Colombia: Lớp học trong xà lim

Thứ Sáu, 19/05/2006, 08:00

Làm thế nào để giáo dục thanh thiếu niên không bị sa vào con đường tội phạm? Hãy cho chúng thăm các nhà tù và chỉ cho chúng biết đời sống thường nhật của các tù nhân. Sáng kiến này của Luis Botero đã đem lại những kết quả không ngờ tại Medellin, Colombia.

Luis Javier Botero không còn nhớ nổi số lần mình đã viếng thăm các nhà tù. Ông đi thăm các nhà tù không nhằm xem xét vấn đề tội phạm hay bạo động mà để nghiên cứu vấn đề phi bạo lực. Năm 1999, tại Atlanta, Mỹ, Luis Botero đã tham gia một loạt các cuộc hội nghị và từ đây ông khám phá ra vấn đề phi bạo lực. Hai năm sau đó, Luis Botero nói vấn đề này với Guillermo Gaviria, Thống đốc bang Antioquia, một vùng bị nội chiến tàn phá nặng nề ở Colombia.

Từ đó trở đi, vị Thống đốc bang Antioquia đã biến khái niệm trên thành kim chỉ nam cho kế hoạch hòa bình, thành một chuỗi những sáng kiến nhằm ngăn chặn tình hình bạo lực trong vùng. Nhưng 6 tháng sau đó, trong khi đang chủ trì một cuộc tuần hành cổ vũ cho vấn đề phi bạo lực tại Caicedo, cách Medellin 120 km, Guillermo Gaviria đã bị Lực lượng quân sự cách mạng Colombia (FARC) bắt cóc sau đó bắn chết. “Cái chết này còn đau đớn hơn là khi bố tôi qua đời”- Luis Botero kể lại. 95% người Colombia cho rằng Guillermo Gaviria đã không thận trọng. Nhưng họ không biết rằng Guillermo Gaviria tin chắc hòa bình chỉ có thể đạt được bằng con đường đàm phán chứ không thể bằng con đường bạo lực.

Bất chấp cái chết của Guillermo Gaviria, người đầu tiên tạo ra dịch vụ công trên thế giới nhằm mục đích cổ vũ cho vấn đề phi bạo lực, Luis Javier Botero vẫn tiếp tục sứ mệnh tuyên truyền hòa bình bằng các buổi nói chuyện về vấn đề này ở khắp nơi trong vùng. Vùng Antioquia, người đứng đầu của vùng này hiện nay là Anibal Gaviria, em trai của Guillermo, hiện đã trao cả một nhà tù cho Luis Javier Botero dùng để nghiên cứu thực nghiệm.

Với công cụ trong tay, cùng một nhóm đồng sự, Luis Javier Botero đã tổ chức các hoạt động hòa bình mà trước tiên là công việc giáo dục trong các nhà tù lớn tại thung lũng Aburra. Sáng kiến này được ra đời cách đây 3 năm, khi một người mẹ trông rất thất vọng quyết định tới gặp Harold Sanchez, một trong số 4.600 phạm nhân bị giam giữ tại nhà tù Bellavista, để thỉnh cầu người này chỉ cách cho bà giáo dục cậu con trai đang sa vào con đường bạo lực. Tên tội phạm trả lời: “Cách tốt nhất chính là dẫn nó tới đây để tôi chỉ cho nó biết điều gì sẽ xảy ra nếu nó vẫn cứ cố đi theo con đường nó đang đi”.

Lời khuyên trên hiệu quả tới mức chính Sanchez cũng muốn tiếp tục áp dụng phương pháp đó. Ngay trong nhà tù Bellavista, Sanchez thành lập một nhóm công tác và liên hệ với Botero để yêu cầu được sự giúp đỡ. Dự án giáo dục Delinquir no paga (đi theo con đường phạm tội sẽ không có tương lai) ra đời từ đây.

Các em học sinh thăm nhà tù Bellavista.

Khu trung tâm giam giữ của nhà tù nguy hiểm nhất Medellin giờ đây là một phòng học, tại đây tù nhân và học sinh của các trường trong vùng tụ họp hàng ngày để nói về vấn đề phi bạo lực. Hai năm trở lại đây, có trên 1.800 thanh thiếu niên đã viếng thăm nhà tù Bellavista trong khuôn khổ các buổi dã ngoại do nhà trường tổ chức. Học sinh đến cửa nhà tù lúc 9h sáng, sau khi được kiểm tra kỹ càng cùng một số biện pháp an ninh, các em được gặp gỡ khoảng 30 tù nhân, những người này phụ trách việc chỉ cách sống, cách ngủ và cách ăn cho các em.

Các thầy giáo - phạm nhân cũng sẽ kể cho các em biết tại sao họ phải ngồi tù và những điều họ nghĩ khi đang ở trong xà lim. Giờ học tại xà lim diễn ra trong 5 giờ đồng hồ. Với thời gian như vậy, người ta hy vọng đủ để thuyết phục các em biết con đường phạm tội sẽ không có tương lai. Sau đó, sẽ có một giờ nói về vấn đề nhân quyền cho các em, rồi một hội nghị bàn về cách để giải quyết những xung đột bằng con đường hòa bình, về khái niệm phi bạo lực. Cuối cùng, học sinh và thầy giáo - phạm nhân cùng nhau đi ra sân để trao đổi kinh nghiệm.

Chính nhờ hoạt động này, con số người bị giết trong nhà tù Bellavista đã giảm từ 3 hoặc 4 trường hợp mỗi tuần xuống không còn trường hợp nào từ 4 năm nay. “Rất nhiều em học sinh lúc đầu sợ sệt vì lần đầu tiên các em bước vào nhà tù. Nhưng sau một hồi nghe chúng tôi nói chuyện, các em đã bắt đầu bớt sợ, thậm chí có không ít em cảm thương cho những tình cảnh của chúng tôi mà nhỏ lệ” - Hugo Gómez kể lại. Nếu nước mắt không phải là một bảo đảm rằng tất cả các em sau này sẽ đi theo con đường chân chính, nhưng các bậc phụ huynh và giáo viên ghi nhận một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực đáng kể sau khi các em đi thăm nhà tù về.

30 tù nhân tham gia dự án giáo dục trên không nhận được bất cứ khoản thù lao hay được miễn giảm mức án nào. Họ làm vậy bởi vì họ nghĩ rằng thời gian mà họ ở trong xà lim phải trở nên có ích. “Chúng tôi muốn đem đến cho mọi người những kinh nghiệm mà chúng tôi đã phải trả giá, những gì chúng tôi đã học được” - một trong những thầy giáo - phạm nhân cho biết. Sáng kiến trên là cách làm đặc biệt nhằm giáo dục thanh thiếu niên trước vấn nạn bạo lực và đã giúp các em học sinh của 206 trường của 38 quận, huyện của Antioquia nhận thức khá đầy đủ về vấn đề phi bạo lực.

Việc làm của Luis Javier Botero đã được cộng đồng quốc tế hết sức ủng hộ và biểu dương. Tháng 12/2005, Luis Javier Botero đã tới Bethléem, Palestine, để nhận giải thưởng Gene Sharp vì sự nghiệp đấu tranh cho vấn đề phi bạo lực. Phát biểu tại lễ trao giải, Luis Javier Botero cho biết: “Tôi mong tất cả mọi người đều hiểu rằng vấn đề phi bạo lực có thể giúp cải thiện mọi thứ trong các nhà tù, cũng như có thể làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp đối với cả một đất nước”

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.