“Cuộc Maraton”... chưa cán đích

Thứ Hai, 22/01/2018, 11:05
Những tín hiệu tích cực đang phát đi từ Bán đảo Triều Tiên khi Hàn Quốc và Triều Tiên dự kiến sẽ diễu hành chung dưới "lá cờ thống nhất" tại lễ khai mạc Olympic Pyeongchang 2018. Song, động thái cứng rắn và tư duy kiểu “Chiến tranh Lạnh” của một số nước sau hội nghị tại Canada vừa kết thúc ngày 17-1 đang khiến người ta lo lắng.

Một bàn tay không thể tạo ra tiếng vỗ. Tiếng vỗ tay hòa bình phải đến từ “thiện chí” của hai bàn tay. “Cuộc Maraton” chưa thể cán đích.

Ngoại trưởng 20 nước họp tại Canada về tình hình Triều Tiên.

Cuộc diễu hành dưới "lá cờ thống nhất"

Ngoài quyết định thành lập một đội khúc côn cầu nữ chung tham dự Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018 diễn ra vào tháng 2 tới, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã nhất trí sẽ diễu hành chung dưới một "lá cờ thống nhất" trong lễ khai mạc Olympic vào ngày 9-2 tại Pyeongchang.

Quyết định trên được đưa ra khi các quan chức hai miền Triều Tiên gặp nhau tại làng đình chiến Panmunjom (Pan-mun-chơm) ở biên giới hai miền để thảo luận về kế hoạch tham gia Olympic của Bình Nhưỡng.

Theo tuyên bố chung sau cuộc gặp, ngoài 30 vận động viên Taekwondo, Triều tiên sẽ cử một đoàn gồm 230 cổ động viên đến Olympic Pyeongchang, sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 25-2, và một đoàn 150 người gồm cả vận động viên và cổ động viên tham gia Paralympic diễn ra từ 9 đến 18-3. Trước đó, ngày 15-1, Triều Tiên cũng đã nhất trí cử một đoàn nghệ thuật gồm 140 người đến tham gia trình diễn tại Olympic mùa Đông Pyeongchang.

Những kết quả trên được xem là bước đột phá chưa từng thấy trong lịch sử giao lưu thể thao giữa hai miền Triều Tiên sau 2 cuộc họp làm việc tại Panmunjom thảo luận các vấn đề liên quan tới việc đoàn Triều Tiên tham dự Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018, đồng thời là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự "tan băng" trong quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên kể từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ khả năng đối thoại với Hàn Quốc trong Thông điệp năm mới 2018.

Về khả năng hai đoàn cùng diễu hành trong buổi khai mạc dưới cùng một lá cờ, Tổng thống Moon bày tỏ tin tuởng rằng việc này sẽ tạo ra một "cơ hội tốt hơn nhiều" để phát triển quan hệ giữa 2 miền, so với việc đoàn Triều Tiên chỉ tham gia Olympic. Ông tin rằng người dân 2 miền Triều Tiên, cũng như trên khắp thế giới sẽ rất cảm động khi được chứng kiến điều này và hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi để cải thiện quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên trong thời gian tới.

Liên quan tới sự kiện trên, nguồn tin của AFP cho biết, Triều Tiên đang chuẩn bị tổ chức một cuộc diễu binh rầm rộ nhằm phô trương sức mạnh quân sự của nước này trước thềm Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang. Trong khi đó, hãng tin Yonhap cũng đưa ra thông tin Triều Tiên đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô lớn vào ngày 8-2 tới, một ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông.

Một nguồn tin giấu tên của Chính phủ Hàn Quốc cho biết khoảng 12.000 binh sĩ, pháo binh và vũ khí khác sẽ tham gia cuộc diễu binh ở một sân bay gần gần Bình Nhưỡng. Sự kiện này được cho là nhằm đánh dấu lễ kỷ niệm 70 năm thành lập quân đội của Triều Tiên.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha ngày 17-1 khẳng định các cuộc đàm phán liên Triều hiện nay không vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế của quốc tế đối với Triều Tiên. Phát biểu sau Hội nghị Ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, vừa kết thúc tại thành phố Vancouver của Canada, bà Kang cho biết các đại biểu tham dự hội nghị đều hoan nghênh việc Triều Tiên tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang. Theo bà, các cuộc đàm phán liên Triều hiện nay về sự tham gia của đoàn Triều Tiên tại Olympic sắp tới không vi phạm các lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt đối với Triều Tiên.

Ngoại trưởng Hàn Quốc, Mỹ, Canada và Nhật Bản tại hội nghị ở Canada. Ảnh: AP.

Gây sức ép hay bủa vây?

Người đứng đầu ngành ngoại giao Hàn Quốc cho rằng mục đích cuối cùng của hội nghị này khi đưa ra các lệnh trừng phạt bằng cách siết chặt kiểm soát hàng hải đối với Bình Nhưỡng để gây sức ép nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Bà nhấn mạnh "thời điểm hiện nay rất quan trọng", đồng thời không loại trừ khả năng Triều Tiên có thể sẽ quay lại thái độ không đối thoại sau tháng 4, khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận chung đã trì hoãn.

Vì vậy, Hàn Quốc đã lên kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Mỹ để tạo ra một động lực cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, và thúc đẩy các cuộc đàm phán sâu hơn để bàn các vấn đề khác ngoài Olympic. Đây là cách tiếp cận đã nhận được sự ủng hộ của cả Mỹ và Nhật Bản.

Có thể hiểu được sự cứng rắn và những nghi ngại từ Mỹ và các đồng minh. Nhưng cả thế giới lại đang lo lắng chuyện khác. Khi mà tình hình Bán đảo Triều Tiên đang dần “ấm” lên, Mỹ cùng các đồng minh của mình vẫn tổ chức các cuộc diễn tập, chuyển máy bay ném bom tàng hình, tàu sân bay tới gần hơn khu vực Bán đảo Triều Tiên.

Hãng thông tấn Yonhap ngày 18-1 cho biết Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí tiếp tục triển khai các phương tiện chiến tranh chiến lược của Mỹ tới Bán đảo Triều Tiên nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Yonhap dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này và Mỹ đã đạt thỏa thuận về việc tái triển khai các vũ khí chiến lược tới Bán đảo Triều Tiên tại Hội nghị Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng (EDSCG) diễn ra hôm 17-1 tại thủ đô Washington (Mỹ), với sự tham gia của các quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao và Quốc phòng hai nước.

Bộ trên cho biết thêm, tại Hội nghị lần này, hai bên đã nhắc lại cam kết về hiệp ước phòng thủ đối với Hàn Quốc và sử dụng mọi năng lực quân sự, đồng thời tiếp tục tái bố trí các phương tiện chiến tranh chiến lược của Mỹ tới Hàn Quốc và các khu vực lân cận nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Máy bay ném bom tàng hình B-2. Ảnh: Military.com.

Gần đây, Mỹ cũng đã tăng cường triển khai nhiều phương tiện chiến tranh chiến lược tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương như triển khai tới căn cứ quân sự đảo Guam 6 máy bay ném bom tầm xa B52, 3 máy bay ném bom hạng nặng B-2, điều hàng không mẫu hạm Carl Vinson (CVN 70) tới Tây Thái Bình Dương. Trước đó, ngày 16/1, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Mac Thornberry cho biết quân đội nước này đang huấn luyện "rất nghiêm túc" cho một cuộc xung đột có thể nổ ra với Triều Tiên, mặc dù ông hy vọng những chuẩn bị như vậy sẽ không bao giờ phải dùng đến.

Quan điểm trên hầu như đã được thống nhất trong Bộ Quốc phòng Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nhiều lần khẳng định những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên sẽ được dẫn dắt qua con đường ngoại giao, mặc dù ông nói rằng Lầu Năm Góc luôn có phương án cho kịch bản xung đột.

“Bóng ma” Chiến tranh Lạnh

Liên quan tới những chuyển động quân sự của Mỹ và đồng minh nhằm vào khu vực Bán đảo Triều Tiên, ngày 17-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lên tiếng chỉ trích lời kêu gọi của 20 nước thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, cho rằng Hội nghị Ngoại trưởng tại Canada về vấn đề Triều Tiên là sản phẩm của “tư duy Chiến tranh Lạnh” và là dấu hiệu cho thấy Mỹ vẫn đang cân nhắc tấn công quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng.

Ông Lục Khảng nhấn mạnh, chỉ có thông qua đối thoại, giải quyết công bằng các mối quan ngại hợp lý của tất cả các bên, mới dẫn tới một giải pháp hiệu quả và hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho rằng hội nghị là "phản tác dụng" do tìm cách tiến hành các cơ chế mới nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng. Có không ít ý kiến cho rằng hội nghị sẽ khó tìm được một giải pháp ngoại giao vì không có sự tham gia của Nga và Trung Quốc. Moskva và Bắc Kinh cũng chỉ trích hội nghị quá tập trung vào trừng phạt thay vì tìm cách hạ nhiệt thông qua đối thoại.

Rõ ràng Triều Tiên cũng hiểu đang có chuyện gì xảy ra. Báo chí Triều Tiên ngày 16-1 đã nhắc lại lời kêu gọi Hàn Quốc ngừng hoàn toàn các cuộc tập trận chung với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng việc chỉ tạm dừng các cuộc tập trận không có nghĩa là đã làm giảm nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuần báo Tongil Sinbo nhấn mạnh: “Một quyết định ngừng hoàn toàn các cuộc tập trận chung chắc chắn là cần thiết cho lợi ích của chính nước Mỹ, cũng như vì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên”.

Máy bay ném bom chiến lược của Mỹ tại đảo Guam. Ảnh: Stars and Stripes.

Dù thế nào cũng nên tránh chiến tranh

Có thể thấy rõ, những tín hiệu tích cực đang dần bị che lấp bởi những tính toán của mỗi bên. Các chuyên gia nhận định, mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới trong năm 2018 là viễn cảnh về một cuộc chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, và các thế lực đang làm cho các vấn đề trở nên tồi tệ hơn. 

Giới chức Mỹ mới đây đã phải bàn bạc rất kỹ lưỡng rằng: Tấn công Triều Tiên hay cho phép Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân. Lựa chọn cái gì cũng có tính hai mặt và lâu nay luôn là hai sự lựa chọn tồi tệ khiến Mỹ phải đau đầu. Nếu tấn công thì sẽ đem lại chết chóc và sự hủy diệt, còn lựa chọn thứ hai sẽ dẫn đến nguy cơ Mỹ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Trong một cuộc thảo luận trong nội bộ chính quyền Trump về việc liệu có nên tính toán chủ động hơn đối với các giải pháp quân sự, ví dụ một cuộc tấn công phủ đầu vào các địa điểm tên lửa hoặc hạt nhân của Triều Tiên hay không. Đã không có câu trở lời nào được công khai. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từ chối bình luận về vấn đề này, song khẳng định mối đe dọa từ Triều Tiên ngày một gia tăng.

Ông nói: "Chúng ta phải thừa nhận rằng mối đe dọa ngày một gia tăng và nếu Triều Tiên không lựa chọn biện pháp đối thoại thì chính họ đã tự kích hoạt một sự lựa chọn khác” (ngầm ý sự lựa chọn quân sự).

Một loại tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: CBA.

Cả thế giới đang nín thở chờ đợi. Phát biểu tại phiên họp không chính thức của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 16-1, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã hối thúc lãnh đạo các cường quốc trên thế giới sớm ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Guterres nhận định những động thái nhằm giảm căng thẳng gần đây giữa hai miền Triều Tiên là những dấu hiệu rất quan trọng.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh "chớ quên rằng vấn đề thiết yếu vẫn chưa được giải quyết". Nhà lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này bày tỏ tin tưởng Bán đảo Triều Tiên "có thể tránh khỏi một cuộc chiến tranh".

“Tôi hoan nghênh việc mở lại các kênh liên lạc liên Triều, đặc biệt là giữa quân đội hai nước. Đây là chìa khóa để giảm bớt nguy cơ tính toán sai lầm hay hiểu sai và giảm bớt căng thẳng”.

Hoa Huyền
.
.