Công lý và đạo lý sẽ chiến thắng

Thứ Sáu, 15/06/2007, 15:29

Ngày 18/6/2007, Tòa án phúc thẩm số 2 của Mỹ chính thức mở phiên tranh tụng xét xử vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin Việt Nam đối với các công ty sản xuất hóa chất Hoa Kỳ.

Tại phiên tranh tụng  này, ngoài Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Thu - Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/ dioxin Việt Nam (Vava) còn có 4 người là nạn nhân đại diện cho nguyên đơn tham dự phiên tranh tụng.

Hậu quả của chất độc da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam

Trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng trên 110 nghìn tấn chất độc (từ năm 1961 đến 1971). Đây là  cuộc chiến tranh hủy diệt sinh thái đầu tiên trên thế giới bằng chất độc.

Năm 2006, trong một hội nghị quốc tế về NNCĐDC/dioxin được tổ chức tại Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS-TS) Trần Xuân Thu - Phó chủ tịch (Vava) đồng thời là một nhà khoa học đã từng nhiều năm nghiên cứu về chất độc da cam, đã trình bày báo cáo nhận định của các nhà khoa học về hậu quả của chiến tranh hóa học ở Việt Nam.

Báo cáo này đã nêu rõ tội ác của các Công ty sản xuất hóa chất của Mỹ sử dụng 65 chất cực độc, trong đó có nhiều chất đã bị công ước quốc tế cấm cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Người ta cho rằng, nếu bỏ 800gr dioxin vào hệ thống cung cấp nước thì có thể tiêu diệt cả một thành phố 8 triệu dân. Thế nhưng, trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất khai quang chứa khoảng 366 kg dioxin xuống các vùng, miền ở nước ta.

 Theo các tài liệu khoa học, chất da cam có chứa dioxin là chất độc hại nhất, vì nó độc hơn cả những chất độc quân sự khác đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới. Dioxin có thể gây tác động biến thai nhi thành quái thai nếu người mang thai bị nhiễm và đặc biệt  là gây các bệnh ung thư dẫn đến chết người. Người bị nhiễm độc sau 35 năm còn phát hiện thấy dioxin trong máu.

Các công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, số người bị nhiễm độc thường bị các bệnh nguy hiểm như ung thư phần mềm, phổi, tuyến tiền liệt, gan, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch. Và trong thực tế, số lượng bệnh ở người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nhiều hơn các bệnh do Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Y học Mỹ công bố.

Năm 1999, GS-TS Nguyễn Cao Đài (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam)  trong một chuyến đi khảo sát nghiên cứu về chất độc da cam ở miền Nam đã phát hiện một người dân ở gần một căn cứ quân sự cũ của Mỹ có chất dioxin trong máu cao tới gấp 135 lần so với mức bình thường. Nguy hiểm là dioxin không chỉ gây tác hại đối với một thế hệ mà còn ảnh hưởng tới nhiều thế hệ tiếp theo.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, ngoài việc đánh vào dân thường, quân đội Mỹ rải chất độc hóa học làm cho 33.339 ha hoa màu bị phá hủy, 3.138 làng bản bị thiệt hại và 20.585 làng bản có người dân bị nhiễm độc. Con số này quả thật  quá nghiêm trọng và hết sức nặng nề cho nhiều thế hệ người Việt Nam.

Theo sơ đồ rải chất độc hóa học ở Việt Nam của quân đội Mỹ thì những khu vực bị nhiễm độc nhiều nhất là đồng bằng sông Cửu Long, các căn cứ quân sự cũ và những nơi nạp chất độc vào thùng đưa lên máy bay như sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phú Cát. Có thể nói, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh với mức độ hủy diệt chưa từng có trong lịch sử với 14 triệu ha tự nhiên đã bị rải chất độc hóa học.

Sự kết hợp của chất độc sinh thái với bom napal đã làm cho khoảng 3 triệu ha rừng tự nhiên bị hủy hoại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thực vật mà theo các nhà khoa học phải mất gần 100 năm nữa mới có thể phục hồi. Việc hủy diệt môi sinh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của con người, làm cho sức khỏe của hàng triệu người gặp khó khăn.

Theo con số thống kê ban đầu ở một số tỉnh thành, trong số NNCĐDC hiện nay có đến hơn một nửa là dân thường, 85% số hộ dân có 2 nạn nhân trở lên và đặc biệt có 3% số hộ dân có 5 nạn nhân.

Tiến trình của vụ kiện

Chiến tranh đã qua đi nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với nhân dân Việt Nam còn hết sức nặng nề. Theo ông Đào Văn Tâm, Trưởng ban Tổ chức - Chính sách của Hội NNCĐDC/ dioxin Việt Nam cho biết: “Hiện nay nước ta có khoảng 3 triệu người bị ảnh hưởng và nhiễm chất độc da cam/dioxin do chiến tranh. Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách chăm sóc cho những người bị ảnh hưởng chất độc da cam tham gia kháng chiến và con cái họ, nhưng vẫn còn một số lượng lớn nạn nhân nhiễm độc trong chiến tranh vẫn chưa có điều kiện để quan tâm đầy đủ.

Có thể nói, NNCĐDC/dioxin là những người nghèo nhất trong số những người nghèo, chịu đựng đau khổ nhất trong những người đau khổ. Hàng ngày, hàng giờ, họ vẫn phải chịu những nỗi đau  về thể chất, tinh thần”. Hàng năm, Hội NNCĐDC đều có các hoạt động và biện pháp hỗ trợ những nạn nhân nhiễm chất độc với số tiền trị giá hàng chục tỉ đồng.

Luật sư Lưu Văn Đạt - nguyên Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết:  “Theo pháp luật quốc tế, bất kỳ tổ chức nào, kẻ nào gây thiệt hại cho tổ chức khác, người khác, tổ chức đó, kẻ đó đương nhiên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Thế nhưng, thực tế 30 năm sau chiến tranh, các công ty hóa chất của Mỹ đã cố tình quay lưng lại với những hậu quả mà họ đã gây ra trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Chính vì thế, năm 1995, sau khi quan hệ Việt - Mỹ được thiết lập, các chuyên gia luật ở nước ta đã nghiên cứu cách thức đòi công lý cho những người dân bị ảnh hưởng chất độc”.  Năm 2001, được sự giúp đỡ của các tổ chức trên thế giới, tại Đại hội Luật gia Dân chủ quốc tế lần thứ XIV tiến hành tại Lahabana (Cuba), GS-TS Lê Cao Đài đã thay mặt đoàn Việt Nam trình bày một báo cáo khoa học về cuộc chiến tranh hóa học 30 năm trước đây. Bản báo cáo đã gây xúc động đối với rất nhiều người tham dự đại hội.

Cũng từ năm 2000, các chuyên gia pháp luật của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế đã nghiên cứu biện pháp đòi công lý cho các NNCĐDC/dioxin Việt Nam bằng con đường kiện ra tòa án.

Ngày 31/1/2004, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và một số nạn nhân Việt Nam đại diện cho đông đảo các nạn nhân có cùng cảnh ngộ, quyết định đưa vụ kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ ra tòa án nước này, yêu cầu bồi thường thiệt hại do họ đã gây ra. Ngày 28-2-2005, tại Weinstein (Mỹ) đã tiến hành cuộc tranh tụng giữa các luật sư của 2 bên nguyên đơn và bị đơn tại tòa án. Cuộc tranh tụng đã diễn ra rất căng thẳng về nhiều vấn đề pháp lý phức tạp.

Ngày 10/3/2005, Thẩm phán Weinstein công bố: “Giác thư mệnh lệnh phán quyết dài 234 trang, bác đơn khởi kiện của các NNCĐDC/dioxin Việt Nam". Điều không bình thường là văn bản này khá dài, trong đó ông thẩm phán xử lý nhiều vấn đề pháp lý quan trọng, phức tạp đã được công bố trong thời gian rất ngắn... 10 ngày, sau khi diễn ra cuộc tranh tụng giữa luật sư hai bên và đúng một ngày trước ngày khai mạc Hội nghị Quốc tế bàn về hậu quả của việc rải chất khai quang ở Việt Nam, ngày 7/4/2005, nguyên đơn Việt Nam gửi đơn kháng án đến Tòa phúc thẩm liên bang số 2 Hoa Kỳ, yêu cầu đảo ngược phán quyết của Tòa sơ thẩm.

Sau khi 2 bên nguyên đơn và bị đơn đã gửi các văn bản đến Tòa án Phúc thẩm, Tòa sẽ thành lập Hội đồng xét xử, quyết định thời điểm tranh tụng giữa luật sư 2 bên.

Lập luận của Tòa Sơ thẩm bác đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam xoay quanh một vấn đề mang tính khoa học, pháp lý thực tế sau đây. Chất da cam và các tác nhân khác được sử dụng đặc trưng  là chất diệt cỏ chứ không phải là chất độc. Những hậu quả của các chất độc đối với con người và đất đai là ngoài ý muốn. Lập luận này quả là một nghịch lý, không có cơ sở khoa học và nhất là trái với thực tế.

Các luật sư bên bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân Việt Nam tại Tòa án và đông đảo các chuyên gia trên thế giới ủng hộ các nạn nhân Việt Nam, ủng hộ chính nghĩa, đạo lý, có đầy đủ lý lẽ và những lập luận vững chắc chặt chẽ để phản bác lại lập luận của Tòa án Sơ thẩm Mỹ.

Xác định đây là một vụ kiện dân sự, vì thế các NNCĐDC/dioxin Việt Nam cũng  cho rằng, để đi tới thắng lợi sẽ có nhiều khó khăn và thời gian của vụ kiện có thể kéo dài nhiều năm. Vì trong thực tế, bị đơn là những tập đoàn công nghiệp có thế  lực ở Mỹ. Đưa vụ án ra xét xử ở Mỹ, đương nhiên các nạn nhân Việt Nam phải chấp nhận việc để cho các thẩm phán người Mỹ xét xử.

Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành vụ kiện, các nạn nhân Việt Nam đã được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Mỹ, Hàn Quốc, Australia. Đó là những bằng chứng hùng hồn buộc các công ty hóa chất của Mỹ phải có trách nhiệm.

Sự thật đã phơi bày

Sau gần hai năm nghiên cứu đơn của hai bên, Tòa phúc thẩm số 2 Hoa Kỳ đã quyết định phiên tranh tụng xét xử phúc thẩm tại Mỹ vào ngày 18/6/2007. Đoàn Việt Nam tham gia phiên tranh tụng này gồm có 6 người trong đó 4 người là NNCĐDC.

Người đầu tiên là bà Nguyễn Thị Hồng ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Câu chuyện của bà sẽ là một bằng chứng sống tố cáo tội ác của các công ty hóa chất Mỹ trong phiên tranh tụng lần này bà Hồng là cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam Việt Nam.

30 năm sau chiến tranh, bà Hồng bị mắc các bệnh nan y như ung thư gan, ung thư vú, di căn vào xương đến nay nhiều bộ phận trên cơ thể bà không còn nguyên vẹn do bị phẫu thuật. Mặc dù ốm đau, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng bà Hồng vẫn cố gắng vượt lên bệnh tật để đi Mỹ đòi công lý cho mình và những NNCĐDC.

Nạn nhân thứ 2 là ông Nguyễn Văn Quý ở quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Ông Quý là chiến sĩ sửa đường dây thông tin từ tháng 4-1972 dọc đường Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ. Nơi ông đóng quân thường xuyên bị rải chất độc. Trong thời gian đó, ông thường xuyên đau đầu, mệt mỏi, da nhiều lúc ngứa ngáy và nổi mẩn. Tình trạng mẩn ngứa có giảm dần khi ông đi khỏi Quảng Ngãi vào năm 1973, nhưng triệu chứng nhức đầu và mệt mỏi vẫn tiếp tục kéo dài và ngày càng trở nên trầm trọng.

Trở về quê hương sau chiến tranh, ông Quý lấy vợ và sinh con. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với người cựu chiến binh này, nhưng bất hạnh thay khi mang bầu lần đầu tiên, vợ ông đã sinh quái thai. Quá hoảng sợ, người vợ của ông đã đòi ly hôn. Năm 1987, ông Quý kết hôn lần hai, sinh người con trai đến nay đã 20 tuổi nhưng bị liệt và câm. Cô con gái 18 tuổi của ông bị thiểu năng trí tuệ, không nghe và không nói được.

Điều đáng buồn là  bản thân ông Quý hiện bị ung thư dạ dày và phổi đã di căn. Mười năm qua ông đã phải vừa chiến đấu với bệnh tật vừa phải chăm sóc các con. Để có tiền chữa bệnh cho chồng và các con, vợ ông Quý đã bán đi cả căn nhà của mình.

Nạn nhân thứ ba, người trẻ nhất tham gia trong cuộc tranh tụng lần này, là anh Nguyễn Mười ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Sinh ra sau ngày đất nước giải phóng nhưng anh Mười lại bị ảnh hưởng chất độc từ người bố. Bố của anh trước đây là đầu bếp trong quân đội Mỹ ở vùng bị rải chất độc. Năm 16 tuổi, anh Mười bị gai đốt cột sống. Các xét nghiệm khoa học cho thấy anh Mười bị nhiễm độc dioxin. Hiện nay, cha của anh Muời cũng bị cắt 2/3 dạ dày vì ảnh hưởng của chất độc này.

Nạn nhân thứ tư là anh Võ Thanh Hải ở Nam Đồng, Thừa Thiên - Huế, là một công nhân trồng rừng. Theo tiếng gọi của Tổ quốc anh đi phục hồi những cánh rừng bị chiến tranh và bị chất độc da cam tàn phá. Anh Hải không hề biết mình bị nhiễm độc cho tới khi con trai bị chẩn đoán ung thư xương năm 2000. Hai đứa con còn lại của anh đều bị bệnh tim. Bản thân anh sau đó cũng bị phát hiện ung thư lá lách và đời sống gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với báo giới trước khi đi Mỹ tiến hành việc tranh tụng, PGS-TS Trần Xuân Thu đã khẳng định: “Vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn nhưng các nạn nhân của chúng ta vẫn tin công lý, đạo lý, nhân đạo sẽ giành chiến thắng. Các công ty hóa chất của Mỹ đã kiếm những khoản lợi nhuận khổng lồ trong việc sản xuất các chất độc thì giờ đây họ buộc phải có trách nhiệm, có sự đền bù đối với những nạn nhân bị nhiễm chất độc này”.

Trong thời gian trước và sau khi dự phiên tranh tụng, đoàn NNCĐDC/dioxin sẽ có những hoạt động và tiếp xúc với nhân dân Mỹ, nói về cuộc sống của những NNCĐDC tại Việt Nam

Mai Phương
.
.