Cục diện hạt nhân Đông Bắc Á

Thứ Năm, 02/11/2017, 10:42
Những tiến bộ mau lẹ của Triều Tiên trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân đang tác động mạnh tới những toan tính quân sự trên toàn khu vực. Những hoài nghi xung quanh việc liệu Mỹ có thể tiếp tục giam giữ “vị thần nguyên tử ở trong chiếc chai” mãi được không cũng đang gia tăng.

Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, tại Hàn Quốc và Nhật Bản ngày nào cũng xuất hiện những ý kiến - thậm chí đôi khi còn công khai - cổ xúy phương án hạt nhân, trong bối cảnh dư luận hai quốc gia này lo sợ rằng Mỹ có thể không muốn bảo vệ họ vì làm như vậy có thể khiêu khích Bình Nhưỡng phóng tên lửa tới tận Los Angeles hoặc Washington.

Những động thái này đang đẩy các quốc gia láng giềng Triều Tiên tranh cãi về khả năng có cần sở hữu kho hạt nhân cho riêng mình hay không.

Tại Hàn Quốc, các cuộc khảo sát cho thấy 60% dư luận nước này ủng hộ chính phủ xây dựng vũ khí hạt nhân. Và gần 70% muốn Mỹ tái triển khai những vũ khí hạt nhân chiến lược loại sử dụng trên chiến trường, vốn đã bị rút khỏi nước này cách đây 25 năm.

Tại Nhật Bản, quốc gia duy nhất từng phải hứng chịu một vụ tấn công hạt nhân, dư luận gần như không ủng hộ chạy đua hạt nhân, song nhiều chuyên gia tin rằng thái độ này có thể nhanh chóng thay đổi nếu như cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Shinzo Abe đang chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Và Nhật Bản đang sở hữu kho nguyên liệu hạt nhân đủ để sản xuất 6.000 đầu đạn.

Ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, tại Australia, Myanmar... cũng đã xuất hiện những cuộc tranh cãi về việc nên tiếp tục “nói không” với vũ khí hạt nhân hay tự trang bị cho mình? Điều này làm leo thang những mối lo sợ rằng Triều Tiên có thể châm ngòi phản ứng dây chuyền cho một cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử tại khu vực.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Henry A. Kissinger, một trong số ít nhà chiến lược thời kỳ đầu của Chiến tranh lạnh vẫn còn sống, nói rằng ông gần như tin chắc rằng nếu như Triều Tiên tiếp tục có vũ khí hạt nhân, loại vũ khí này sẽ lan sang phần còn lại của châu Á.

Người dân Nhật hoang mang theo dõi đường phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Tại Seoul và Tokyo, nhiều người đã kết luận rằng Triều Tiên sẽ duy trì kho vũ khí hạt nhân, vì nếu chấm dứt tham vọng này cái giá phải trả sẽ là quá lớn - và họ đang cân nhắc các phương án.

Các nhà phân tích mô tả Nhật Bản là quốc gia hạt nhân “trên thực tế”, có thể sản xuất được vũ khí hạt nhân trong vòng 1-2 năm tới. Giới phân tích cho rằng sản xuất một vũ khí hạt nhân không hề khó đối với nước này. Nhật Bản đã sở hữu công nghệ tên lửa tầm xa, song cần có thêm thời gian để phát triển các hệ thống kiểm soát và truyền thông tinh vi hơn.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng được đánh giá là nước có thể sản xuất vũ khí hạt nhân trong vòng 6 tháng nếu Tổng thống Moon Jae in có quyết tâm chính trị để làm điều đó. Mặc dù cho đến nay, ông Moon Jae-in vẫn cương quyết phản đối việc sở hữu vũ khí hạt nhân vì cho rằng làm như vậy sẽ càng khó thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng của họ, song quan điểm của ông ngày càng chỉ là thiểu số.

Triều Tiên càng tiến gần tới khả năng tấn công được đến tận nước Mỹ, người Hàn Quốc càng lo lắng rằng sẽ bị bỏ rơi. Đơn cử như một số người đặt câu hỏi rằng liệu Washington có liều lĩnh can thiệp để nhận lấy hậu quả là Bình Nhưỡng phá hủy một thành phố của nước Mỹ hay không? Đối với nhiều người ở Hàn Quốc, giải pháp là bản thân họ phải có khả năng răn đe hạt nhân.

Một số chuyên gia Hàn Quốc cho rằng: “Nếu chúng ta không đáp trả bằng chính khả năng răn đe hạt nhân, người dân chúng ta sẽ bị biến thành con tin hạt nhân của Triều Tiên”. Thậm chí một số nhân vật có quan điểm cứng rắn lập luận rằng với vũ khí hạt nhân trong tay, Hàn Quốc sẽ có đòn bẩy và buộc Triều Tiên phải trở lại bàn đàm phán.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.