Có một “cân bằng răn đe hạt nhân” mới?

Thứ Hai, 04/12/2017, 10:50
Mọi hoài nghi về khả năng Bình Nhưỡng đe dọa nghiêm trọng Washington sau khi Mỹ đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố có vẻ đã được giải mã phần nào khi sáng sớm ngày 29-11 quốc gia Đông Bắc Á tiến hành phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Giới phân tích cho rằng đây không chỉ là đòn trả đũa của Bình Nhưỡng trước quyết định bị coi là thiếu cân nhắc của chính quyền ông Donald Trump, mà Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ rằng nước này đã đạt được năng lực đáng kể về tên lửa đạn đạo.

Đằng sau một tuyên bố

Vụ phóng thử tên lửa ICBM mới nhất của CHDCND Triều Tiên đang làm dấy lên câu hỏi mà Mỹ và các đồng minh xem ra sớm muộn cũng phải có câu trả lời: liệu có phải đã tới lúc phải chấp nhận Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ và tìm cách đạt được một thỏa thuận ngăn chặn kho hạt nhân của nước này ngày càng phát triển hay không?

Trung Quốc và Nga đang hối thúc một thỏa thuận, theo đó sẽ “đóng băng” chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, đổi lại Mỹ và Hàn Quốc tạm ngừng các cuộc tập trận quân sự. Mỹ phản bác ý tưởng này. Còn tuyên bố của Bình Nhưỡng sau vụ thử trên rằng họ “cuối cùng đã hiện thực hóa sự nghiệp lịch sử vĩ đại là hoàn tất lực lượng hạt nhân cho quốc gia” dường như cho thấy họ đã đạt được mục tiêu. Nếu đúng như vậy thì ít nhất về mặt lý thuyết, họ có thể để ngỏ khả năng dừng lại ở đây.

Khả năng này phù hợp với điều mà nhiều nhà phân tích lâu nay tin là kế hoạch của nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn quốc gia của mình được công nhận là cường quốc hạt nhân để có thể nhận được những sự nhượng bộ như nới lỏng các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc “đóng băng” kho vũ khí hạt nhân.

Một cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn.

Tuy nhiên, ngay cả khi CHDCND Triều Tiên phát tín hiệu rằng giờ đây họ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán, thì đối với Mỹ và các đồng minh, việc chấp nhận điều này có thể là không khả thi về mặt chính trị. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc từ bỏ chính sách không phổ biến hạt nhân tồn tại hàng thập niên và có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại Đông Bắc Á.

Rõ ràng không chỉ chấm dứt giai đoạn “yên lặng” kéo dài từ giữa tháng 9, việc tiến hành thử Hwasong-15 được xem là hành động thách thức những cảnh báo cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như quyết định của Washington đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố.

Giới phân tích đặt ra câu hỏi rằng vụ phóng tên lửa với sức mạnh lớn chưa từng có này - bay 53 phút và đạt đến độ cao 4.475 km - có làm thay đổi cuộc chơi giữa Mỹ - Triều Tiên nói riêng và nhấn chìm nỗ lực của các bên nhằm nối lại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên hay không?

Câu trả lời lúc này là chưa chắc chắn, bởi lẽ cuộc chơi hoàn toàn có thể thay đổi vì nó còn phụ thuộc vào vấn đề thời gian. Tức là phải cho đến khi Bình Nhưỡng chứng minh được rằng nước này có thể phóng tên lửa ở một quỹ đạo mà cho phép tên lửa vươn tới bất kỳ nơi nào của Mỹ và trở về đúng mục đích, mọi sự mới ngã ngũ.

Dù được giải thích thế nào, hành động của cả Washington và Bình Nhưỡng vừa qua đều được cho là đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vào thế bế tắc và tụt lùi hơn.

Như dội gáo nước lạnh...

Vụ thử Hwasong-15 không chỉ gây ra mối đe dọa chưa từng có với Mỹ, mà còn được cho là phát đi thông điệp rất mạnh tới Trung Quốc. Trên phương diện ngoại giao, vụ phóng tên lửa Hwasong-15 đã xóa sạch mọi ảo tưởng của các nhà hoạch định chính sách quốc tế về ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.

Từ tháng 9 Trung Quốc cũng bắt đầu đóng cửa các công ty liên doanh với CHDCND Triều Tiên, động thái khiến Bình Nhưỡng nhanh chóng mất đáng kể các khoản thu nhập. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng 11, Chủ tịch Tập Cận Bình trấn an người đồng cấp Mỹ rằng các biện pháp cấm vận CHDCND Triều Tiên cần thời gian để phát huy hiệu quả.

Sự im lặng của Triều Tiên suốt hơn 2 tháng cũng khiến nhiều người tưởng rằng Bắc Kinh thực sự đã có tác động lớn đến Bình Nhưỡng. 

Tuy nhiên, vụ thử tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên cho thấy Trung Quốc đã hết lựa chọn khả thi. Từ việc gửi đặc phái viên tới Bình Nhưỡng, đề xuất phương án “ngừng đổi ngừng”, cho tới việc thực hiện các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cũng không làm nước này thay đổi quyết tâm của mình. Báo chí Hàn Quốc đã gọi vụ phóng tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên là “gáo nước lạnh” dội vào Trung Quốc.

Các chuyên gia phân tích cho rằng vụ phóng tên lửa Hwasong-15 là minh chứng cho thấy những nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm gây sức ép để Trung Quốc kiềm chế CHDCND Triều Tiên đã tỏ ra không có hiệu quả trên thực tế. Nó cũng thể hiện rõ rằng những lời lẽ răn đe mà các quan chức Mỹ lẫn Trung Quốc tung ra đến nay không mang lại kết quả nào trong việc điều chỉnh hành vi của Triều Tiên.

Lãnh đạo các nước Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc còn nhiều khác biệt trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Bởi vậy, nhiều nhà phân tích tin rằng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ gia tăng đáng kể các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc mới đây thông báo kế hoạch đóng cửa cầu hữu nghị Trung - Triều giữa biên giới hai nước trong 10 ngày kể từ 11-12. Đây là cây cầu huyết mạch, nơi 70% thương mại biên giới hai nước lưu thông, nên nếu Bắc Kinh kéo dài thời gian đóng cửa cầu, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Bình Nhưỡng.

Bởi vậy có thể nói việc Mỹ đưa CHDCND Triều Tiên trở lại “danh sách đen” bị coi là quyết định vội vàng  và “thiếu cân nhắc”, phần nào thể hiện sự lúng túng và bế tắc của Washington trong việc giải quyết vấn đề. Chính quyền Tổng thống Donald Trump hóa ra lại đang chọn cách tiếp cận nhiều rủi ro nhất để kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, bước đi của CHDCND Triều Tiên bất luận là có chủ ý hay không vào thời điểm nhạy cảm này vẫn bị coi là hành động trả đũa và sự “ăn miếng trả miếng”, và cứ theo lối mòn này vô hình trung đẩy vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vào một vòng tròn luẩn quẩn của những sự khiêu khích - trừng phạt - đáp trả không có lối thoát, làm phương hại những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân thông qua đối thoại và tham vấn.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.