Cuba với gói 30 biện pháp thúc đẩy kinh tế
Trong số này có nhiều biện pháp khuyến khích xuất khẩu kể cả đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong doanh nghiệp nhà nước, linh hoạt hóa các kế hoạch kinh tế, tạo ra những lựa chọn mới để đưa nguồn kiều hối vào sản xuất, kiểm soát ngân sách và chi tiêu chặt chẽ hơn, tạo thêm những giải pháp để ngăn bớt dòng ngoại tệ chảy ra ngoài từ hoạt động mua sắm cá nhân đối với các sản phẩm đang bị thiếu hụt ở thị trường trong nước.
Theo nhận định của tuần báo Progreso Semanal, tính tích cực của gói biện pháp này là không phải bàn cãi. Đầu tiên, việc tăng lương áp dụng cho bộ phận hưởng ngân sách là hơn 1,4 triệu người, chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động, trong khi bộ phận lao động trong doanh nghiệp nhà nước với thu nhập một phần phụ thuộc vào sản phẩm cũng chiếm khoảng 1/3 và lực lượng lao động tự do chiếm phần còn lại, được song hành cùng các biện pháp mang tính cơ cấu mà theo tuyên bố hướng tới việc tăng nguồn cung và cải thiện quá trình hội nhập nội bộ trong nền kinh tế.
Tương tự, một số biện pháp điều chỉnh hướng tới 2 lĩnh vực đang tụt hậu nhiều nhất trong tiến trình cải cách của Cuba, đó là xuất khẩu - hoạt động then chốt trong một nền kinh tế nhỏ - và khối doanh nghiệp nhà nước. Cũng có sự khuyến khích mối quan hệ giữa thành phần kinh tế công, tư và hợp tác xã, tất cả những điều này tạo nên một bước đi đúng hướng.
Việc tăng lương đối với bộ phận lao động nhà nước hưởng lương ngân sách trong con mắt đánh giá chung được coi là biện pháp có ảnh hưởng lớn nhất. Theo các số liệu được công bố, quyết định tăng lương này tương đương với khoản ngân sách phụ trội 7,05 tỷ peso (khoảng 293 triệu USD theo tỷ giá quy đổi trong sinh hoạt. Riêng Cuba là quốc gia quy định tới 5 tỷ giá chính thức, dao động 24 lần) mỗi tháng, tương đương mức tăng hơn 400 peso (gần 20 USD) một tháng đối với mỗi lao động.
Đây là con số không hề nhỏ nếu so với mức lương trung bình chỉ khoảng 30 USD hằng tháng của khối hưởng lương ngân sách. Để dễ hình dung hơn, khoản ngân sách để tăng lương nói trên tương đương 10.7% tổng số chi tiêu được hoạch định trong năm 2019 theo Luật Ngân sách của Cuba và 18,2% tổng số chi phí hoạch định cho khối hưởng lương ngân sách.
Một góc của Havana (Cuba). |
Cũng theo những đánh giá được đưa ra, biện pháp này đạt hiệu quả về mặt chính trị và xã hội. Tuy nhiên, thành công của nó còn phụ thuộc vào giải pháp sản xuất mà trước mắt khó có thể thực thi. Những thay đổi này phải tương thích với nhau không chỉ về quy mô mà còn cả về cấu trúc. Nói cách khác, cần phải tăng nguồn cung của chính những sản phẩm mà người dân muốn mua với số tiền được bổ sung nói trên.
Và đây chính là thách thức lớn nhất. Lâu nay, nguồn cung tại Cuba luôn trong tình trạng thiếu hụt, xuất phát từ nhiều hạn chế khác nhau, trong đó có cả những vấn đề từ bên ngoài do bị cấm vận. Ngoài ra, đặc điểm của các dây chuyền sản xuất trong nước đòi hỏi Cuba phải nhập khẩu một phần nguyên vật liệu và điều này chưa thể thay đổi trong trung hạn. Nguồn cung cũng có thể tăng qua việc nhập khẩu trực tiếp các hàng hóa tiêu thụ đã thành phẩm nhưng tình hình cán cân thanh toán hiện tại của Cuba cho thấy việc gia tăng theo chiều hướng này là khó khả thi.
Rõ ràng, trong bất kỳ trường hợp nào, cơ chế vận động nguồn cung đều phụ thuộc rất nhiều vào sự sẵn có của các sản phẩm nhập khẩu, cho dù là nguyên vật liệu hay thành phẩm. Và điều này đòi hỏi ngoại tệ, điều mà Cuba luôn thiếu.
Trong khi đó, những mong muốn về việc duy trì giá cả ở mức hiện tại đi ngược lại hoàn toàn với dự định triển khai các cơ chế kinh tế. Thị trường, trong một khuôn khổ điều tiết nhất định, vận động cùng lúc cho cả cung lẫn cầu. Nếu nguồn cung không tăng thì việc tăng giá là cơ chế điều chỉnh không thể tránh khỏi khi nhu cầu tăng. Việc phủ nhận nó sẽ làm phát sinh theo dây chuyền một loạt hiện tượng tiêu cực khác như hàng hóa thiếu thốn, những dòng người xếp hàng dài trước cửa hàng hay nạn chợ đen hoành hành.
Trong hoàn cảnh này, việc lựa chọn và chấp nhận sự điều chỉnh của thị trường sẽ là sự khôn ngoan. Việc tăng giá khiến các nguồn tiền phụ trội được chuyển cho các nhà sản xuất và cho phép họ đầu tư nâng cao sản lượng, qua đó điều tiết lại giá cả. Tuy nhiên, mắt xích này, theo đánh giá, lại chưa được chính phủ quan tâm một cách thấu đáo.
Việc mở rộng sản xuất đòi hỏi phải gia tăng mua sắm vật tư và phương tiện sản xuất nhưng theo quy định thì các nhà sản xuất lại không có điều kiện làm việc này. Sự hạn chế đến từ thực trạng đất nước, cả từ bên ngoài lẫn bên trong và đây vẫn là bài toán chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Vì lợi ích thực sự của những thành phần khiêm tốn nhất trong xã hội Cuba, gói 30 biện pháp vừa được công bố có thể sẽ thành công. Quan trọng hơn, hy vọng rằng đó sẽ là tiền đề để cho một quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế sâu sắc hơn, mang lại những không gian rộng rãi hơn để vươn tới sự thịnh vượng, chứ không chỉ thêm một lần điều chỉnh mang tính chiến thuật nữa.
Chỉ có điều, hiện tại, Cuba sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” để thực hiện những quyết định đã bị lần lữa nhiều lần nhưng đó là con đường bắt buộc phải đi. Trong hơn một thập niên qua, thực tế đã chứng minh rằng sự nhấn mạnh quá mức vào việc tính toán từng bước cũng gây ra những vấn đề riêng của chính nó, nghiêm trọng không kém và thậm chí còn hơn cả những vấn đề mà những người ra quyết sách chưa thể nhìn ra hết.