu suy nghĩ  gì về đường lối chính sách!”. Nghe vậy thì cũng đến… cười trừ, xí xóa thôi, chứ biết “cãi” ra sao? Trong những năm 60 của thế kỷ trước, đã từng có cơ quan tình báo của một nước cố tình “cho rớt” một chiếc máy bay chỉ nhằm chiếm được một cái “túi ngoại giao”. Lấy được rồi, cũng lu loa về “lỗi kỹ thuật”, về “thời tiết xấu”, về “hộp đen, hộp đỏ” để sau đó vụ việc được “chìm xuồng”, trong khi  nước nọ vừa mất người, vừa mất tài liệu, ngậm đắng nuốt cay để đợi dịp… trả đũa! Quan hệ 2 nước căng thẳng một thời gian khá dài, chỉ vì… cái túi tài liệu!

Đẳng cấp… “thầm thì”!

Trong giới ngoại giao, hình thức chiêu đãi được nhiều người ưa thích, đó là tiệc đứng (buffet hoặc buffet-dinner), bởi dễ bề… hoạt động. Cầm một đĩa thức ăn “làm phép” hoặc chỉ cầm một ly rượu rồi có thể tự do đi khắp phòng tiệc, chọn người mà chào hỏi, chuyện trò. Thông thường, cái giới này rất phân biệt đẳng cấp: đại sứ đứng nói chuyện với đại sứ, tham tán thì tìm tham tán mà chuyện trò, các bí thư cũng “tụm năm tụm ba” với nhau, ít khi dám “nói leo”. Cấp thấp hơn thì chỉ chào một câu rồi… lảng ra chỗ khác. Cũng có thể vì công việc chuyên môn, mỗi cấp phụ trách một mảng, nhưng cũng có thể các đại sứ chỉ muốn thầm thì với người đồng cấp, nên sinh ra cái sự phân biệt  như vậy. Vài đại sứ đang đứng hàn huyên một vấn đề gì đó, nếu có một người lạ đến chào hoặc chen vào thì câu chuyện được “chuyển hướng” ngay lập tức.

Có một chi tiết liên quan đến chuyện này, đó là vấn đề ngoại ngữ. Thông thường các đại sứ dùng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp; các đại sứ dùng tiếng Tây Ban Nha thường tụm với nhau, cũng như nhóm tiếng Nga, tiếng Đức… Đang lúc “thầm thì” mà nếu có vị đại sứ nào đi cùng một phiên dịch đến, thì  sẽ lại chuyển ngay sang những câu xã giao, những chuyện vô thưởng vô phạt. Các đại sứ của ta đều phải “tự túc” về ngoại ngữ, chứ không thể đi đâu cũng kè kè một phiên dịch nữa. Có thể thấy ngay ở Việt Nam mình, nhiều đại sứ nước ngoài rất thành thạo tiếng Việt, ít khi phải dùng đến “thông ngôn” - trừ những trường hợp mang tính chính thức và trịnh trọng như đến chào các vị nguyên thủ.

Kể cả trong chuyện “thầm thì” giữa các đại sứ này, thì cũng phải hết sức thận trọng, “nghe là chính”. Cái nghề này có những quy định bất thành văn: biết nhâm nhi uống rượu nhưng không được… quá chén, biết cập nhật tin tức hàng ngày để có thể chuyện trò, biết vui đùa thậm chí biết cả chuyện tiếu lâm để làm chủ tình thế khi cần thiết, ngoài những yêu cầu bắt buộc “phải biết” khác. Bộ Ngoại giao vừa có một hội thảo lớn, và năm 2009 sẽ được gọi là “năm ngoại giao văn hóa”, với những yêu cầu  rất cao.

Nhân dịp đầu Xuân Kỷ Sửu, xin góp với An ninh thế giới đôi chuyện vui vui để bạn đọc có chuyện hàn huyên trong những ngày nghỉ tết đón xuân. Chẳng ai lại so sánh giữa khu vực này với khu vực khác vì “mọi sự so sánh đều khập khiễng”, nhưng mà ở mấy nước tôi công tác tại Trung Đông  thì mọi người đều  biết và đều công nhận: thủ đô Cairo của Ai Cập là “một cái chợ tình báo”, là trung tâm của gián điệp các nước; Israel thì có Mossad hoạt động chẳng kém ai;  Syria, Palestine, và ngay cả Kuwait cũng từng có thành tích đáng nể về hoạt động tình báo và phản gián.

Bởi thế, công tác dài hạn ở đây, việc bảo mật luôn luôn là công việc hàng đầu, không được phép lơ là, mà đại sứ “đặc mệnh toàn quyền” thì cũng là “đặc biệt chịu trận” chứ không phải như thiên hạ châm chọc: suốt năm, suốt tháng chỉ thấy cắm cờ trên xe đi dự tiệc!

N.L.B.
.
.