Công dân kiện Viện KSND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) ra tòa

Thứ Hai, 05/09/2011, 09:45

Ngày 17/8/2011, đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với anh Phạm Vũ tại khu phố 2, thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng); trước đó, Viện KSND huyện Đức Trọng cũng đã bồi thường thiệt hại 101 triệu đồng cho anh Vũ - người bị khởi tố oan sai 1.498 ngày, trong đó có 139 ngày bị bắt tạm giam.

Trong vụ án này, điều đáng lưu tâm không chỉ là số tiền bồi thường hay việc tổ chức công khai xin lỗi của Viện KSND huyện Đức Trọng mà còn ở chỗ: Nếu kẻ phạm tội không ra đầu thú thì sự rủi ro trong vòng lao lý của anh Phạm Vũ sẽ còn kéo dài bao lâu, và liệu công dân Phạm Vũ có được minh oan bằng một phiên tòa hay một kết quả điều tra khách quan của cơ quan chức năng?

Trong suốt 5 năm qua, ông Phạm Lượng và bà Nguyễn Thị Vỡ (bố mẹ của Vũ) đã viết hàng trăm lá đơn gửi đến các cơ quan chức năng để kêu oan cho con nhưng sự hồi âm thì họ phải đợi rất lâu. Chỉ đến lúc thủ phạm ra đầu thú thì mọi việc mới dần sáng tỏ.

Theo kết luận điều tra hoàn tất tháng 8/2007 thì vào đêm 10/10/2005, nhân sinh nhật của mình, Phạm Huy Hoàng, là em ruột của Phạm Vũ, có mời một nhóm bạn dự tiệc tại một quán karaoke tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Đến khoảng 21h cùng ngày, cả nhóm chia tay ra về. Ra khỏi quán, Phạm Huy Hoàng bị một nhóm thanh niên đuổi theo và chém bị thương nên phải nhập viện. Sau đó, do bức xúc việc em mình bị chém nên Phạm Vũ đã cùng hai người khác đi tìm nhóm thanh niên kia để trả thù. Gặp Lê Hải Sơn, nghĩ đây là người đã chém em trai mình nên Phạm Vũ đã đuổi chém Lê Hải Sơn gây thương tích 12%.

Ngày 28/4/2006, Công an huyện Đức Trọng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Vũ về tội cố ý gây thương tích. Hơn nửa tháng sau, ngày 15/5/2006, Phạm Vũ bị bắt tạm giam. Ngay sau khi con trai bị bắt tạm giam, ông Phạm Lượng đã có đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng. Trong đơn, ông Lượng nói rõ sau khi em trai của mình là Phạm Huy Hoàng bị chém và được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện, Phạm Vũ đã túc trực bên giường bệnh cả đêm để chăm sóc em chứ không hề đi khỏi bệnh viện.

Nhiều nhân chứng cũng đã xác nhận nội dung thông tin này. Tuy nhiên, chứng cứ ngoại phạm ấy đã không thuyết phục được Cơ quan điều tra địa phương nên cuối cùng, Phạm Vũ vẫn bị cơ quan chức năng kết luận là đã chém Lê Hải Sơn. Viện KSND huyện Đức Trọng đã quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Phạm Vũ.

Đến ngày 21/9/2006, sau khi bị giam 139 ngày, Phạm Vũ được cho tại ngoại. Nguyên nhân thay đổi biện pháp ngăn chặn là nhờ vào việc LKT, một người bạn của nạn nhân Phạm Huy Hoàng, ra đầu thú. LKT khai nhận trước Cơ quan điều tra là chính mình đã chém Lê Hải Sơn để trả thù cho bạn là nạn nhân Phạm Huy Hoàng. Tuy vậy, sau khi được tại ngoại Phạm Vũ vẫn là bị can của vụ án; và mãi đến ngày 5/5/2010, anh mới được "giải oan" theo quyết định đình chỉ bị can vì "đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm". Tuy  vậy, mãi đến ngày 7/6/2010, Phạm Vũ mới nhận được văn bản quyết định này. Như vậy, Phạm Vũ đã bị khởi tố oan 1.498 ngày, trong đó có 139 ngày bị tạm giam.

Xem ra, vụ việc cũng không quá rắc rối và đã có thể kết thúc tại thời điểm LKT ra đầu thú (20/9/2006). Nhưng mãi đến nhiều năm sau (ngày 5/5/2010), cơ quan chức năng mới ra quyết định đình chỉ vụ án để "giải thoát" oan sai cho Phạm Vũ thì  đó quả làâ một chuyện đáng bàn.

Cũng chính vì lý do này nên sau khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án, đích thân công dân Phạm Vũ vào ngày 9/6/2010 đã làm đơn yêu cầu Viện KSND huyện Đức Trọng tổ chức công khai xin lỗi và bồi thường oan sai cho anh theo quy định về bồi thường của Nhà nước với tổng số tiền hơn 652.800.000 đồng (cả vật chất lẫn tinh thần).

Theo anh Phạm Vũ, ngày 20/7/2010, Viện KSND huyện Đức Trọng đã mời gia đình đến để thương lượng nhưng chỉ chấp nhận mức bồi thường 77.823.000 đồng nên gia đình anh Vũ không đồng ý. "Đây cũng mới chỉ là khoản tổn thất tinh thần mà Viện chưa tính tiền tổn thất về vật chất theo luật. Tôi bị giam 139 ngày nhưng Viện cũng không tính một ngày bị tạm giam bằng 3 ngày tại ngoại theo đúng luật. Sau đó, Viện KSND huyện Đức Trọng lại im lặng".

Mặc dầu không được người bị khởi tố và bắt giam oan sai đồng ý nhưng ngày 24/9/2010, Viện KSND huyện Đức Trọng vẫn ban hành quyết định kết thúc thương lượng với mức bồi thường cho công dân Phạm Vũ số tiền 77.832.000 đồng. Phạm Vũ cho rằng: "Mức bồi thường này là quá thấp và không đúng theo luật bồi thường của Nhà nước nên tôi không đồng ý"...

Do vậy, sau đó, công dân Phạm Vũ đã có "Đơn khởi kiện" gửi đến Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng chính thức khởi kiện… Viện KSND huyện Đức Trọng ra trước tòa. Và, kết quả như trên đã nói là Viện KSND huyện Đức Trọng đã phải chấp nhận bồi thường cho anh Phạm Vũ 101.487.225 đồng, đồng thời tổ chức xin lỗi công khai tại nơi công dân Phạm Vũ cư trú.

Có thể nói, gần 1.500 ngày bị khởi tố oan quả là một thời gian quá dài đối với công dân Phạm Vũ khi phải chịu những áp lực xã hội và pháp luật. Sẽ xảy ra điều gì cho công dân Phạm Vũ nếu thủ phạm LKT không giải oan cho "bị can" khi cơ quan tố tụng hầu như bế tắc trong vụ án này? Vụ án khởi tố và bắt tạm giam oan công dân Phạm Vũ đến lúc này đã cơ bản được giải quyết và Viện KSND huyện Đức Trọng đã thừa nhận việc làm sai của mình với minh chứng là chấp nhận đền bù vật chất cho người bị oan sai và tổ chức xin lỗi công khai trước quần chúng nơi công dân bị oan sai cư trú

Khắc Dũng
.
.