Cú sốc mới trong quan hệ Mỹ - Đức

Thứ Ba, 22/07/2014, 16:45

Lên án Mỹ hoạt động gián điệp ngay khi đang ở thăm Trung Quốc, hành động này của Thủ tướng Đức Angela Merkel như muốn lấy lòng Bắc Kinh hay còn có ý gì khác?

Quan hệ Đức - Mỹ chưa nguôi sau những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden. Mùa hè năm ngoái, cựu sĩ quan tình báo Mỹ làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã công bố dữ liệu cho thấy rằng, tình báo Mỹ thu thập bất hợp pháp dữ liệu cá nhân của công dân các nước khác nhau trên thế giới, đương nhiên không chừa Đức và thậm chí, NSA nghe trộm cả điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thông tin này đã gây ra sự phẫn nộ. Washington đã nhận những bức công hàm phản đối. Quốc hội Đức sau đó đã thành lập ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ điều tra vụ này với mục đích làm rõ nghi vấn tại sao Cơ quan An ninh của Đức đã không thấy bất cứ điều gì. Ủy ban này cũng muốn đánh giá thiệt hại mà các hành động của gián điệp Mỹ gây ra cho lợi ích quốc gia.

Vết thương trên lại vừa bị khoét thêm một dao. Ngày 2/7, Cơ quan Tình báo hải ngoại của Đức (BND) cho biết đã bắt giam một điệp viên Đức, 31 tuổi, nhưng hoạt động cho CIA từ năm 2012. Theo tiết lộ của báo chí Đức, nhân viên tình báo hai mang này đã cung cấp cho tình báo Mỹ 200 tài liệu của chính Ủy ban điều tra trên.

Sau tiết lộ của Snowden, Mỹ chưa từng lên tiếng xin lỗi Đức về các hoạt động nghe lén, từ chối chia sẻ những dữ liệu họ thu thập được từ điện thoại riêng của bà Merkel. Và nay nhờ nguồn tin từ điệp viên hai mang trên, người Mỹ biết luôn công việc của Ủy ban điều tra đặc biệt của Đức đang làm.

Tạp chí Der Spiegel, Đức, ra ngày 7/7 cho biết, người này bị tình nghi là đã chuyển các dữ liệu mật sang Mỹ để đổi lấy khoản tiền 25.000 euro (tương đương 34.100 USD), một số tiền quá ít so với số tài liệu được trao đổi. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên của Đức nói với Hãng Thông tấn Reuters rằng nghi phạm đã tình nguyện làm việc cho Mỹ.

"Người đàn ông này không có liên hệ trực tiếp với Ủy ban điều tra của Quốc hội Đức. Anh ta không phải là một điệp viên cao cấp" - nguồn tin nói.

Tiết lộ trên lập tức gây phẫn nộ tại Đức. Chủ tịch Ủy ban điều tra Quốc hội Đức, Christian Flisek, nói nếu những nghi ngờ về một vụ tấn công có chủ đích nhằm vào một cơ quan của Đức được xác nhận, điều này sẽ đưa mức độ tin tưởng giữa Mỹ và Đức về con số 0 và sẽ gây ra các hậu quả chính trị nghiêm trọng.

Hôm 7/7, đồng loạt hai bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ Đức yêu cầu đồng minh Washington phải làm sáng tỏ vấn đề một cách nhanh chóng . Đại sứ Mỹ tại Berlin đã được "mời" lên Bộ Ngoại giao Đức để nghe chất vấn.

Hơn hết, ngay khi đang ở thăm Trung Quốc, ngày 7/7, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh, Thủ tướng Đức Merkel tuyên bố rằng, nếu cuộc điều tra cho thấy các lời cáo buộc gián điệp này là có thật thì đây là một vấn đề nghiêm trọng. Nó đi ngược lại bản chất của sự hợp tác giữa hai nước đồng minh.

Từ trước đến giờ Washington nhiều lần tố cáo Bắc Kinh hoạt động gián điệp nhằm vào các công ty của Mỹ. Tuyên bố của bà Merkel ngay tại Bắc Kinh như thế chẳng khác nào "tát" vào mặt Mỹ? Các chuyên gia không nghĩ vậy. Đây đơn thuần là một phản ứng cấp thời. Bà Merkel đang ở thăm Trung Quốc đúng lúc nổ ra vụ bê bối nên bà không thể đợi đến khi về nước mới có phản ứng. Trước vụ việc quan trọng như vậy, việc bà Merkel phản ứng nhanh là cần thiết cho uy tín chính trị của bà vì hiện nay công luận Đức đang hết sức phẫn nộ. Với Đức, Trung Quốc chỉ đơn thuần là một đối tác kinh tế.

Trong bài diễn văn đọc khi tiếp Thủ tướng Merkel ngày 7/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng "toàn dân Trung Quốc đã sử dụng toàn lực chống lại cuộc chiến tranh của quân phiệt Nhật Bản cho đến ngày chiến thắng". Thủ tướng Đức không tán đồng lời tuyên bố của người đồng nhiệm Trung Quốc, không có lời tuyên bố xa gần nào ám chỉ Thế chiến thứ hai.

Theo Reuters, nguồn tin ngoại giao của Đức cho biết, Berlin không muốn để giới lãnh đạo Trung Quốc lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Tokyo. Chính quyền Đức cũng không tán đồng sự kiện Trung Quốc thường xuyên nhắc lại quá khứ đau thương của nước Đức thời Thế chiến thứ hai để qua đó lên án Nhật Bản ngày nay.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tố cáo Mỹ hoạt động gián điệp trong cuộc họp báo với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ngày 7/7 tại Bắc Kinh.

Thực tế cho thấy, những bê bối tình báo gián điệp giữa Mỹ và Đức thời gian qua dễ dàng được giải quyết. Thủ tướng Đức vẫn xem quan hệ với Mỹ là tối cần thiết. Mỹ và Đức là hai đối tác trong khuôn khổ quan hệ song phương cũng như trong khuôn khổ quan hệ Mỹ - EU. Tất nhiên, trong quan hệ giữa các cơ quan an ninh của hai bên đối tác phải có sự tin cậy lẫn nhau. Vì thế, các cơ quan chính thức của Đức đã có những tuyên bố cứng rắn. Nhưng sau đó thì không có gì xảy ra. Vụ bê bối hiện nay cũng sẽ bị dập tắt nhanh chóng như trước.

Hiện nay, nước Đức rất coi trọng quan hệ hợp tác châu Âu-Mỹ. Dù bà Merkel không tán thành hành vi của các đối tác Mỹ, nhưng, buộc phải che giấu cảm xúc của mình và xem xét các mối quan hệ Đức- Mỹ trong bối cảnh thỏa thuận tương lai về thương mại và đầu tư tự do. Hiện nay, thỏa thuận này là quan trọng hơn so với sự bất mãn với hành động của đối tác Mỹ.

Tuy vậy, vụ bê bối gián điệp mới có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa Berlin và Washington. Theo tờ The New York Times, một quan chức cấp cao của Mỹ đã nói, Washington có thể chấm dứt sự hợp tác tình báo với Đức. Và Berlin phụ thuộc nhiều vào thông tin được cung cấp từ Mỹ. Một trong những trung tâm tình báo lớn nhất của NSA trên địa bàn Đức là Trung tâm Kỹ thuật châu Âu tại thành phố Wiesbaden.

Về mặt chính thức, đây là một căn cứ quân sự của Mỹ, nhưng trên thực tế, trung tâm này thu thập thông tin từ các nhân viên NSA và các cơ quan đối tác nước ngoài ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông

M.T. (tổng hợp)
.
.