“Cơn lốc” chính trị hóa COVID-19?

Thứ Ba, 26/05/2020, 11:17
Ngày 19-5 tại Genève, 194 thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua nghị quyết yêu cầu “đánh giá độc lập và khách quan” hoạt động của cơ quan đối phó với đại dịch COVID-19. Đây là điều Mỹ yêu cầu từ lâu nhưng không vì vậy chính quyền Washington giảm bớt những chỉ trích nhằm vào Trung Quốc.

Có hay không việc chính trị hóa về nguồn gốc của virus Corona đang làm lu mờ sự đoàn kết chống dịch của cộng đồng quốc tế.

Nghị quyết trên do Liên minh châu Âu (EU) đệ trình và được chấp nhận với sự đồng thuận chung tại cuộc họp trực tuyến của Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của WHO. Nội dung điều tra là sự ứng phó y tế thế giới dưới sự điều hành của WHO đối với đại dịch COVID-19. Cuộc điều tra này cũng sẽ nhắm vào “các hành động của WHO và các thời điểm đưa ra phản ứng”.

Ngày 19-5, Đại hội đồng Y tế Thế giới nhất trí mở cuộc điều tra độc lập về hoạt động ứng phó Covid-19 của WHO.

Về thời điểm tiến hành điều tra, nghị quyết nêu rõ sẽ tiến hành “vào một thời điểm thích hợp sớm nhất”. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để Trung Quốc bỏ phiếu thuận cho nghị quyết này. Nghị quyết không ràng buộc và đề cập cụ thể đến quốc gia nào là nguồn gốc phát tán virus Corona.

Nghị quyết do EU đề xuất thực ra là một thỏa hiệp vừa làm hài lòng phần nào Washington, vừa không làm mất mặt Bắc Kinh. Ngoài EU, WHO cũng được Nga ủng hộ chống lại lập luận đả kích của Mỹ lên án tổ chức này theo Bắc Kinh. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serguei Riabkov, WHO cần phải được cải cách, phải minh bạch, Nga sẵn sàng tham gia trong tinh thần trách nhiệm nhưng Nga chống lại hành động “chính trị hóa nhằm phá nát” WHO.

Nhiều quốc gia và giới chuyên gia đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách WHO, tổ chức ra đời sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, để tổ chức này có thể ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức về y tế trong thế kỷ XXI. Nhà nghiên cứu bệnh dịch nổi tiếng người Mỹ Larry Brilliant nhận định, cấu trúc của WHO bị phức tạp hóa bởi thực tế rằng các quốc gia bỏ phiếu về mọi vấn đề, đồng nghĩa với việc bản thân cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc này không có thẩm quyền độc lập.

Nghị quyết đưa ra ngày 19-5 nhấn mạnh rằng việc xem xét lại tính hiệu quả của WHO rốt cuộc phải cải thiện được năng lực toàn cầu trong phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nghị quyết cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp cho WHO một nguồn tài trợ đầy đủ để đối phó với đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, EU tuyên bố ủng hộ WHO và những nỗ lực đa phương trong cuộc chiến chống đại dịch. “Đây là thời điểm thể hiện đoàn kết chứ không phải lúc làm xói mòn hợp tác đa phương”, người phát ngôn phụ trách đối ngoại của EU Virginie Battu-Henriksson nêu rõ.

Tuy nhiên, thỏa hiệp trên không tháo gỡ được áp lực đe dọa của Mỹ. Tổng thống Donald Trump kỳ hạn cho WHO trong vòng 1 tháng để cải cách cụ thể, nếu không, Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi tổ chức. Trong cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 18-5, ông Trump gửi “tối hậu thư” cho Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, đe dọa nếu cơ quan này “không cải thiện đáng kể trong 30 ngày tới”, Washington sẽ cắt vĩnh viễn ngân sách và xem xét lại tư cách thành viên của mình trong WHO.

Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch cắt giảm tài trợ cho WHO, có thể từ 450 triệu USD xuống 40 triệu USD, với lý do “không được đối xử đúng mức” và lớn tiếng phê phán Trung Quốc. Phản ứng về các cáo buộc trên, người đứng đầu Ủy ban Y tế quốc gia của Trung Quốc Ma Xiaowei khẳng định, Bắc Kinh đã hành động kịp thời và đầy đủ về việc thông báo dịch bệnh cũng như chia sẻ trình tự mẫu gen đầy đủ của virus.

Cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) ngày 19-5.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng bày tỏ sự sẵn sàng và ủng hộ đánh giá toàn diện phản ứng toàn cầu đối với COVID-19: “Trung Quốc ủng hộ ý tưởng đánh giá toàn diện về phản ứng toàn cầu đối với dịch COVID-19 sau khi dịch được kiểm soát, để rút ra kinh nghiệm và giải quyết những thiếu sót”. Theo ông, công việc này nên được WHO tiến hành một cách chuyên nghiệp, có khoa học, khách quan và trung lập.

Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc cũng cam kết ủng hộ 2 tỉ USD trong 2 năm để hỗ trợ công tác đối phó COVID-19, đặc biệt là những nước đang phát triển. Sau phát biểu của ông Tập Cận Bình, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex M. Azar II phản bác bằng cách chỉ trích gay gắt cả WHO và Trung Quốc.

“Chúng ta phải thẳng thắn với nhau về một trong những lý do chính khiến dịch bệnh này vượt khỏi tầm kiểm soát. WHO đã không thu được thông tin mà thế giới cần và thất bại đó khiến nhiều người mất mạng”, ông Azar tuyên bố. Bộ trưởng Mỹ nói thêm: “Để giấu dịch, ít nhất một quốc gia thành viên đã phớt lờ nghĩa vụ minh bạch của chính mình, khiến thế giới phải chịu hậu quả lớn”.

Trong khi đó, John Ullyot, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ bình luận: “Cam kết 2 tỷ USD của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng khi ngày càng nhiều quốc gia yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện nghĩa vụ theo quy định quốc tế là nói sự thật và cảnh báo thế giới”.

Ngày 20-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đã chỉ trích ông Trump về tối hậu thư đối với WHO, cáo buộc Mỹ “tìm cách biến Trung Quốc thành chủ đề để trốn tránh trách nhiệm, mặc cả về nghĩa vụ quốc tế đối với WHO”.

“Chúng tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ nên tập trung vào việc đánh bại COVID-19 thay vì đưa ra tối hậu thư cho tổ chức hiện chỉ đạo việc đối phó với dịch bệnh toàn cầu. Chẳng ai quan tâm về việc chính trị hóa về nguồn gốc của virus cả”, ông Zhao Lijian viết trên Twitter. Ngay trong tối 20-5, Tổng thống Trump đã có phản ứng kịch liệt trước phát biểu này của phát ngôn viên Trung Quốc.

Những màn đấu khẩu qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc đã phần nào làm lu mờ phần cốt lõi của nghị quyết ngày 19-5 là chia sẻ thành quả nghiên cứu thuốc điều trị và vaccine cho nhân loại chứ không dành ưu tiên cho một nước nào. Trong khi đó, tính đến 21-5, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt qua ngưỡng 5 triệu. Tình hình trái ngược nhau tùy theo khu vực: trong khi Trung Quốc chuẩn bị tuyên bố chiến thắng virus, châu Âu đang dỡ bỏ phong tỏa dần dần thì tại châu Mỹ số bệnh nhân và số ca tử vong không ngừng tăng thêm.

WHO ngày 20-5 thông báo số ca nhiễm mới trong một ngày trên thế giới đã đạt mức kỷ lục tính từ đầu mùa dịch COVID-19. Cụ thể là trong vòng 24 giờ đã có thêm 106.000 người bị nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu. “Chúng ta vẫn còn một con đường dài phải đi trong đại dịch này. Chúng tôi rất quan ngại về những ca đang gia tăng tại các nước có lợi tức thấp và trung bình”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.