Con rể Tổng thống Mỹ sẽ "kiến tạo hòa bình Trung Đông"?
- Tổng thống Mỹ không còn an toàn khi ở Nhà Trắng
- Khu định cư Do Thái của Israel: Yếu tố đe dọa hòa bình Trung Đông
- Cách tiếp cận mới của Mỹ với tiến trình hòa bình Trung Đông
Nhiệm vụ bất khả thi?
Còn nhớ mùa bầu cử Tổng thống nóng bỏng năm 2016, Kushner ngồi với Haim Saban, một trong những nhà tài trợ ủng hộ Israel lớn nhất của đảng Dân chủ để nói chuyện về Israel. Kushner rất quan tâm tới các cuộc gặp với ông Saban, một người Mỹ gốc Israel, nhưng chưa bao giờ được ông này để ý. Năm 2010, Kushner từng gửi thư tán dương, ngưỡng mộ ông Saban nhưng không được hồi đáp.
Chưa rõ tại sao Kushner khi đó lại muốn nói chuyện với ông Saban - người đã góp 10 triệu USD cho một nhóm ủng hộ bà Hillary Clinton và coi ông Trump là người "bội tín, lừa đảo, trộm cắp". Tại cuộc gặp hôm đó, Kushner đã đảm bảo với ông Saban rằng Tổng thống Trump sẽ "rất tốt cho quan hệ Mỹ-Israel", điều mà ông lặp đi lại trong nhiều cuộc gặp. Còn ông Saban thì cho rằng bà Clinton sẽ có một cách tiếp cận cân bằng hơn trong vấn đề Trung Đông so với ông Trump. Đáp lại, Kusher chỉ nói: "Ai biết được!"
Jared Kushner có nhiệm vụ khó khăn tại Trung Đông. |
Ở tuổi 36, nhà cựu phát triển bất động sản New York với nụ cười bình thản, tham vọng không đáy nhưng không có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, đã được ông Trump giao cho nhiệm vụ giải quyết một trong những vấn đề nan giải nhất thế giới. Mang lại hòa bình cho Trung Đông là điều mà các chính quyền cả của đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tốn công của, thời gian vô ích nhiều thập kỷ qua.
Vốn là một người Do Thái chính thống xuất thân từ một gia tộc ở New Jersey, từng góp tiền hỗ trợ xây khu tái định cư ở Bờ Tây và quyên tặng chính trị nhiều cho phía Israel, Kusher từng được ông Trump ca ngợi tại lễ nhậm chức tổng thống là nếu Kushner không tạo ra được hòa bình ở Trung Đông thì không ai có thể làm. Ông Trump từng tuyên bố rằng Kushner có thể thành công ở chỗ mà những nhà đàm phán hòa bình giàu kinh nghiệm hơn đã thất bại. Ông khẳng định Kushner "hiểu khu vực, hiểu con người, hiểu người chơi".
Thực tế, không mấy người trong chính quyền của ông Trump tự tin như ông. Thậm chí cả những đồng minh ủng hộ Israel của ông Trump cũng cho rằng giờ chưa phải lúc thúc đẩy hòa bình Trung Đông và lo ngại rằng tham vọng muốn có thỏa thuận này có thể khiến ông cũng như con rể Kushner gặp rắc rối.
Ông Mort Klein, Chủ tịch quốc gia Tổ chức Phục quốc Do Thái Mỹ, nhận định: "Đó là một thỏa thuận bất khả thi. Tất nhiên, ông Trump nghĩ rằng mình là nhà đàm phán vĩ đại nhưng vấn đề ở chỗ đây là một cuộc xung đột tôn giáo".
Về phần mình, Kushner không để lộ những suy nghĩ của mình, từ chối đề cập tới chủ đề với những người kỳ cựu trong tiến trình hòa bình Trung Đông như cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger. Ông Kissinger trả lời một cuộc phỏng vấn: "Tôi không rõ tại sao anh ta lại chịu trách nhiệm về vấn đề này. Anh ta đảm nhiệm với sự giám sát của Nhà Trắng hay anh ta sẽ đóng vai trò nhà đàm phán thực sự? Cũng chưa rõ họ sẽ đàm phán về cái gì".
Bối cảnh bất lợi
Thực tế về hòa bình Trung Đông khác xa với suy nghĩ của ông Trump và Kushner, đặc phái viên hòa bình Trung Đông. Mặc dù Kushner được tin tưởng giao trọng trách định hướng suy nghĩ của ông Trump về vấn đề Israel - Palestine, thúc đẩy chính quyền Mỹ hướng tới một quan điểm ủng hộ Israel công khai hơn nhưng các nhà quan sát không thể nhìn thấy ở Kushner một kinh nghiệm trực tiếp nào về vấn đề. Họ cho rằng Kushner phải học nhanh và nhiều điều về Trung Đông.
Việc ông Trump nhất định dành vai trò khó khăn và quan trọng này cho Kushner diễn ra trong bối cảnh tiến trình hòa bình Trung Đông đang bế tắc ở mức lịch sử, thậm chí đang ở tình trạng "hôn mê". Trong hai ngày 13, 14/3, cố vấn cấp cao về đàm phán quốc tế của ông Trump, Jason Greenblatt, đã gặp cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas để thảo luận tiến trình hòa bình giữa hai bên.
Theo kênh CNN, cơ hội cho chính quyền của ông Trump làm cho "bệnh nhân hôn mê" tỉnh dậy gần như bằng không, chứ không nói đến cơ hội hỗ trợ "bệnh nhân" phục hồi thực sự. Bản thân ông Greenblatt chủ trương rằng ông tới Trung Đông trong trạng thái chỉ lắng nghe.
Trong thực tế, kể từ khi Kushner được ông Trump giao trọng trách về Trung Đông, hầu như không có gì thay đổi cả về phía Palestine lẫn Israel. Hai bên đều không sẵn sàng mạo hiểm đưa ra những quyết định lớn cần để duy trì tiến trình hòa bình, giúp nó đi theo hướng giải pháp hai nhà nước.
Kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chính quyền Trump đã làm dịu bớt cam kết chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem và kiềm chế hơn khi nói về các khu tái định cư. Chính quyền Mỹ đã phát một tuyên bố cẩn trọng theo ý của Kushner, nói rằng khu tái định cư mới ngoài ranh giới hiện nay có thể không hữu ích trong đạt mục tiêu hòa bình.
Kế hoạch mơ hồ
Trước đây, những đặc phái viên hòa bình Trung Đông của Mỹ thường là những người rất trọng chi tiết. Ông Kissinger nổi tiếng với phong cách cực kỳ kỹ lưỡng khi đàm phán cá nhân. Ông Dennis Ross (đặc phái viên thời Bill Clinton) ghi chép chi tiết về cuộc gặp với lãnh đạo Israel và Palestine.
Nhưng với Kushner thì khác, thậm chí đối lập. Ví dụ như trong cuộc gặp với văn phòng Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan về vấn đề y tế, Kushner không quan tâm tới chi tiết chính sách mà quan tâm chủ yếu tới hai dòng ở cuối cùng mà ông Trump viết vào: Làm sao chúng ta biết đây là kết hoạch tốt hơn? Làm sao chúng ta biết đã giảm chi phí?
Về vấn đề Trung Đông, những người đã nói chuyện với Kushner về vấn đề này nói rằng anh ta chỉ quan tâm tới những vấn đề to tát, chung chung: Làm sao chúng ta có thể mang tới hòa bình và thịnh vượng? Các quốc gia hòa hợp trong khu vực như thế nào? Ông Yousef Al Otaiba, Đại sứ UAE tại Mỹ, nói Kushner hiếm khi nói ra một quan điểm có sẵn trong đầu và kế hoạch khung của anh ta chỉ là về đánh bại chủ nghĩa cực đoan.
Hiện vẫn còn quá sớm để nói Kushner sẽ là nhà đàm phán hòa bình Trung Đông như thế nào. Chỉ biết cho tới nay, ngoài việc tiếp cận các quốc gia Arab và nỗ lực hiểu toàn cảnh vấn đề, Kushner rõ ràng chưa có nỗ lực gì đáng kể. Các kế hoạch của bản thân Kushner và ông Trump chỉ gói gọn trong cụm từ "ai biết được".
Nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại đang tìm dấu hiệu về chính sách của Nhà Trắng và về cá nhân người được giao trọng trách ở Trung Đông đều nhận định rằng Kushner dường như quá bận rộn với các việc hàng ngày là gặp lãnh đạo quốc hội hay chụp ảnh sau các buổi lễ ký sắc lệnh hành pháp ở Phòng Bầu dục.
Dù vậy, cũng có chuyên gia dành cho Kushner một hi vọng "ai biết được". Ông Kori Schake, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, nói: "Chưa từng có ai có giàu kinh nghiệm về vấn đề Trung Đông có thể giải quyết điều này. Một đôi mắt mới mẻ của một người không bị vướng víu điều gì có thể thực sự nhìn ra được một vài điều khác biệt. Và đa số các cuộc đàm phám Israel - Palestine lại về vấn đề đất đai". Mà về vấn đề đất đai, Kushner là một người không dễ coi thường.
Chỉ có điều, bất động sản thì lại là câu chuyện thực sự khác!