Colombia: Chính thức ký kết thỏa ước hòa bình

Thứ Tư, 31/08/2016, 15:45
Cuộc nội chiến kéo dài 52 năm giữa lực lượng du kích cánh tả FARC với Chính phủ Colombia đã chính thức chấm dứt kể từ ngày 24-8, khi hai bên đặt bút ký vào bản thỏa ước hòa bình tại La Habana, Cuba.

“Chiến tranh đã chấm dứt” - tuyên bố của ông Humberto de la Calle, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia tại La Habana ngày 24-8 sau khi kết thúc cuộc họp cuối cùng đi đến sự thống nhất chung. Hai nhà đàm phán chủ chốt của hai bên - Chính phủ Colombia và FARC - đã mô tả bản thỏa ước vừa được ký là một bản lộ trình cho quá trình chuyển hóa Colombia, chấm dứt những trang sử bạo lực chính trị, đồng thời mở ra một xã hội dân chủ hơn.

“Chúng tôi đã chấm dứt đấu tranh bằng vũ khí và bây giờ sẽ tiếp tục đấu tranh bằng tư tưởng” - Trưởng đoàn đàm phán của FARC, Ivan Marquez hân hoan thông báo.

Tại thủ đô Bogota của Colombia, Tổng thống Juan Manuel Santos theo dõi sát sao cuộc họp và thông báo ký kết thỏa ước. Ông xuất hiện trên truyền hình quốc gia để thông báo trước dân chúng cả nước, tóm tắt các điểm chính của bản thỏa ước để người dân hiểu hơn về thỏa ước hòa bình mà bấy lâu nay họ còn chưa hiểu rõ. Hòa bình là món quà quý giá mà mọi người đều trân trọng. Khắp các đường phố ở Colombia, người dân đổ ra đường nhảy múa vui mừng chào đón sự kiện ký kết thỏa ước hòa bình.

Tiến trình đàm phán hòa bình giữa FARC và Chính phủ Colombia bắt đầu từ năm 2012 tại La Habana, Cuba, ban đầu do cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng chủ trì, trung gian hòa giải. Tiến trình đàm phán đã có lúc bị ách tắc do đôi bên có những bất đồng chưa thể giải quyết. Những nỗ lực hết mình của ông Chavez đã giúp tiến trình được khởi động lại và tiếp tục tiến triển.

Sau khi ông Chavez qua đời tháng 3-2013, tiến trình vẫn tiếp tục với sự trung gian của Chủ tịch Raul Castro. Những bước tiến quan trọng lần lượt đạt được. Đầu tiên là hai bên, FARC và Chính phủ Colombia đạt được thỏa thuận vào tháng 11-2013 về việc các thành viên của FARC được phép tham gia hoạt động chính trị trong tương lai sau khi giải giáp theo thỏa thuận hòa bình.

Các nhà đàm phán Chính phủ Colombia và FARC sau khi ký kết bản thỏa ước.

Tiếp sau đó là việc FARC đưa ra đề nghị ngừng bắn vào tháng 12-2014, và trên thực tế FARC đã tự nguyện ngừng bắn, tạm ngưng các hoạt động chiến tranh và bắt cóc con tin. Tuy nhiên, Chính phủ Colombia khi đó vẫn chưa quan tâm đến thiện chí ngừng bắn này.

Tháng 5-2015, FARC đã mất kiên nhẫn, tự hủy bỏ ngừng bắn sau khi máy bay của Chính phủ Colombia oanh tạc khu vực trú đóng của FARC làm chết 26 du kích quân FARC. Mặc dù vậy, tiến trình đàm phán hòa bình không bị ảnh hưởng. 4 tháng sau, tháng 9-2015, hai bên đã có  bước tiến quan trọng, tiến gần hơn đến một thỏa thuận lịch sử. Hai bên đã đạt được sự nhất trí về hai vấn đề quan trọng là việc có xử tội những du kích quân sau khi giải giáp hay không và việc bồi thường cho các nạn nhân trong giai đoạn FARC tiến hành chiến tranh du kích chống Chính phủ Colombia. Đây là hai gút mắc quan trọng nhất khiến tiến trình đàm phán nhiều lần bị gián đoạn.

Cuối cùng, Chính phủ Colombia đồng ý ân xá cho đại bộ phận du kích quân, không tuyên án tù giam mà chỉ quản thúc tại địa phương đối với những cựu du kích quân từng gây ra cái chết cho thường dân. Đổi lại, FARC phải có phương án bồi thường cho các nạn nhân.

Ngày 22-6-2016 đánh dấu một bước tiến lớn trong tiến trình đàm phán: Chính phủ Colombia và FARC đạt được thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, gần như là một bước đệm chuẩn bị cho việc ký kết thỏa ước hòa bình. Đó là thời điểm mà người dân Colombia ở vùng do FARC kiểm soát cũng như vùng do Chính phủ kiểm soát đều thở phào nhẹ nhõm, yên tâm nghĩ đến một thỏa ước hòa bình cuối cùng. Và điều mong ước của họ đã được lãnh đạo đàm phán Chính phủ và FARC hiện thực hóa vào ngày 24-8. Nhiệm vụ còn lại đối với lãnh đạo Chính phủ Colombia là biến thỏa ước vừa được ký kết thành văn kiện có hiệu lực pháp lý vĩnh viễn để hòa bình thật sự ngự trị ở Colombia.

Tổng thống Santos đã có những bước chuẩn bị khẩn trương cho việc phê chuẩn bản thỏa ước. Ông ấn định ngày 2-10 tới sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về bản thỏa ước. Ngày 25-8, ông Santos đã đích thân đi bộ mang bản thỏa ước dày 297 trang đến Quốc hội để trao cho các nghị sĩ xem xét, thông qua.

Phía FARC cũng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ của mình được nêu trong bản thỏa ước, đó là giải giáp 7.000 du kích quân ở các doanh trại và “biệt khu” với sự giám sát của LHQ. FARC sẽ giải giáp vũ khí hoàn toàn trong vòng 180 ngày kể từ ngày thỏa ước hòa bình có hiệu lực.

Nhìn lại 52 năm cuộc chiến huynh đệ tương tàn, người dân Colombia đã phải trải qua quá nhiều đau thương mất mát. 220.000 người chết, gần 7 triệu người bị mất nhà cửa do chiến tranh. Nhưng nay, khi cơ hội hòa bình đã hiện ra trước mắt, những trở ngại vẫn cứ tiếp tục được duy trì. Để thỏa ước hòa bình thật sự là luật, Tổng thống Santos đang phải đối mặt một cuộc đấu quyết liệt để bản thỏa ước được thông qua.

Đối thủ của ông, cựu Tổng thống Alvaro Uribe là người luôn luôn chống lại việc đàm phán hòa bình với FARC, chủ trương dùng vũ lực để tiêu diệt FARC bất chấp thương vong dân thường. Ông Uribe chủ trương không chấp nhận bản thỏa ước và đang vận động thúc đẩy việc “nhấn chìm” bản thỏa ước tại Quốc hội. Ông cùng phe cánh chống thỏa ước cho rằng, việc ký thỏa ước là quá “ưu ái” đối với các lãnh đạo FARC.

Một vấn đề nghiêm trọng khác chắc chắn cũng sẽ gây phản ứng mạnh là việc các thành viên FARC được tham gia vào hệ thống chính trị quốc gia, được trao cho một số ghế nhất định trong Quốc hội và một số vị trí hạn chế trong nội các chính phủ. Khi hận thù chiến tranh còn chưa thể nguôi ngoai trong một sớm một chiều, việc không chấp nhận thỏa ước hòa bình, không đồng ý để FARC được thuận lợi chuyển sang hoạt động chính trị cũng là điều khó tránh khỏi ở Colombia hiện nay.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.