Con người là yếu tố quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền (tiếp theo và hết)
- Con người là yếu tố quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền/ Khẳng định Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân
Những ý kiến này thường sử dụng kinh nghiệm nước ngoài rồi quy chiếu vào thực tế ở Việt Nam nên xa rời thực tiễn, nặng về hình thức, chưa đi sâu vào những nguyên nhân bên trong của thực trạng oan sai và từ đó đưa ra những đề nghị sửa luật thiếu tính khả thi như: quyền im lặng, ghi âm, ghi hình, xem tranh tụng là một nguyên tắc của tố tụng nước ta...
Về "quyền im lặng"
Các ý kiến đề xuất quy định này cho rằng: bị can, bị cáo có quyền không buộc phải chứng minh vô tội. Trong thực tế vì bức cung, nhục hình nên bị can, bị cáo buộc phải nhận tội. Do đó, để phòng ngừa việc ép buộc nhận tội gây ra tình trạng oan, sai cần phải quy định bị can, bị cáo có "quyền im lặng" khi không có mặt luật sư.
Lấy lời khai một đối tượng. |
Điều 10 Luật TTHS năm 2003 quy định: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội". Theo quy định này, cơ quan tố tụng không có quyền ép buộc bị can, bị cáo nhận tội khi họ không thực hiện hành vi phạm tội. Bị can, bị cáo có quyền không phải đưa ra tài liệu, chứng cứ để chứng minh là mình vô tội. Quyền này của bị can, bị cáo được các chủ thể tiến hành giải thích rõ trước khi tiến hành hoạt động hỏi cung.
Điều 10 của Luật TTHS giống với một nội dung của đề xuất nói trên nhưng điểm khác nhau cơ bản là ngôn từ diễn đạt và sự có mặt của luật sư. Có thể diễn giải nội dung khác biệt này như sau: Khi bắt được đối tượng phạm tội, bắt bị can, điều tra viên trước khi hỏi cung phải giải thích cho đối tượng rõ: vì anh chưa mời được luật sư hoặc cơ quan điều tra chưa chỉ định được luật sư bào chữa cho anh nên anh có "quyền im lặng" khi làm việc. Nghĩa là điều tra viên hỏi và anh có quyền không trả lời.
Nếu đưa nguyên cả cụm từ "quyền im lặng" của bị can, bị cáo khi không có mặt của luật sư vào Luật thì yêu cầu tấn công tội phạm một cách khẩn trương, quyết liệt để ngăn chặn kịp thời tội ác, truy bắt triệt để đồng phạm sẽ không có cơ hội để thực hiện. Với quyết tâm tấn công tội phạm, điều tra viên sử dụng nhiều chiến thuật hỏi cung buộc đối tượng phải khai ra sự thật thì kết quả rất đáng khen nhưng liệu có xem xét điều tra viên đã vi phạm "quyền im lặng" của bị can, bị cáo không?
Với thực trạng đội ngũ luật sư như hiện nay thì việc bảo đảm có luật sư và luật sư có mặt kịp thời nhất là các trường hợp bắt quả tang, bắt khẩn cấp là điều không phù hợp với thực tiễn. Từ đó có thể khẳng định rằng: Với Điều 10 của Luật TTHS, quyền của bị can, bị cáo đã được bảo đảm nên việc đưa nguyên xi cụm từ "quyền im lặng" vào quy định của Luật TTHS là không cần thiết và không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây tác hại khôn lường cho công tác điều tra, xử lý tội phạm. Để giải quyết oan, sai do bức cung, nhục hình cần có chế định cụ thể khác mang tính khả thi cao chứ không phải là "quyền im lặng" của bị can, bị cáo khi không có mặt của luật sư.
Về việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can
Hỏi cung bị can chỉ là một hoạt động thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự. Nếu cho rằng để phòng ngừa việc bức cung, nhục hình nên khi hỏi cung bị can buộc phải ghi âm, ghi hình thì chưa đầy đủ. Bởi vì, trong hoạt động tố tụng hình sự có rất nhiều hoạt động mà điều tra viên có thể tiến hành với đối tượng như hoạt động bắt, khám xét, dẫn giải đối tượng. Sai phạm có thể xảy ra ở một trong những hoạt động này chứ không chỉ ở hoạt động hỏi cung.
Việc ghi âm, ghi hình đối với các hoạt động tố tụng nói chung và hỏi cung bị can nói riêng là rất cần thiết, rất có ích vì nó có nhiều tác dụng. Thứ nhất, nó là sự giám sát có hiệu quả đối với hoạt động hỏi cung, phòng ngừa bức cung, nhục hình. Thứ hai, kết quả ghi âm, ghi hình là chứng cứ chống lại hiệu quả sự phản cung của bị can. Thứ ba, nó là công cụ bảo vệ cán bộ điều tra trước vu khống của bị can.
Mặc dù tác dụng như vậy nhưng đưa thành một điều luật hay không cần phải tính toán kỹ. Bởi vì, hỏi cung bị can là cuộc đấu tranh trực diện của điều tra viên với bị can. Cuộc đấu tranh này rất quyết liệt, với thời gian kéo dài. Rất ít khi bị can khai nhận ngay hành vi phạm tội ở buổi đi cung đầu tiên. Điều tra viên phải áp dụng nhiều chiến thuật, hỏi cung nhiều lần mới có thể buộc bị can khai ra sự thật. Một năm với hàng nghìn vụ án và bị can mà một bị can có hàng chục thậm chí hàng trăm lần hỏi cung thì khối lượng phương tiện phục vụ cho hoạt động này vô cùng lớn. Việc bố trí kinh phí, nhân lực, quản lý băng hình, xây dựng các quy định làm cơ sở pháp lý để hoạt động này bảo đảm được yêu cầu về pháp luật, nghiệp vụ, chính trị cần được nghiên cứu kỹ càng. Mặt khác, Khoản 2, Điều 72 của Luật TTHS năm 2003 đã quy định "lời nhận tội của bị can, bị cáo có thể coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội".
Như vậy, cho dù bị can, bị cáo bị áp dụng nhục hình buộc khai, nhận tội không phải mình gây ra thì oan, sai của vụ án cũng không do lời khai của bị can, bị cáo quyết định cho dù lời khai đó khởi đầu hay kéo theo những vi phạm tố tụng khác. Lời khai, nhận tội chỉ là 1 chứng cứ chứ không phải toàn bộ chứng cứ để chứng minh vụ án.
Nếu như thực hiện đúng điều luật nêu trên thì cho dù bị can bị ép buộc nhận tội do bức cung, nhục hình thì oan, sai của vụ án vẫn không thể xảy ra. Phân tích như vậy để thấy bức cung, nhục hình trong hỏi cung bị can là vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng nhưng đó không phải là thủ phạm duy nhất để dẫn đến oan, sai của vụ án. Oan, sai của vu åán còn nằm ở các hoạt động tố tụng khác như: các biện pháp thu thập tài liệu chứng cứ ở các nguồn khác nhau, việc kiểm tra đánh giá chứng cứ, công tác xác minh v.v... Oan, sai cũng không chỉ do điều tra mà còn do truy tố, xét xử.
Ví dụ: bị can bị bức cung, nhục hình nên nhận tội hy vọng sẽ được trình bày sáng tỏ trước phiên tòa mong được minh oan. Nhưng cơ quan truy tố, xét xử đã không làm hết trách nhiệm, kết tội trên chứng cứ sai lầm của cơ quan điều tra nên oan, sai đã xảy ra. Vậy sự giám sát, chế ước của các cơ quan tố tụng hiệu quả như thế nào mà qua nhiều trình tự, thủ tục oan sai vẫn lọt qua? Từ sự phân tích trên có thể rút ra: Việc ghi âm, ghi hình không chỉ đối với hoạt động hỏi cung bị can mà cả đối với các hoạt động tố tụng khác cũng là rất cần thiết. Cho dù cần thiết nhưng nó không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết oan, sai trong công tác điều tra, xử lý tội phạm.
Việc quy định vào Luật TTHS bắt buộc phải ghi âm, ghi hình trong tất cả các buổi hỏi cung bị can là không cần thiết và không khả thi, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nên chăng chỉ coi hoạt động này là một trong "mọi biện pháp hợp pháp" được quy định tại Điều 10 của Luật TTHS và có chỉ dẫn cụ thể bằng cách giới hạn việc ghi âm, ghi hình đối với một số buổi hỏi cung hoặc quy định mở là "khi cần thiết Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định việc ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung cụ thể, với bị can cụ thể".
Về mô hình tranh tụng trong tố tụng hình sự
Nhiều ý kiến cho rằng: để chống oan, sai cần học tập các nước đưa mô hình tranh tụng thành một nguyên tắc tố tụng của nước ta; coi đây là cây đũa thần để giải quyết tình trạng oan, sai đề cao quyền con người và vai trò của luật sư... Họ cũng không quên phê phán mô hình thẩm vấn (xét hỏi) mà chúng ta đang áp dụng, cho là lạc hậu, bất bình đẳng, xem nhẹ quyền con người, không coi trọng vai trò của luật sư, không bảo đảm quyền bị can, bị cáo v.v... Từ đó, họ đề xuất nhiều sửa đổi về nội dung và hình thức trong mô hình tố tụng của Việt Nam.
Hiện nay trên thế giới nhiều nước sử dụng mô hình tranh tụng nhưng cũng có một số nước qua thực tiễn họ đã từ bỏ mô hình này. Vì vậy tuyệt đối hóa mô hình tố tụng này cũng không đúng? Bởi vậy, cần nghiên cứu kỹ mô hình tranh tụng, đánh giá đúng mặt ưu việt và những hạn chế nhằm tiếp thu những giá trị tốt của mô hình này. Bản chất của mô hình tranh tụng là cuộc chiến pháp lý mang tính đối kháng giữa hai bên tố tụng (bên buộc tội và bên gỡ tội) tập trung tại phiên tòa với vai trò "trọng tài" của tòa án (thẩm phán). Ưu điểm của mô hình này là sự công khai, minh bạch, sự bình đẳng của các thành viên trong hoạt động tố tụng, tạo nhiều cơ hội cho các chủ thể tranh luận, đối trọng với nhau; vì thế tính tự do và tính độc lập của các chủ thể được phát huy góp phần phòng ngừa, hạn chế được oan, sai...
Tuy nhiên, mô hình này cũng bộc lộ những nhược điểm như: Xếp cảnh sát, công tố thuộc một bên buộc tội và thẩm phán chỉ là trọng tài trong cuộc đấu pháp lý không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tố tụng Việt Nam đã được quy định tại Điều 10 của Luật TTHS năm 2003.
Với mô hình tranh tụng của một số nước, người lao động nói chung và bị can, bị cáo nói riêng, nếu không có tiền hoặc không có thật nhiều tiền sẽ không có điều kiện được bảo vệ một cách công bằng vì họ không thể thuê được luật sư hoặc luật sư giỏi. Điều này không phù hợp với bản chất của chê ëđộ, nhà nước ta.
Các trình tự, thủ tục để ra phán quyết của tòa án trong mô hình tranh tụng thường kéo dài, đặc biệt là những vụ åán nghiêm trọng, phức tạp (như phiên tòa xét xử Shoko Asahara, thủ lĩnh giáo phái Aum Shinrikyo, có hành vi tấn công bằng khí độc sarin ở hệ thống tầu điện ngầm ở Tokyo năm 1995 làm 12 người chết kéo dài 11 năm mới kết thúc). Điều này không phù hợp với yêu cầu khẩn trương, kịp thời điều tra, xử lý tội phạm ở Việt Nam.
Từ sự phân tích trên có thể kết luận rằng mô hình tranh tụng ở nước ngoài mặc dù có một số ưu điểm cần được tiếp thu song vẫn còn những vấn đề bất cập, hạn chế cần được đánh giá một cách chính xác. Vì vậy, không nên coi mô hình này là mẫu mực, là nguyên tắc trong tố tụng hình sự của Việt Nam.
Biện pháp để nâng cao chất lượng tranh tụng là nâng cao chất lượng của những chủ thể trong tố tụng, trong đó kiểm sát viên giữ vai trò công tố và tạo các điều kiện bảo đảm dân chủ thật sự của phiên tòa. Không nên hiểu việc nâng cao chất lượng tranh tụng, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp là việc chuyển mô hình thẩm vấn (xét hỏi) sang mô hình tranh tụng, coi tranh tụng là một nguyên tắc trong hoạt động tố tụng hình sự của Việt Nam.
Quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 về "Nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác..." và Nghị quyết số 49-MQ/TW ngày 2/6/2005 về "Nâng cao chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp" đồng thời tiếp thu kinh nghiệm của nước ngoài và phân tích thực trạng mô hình tố tụng thẩm vấn để xây dựng mô hình tố tụng đáp ứng với thực tiễn của Việt Nam nên chăng cần xem xét đến mô hình tố tụng hỗn hợp (pha trộn) vì mô hình này phát huy được những mặt mạnh, khắc phục được những điểm yếu của 2 mô hình tố tụng thẩm vấn hoặc tranh tụng. Mô hình tố tụng hỗn hợp cũng đáp ứng được yêu cầu đấu tranh chống tội phạm và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS, Luật TTHS phải hướng đến xây dựng được bộ máy, đội ngũ thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự trong sạch, vững mạnh: trong sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; giỏi về chuyên môn, nghề nghiệp; đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm; tận tụy với nhiệm vụ được giao; trung thành vô hạn trong phụng sự tổ quốc và nhân dân với tinh thần thượng tôn pháp luật.