Cơ hội cho "hình ảnh" Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G20
- Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông
- Vấn đề an ninh quốc gia trước làn sóng đầu tư Trung Quốc
Phục hồi và tái định hình nền kinh tế thế giới, vốn đang chao đảo vì suy thoái trong vài năm trở lại đây là chủ đề chính của thượng đỉnh G20 năm nay. Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua, Trung Quốc chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Thâm ý của Trung Quốc được thể hiện qua việc chọn thành phố Hàng Châu làm nơi tổ chức hội nghị. Hàng Châu là thành phố nhiều thắng cảnh thu hút du khách ngoại quốc - với những dấu chân của các thi sĩ Bạch Cư Dị, Tô Ðông Pha, và mặt hàng tơ lụa nổi tiếng gắn liền với truyền thuyết về nàng Tây Thi. Chọn Hàng Châu, Trung Quốc muốn tự trình bày với một bộ mặt hiếu hòa, chỉ chăm lo việc phát triển kinh tế. Họ muốn cả thế giới quên các hành động xâm lăng vùng Biển Ðông. Ðặc biệt, họ không muốn ai trong hội nghị G-20 nói tới phán quyết của Tòa Trọng tài vừa qua.
Năm nay, Trung Quốc đã mời hai nước đang phát triển là Ai Cập và Kazakhstan tới hội nghị G20 với vai trò khách mời danh dự. Hội nghị lần này cũng có mặt Chad - nước đang là Chủ tịch (luân phiên) Liên minh châu Phi (AU), Senegal - đối tác cơ bản của Trung Quốc trong các dự án phát triển tại châu Phi, và Lào - Chủ tịch (luân phiên) năm 2016 của ASEAN.
Trả lời Tân Hoa Xã, Diaa Helmi, Chánh Văn phòng Thương mại Ai Cập - Trung Quốc, nói: “Trung Quốc muốn hội nghị thượng đỉnh lần này trở lại tập trung vào các vấn đề truyền thống và khôi phục các mục tiêu ban đầu với tư cách một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế, nơi sự hợp tác và trao đổi kinh tế giữa các quốc gia không chịu sự chi phối của các mối quan hệ chính trị”.
Chuyên gia này nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang tìm kiếm sự mở cửa đối với thế giới, muốn vươn tới cả châu Phi, thế giới Arập, khu vực Trung Đông cùng các quốc gia khác, và rằng cả châu Phi và các quốc gia phương Tây hiện đang tích cực hướng Đông về phía Trung Quốc. Ông nói: “Điều này phản ánh thực tế là Trung Quốc đã thành công và các kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế của nước này xứng đáng là hình mẫu để theo đuổi”.
Theo ông, “Trung Quốc vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới ở một thời điểm vô cùng nhạy cảm, khi thế giới chịu tổn thất lớn về mặt kinh tế do chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh và xung đột dân sự”. Chuyên gia này khẳng định rằng hội nghị thượng đỉnh năm nay nhằm mục đích giải thoát cho thế giới khỏi các “chính sách kinh tế cổ hủ và trì trệ” như độc quyền hay bảo hộ thương mại vì mục đích chính trị.
Về phần mình, ông Mahmoud Allam, cựu Đại sứ Ai Cập ở Trung Quốc, cho rằng 8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và các hoạt động thương mại cũng có sự sụt giảm đáng kể”.
Lần đầu tiên trong 8 năm qua, Trung Quốc chủ trì hội nghị G20. |
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đã giảm 2,4% trong năm 2015, thấp hơn nhiều so với con số 4,8% của năm 2011. “Thế giới ngày nay cần phải nhận thức được sự cần thiết của hợp tác kinh tế trên toàn cầu, và nền kinh tế thế giới nên mang tính tổng thể chứ không nên là một câu lạc bộ riêng biệt và kín đáo chỉ quy tụ các nền kinh tế mạnh” - ông Allam nói. Ông Allam nhấn mạnh thị trường của các nền kinh tế phát triển ở mức thấp hơn cần phải mở rộng để các nền kinh tế lớn có thể tìm thấy cơ hội xúc tiến và xuất khẩu sản phẩm của mình.
Ông Allam nhận định: “Với vai trò là nước Chủ tịch G20, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một quốc gia đang phát triển lớn, Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian giữa các đang phát triển và các nước tiến bộ nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thế giới công bằng hơn”.
Ahmed Qandil, chuyên gia về các vấn đề châu Á và là người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu chính trị và chiến lược Al-Ahram, nói: “Với việc nắm giữ vị trí Chủ tịch (luân phiên) của G20, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ và chào đón các quốc gia đang phát triển đến với hội nghị nhằm cải thiện sự minh bạch và sự năng động của các hệ thống kinh tế và tài chính thế giới”.
Nhiều người cho rằng các quốc gia đang phát triển sẽ có nhiều cơ hội tại hội nghị lần này, miễn là họ có thể phát đi thông điệp rằng phát triển kinh tế ở Nam bán cầu sẽ làm tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, tăng tốc độ tiêu thụ, tái khởi động chu kỳ thương mại và phát triển.
Chương trình kinh tế và phát triển dày đặc như thế nhưng theo Reuters, Trung Quốc nghi ngờ rằng trong Hội nghị G20, phương Tây và các quốc gia đồng minh sẽ rút ngắn chương trình thảo luận kinh tế để tập trung vào các vấn đề nóng hiện nay gồm biến đổi khí hậu và tranh chấp chủ quyền. "Theo quan điểm của Trung Quốc, Mỹ đang cố gắng bao vây Bắc Kinh", một đại sứ cấp cao phương Tây miêu tả các cuộc đối thoại với giới chức Trung Quốc trước thời điểm diễn ra G20 trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông chưa có dấu hiệu lắng dịu và Mỹ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa ở Hàn Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc cho rằng những vấn đề như trên không nên trở thành tâm điểm thảo luận trong Hội nghị G20. Nhưng theo giới ngoại giao, cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo khác trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, được hy vọng là sẽ đề cập đến các chủ đề khó nuốt, như sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12-7 khẳng định yêu sách chủ quyền dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò” tự vẽ bao trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông, là bất hợp pháp.
Nếu Mỹ nêu vấn đề trên ra thì có khả năng là Nhật Bản hay Ấn Độ sẽ phụ họa. Không thể tác động lên Mỹ hay Nhật Bản, trước khi hội nghị này diễn ra, Trung Quốc đã quay sang Ấn Độ và áp dụng chiến thuật truyền thống là “cây gậy và củ cà rốt”, điều mà Ngoại trưởng Trung Quốc đã thể hiện nhân chuyến công du Ấn Độ vào tuần trước.
Theo báo The Diplomat, trong chuyến thăm Ấn Độ, Ngoại trưởng Trung Quốc đã hàm ý đưa ra một số lời đe dọa, như liên kết Hội nghị Thượng đỉnh G20 do Trung Quốc tổ chức với Hội nghị Thượng đỉnh khối BRICS do Ấn Độ đăng cai. Bắc Kinh có thể áp dụng hình thức trả đũa đối với New Delhi: Nếu Ấn Độ nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Trung Quốc sẽ "trả thù" Ấn Độ trong Hội nghị Thượng đỉnh BRICS.
Ngược lại, nếu Ấn Độ tránh đề cập đến vấn đề Biển Đông tại Hội nghị G20, thì Trung Quốc sẽ hỗ trợ Ấn Độ trong việc gia nhập nhóm các quốc gia cung ứng nhiên liệu hạt nhân NSG.
Tuy nhiên, theo The Diplomat, “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc có thể không hiệu quả. Lời đe dọa trả đũa Ấn Độ tại Hội nghị Thượng đỉnh khối BRICS sẽ khó có thể thực hiện được vì lẽ Trung Quốc không thể nào để cho hội nghị của một khối trong đó Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo lại bị thất bại, một hội nghị được Bắc Kinh xem là cơ hội quan trọng để tăng cường “hình ảnh tích cực quốc tế” của mình trên toàn thế giới.
Trên thực tế, Trung Quốc không có phương tiện hiệu quả để gây sức ép với Ấn Độ. Mặc dù Ấn Độ cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong quan hệ với Pakistan, nhưng Bắc Kinh lại cần đến New Delhi nhiều hơn trong các lĩnh vực khác nhau: Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương...
Mặt khác, “củ cà rốt” của Trung Quốc đối với Ấn Độ có vẻ hấp dẫn. Ấn Độ muốn gia nhập câu lạc bộ các nhà cung cấp hạt nhân, nhưng vẫn lo ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc. Trên vấn đề Biển Đông, yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh không được nhiều hậu thuẫn quốc tế lắm, do đó rất có khả năng là Ấn Độ sẽ lên tiếng về Biển Đông một khi đề tài này được Mỹ hay các nước khác nêu lên.
Đối với Ấn Độ, vấn đề Biển Đông là một cơ hội quan trọng để đoàn kết khu vực kháng lại sự bành trướng của Trung Quốc núp bóng chính sách “Một vành đai, Một con đường”.
Còn một vấn đề khác được báo giới quốc tế nói đến là ý đồ của Trung Quốc hậu G20. Hiện chưa biết được Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ nói về vấn đề Biển Đông nhiều và mạnh đến mức nào, để không làm mất mặt nước chủ nhà. Nhưng nếu Trung Quốc mất mặt - lần nữa, sau khi thua kiện - thì chắc Bắc Kinh sẽ phản ứng mạnh hơn. Tàu chiến có thể kéo tới Scarborough, xây dựng ngay sân bay và căn cứ quân sự, đặt thế giới trước một sự đã rồi.
Tháng 10 tới là một thời điểm thuận lợi cho Trung Quốc, vì người dân Mỹ sắp đi bầu tổng thống. Nước Mỹ sẽ bận rộn với “chuyện nội bộ” và Tổng thống Obama sắp mãn nhiệm có thể không muốn dính vào một cuộc chiến tranh giữa Philippines và Trung Quốc, ngoài tầm quan tâm của trăm triệu cử tri Mỹ!
Trung Quốc có thể đánh cá rằng Tổng thống Mỹ sẽ chỉ lên tiếng phản đối cho đúng phép, sẽ huy động hạm đội Thái Bình Dương tới gần làm bộ bảo vệ Philippines, nhưng đến quá trễ! Hạm đội Mỹ cứ diễu hành chung quanh, máy bay qua lại trên trời, nhưng lính Trung Quốc cứ tiếp tục xây cất các hòn đảo nhân tạo - những “tiền đồn quân sự mới” trên Biển Đông!
Nhưng đánh cược như vậy cũng có phần nguy hiểm. Bởi vì chính năm nay là một năm bầu cử nên ông Obama sẽ phải phản ứng quyết liệt hơn. Nếu ông Obama phản ứng yếu, dân Mỹ sẽ thấy “quả nhiên” đảng Dân chủ yếu ớt trước các vấn đề quốc phòng (như đảng Cộng hòa vẫn nói vậy). Kết quả là bà Clinton sẽ thua. Hơn nữa, ông Obama cũng không thể nào xóa sạch những thành tích của 8 năm cầm quyền bằng một di sản đen tối để lại cho người kế vị ông, dù thuộc đảng nào.
Nếu Chính phủ Mỹ dự đoán Trung Quốc có thể “đánh trộm” ở Scarborough, thì mạng lưới tình báo, vệ tinh của họ có thể biết trước mấy ngày, thời gian đủ để họ phản đối mạnh mẽ bằng hành động. Chính phủ Philippines có đủ lý do để cầu cứu nước Mỹ, nhân danh các hiệp ước an ninh có sẵn. Và thế giới sẽ đứng về phía Philippines.