Ấn Độ:

Công nghệ cao giúp xoá mù chữ và xoá đói giảm nghèo

Thứ Năm, 25/11/2004, 10:42

Trước vấn nạn giặc dốt hoành hành, Ấn Độ vừa phóng vệ tinh đầu tiên mang tên EDUSAT dành riêng cho mục đích giáo dục. Cùng với hàng loạt dự án công nghệ cao triển khai ở khắp mọi miền đất nước, dự án trị giá 19,5 triệu USD này giúp xóa dần hình ảnh về một đất nước Ấn Độ có sự chênh lệch giàu nghèo sâu sắc.

Áp dụng công nghệ cao cho số dân có trình độ văn hóa thấp là điều rất khó, nhất là làm sao để phát huy hiệu quả thực sự của nó. Vậy mà Ấn Độ đã làm được điều khó khăn ấy. Khoảng 350 triệu người Ấn không biết đọc; 13% dân số học hết trung học đã và đang đứng trước cơ hội đổi đời nhờ thụ hưởng những ưu việt của công nghệ.

Vệ tinh EDUSAT được phóng trung tuần tháng 9/2004 tại Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở bang Andhra Pradesh bằng tên lửa đẩy Geosynchronous trị giá 19,5 triệu USD do Ấn Độ chế tạo trong dự án sử dụng vệ tinh cho việc xóa mù chữ của Chính phủ Ấn Độ. S. Krishnamurthy, người phát ngôn của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ nhận xét, EDUSAT sẽ là công cụ đắc lực đào tạo giáo viên, cung cấp chương trình giáo dục tiểu học và đại học ở vùng xa. Trước mắt, nó sẽ liên kết các trường đại học tại ba bang: Nam Karnataka, Tây Maharashtra và Trung Madhya Pradesh. Trong giai đoạn II, kết nối vệ tinh sẽ mở rộng tới hai bang nữa với hơn 1.000 lớp học.

Từ 5 năm nay, chính quyền bang Karnataka đã đưa ra chương trình tin học hóa công tác quản lý giấy tờ đất đai liên quan đến hàng trăm ngàn nông trại của bang. Hai năm sau, 2 triệu tờ giấy chứng nhận đã được số hóa và kèm thêm những thông tin khác như năng suất gieo trồng trên từng diện tích được cấp giấy. Hiện nay, người dân có thể truy cập những thông tin này ở bất kỳ một điểm truy cập Internet nào trong số 200 điểm được chính quyền bang Karnataka lắp đặt trong vùng.

Việc tin học hóa công tác quản lý đất đai với đối tượng là những người nông dân nghèo sống xa đô thị và rất nhiều người mù chữ giúp người dân tránh được nạn giả mạo giấy tờ từng làm họ thiệt hại tới 20 triệu USD mỗi năm.

Về mặt công nghệ, việc đưa tin học vào đời sống người nông dân đối với một nước có nền công nghệ thông tin khá phát triển như Ấn Độ không phải là vấn đề khó khăn vì từ 10 năm trở lại đây, ngành công nghệ thông tin công nghệ cao của nước này đã phát triển như vũ bão, mà nổi lên là hai thành phố công nghệ Bangalore và Hyderabad.

Nasscom, tổ chức liên kết và đại diện cho các công ty phần mềm Ấn Độ hiện đã áp dụng nhiều chương trình tin học hóa như mua bán và thanh toán qua mạng, giúp người dân mua giống, phân bón và lấy thông tin liên quan đến giá cả nông sản trên mạng.

Từ 10 năm nay, những hiệp hội như Nasscom chỉ là kết quả của nhiều mô hình thử nghiệm đơn giản, quy mô nhỏ hẹp hay đơn giản là kết quả của những hoạt động viện trợ nhân đạo chứ chưa thực sự có mô hình được nhân rộng. Điều này là do sức ì của bộ máy hành chính và hệ thống pháp chế Ấn Độ.

Chỉ tới thời gian gần đây, khi Ngân hàng Thế giới cùng Nasscom liên tiếp gây sức ép, Chính phủ Ấn Độ mới cho thành lập một số quỹ giúp đỡ việc sử dụng công nghệ cao phục vụ cho số đông. Một số doanh nghiệp đã nhận thấy khoản lợi nhuận không nhỏ khi đầu tư khai thác thị trường công nghệ cao cho nông dân Ấn Độ. Thông tin cập nhật có thể giúp một bộ phận lớn nông dân nghèo tối ưu hóa nguồn lực bằng cách chọn trồng giống cây tốt cho năng suất cao, phù hợp với đất đai, tìm hiểu tốt hơn về thị trường nông sản, tránh bị những tay trung gian lừa bịp...

Hiện trên toàn lãnh thổ Ấn Độ đã có khoảng 7.000 điểm truy cập Internet và trung bình mỗi tuần lại có thêm một điểm được lắp mới. Theo đánh giá của Nasscom, từ nay đến năm 2007, Ấn Độ sẽ có khoảng 300 ngàn điểm truy cập thông tin. Indian Tobaco, công ty thuốc lá khổng lồ của Ấn Độ đi đầu trong lĩnh vực này khi quyết định mở 4.000 điểm tin học nhằm phục vụ các nông trại trồng cây thuốc lá. Theo gương doanh nghiệp này, nhiều công ty khác chủ yếu trong lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm cũng cho tiến hành lắp đặt các trạm truy cập Internet cho người dân. Những trạm thông tin này đang có xu hướng trở thành một điểm sinh hoạt của dân các làng, xã. Ngoài ra, nó còn tạo cơ hội làm giàu cho những người dân đứng ra nhận quản lý.

Hiện nay, các công ty viễn thông và công nghệ thông tin đang muốn phát triển mô hình điểm truy cập thông tin trên, không chỉ nhằm phục vụ mục đích mua bán sản phẩm mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, một công ty công nghệ thông tin Ấn Độ đã phát triển cả dịch vụ khám bệnh qua mạng tại các trạm Internet được lắp đặt tại những vùng xa xôi hẻo lánh hay một số công ty còn phát triển cả Internet không dây cho một số vùng không có đường dây điện thoại. Thậm chí một tập đoàn công nghệ thông tin của Ấn Độ còn lắp đặt cả hệ thống những chiếc máy tính khổng lồ giúp giảm tỉ lệ người mù chữ.

Những dự án trên đang giúp một bộ phận không nhỏ người dân nghèo Ấn Độ có cơ hội làm giàu, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giảm tỉ lệ mù chữ, nhất là thổi bùng lên hy vọng của nông dân sinh sống tại các vùng nông nghiệp nghèo khổ của Ấn Độ về một cuộc sống tốt đẹp

Nguyễn Phương (Theo Technology)
.
.