Khủng hoảng Syria bước vào giai đoạn mới:

Cuộc chiến của người ngoài - đau khổ của người trong

Thứ Hai, 26/02/2018, 10:41
Cuộc nội chiến ở Syria đang lan rộng và bước vào một giai đoạn mới nguy hiểm với những tính toán, giằng xé từ chính các lực lượng bên trong được tiếp sức từ các nhân tố quốc tế và khu vực hùng mạnh. Tương lai của Syria ngày càng phức tạp hơn... khi các bên tìm mọi cách để tấn công lẫn nhau trên lãnh thổ Syria.

“Ma trận” mới được thiết lập

Chiến sự đang diễn ra dữ dội ở Đông Ghouta khi quân đội chính phủ gia tăng chiến dịch giải phóng khu vực có hơn 400.000 thường dân sinh sống này. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), khoảng 250 dân thường đã bị thiệt mạng trong các đợt không kích tại Đông Ghouta trong tuần này. Từ ngày 4-2 đến nay, tại Đông Ghouta đã có hơn 1.200 người dân thương vong; trong khi người dân tại đây đang sống trong cảnh cùng cực, thiếu thực phẩm, nước uống, hệ thống chăm sóc y tế không đảm bảo.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức tại khu vực này để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo có thể đến được với người dân.

Việc các địa danh như Afrin ở miền Bắc Syria, Đông Ghouta ở ngoại ô thủ đô Damascus liên tục được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông với hàng trăm người chết, nhà cửa đổ sập, đạn pháo, tên lửa... và nét mặt kinh hoàng ở trẻ nhỏ cùng những tính toán ngày càng sôi sục cả bên trong lẫn bên ngoài Syria... đều có nguyên nhân của nó. Tất cả đang đẩy Syria rơi vào tình cảnh rối ren hơn khi mà cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này vào tháng 3 tới sẽ bước sang năm thứ 8 mà chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy hồi kết.

Vào tháng 3-2018 tới đây, đúng bảy năm sau khi làn sóng nổi dậy bùng nổ ở Syria, nhà lãnh đạo B.A.Assad kiểm soát được ít nhất một nửa lãnh thổ Syria, và với sự hỗ trợ của Iran và Nga, ông đang nỗ lực dẹp tan những thành trì còn lại của phe đối lập và dần mở rộng kiểm soát hầu hết, nếu không muốn nói là hoàn toàn lãnh thổ quốc gia Syria. Phe đối lập thánh chiến vẫn đang kiểm soát thành phố và khu vực Idlib ở Tây Bắc Syria.

Người Kurd chiếm đóng khoảng 15-20% lãnh thổ đất nước dọc khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Mỹ đã hỗ trợ người Kurd; Thổ Nhĩ Kỳ thì chống đối họ, chiếm đóng một số khu vực dọc biên giới với Syria nhằm ngăn cản sự bành trướng lãnh thổ của người Kurd.

Rất nhiều thường dân và trẻ em đã thiệt mạng trong xung đột mới nhất ở Đông Ghouta. Ảnh: Malaysian Digest.

Tại khu vực Tây Nam của đất nước, Iran đang nỗ lực triển khai các căn cứ và nhóm quân của mình cũng như các lực lượng dân quân Shiite nhằm đối đầu với Israel từ khu vực Địa Trung Hải ở dọc biên giới Liban-Israel cho đến cao nguyên Golan. Israel quyết tâm ngăn cản tiến trình này và đã xung đột với cả Iran lẫn các lực lượng Chính phủ Assad hồi giữa tháng 2-2018. Saudi Arabia và các nhà nước Sunni bảo thủ khác cũng cùng với Israel phản đối sự hiện diện và ảnh hưởng của Iran ở Syria, và đang hành động để chống lại họ bằng cách tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm Hồi giáo Sunni.

Tại khu vực, cốt lõi của cuộc xung đột là sự đối đầu giữa Iran và Saudi Arabia, hay là cuộc đối đầu Shiite-Sunni, trong đó Iran và các lực lượng ủy nhiệm (Hezbollah của Liban và các lực lượng dân quân Shiite khác) bảo vệ chế độ còn Saudi Arabia và các nhà nước Vùng Vịnh khác ủng hộ các nhóm đối lập.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng một vai trò quan trọng với việc bố trí các trụ sở cho phe đối lập, cho phép các tay súng nước ngoài quá cảnh để đến Syria, và chiếm đóng một số khu vực ở Bắc Syria nhằm kiểm soát những tham vọng tự trị của người Kurd. Trong khi đó, cho đến gần đây, Israel bắt đầu dấn sâu hơn và đóng một vai trò trong cuộc khủng hoảng Syria. Trong khi đó, IS về mặt quân sự đã thất bại, song vẫn chưa bị xóa sổ hoàn toàn.

Nhìn vào mớ bòng bong trên có thể thấy rõ, cuộc đấu tranh vì Syria sẽ còn tiếp diễn. Trung Đông đang thực sự bước vào vòng xoáy xung đột mới khi có quá nhiều nước can dự vào vấn đề Syria.

Những toan tính “xẻ thịt” một quốc gia

Nhìn vào thảm cảnh ở Đông Ghouta Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã phải ra một thông báo đầy xót xa: “Không từ ngữ nào có thể lấy lại công lý cho những đứa trẻ đã bị giết, cha mẹ và người thân của chúng”. Một chuyên gia đã nhận xét: Làm sao có thể đòi lại công lý cho các nạn nhân khi còn chưa thể biết chính xác bên nào là thủ phạm trong bối cảnh Syria đang ở thời kỳ xung đột phe phái bùng phát dữ dội.

Lo sợ ảnh hưởng của giao tranh có thể bùng phát, ngày 22-2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moskva sẵn sàng xem xét dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc ngừng bắn ở Syria. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Belgrade, ông Lavrov nói: “Dự thảo nghị quyết này… chúng tôi sẵn sàng xem xét”.

Theo Ngoại trưởng Nga, lệnh ngừng bắn không được phép áp dụng với các nhóm khủng bố như IS và Mặt trận Al- Nursa, song “các đối tác phương Tây của Nga không sẵn sàng loại bỏ rõ ràng những kẻ khủng bố khỏi lệnh ngừng bắn”. Về tình hình chiến sự tại khu vực Đông Ghouta - nơi vẫn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy, Ngoại trưởng Nga cho biết các tay súng nổi dậy ở Đông Ghouta đã từ chối đề nghị do Nga đưa ra về việc sơ tán ra khỏi khu vực này và tiếp tục sử dụng dân thường làm lá chắn sống.

Chỉ một ví dụ “Đông Ghouta” cũng đã cho thấy sự phức tạp của Syria trong giai đoạn mới. Syria ngày càng khó hơn khi mỗi bên đều có sự chống lưng bởi các lực lượng bên ngoài hậu thuẫn, vốn là những cường quốc đều đang theo đuổi những mục tiêu đối nghịch ở Syria.

Trong thế trận rối ren đó, phương Tây cho bộ máy tuyên truyền của mình tung hỏa mù cáo buộc Nga có liên quan đến các cuộc không kích ở Đông Ghouta do lực lượng phiến quân kiểm soát khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Với một cáo buộc vô căn cứ và không có bằng chứng, Moscow đương nhiên phủ nhận.

Thảm kịch ở Đông Ghouta và cáo buộc nhằm vào Nga tái hiện rõ cục diện đang ngày càng phức tạp ở Syria. Nơi đây không chỉ đang trải qua những cuộc xung đột nội bộ đẫm máu mà cả những cuộc quyết đấu giữa các thế lực bên ngoài thông qua các lực lượng ủy nhiệm của mình.

Thành phố Afrin ở phía bắc Syria là một ví dụ. Thành phố này hơn một tháng qua đã gánh chịu những cuộc tấn công trong khuôn khổ chiến dịch “Nhành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm tiêu diệt lực lượng phiến quân người Kurd vốn được Mỹ - một đồng minh “đồng sàng dị mộng” của Ankara - hậu thuẫn.

Sự tính toán và cách “bám trụ” của Mỹ ở Syria cùng việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng các hoạt động quân sự ở quốc gia láng giềng nhằm ngăn chặn các nguy cơ mất an ninh quốc gia từ nhóm phiến quân người Kurd, khiến Syria tiếp tục là nạn nhân của một cuộc chiến ủy nhiệm. Mỹ vẫn đang âm thầm củng cố lực lượng quân sự ủy nhiệm của mình tại Đông và Bắc Syria với nòng cốt là các tay súng người Kurd và Arab.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cùng lực lượng ủy nhiệm của mình ở Syria kiểm soát khu vực Bắc Aleppo. Còn Iran và Nga hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad duy trì hiện diện ở miền Trung Syria và khu vực gần biên giới Israel.

Đối với Syria, thảm họa trước mắt chính là sự tàn phá của chiến tranh và cuộc sống địa ngục của người dân nước này. Các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria đang đẩy nước này vào vòng xoáy xung đột mới. Điều nguy hiểm là quân đội Chính phủ Syria với lời đề nghị của người Kurd đã sát cánh với lực lượng này ở Afrin để bảo vệ lãnh thổ trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn về lâu dài, nguy cơ Syria bị chia cắt lãnh thổ là điều cũng cần tính tới.

Động thái của Mỹ hậu thuẫn lực lượng người Kurd chẳng khác nào tiếp tay cho tham vọng thiết lập một khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Syria. Và tất nhiên, khu vực này sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của chiếc ô an ninh do Mỹ tạo ra. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là điều khó chấp nhận khi lực lượng nổi dậy người Kurd lợi dụng chiếc ô an ninh của Mỹ để thiết lập một khu vực tự trị hoặc một nhà nước độc lập dọc tuyến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara còn lo ngại Mỹ sẽ “tiếp lửa” nhiều hơn cho lực lượng ủy nhiệm của mình để ngăn quốc gia Hồi giáo Iran gia tăng ảnh hưởng tại Syria cũng như toàn khu vực Trung Đông.

Kẻ thiết kế khối thuốc nổ Trung Đông

Chính sự “hà hơi” của các cường quốc bên ngoài đối với chính quyền và phe nhóm khác nhau ở Syria đã khiến giai đoạn mới trong cuộc chiến Syria ngày càng nguy hiểm. Sức mạnh từ bên ngoài đã giúp các phe nhóm bên trong ngày càng củng cố tham vọng chính trị và lập trường của các bên cũng cứng rắn hơn, khiến cho triển vọng về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Trong khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đồng bảo trợ hòa đàm Sochi thì Mỹ vẫn đang âm thầm củng cố lực lượng quân sự của mình tại Đông và Bắc Syria - một lực lượng lấy nòng cốt là các tay súng người Kurd và Arập và đóng trên một khu vực rộng lớn giành được từ tay IS để một lần nữa dấy can qua. Lực lượng ủy nhiệm này của Mỹ xuất hiện trên dải đất kéo dài từ phía Đông sông Euphrates xuống phía Nam hướng sang biên giới Iraq.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng ủy nhiệm của nước này kiểm soát khu vực Bắc Aleppo, còn Iran và Nga duy trì hiện diện ở miền Trung Syria và khu vực gần biên giới Israel.

Đông Ghouta đổ nát. Ảnh: International Business Times.

Có thể nhận ra sự hỗn loạn ở Trung Đông và Syria chính là hệ quả của những tính toán chiến lược của Mỹ trong bối cảnh các nước lớn trong khu vực đang ra sức tranh giành ảnh hưởng. Đầu tiên là việc Thủ tướng Liban Saad al-Hariri bất ngờ đưa ra quyết định từ chức từ Saudi Arabia vào tháng 11-2017, cùng với việc chính quyền Riyadh bắt giữ hàng loạt thành viên Hoàng gia cũng như các quan chức cấp cao.

Tiếp đó là việc Chính phủ Saudi Arabia cáo buộc Iran về hành động “xâm lược” ở Yemen thông qua việc cung cấp tên lửa cho các tay súng Houthi chống lại Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi ngày 6-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv đến Jerusalem cũng như tuyên bố cắt bớt viện trợ nhân đạo cho Palestine ...

Những diễn biến này khiến một số chuyên gia cho rằng Mỹ, Israel, Saudi Arabia đang “âm mưu” bắt đầu một cuộc xung đột mới trong khu vực.

Sự hiện diện của Mỹ đã trấn an các đồng minh Saudi Arabia và Israel, vốn ủng hộ lực lượng Mỹ đồn trú lâu dài trong khu vực, nhưng lại làm Thổ Nhĩ Kỳ bất an. Lo ngại chính của Thổ Nhĩ Kỳ là điều này sẽ chống lưng cho các tay súng người Kurd, gây bất ổn an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, sự xuất hiện của Mỹ cũng làm gia tăng khả năng chia cắt Syria, thiết lập ra một khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Syria, đặt dưới cái ô an ninh do Mỹ cung cấp. Do vậy, triển vọng về một thỏa thuận hòa bình và một Syria thống nhất trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh tình hình Syria vốn đã quá phức tạp, sự xuất hiện của bất kỳ lực lượng bên ngoài nào cũng sẽ khiến nỗ lực vãn hồi hòa bình càng trở nên nan giải. Và việc quân đội Israel tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào hệ thống phòng không Syria cũng như các mục tiêu Iran tại lãnh thổ Syria và Mỹ ủng hộ hành động này có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự mới, thậm chí có thể là một cuộc chiến tranh “nóng” ở Trung Đông.

Thực tế đã chứng minh, tình hình chiến sự tại Syria sẽ thêm phần phức tạp sau khi liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tại miền Đông nước này tấn công vào lực lượng được Chính phủ Syria hậu thuẫn trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục “sứ mệnh” chống khủng bố tại Afrin. Tình hình Syria tiếp tục xấu đi, thậm chí một lần nữa có thể quay trở lại nội chiến trên quy mô lớn, nguyên nhân cơ bản nằm ở kết cấu phức tạp vừa đối kháng vừa hợp tác được hình thành giữa Mỹ và Nga trong vấn đề Syria, hoặc có thể nói là kết quả về chính sách Syria của Mỹ và Nga có tính chất khác nhau.

Chính sách của Mỹ ở Syria là một chính sách mang tính chiến thuật có tính chất ứng phó, còn chính sách của Nga ở Syria là một sự sắp đặt mang tính chiến lược có mục tiêu xác định. Kết cấu này không những là nguyên nhân khiến việc thay đổi chế độ cai trị của phương Tây dừng bước ở Syria, mà còn là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến cuộc khủng hoảng Syria từ nội chiến quay trở lại quỹ đạo chính trị.

Hướng đi tương lai của cuộc khủng hoảng Syria cũng sẽ chịu ảnh hưởng của kết cấu này, đó là trạng thái giằng co trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị và xung đột ở cường độ thấp lâu dài cùng tồn tại song song. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay ở Syria, có lẽ chỉ có thể hy vọng vào một giải pháp chính trị là thỏa thuận giữa các quốc gia trong đó có Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về các khu vực ảnh hưởng.

Tuy nhiên, “miếng bánh Syria” giờ đây khó có thể chia đều, và điều quan trọng là ai cũng muốn phần hơn, vì vậy, vòng luẩn quẩn này sẽ lại tiếp tục tạo ra các vòng xoáy nguy hiểm hơn ở Trung Đông.

Nguyễn Hòa
.
.