Cuba – Mỹ chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao: Lịch sử sang trang

Thứ Tư, 08/07/2015, 17:35
Mỹ và Cuba ngày 1/7 đã chính thức tuyên bố kế hoạch khôi phục quan hệ ngoại giao, cụ thể là mở lại Đại sứ quán ở Washington và La Habana sớm nhất vào ngày 20/7 tới. Vậy là hơn 6 tháng sau tuyên bố lịch sử ngày 17/12/2014 của Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama về tái thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, chính phủ hai nước đã thực hiện được bước đi đầy mong đợi.

Sự mở đầu được các bên mong đợi

Một trang mới trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa 2 nước láng giềng Mỹ và Cuba vừa được mở ra sau thông báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Vườn Hồng Nhà Trắng hôm 1/7 về kế hoạch mở lại đại sứ quán tại thủ đô 2 nước và khởi đầu một chương mới: quan hệ gắn kết thay cho hơn nửa thế kỷ đối đầu.

Thông báo của Tổng thống Obama đánh dấu một bước đột phá ngoại giao mới, là tiến bộ rõ nét nhất trong các nỗ lực cho đến nay của lãnh đạo 2 nước Mỹ và Cuba nhằm tái lập quan hệ nhiều mặt giữa 2 bên kể từ khi tiến trình được lãnh đạo 2 nước thông báo vào tháng 12/2014. Đó cũng là kết quả thiết thực nhất của những tháng âm thầm đàm phán bí mật giữa 2 bên nhằm tìm kiếm một sự đồng cảm, nhất trí chung.

Theo các thư tín trao đổi giữa hai chính phủ Mỹ-Cuba tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1/7, các quan hệ ngoại giao sẽ được khôi phục một cách chính thức vào ngày 20/7 tới. Và người dự kiến được chọn là Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Cuba sau hơn 50 năm là nhà ngoại giao Jeffrey DeLaurentis, người có nhiều năm đảm nhận vai trò Quyền Đại sứ tại Cuba.

Tổng thống Mỹ cũng thông báo, vài tuần nữa, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến La Habana để một lần nữa kéo lá cờ Mỹ lên trên cột cờ trước tòa nhà Đại sứ quán cũ. Bản thân Ngoại trưởng Kerry cũng đang rất háo hức chờ đợi đến ngày lịch sử đó - ngày ông sẽ trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên kể từ năm 1945 đặt chân đến Cuba.

Việc mở lại đại sứ quán, nối lại quan hệ ngoại giao là một bước đi hai bên cùng có lợi. Dù giữa hai chính phủ vẫn còn "những khác biệt lớn" về một số vấn đề, ông Kerry cho rằng việc mở lại Đại sứ quán tại Cuba sẽ tạo điều kiện cho các quan chức Mỹ tiếp cận thường xuyên hơn với Chính phủ Cuba và ở cấp cao hơn. Các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba sẽ được phép đi lại thoải mái hơn, đến được nhiều nơi hơn trên khắp hòn đảo tự do - chỉ phải thông báo với chính quyền Cuba về hoạt động của mình chứ không còn phải "xin giấy phép" để đi lại nữa.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng sau tuyên bố trên, đã nói rằng: "Bước tiến mà chúng ta đạt được hôm nay tiếp tục phản ánh thực tế rằng chúng ta không cần phải bị ràng buộc bởi quá khứ. Khi điều gì đó đã lỗi thời, chúng ta sẽ thay đổi".

Mặc dù khẳng định rằng giữa hai nước vẫn còn nhiều bất đồng, song ông Obama nhấn mạnh: "Chính sách cô lập (Cuba) hoàn toàn vô dụng trong suốt 50 năm qua. Nó cản trở Mỹ tham gia xây dựng tương lai với Cuba và thậm chí còn khiến cuộc sống của người dân Cuba trở nên tồi tệ hơn".

Tất nhiên cột mốc mới này không đồng nghĩa với việc hai bên xóa bỏ hay giải quyết những khác biệt còn rất lớn của mình để hoàn thành mục tiêu dài hạn là bình thường hóa quan hệ, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba vẫn còn nguyên hiệu lực. Ngay trong tuyên bố chính thức về việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao, Chính phủ Cuba cũng đã nhấn mạnh việc xóa bỏ chính sách thù địch kéo dài hơn nửa thế kỷ trên là bước đi thiết yếu tiếp theo, trong khi Tổng thống Obama cũng thừa nhận thực tế này và yêu cầu Quốc hội Mỹ hủy bỏ các đạo luật liên quan tới cấm vận.

Tòa nhà đại sứ quán Mỹ tại La Habana, Cuba.

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận mở cửa lại đại sứ quán tại Washington và La Habana được hoàn tất không chỉ là việc hiện thực hóa cam kết mà hai "cựu thù" thời Chiến tranh Lạnh đưa ra cách đây 6 tháng, mà còn thể hiện những nỗ lực mạnh mẽ nhằm chấm dứt sự thù địch chi phối mối quan hệ song phương kể từ cuộc nổi dậy do nhà lãnh đạo kỳ cựu của Cuba Fidel Castro tiến hành nhằm lật đổ chính phủ được Mỹ hậu thuẫn của Fulgencio Batista vào ngày 1/1/1959. Tổng thống Obama nói rằng thỏa thuận này sẽ mở rộng đường giúp Mỹ kết nối dễ dàng hơn với người dân Cuba, cho phép nhiều nhà ngoại giao tới công tác và được đi lại tự do hơn tại quốc gia này.

Chưa kể việc mở cửa trở lại sứ quán Mỹ tại La Habana vào cuối tháng này cũng sẽ thu hút đầu tư từ nhiều doanh nghiệp Mỹ, vốn rất quan tâm tới việc phát triển và mở rộng hoạt động tại quốc gia láng giềng này, nhưng hiện vẫn tỏ ra dè dặt. Ông Geoff Thale - Giám đốc Văn phòng Washington phụ trách khu vực Mỹ Latinh, một tổ chức ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba - nói: "Đây là một quyết định nhiều ý nghĩa. Việc mở cửa lại các đại sứ quán sẽ khích lệ các doanh nghiệp Mỹ".

"Cái kết có hậu" này còn được Liên minh châu Âu (EU) mô tả là một sự khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba sau 54 năm thù địch, và gọi đây là một cột mốc lịch sử. Không chỉ kêu gọi hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ áp đặt đối với Cuba từ năm 1962, EU nhấn mạnh lệnh cấm vận này "đã lỗi thời và tồn tại đầy mâu thuẫn".

Trên thực tế, EU chưa từng cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Cuba, mặc dù khối này luôn đưa ra những chỉ trích gay gắt về vấn đề nhân quyền của La Habana. EU và Cuba cũng dự định ký kết một thỏa thuận khung chính trị về đối thoại và hợp tác vào cuối năm nay.   

Triển vọng thuận lợi, nhưng thách thức vẫn ngổn ngang

Mặc dù được dư luận thế giới hoan nghênh và đánh giá là đang đi đúng hướng, song thỏa thuận tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba vẫn chỉ được coi là một "cái kết có hậu" cho sự mở đầu, tiến trình để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, tiến tới xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước vẫn phải trải qua một chặng đường dài với nhiều gian nan.

Trước tiên, việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận Cuba còn phải chờ được Quốc hội Mỹ (do đảng Cộng hòa đang chi phối) thông qua. Cho đến nay, cơ quan lập pháp này vẫn khước từ đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm vận áp đặt với Cuba suốt 53 năm qua của Tổng thống Obama, thuộc đảng Dân chủ.

Việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba được xem là một "di sản" trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama trước khi ông rời nhiệm vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, tiến trình đó đã và đang gặp không ít khó khăn, trở ngại, và theo Tổng thống Obama, phần lớn xuất phát từ sự chống đối trong Quốc hội Mỹ, đặc biệt là từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa và những nghị sĩ Mỹ gốc Cuba. Và những trở ngại này còn có thể trở thành một tâm điểm nóng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, phía sau là Phó Tổng thống Joe Biden, phát biểu thông báo việc mở lại Đại sứ quán giữa 2 nước.

Trong phát biểu ngày 1/7, Tổng thống Obama cũng đã kêu gọi Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát thôi phản đối tiến trình hòa giải với Cuba, kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận và cấm đi lại giữa 2 nước. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Obama đã nhận được phản hồi tiêu cực từ phía đảng Cộng hòa, trong đó có một số ứng cử viên Tổng thống 2016, với tuyên bố sẽ ngăn chặn tiến trình hòa giải bằng mọi cách, trong đó có việc cản trở thông qua đại sứ Mỹ mới tại Cuba, từ chối cấp kinh phí hoạt động cho đại sứ quán mới và duy trì những hạn chế khắt khe trong giao thương giữa Mỹ và Cuba.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, ứng viên Tổng thống 2016, tuyên bố ông sẽ yêu cầu dừng việc thông qua đại sứ mới tại Cuba cho đến khi nào chính phủ 2 nước đạt được thỏa thuận đối với một số vấn đề, bao gồm việc cho hồi hương một số người Mỹ đào tẩu đang lẩn trốn tại Cuba, việc vấn đề một số người Cuba lưu vong tại Mỹ đòi tài sản đã bị Chính phủ Cuba tịch thu khi họ vượt biên sang Mỹ, và việc đẩy mạnh tự do chính trị - một yêu cầu luôn bị La Habana từ chối vì nó đồng nghĩa với việc từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, có tác động tiêu cực đến Cách mạng Cuba.

Một số ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ 2016 có mang trong mình dòng máu Cuba, như ông Marco Rubio and Ted Cruz, đều công khai phản đối việc cải thiện quan hệ song phương Mỹ - Cuba. Thượng nghị sĩ Rubio, thuộc bang Florida, cáo buộc Tổng thống Obama đang nhượng bộ Cuba. Ông nói: " Tôi sẽ phản đối tất cả kế hoạch bổ nhiệm một đại sứ tới Cuba chừng nào những khúc mắc giữa hai nước chưa được giải quyết triệt để".

Thượng nghị sĩ Cruz, thuộc bang Texas, cho biết ông sẽ "làm mọi cách để cản trở việc cung cấp nguồn vốn cho kế hoạch xây dựng đại sứ quán tại La Habana... tới khi nào Tổng thống có thể thực sự cho thấy ông đã đạt những tiến triển cụ thể trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho bè bạn của chúng ta, những người dân thường tại Cuba".

Thượng nghị sĩ Bob Menedez, thuộc đảng Dân chủ, cũng có chung quan điểm. Thượng nghị sĩ Menedez cũng cáo buộc Tổng thống Obama đang làm mọi việc chỉ vì muốn kiếm thêm thành tích vào di sản chính trị của mình.

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ hôm 11/4 ở Panama.

Nhà phân tích Diego Moya-Ocampos thuộc IHS cho rằng nếu các thủ tục pháp lý là rất khó khăn thì việc dỡ bỏ lệnh cấm vận có thể được coi là một cuộc chiến khốc liệt. Ông nói: "Các lệnh trừng phạt quan trọng ít có khả năng được hủy bỏ hoàn toàn cho tới khi Quốc hội Mỹ chấp thuận dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba, điều khó có khả năng xảy ra trước năm 2018, thời điểm Chủ tịch Cuba Raul Castro dự kiến sẽ nghỉ hưu".

Đó là chưa kể, một khi quan hệ ngoại giao được khôi phục hoàn toàn, Mỹ và Cuba sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề song phương phức tạp, có thể sẽ cần đến nhiều năm để giải quyết. Một tuyên bố của chính quyền Cuba lưu ý rằng Mỹ cần phải chấm dứt các kênh phát thanh và truyền hình có nội dung "phản động và chống đối Cuba", những chương trình mà Washington cho là nhằm thúc đẩy dân chủ tại quốc gia này.

Ngoài ra, để quan hệ song phương được bình thường hóa toàn diện, Mỹ không chỉ phải bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế, mà còn trao trả căn cứ quân sự tại Vịnh Guantanamo mà họ sử dụng từ năm 1903, để bảo đảm quyền toàn vẹn lãnh thổ cho Cuba.

Thỏa thuận tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ - Cuba được đánh giá là bước ngoặt "lịch sử" trong quan hệ giữa hai cựu thù này sau hơn nửa thế kỷ "đối đầu". Tuy nhiên, để tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, hai nước vẫn cần nhận thức đầy đủ và tranh thủ thời cơ "ngàn vàng" này để tiếp tục thể hiện thiện chí, tích cực đàm phán tìm ra các giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau. Chỉ có như vậy, tiến trình bình thường hóa quan hệ mới thu được kết quả thực sự có nghĩa.

Thời khắc đen tối nhất trong quan hệ song phương

Ngày 15/10/1962, Mỹ phát hiện Liên Xô đang xây dựng căn cứ tên lửa tại Cuba. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba chỉ chấm dứt khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nikita Khrushchev chấp nhận lời đề nghị bí mật của Tổng thống Kennedy. Theo đó, Mỹ rút các tên lửa của mình tại Thổ Nhĩ Kỳ để Nga chịu từ bỏ kế hoạch ở Cuba. Tên lửa của Liên Xô bị rút đi trong 6 tháng, nhưng Washington thì “rất lâu mới có thể tha thứ cho đất nước đã cho phép những tên lửa đó đặt gần nước Mỹ đến như vậy”.

Vào năm 1980, kinh tế suy thoái ở Cuba khiến nhiều người tại nước này tìm kiếm tư cách tị nạn chính trị ở nước ngoài. Ông Castro, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba, tuyên bố rằng những ai muốn ra đi có thể đi từ cảng Merial.

Trong 6 tháng sau đó, 125.000 người Cuba đã tìm đường đến nước Mỹ. Castro cũng cho thả nhiều tội phạm và bệnh nhân tâm thần, khoảng 22.000 người trong số đó đã cập cảng Florida và Havana từ chối nhận họ về.

Nước Mỹ thắt chặt lệnh cấm vận lên Cuba vào năm 1992 và 1996. Bước sang thế kỷ XXI, tình trạng quan hệ của 2 nước lên xuống tùy thời điểm, dù Mỹ là nhà cung cấp thực phẩm chính cho Cuba. Năm 2009, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Obama tuyên bố tháo dỡ các hạn chế trong việc thăm viếng người thân và chuyển tiền về Cuba.

Chỉ đến sáng 18/12/2014, lãnh đạo cả hai bên tuyên bố sẽ bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ trong sự tán đồng từ nhiều phía.

Bảo Trân - V.Trương (tổng hợp)
.
.