Cuộc chiến Yemen đã quá đủ rồi!

Thứ Hai, 26/11/2018, 15:04
85.000 đứa trẻ đã bị chết vì đói và vì bom đạn trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua tại Yemen. Báo cáo trên của Tổ chức phi chính phủ Save The Children được đưa ra đúng vào ngày ông Martin Griffiths - Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về vấn đề Yemen - đến thủ đô Sanaa của nước này để khôi phục hòa đàm và cũng đúng vào thời điểm Hội đồng Bảo an LHQ công bố sẽ xem xét một dự thảo nghị quyết về Yemen do Anh đề xuất nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài từ năm 2015.

Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng qua, cộng đồng quốc tế sốt sắng muốn chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu vô nhân đạo này.

Ông Martin Griffiths - Đặc phái viên LHQ về vấn đề Yemen đã đến thủ đô Sanaa của nước này ngày 21-11 với mục tiêu khôi phục hòa đàm giữa chính phủ và phiến quân Houthi, qua đó đạt được giải pháp chính trị cho xung đột hiện nay tại Yemen. Ông Griffiths đã có các cuộc trao đổi với các lãnh đạo đối lập của Yemen để chuẩn bị cho vòng hòa đàm mới, dự kiến diễn ra từ nay đến cuối năm tại Thụy Điển nhằm thống nhất một khuôn khổ cho hòa bình dưới thời chính phủ chuyển tiếp.

Trước đó, ngày 19-11, chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen cho biết sẽ tham gia các cuộc hòa đàm sắp tới. Tối 18-11, Mohammed Ali al-Houthi - thủ lĩnh Ủy ban Cách mạng tối cao của phiến quân Houthi - tuyên bố ngừng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Các tay súng Houthi tại Yemen.

Theo thủ lĩnh Mohammed Ali al-Houthi, quyết định trên được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu của Đặc phái viên Griffiths để “thể hiện thiện chí” trước khi các bên bắt đầu các cuộc hòa đàm. Ngày 16-11, phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, Đặc phái viên Griffiths cho biết các bên xung đột tại Yemen “đảm bảo chắc chắn” sẽ tham gia cuộc hòa đàm này.

Cũng trong ngày 21-11, Hội đồng Bảo an LHQ tuyên bố trong vài ngày tới sẽ xem xét một dự thảo nghị quyết về Yemen do Anh đề xuất nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài từ năm 2015. Dự thảo nghị quyết yêu cầu có một lệnh ngừng bắn ở thành phố Hodeida - nơi trung chuyển đa phần hoạt động trợ giúp nhân đạo, kèm theo đó các bên tham chiến phải dỡ bỏ lệnh phong tỏa để cho phép các tổ chức nhân đạo tiếp tế lương thực cho 14 triệu người dân đang bị nạn đói đe dọa.

Đây là dự thảo nghị quyết đầu tiên ủng hộ một giải pháp chính trị kể từ khi cuộc xung đột ở Yemen bắt đầu năm 2015. Nhưng, vừa mới được trình lên 15 thành viên Hội đồng Bảo an, dự thảo này đã có nguy cơ bị Saudi Arabia phản đối. Thông qua sự trung gian của đồng minh Koweit, Saudi Arabia cho biết là văn bản trên cần phải được thương lượng lại.

Thế nhưng, trước đó, London đã đồng ý xem xét giảm nhẹ đòi hỏi, chấp nhận một dự thảo nghị quyết hoàn toàn mang tính nhân đạo, để tránh nguy cơ làm hỏng niềm hy vọng mong manh về các giải pháp chính trị.

Tuy nhiên, dưới sức ép quốc tế, vốn vẫn còn rất mạnh từ khi xảy ra vụ sát hại nhà báo Khashoggi, nếu chính quyền Riyadh buộc phải nhượng bộ, thì cũng sẽ không có chuyện họ để bị áp đặt trong đàm phán. Saudi Arabia đòi hỏi các cuộc thảo luận phải dựa trên một nghị quyết cũ, theo đó các chiến binh Houthi phải rút khỏi Sanaa và giao nộp vũ khí. Đây là một yêu cầu mà phe nổi dậy Houthi coi là không thể chấp nhận được. Đòi hỏi trên cũng dự báo là các cuộc thương lượng, nhằm để giải quyết dứt điểm cuộc xung đột, sẽ rất khó khăn.

Trước đó, vào đầu tháng 11, Pháp và Hoa Kỳ kêu gọi Saudi Arabia nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Yemen, Washington yêu cầu các bên tham chiến bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán hòa bình trong tháng tới.

Ông Martin Griffiths - Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về vấn đề Yemen - tại Sanaa ngày 21-11.

“Đã đến lúc cần chấm dứt sự thù địch”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói. Các phiến quân Houthi, được hỗ trợ bởi Iran, nên ngừng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Saudi Arabia và UAE, theo ông Pompeo. Ngày 10-11-2018, Mỹ thông báo sẽ kết thúc việc tiếp liệu trên không cho máy bay liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen như đã làm từ năm 2015.

Cuộc nội chiến ở Yemen kéo dài khoảng 3 năm rưỡi nay đã khiến hơn 10 nghìn người thiệt mạng. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đánh giá rằng cuộc chiến ở Yemen là “nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới”.

Nhưng, có lẽ vấn đề ở Yemen sẽ không thể được giải quyết một sớm một chiều bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế bởi lẽ ở Yemen cũng như ở Syria hay Iraq hoặc Afghanistan, có quá nhiều các quốc gia khu vực và cường quốc thế giới và các lực lượng tại chỗ tham gia. Cụ thể, ở Yemen, ngoài các lực lượng chính phủ và phiến quân Houthi hiện nay còn có cả các phần tử khủng bố Al-Quedea, IS...

Nhưng, phức tạp hơn cả là các cường quốc khu vực đứng đằng sau những lực lượng đối kháng chính hiện nay tại Yemen. Trong khi chính phủ Sanaa được ủng hộ bởi một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đến từ khắp nơi trên thế giới, từ Bán đảo Arab có UAE, Kuwait, Bahrain, Qatar và Jordan; từ châu Phi còn có Ai Cập, Sudan là hai nước đối diện Saudi Arabia qua biển Đỏ; xa hơn nữa có Morocco, Pakistan ở Nam Á và Afghanistan cũng lên tiếng ủng hộ, cùng với Somalia là nước đối diện Yemen qua Vịnh Aden và đương nhiên có cả Mỹ và các đồng minh của nước này.

Trong khi đó, phiến quân Houthi từ đầu chỉ là một phong trào Hồi giáo Shia chủ trương khoan dung và hòa bình, có nhãn quan rộng rãi về giáo dục và văn hóa. Nhưng chẳng bao lâu, Iran đã gây được ảnh hưởng mạnh mẽ lên phong trào này ngay cả trước thời gian người Yemen đấu tranh thắng lợi chống chế độ độc tài của Tổng thống Saleh ở Yemen. Dần dà, đến năm 2011, các lãnh đạo của phong trào, trong đó có gia đình Houthi, đã tuyên bố hướng theo Iran về tư tưởng tôn giáo và chính trị.

Giới nghiên cứu nhận xét rằng Houthi đã phát triển và hoạt động giống hệt như lực lượng Hezbollah ở Liban và Syria. Cả Hezbollah với Houthi đều được Iran vũ trang và cố vấn về tổ chức, lãnh đạo về tinh thần. Mới đây, Iran đưa cố vấn quân sự sang Iraq và được cho là đã vũ trang cho lực lượng dân quân Shia của Iraq để chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS.

Ảnh hưởng đáng kể của Tehran ở Iraq cả về chính trị lẫn quân sự đã gây khó xử cho người Mỹ. Bây giờ ở Yemen lại hiện ra một lực lượng đang muốn chiếm chính quyền để trở thành một nước Hồi giáo Shia thân Iran, thì ảnh hưởng của Iran rõ ràng đã phát triển vượt bực quanh Bán đảo Arab. Iran luôn phủ nhận việc chuyển vận vũ khí tới Yemen.

Chính sự không rõ ràng và rắc rối về đồng minh như thế mới khiến cuộc nội chiến ở Yemen sẽ khó có ngày kết thúc!

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.