Hội nghị Thượng đỉnh G7:

Cực lực phản đối những hành động áp đặt và quân sự hóa trên Biển Đông

Thứ Ba, 31/05/2016, 10:25
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) lần này tại bán đảo Ise Shima, miền Trung Nhật Bản, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về việc G7 phải đóng vai trò chủ đạo đối với các nỗ lực quốc tế giải quyết vấn đề Biển Đông. Đây là một tuyên bố mạnh mẽ, thể hiện một lập trường kiên quyết và rõ ràng của G7 đối với tình hình Biển Đông.

Đây cũng là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo G7 với tư cách là một nhóm cho thấy quan điểm sẵn sàng can dự và góp phần ngăn chặn những hành động mang tính đơn phương, áp đặt và quân sự hóa trên Biển Đông. Mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng thông cáo chung của 7 cường quốc hàng đầu thế giới (G7) như đòn đánh trực diện vào Trung Quốc về các hoạt động cải tạo đảo đá và quân sự hóa các tiền đồn tại Biển Đông của nước này.

Ngày 27-5, các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra quan điểm đồng thuận cao thể hiện lập trường của nhóm đối với tình hình Biển Đông, biển Hoa Đông và các vùng biển quốc tế. Trong đó, cực lực phản đối các hoạt động cải tạo đảo đá và quân sự hóa các tiền đồn tại Biển Đông. Tuy không được nêu lên một cách cụ thể, nhưng rõ ràng đối tượng bị đả kích không ai khác hơn là Trung Quốc, trong thời gian gần đây đã rốt ráo bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời cho xây dựng một loạt cơ sở có thể dùng vào mục tiêu quân sự, và nhất là triển khai tên lửa, chiến đấu cơ trên các thực thể họ kiểm soát ở Biển Đông.

Lãnh đạo các thành viên G7 tại thượng đỉnh Ise Shima, Nhật Bản, ngày 26-5.

Theo lãnh đạo các quốc gia G7, hành động đơn phương có thể làm thay đổi thay đổi hiện trạng Biển Đông. Các lãnh đạo cũng phản đối các hành vi “hù dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực” trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, đồng thời kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp trong sự tôn trọng luật pháp quốc tế.

Quan điểm mạnh mẽ của nhóm G7 như vậy là một ngón đòn ngoại giao đánh vào Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, và sẽ cho thấy rõ sự lố bịch của các tuyên bố gần đây của Bắc Kinh, theo đó lập trường Biển Đông của Trung Quốc đã được hơn 40 nước ủng hộ(?). Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19-5 “khoe” rằng đã có hơn 40 quốc gia tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines lên Tòa Trọng tài quốc tế liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông.

Vấn đề là Bắc Kinh vẫn né tránh không công bố danh sách cụ thể của các “đồng minh đó”, nhưng căn cứ vào những thông tin nhỏ giọt và rải rác, thì đó chủ yếu là những nước không có trọng lượng, bao gồm Burundi, Slovenia, Niger, Gambia và Mozambique.

Nói về các nước “đồng minh” của Trung Quốc thì cũng phải nói đến những nước đang phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, đi đầu là Mỹ. Trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye dự kiến trong tháng 6 tới ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc tranh giành chủ quyền tại Biển Đông qua đường 9 đoạn, Mỹ không ngừng vận động các nước khác thể hiện rõ rệt quan điểm ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa án La Haye, đồng thời lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết này.

Ngay từ Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN hồi đầu năm, chính Tổng thống Mỹ Obama đã thuyết phục các đối tác Đông Nam Á về nhu cầu có lập trường thống nhất, công khai ủng hộ phán quyết của Tòa án La Haye. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, ông Obama cũng tìm kiếm hậu thuẫn của các cường quốc công nghiệp phát triển trên vấn đề này.

Ở cấp thấp hơn, ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cũng mới hoàn tất một vòng công du mới tại Lào, Việt Nam và Malaysia, cũng gợi lên vấn đề tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực. Ngoài nhóm G7, Liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng phán quyết của Tòa quốc tế về Biển Đông.

Kết quả của Thượng đỉnh G7 hôm 27-5 đã được dự báo. Trước đó, các Ngoại trưởng nhóm G7 sau cuộc họp tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản hôm 11-4 đã ra tuyên bố cho biết họ “phản đối mạnh mẽ với bất kỳ hành động khiêu khích đơn phương hay ép buộc, hăm dọa nào, vốn có thể thay đổi nguyên trạng hoặc làm gia tăng căng thẳng” ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trung Quốc ngay sau đó đã lên tiếng: “Chúng tôi kêu gọi các nước thành viên G7 tôn trọng cam kết của họ - không đứng về phe nào trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố. Theo Bắc Kinh, G7 nên tập trung vào hợp tác và quản trị kinh tế toàn cầu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu kém hơn là cố gắng khiêu khích và thổi phồng lên các vấn đề tranh chấp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục lặp lại luận điệu cho rằng, Bắc Kinh có cái gọi là “quyền” làm gì thì làm ở quần đảo Trường Sa và không có vấn đề với sự tự do hàng hải và hàng hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trung Quốc tái khẳng định họ cam kết giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán với các nước có liên quan trực tiếp thông qua luật pháp quốc tế và trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, để duy trì hòa bình và ổn định, nhưng vẫn bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình. Bắc Kinh cũng cho hay, họ sẽ không chấp nhận và tham gia vào bất kỳ cơ chế trọng tài nào phán xét về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Hoạt động bồi đắp xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa.

Trước và trong lúc Thượng đỉnh G7 đang diễn ra ở Nhật, Trung Quốc cũng đã tìm mọi cách để ngăn ngừa lãnh đạo các cường quốc thế giới ra tuyên bố chung chỉ trích hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông. Nhưng những nỗ lực đó không đem lại kết quả. Ngày 25-5, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cố lèo lái rằng: “G7 nên tập trung vào nhiệm vụ riêng, đó là hợp tác kinh tế, và không nên chỉ trỏ vào một cái gì đó bên ngoài trách vụ của mình”.

Ngay từ tối 25-5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên giọng rằng G7 phải duy trì “lập trường vô tư và công bằng thay vì áp dụng các tiêu chuẩn kép hoặc kết bè với nhau”. Đối với ông Vương Nghị, Trung Quốc “không muốn thấy bất kỳ cuộc thảo luận hoặc hành động nào có thể gây nên căng thẳng hoặc làm căng thẳng leo thang trong khu vực”.

Ngoài ra, như thông lệ, chính quyền Trung Quốc đã bật đèn xanh cho các phương tiện truyền thông tuôn ra những lời lẽ nặng nề nhất nhắm vào lãnh đạo nhóm G7 bao gồm Nhật, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia. Tân Hoa Xã, trong một bài xã luận với lời lẽ hết sức cay cú đã khuyên G7 là nên “đèn nhà ai nhà ấy rạng” đừng xía vào chuyện của người khác và “đổ thêm dầu vào lửa”. Tân Hoa Xã không ngần ngại tố cáo Nhật Bản là lợi dụng vị thế nước chủ nhà của hội nghị để cô lập Trung Quốc.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 25-5, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Đông Nam Á đã họp hội nghị thường niên (ADMM) lần thứ 10 tại Vientiane, Lào, nước hiện là chủ tịch luân phiên Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN. Trong thông cáo chung được công bố sau hội nghị, “các bộ trưởng đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh cũng như tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông, theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 – UNCLOS.

Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết nhanh chóng ký kết một bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông – COC, mang tính ràng buộc. Theo hãng tin Nikkei, Bộ trưởng Quốc Phòng Lào Chansamone Chanyalath tuyên bố “cần phải tránh các hành động đơn phương và thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông”.

Rõ ràng việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các cơ sở quân sự trên 7 hòn đảo nhân tạo trong các khu vực ở Biển Đông đã làm dấy lên nhiều lo ngại là Bắc Kinh thiết lập trên thực tế vùng nhận dạng phòng không để khống chế lưu thông hàng không trong khu vực. Dù Bắc Kinh có nói gì đi chăng nữa thì sự phản đối của G7 và các nước trong khu vực ASEAN cho thấy dã tâm và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông đang đe dọa tới hòa bình và ổn định thế giới.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.