Colombia: Hiệp định hòa bình bị từ chối

Thứ Sáu, 07/10/2016, 10:35
Không như mong đợi của dư luận ở Colombia và thế giới, Hiệp định hòa bình giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng cách mạng Colombia (FARC) đã bị từ chối trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hôm 2-10. Giới quan sát cho rằng, nguyên nhân khiến Hiệp định bị từ chối là do một số điều khoản chưa hợp lý.

Kết quả cuối cùng được công bố ngày 3-10 cho thấy tỉ lệ phiếu “Không” chỉ nhỉnh hơn sít sao so với phiếu “Có”: 50,22% so với 49,78%. Kết quả đó lập tức tạo nên cú sốc lan khắp Colombia. Lãnh đạo FARC và những người ủng hộ Hiệp định với mong muốn một sự bắt đầu mới ở Colombia thì thất vọng, buồn bã. FARC đã ra tuyên bố bày tỏ sự thất vọng nhưng không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục theo đuổi lộ trình chuyển tiếp sang hoạt động chính trị để xây dựng tương lai.

Kết quả phiếu “Không” thắng thế đã khiến bao công sức đàm phán của các lãnh đạo FARC và Chính phủ Colombia xem như đổ sông đổ biển. Như vậy cả hai phía lại phải quay trở lại bàn đàm phán để thương lượng lại một số điều kiện mà cuộc trưng cầu dân ý không chấp nhận. Người ta chưa biết các lãnh đạo FARC và Tổng thống Juan Manuel Santos sẽ làm gì.

Việc Hiệp định bị bác bỏ khiến Tổng thống Santos rơi vào tình thế khó khăn. Khi Hiệp định được ký kết và chuẩn bị đưa ra trưng cầu dân ý, ông Santos đã tuyên bố “không có kế hoạch B” cho tình huống xấu nếu Hiệp định bị bác bỏ. Ban lãnh đạo FARC cũng trong hoàn cảnh tương tự. Họ cũng chưa định hình sẽ giải quyết thế nào với các trường hợp du kích quân chuẩn bị giải giáp theo Hiệp định để trở về hòa nhập cộng đồng xã hội.

Ngay trước thềm cuộc trưng cầu dân ý, FARC thậm chí còn tuyên bố giải tán lực lượng du kích vị thành niên, đồng thời chuẩn bị thành lập đảng chính trị để chính thức tham gia chính trường. Niềm hân hoan chuẩn bị chào đón hòa bình của họ đã bị dội gáo nước lạnh tại cuộc trưng cầu dân ý, và nó làm cho họ hiểu thêm một điều hết sức quan trọng là “những món nợ” trong quá khứ cần được giải quyết một cách sòng phẳng chứ không thể trao đổi một cách nhẹ nhàng như trong thỏa thuận hòa bình.

Tổng thống Manuel Santos và lãnh đạo FARC đều tuyên bố không bỏ cuộc, tiếp tục đàm phán Hiệp định mới.

Con đường sắp tới đây chưa định hình, chưa ai biết nó sẽ được đi như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục chông gai đối với cả chính phủ của Tổng thống Santos và lãnh đạo FARC. Trước mắt, Tổng thống Santos tuyên bố lệnh ngừng bắn vẫn sẽ được duy trì để bảo đảm các bước thương thảo tiếp tục tại La Habana, Cuba. Ông Santos đã triệu tập các nhà đàm phán của chính phủ họp vào cuối ngày 3-10 để vạch kế hoạch hành động sắp tới.

Về phía FARC, lãnh đạo Rodrigo Londono Echeverri (còn gọi là Timochenko) đồng ý với Tổng thống Santos, đồng thời trấn an dư luận rằng cho dù kết quả trưng cầu “thất bại”, người dân Colombia không chấp nhận Hiệp định hòa bình có quá nhiều nhượng bộ cho FARC, nhưng nó sẽ không làm cho lực lượng này đi chệch con đường đến hòa bình đã chọn. Ông Timochenko khẳng định, FARC vẫn tiếp tục duy trì thiện chí hòa bình và quyết tâm dùng lời nói, chính trị thay cho bạo lực.

Giới quan sát cho biết, trong tuần lễ trước cuộc trưng cầu, nhiều người dân Colombia, nhất là thân nhân, gia đình các nạn nhân của các hành động bạo lực do du kích FARC gây ra, đã tỏ thái độ tức giận khi họ biết trong Hiệp định có các điều khoản nhượng bộ quá nhiều cho FARC, nhất là điều khoản quy định các thành viên FARC được ân xá cho các tội lỗi họ gây ra đối với các nạn nhân dân thường.

Bên cạnh đó, thành phần cực đoan do cựu Tổng thống Alvaro Uribe dẫn đầu không chỉ phản đối việc ân xá cho các thành viên FARC mà còn phản đối cả việc Colombia “ưu đãi” đặc cách cho FARC 10 ghế đại biểu Quốc hội không qua bầu cử trong 10 năm! Ông Uribe cho rằng đây là sự nhượng bộ quá mức cần thiết và không công bằng đối với những nạn nhân trong quá khứ của FARC.

Chưa biết tiến trình khởi động đàm phán lại Hiệp định hòa bình sẽ bắt đầu khi nào, nhanh hay chậm. Nếu thương lượng lại thì Hiệp định mới sẽ được thỏa thuận theo hướng nào? Giới quan sát không tin rằng các lãnh đạo FARC sẽ chịu nhượng bộ, giao nộp một số thành viên để xét xử và tuyên án tù nhằm thỏa mãn yêu cầu của một bộ phận trong đa số bỏ phiếu “Không”.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.