Cuộc chiến súng - dây chun

Thứ Tư, 04/04/2018, 14:37
Quân đội Israel đã bắn đạn thật và đạn hơi cay vào người biểu tình Palestine ở Dải Gaza. 16 người biểu tình Palestine bị bắn chết và 1.400 người khác bị thương. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tuyên bố 31-3 là ngày quốc tang.

Căng thẳng giữa Palestine và Israel leo thang tới đỉnh điểm, nếu không được xử lý, nó rất có thể là ngòi nổ cho cuộc xung đột mới ở khu vực luôn nóng bỏng này.

Không cân sức

Bạo lực bắt đầu bùng phát từ ngày 30-3, khi khoảng 10.000 người Palestine gồm cả phụ nữ và trẻ em tụ tập ở các điểm khác nhau dọc biên giới Israel và Palestine ở Gaza tuần hành kỷ niệm 42 năm “Ngày đất đai”. Những người tổ chức cuộc biểu tình cho biết, cuộc biểu tình trên sẽ kéo dài trong vòng 6 tuần, từ ngày 30-3 cho đến khi văn phòng mới của Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem khai trương dự kiến vào ngày 14-5 tới.

Các cuộc biểu tình này còn được cho là nhằm thể hiện sự phẫn nộ của người Palestine trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12-2017. Những người biểu tình cũng yêu cầu lực lượng chiếm đóng Israel phải cho phép những người tị nạn Palestine được trở về quê nhà tại phía nam Dải Gaza hiện do nhà nước Do Thái kiểm soát.

Tuy nhiên, đụng độ đã biến thành bạo lực ngay trong ngày biểu tình đầu tiên. Trước những cuộc biểu tình của người Palestine, quân đội Israel đã ban bố tình trạng báo động và tăng cường lực lượng an ninh được trang bị vũ khí gần hàng rào biên giới với Dải Gaza nhằm ứng phó với nguy cơ an ninh, đặc biệt là việc người biểu tình phá hàng rào an ninh.

Xung đột đã nổ ra khi các binh sĩ Israel tại khu vực biên giới bắn đạn thật và hơi cay để ngăn cản đám đông biểu tình người Palestine tiến gần hàng rào biên giới. Trong khi nhiều người biểu tình cũng ném đá vào các binh lính Israel.

Người biểu tình Palestine chỉ có gạch đá đối đầu Binh lính Israel trang bị xe bọc thép. Ảnh: Daily Mail.

Tính đến ngày 31-3, đã có ít nhất 16 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương trong các cuộc đụng độ diễn ra tại 65km dọc biên giới Israel - Gaza. Đây cũng là con số thương vong lớn nhất tại Dải Gaza kể từ năm 2014. Báo The Guardian dẫn nguồn tin của Cơ quan Y tế tại Gaza cho biết, hầu hết những người bị thương là do bị trúng đạn thật, đạn cao su hoặc hít phải hơi cay.

Giải thích về hành động tấn công người biểu tình Palestine, quân đội Israel cho rằng những người biểu tình tiến hành bạo động tại 6 khu vực khác nhau dọc biên giới và chính quyền Israel đã cấm tổ chức biểu tình, coi đây là thủ đoạn nhằm tiến hành hoạt động quân sự của phong trào Hồi giáo Hamas tại Gaza. Thông báo cũng bác bỏ thông tin cho rằng quân đội Israel đã sử dụng vũ lực quá mức với người biểu tình, khẳng định những người bị thiệt mạng là do tham gia vào bạo động.

Bên cạnh đó, quân đội Israel cũng tuyên bố sẽ tiếp tục trấn áp các “tổ chức khủng bố” ở Gaza. Nhưng trong khi quân đội Israel khẳng định chỉ nổ súng khi cần thiết để chống lại những người ném đá, lựu đạn hoặc đẩy lốp xe về phía các binh sĩ Israel, thì phía Palestine đã cáo buộc Israel sử dụng vũ lực một cách bừa bãi.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, nhiều quốc gia và tổ chức trong khu vực như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Nghị viện Arab đã chỉ trích mạnh mẽ hành động trấn áp người biểu tình của quân đội Israel. Thông báo của OIC kêu gọi tiến hành điều tra làm rõ những vụ việc và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) can thiệp nhằm chấm dứt tình hình bạo lực hiện nay.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và trưởng ngoại giao của EU Federica Mogherini đã yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về vụ tấn công của quân đội Israel nhằm vào người biểu tình Palestine trong bối cảnh HĐBA LHQ tuy đã họp khẩn nhưng không thể đưa ra một bản nghị quyết lên án Israel do Mỹ và Anh phản đối HĐBA LHQ đưa ra nghị quyết chỉ trích Israel. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng lên án vụ việc, coi đây là “vụ tấn công vô nhân đạo” của Israel tại Gaza.

Trong khi đó, ngày 1-4, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã bác bỏ mọi lời kêu gọi điều tra, đồng thời ra một tuyên bố đầy thách thức: “Binh sĩ Israel đã làm những điều cần thiết và sẽ không có ủy ban điều tra nào hết”. Còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi những nỗ lực của các binh lính để “bảo vệ biên giới đất nước”.

Phía Israel cho rằng, những người biểu tình tiến hành bạo động các khu vực dọc biên giới và chính quyền Israel đã cấm tổ chức biểu tình, coi đây là hành động kích động bạo lực, và họ tuyên bố sẽ tiếp tục trấn áp.

Hàng ngàn người Palestine tuyên bố sẽ tiếp tục tuần hành trên các đường phố. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất của Palestine trong nhiều năm qua. Nhiều căn lều đã được dựng lên tại biên giới có rào chắn để tiếp tục các cuộc biểu tình dự kiến sẽ lên đến đỉnh điểm giữa tháng 5-2018, thời điểm khai trương văn phòng mới của Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem.

Binh lính Israel ném lựu đạn cay về phía người biểu tình Palestin. Ảnh: presstv.com.

Đây cũng là ngày người Palestine kỷ niệm ngày “thảm họa” Nakba của mình. Do đó, giới quan sát lo ngại, tình trạng bạo lực tại khu vực này có thể sẽ tiếp tục leo thang nếu cộng đồng quốc tế không đưa ra một phản ứng “gay gắt” nhằm vào phía Israel. Đáp lại các động thái này, Israel đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt (Iron Dome) ở các thành phố sát Dải Gaza.

Cuộc chiến giữa quân đội Israel với xe bọc thép, lính bắn tỉa, đạn hơi cay sẽ còn tiếp diễn với phía bên kia là người Palestin với dây chun và đá ở Gaza được dự báo còn lâu mới kết thúc.

Nguy cơ xung đột lan rộng

Ngày 1-4, trang mạng The Guardian.com cho rằng, đụng độ ở Gaza có thể sẽ gây “hiệu ứng domino” khắp Trung Đông. Theo phân tích của trang mạng này, khi người Palestine tuyên bố 31-3 là ngày quốc tang, cả hai bên đã cảnh báo tình trạng leo thang căng thẳng có thể diễn ra vào những tuần tới. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn ở đây là liệu tình trạng bạo lực này, vốn làm khơi gợi cuộc xung đột Israel-Palestine được dự đoán lâu nay, sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng quy mô lớn hơn cuốn theo cả Liban, Syria và Iran hay không?

Sự vắng bóng một tiến trình hòa bình đáng tin cậy đã giải thích cho cuộc xung đột mới nhất này, như đã xảy ra hồi năm 2000 khi diễn ra cuộc nổi dậy của người dân Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây và Dải Gaza (hay còn gọi là “intifada” lần thứ 2) và “intifada” lần 3 xảy ra vào năm 2014.

Một lần nữa, phong trào Hamas và lực lượng ủng hộ phong trào này ở Gaza, vốn bị ngăn chặn bởi Israel và Ai Cập và đối đầu với phong trào Fatah ở Bờ Tây, lại đang lợi dụng cuộc biểu tình quy mô lớn của người dân Palestine để chấm dứt sự cô lập của họ. Giới lãnh đạo cánh hữu của Israel trong khi đó lại không sẵn lòng hoặc không thể tính đến một giải pháp hai nhà nước, đã trả lời cho sự không khoan nhượng của mình bằng việc sử dụng vũ lực không tương xứng.

Sự khác biệt đối với cuộc bạo loạn mới nhất này so với các lần trước là về thời điểm và bối cảnh. Ngày 30-3 vừa qua đã trở thành ngày khởi đầu của 6 tuần lễ biểu tình trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm ngày Nakba diễn ra vào 15-5 tới, ngày mà người Arab coi là “thảm họa” vì ngày này đánh dấu việc hàng chục nghìn người Palestine phải bỏ chạy hoặc rời bỏ nhà cửa trong cuộc chiến tranh với Israel năm 1948 và sau đó Israel tuyên bố độc lập vào ngày 14-5-1948.

Ngoài ra, cũng trong tháng 5 tới, Mỹ sẽ chuyển đại sứ quán của mình đến Jerusalem, chính thức công nhận thành phố này là thủ đô của Israel và bỏ qua những tuyên bố chủ quyền của Palestine đối với thành phố này. Tóm lại, “mùa xuân của những điểm nóng” hiện đã bắt đầu. Những sự kiện tiền lệ trong lịch sử cũng đã nói lên rằng các cuộc xung đột mang tính địa phương thường gây ra những phản ứng tiêu cực, lan truyền trong khu vực.

Mối lo lắng nhất là Liban, nơi phong trào Hồi giáo Hezbollah được cho là có mối thù không đội trời chung với Israel, nhưng lại là đồng minh thân cận của một số nước lớn ở Trung Đông và cũng có xích mích với Israel. Đối với giới tướng lĩnh Israel, kho vũ khí hiện đại của Hezbollah với ước tính 130.000 rocket tầm trung và tầm xa cùng với lực lượng 50.000 tay súng, mà nhiều trong số đó đã được “kinh qua trận mạc” ở Syria chính là mối đe dọa khiến họ không thể “ăn ngon ngủ yên”.

Nếu cuộc bạo động ở Dải Gaza tiếp diễn và lan rộng, có khả năng các thành phần theo đường lối cứng rắn của Hezbollah sẽ lợi dụng tình hình để “nhảy vào cuộc”. Điều này rất có thể sẽ xảy ra bởi đã có những tuyên bố sẵn sàng ủng hộ Hezbollah từ các nước không ưa Israel, mong muốn Israel sẽ bị “xóa sổ”.

Người biểu tình Palestine. Ảnh: The National.

Israel thực sự ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi mà Mỹ, đồng minh chủ chốt không có tiếng nói dứt khoát với tiến trình hòa bình Trung Đông. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện rằng, ông ủng hộ cho Israel, nhưng lại không quan tâm đến tiến trình hòa bình Trung Đông.

Đó là chưa kể một quả “bom” khác sẽ “nổ” ra vào tháng 5 tới ở khu vực này khi vào ngày 12-5, ông Donald Trump có thể bác bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran, một động thái có thể làm đảo lộn toàn bộ bàn cờ Trung Đông. Tất cả các nước có liên quan ở Trung Đông đang phải lên kế hoạch cho ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự rút khỏi thỏa thuận này.

“Thỏa thuận thế kỷ” và “cú tát thế kỷ”

Những tranh chấp giữa hai bên khiến cuộc sống người dân Palestine tại Gaza ngày càng tăm tối hơn. Người dân tại Dải Gaza đang phải sống trong hoàn cảnh cực kỳ khốn đốn, thiếu nước sạch, thiếu điện và thuốc men. Hàng chục nghìn người hằng ngày phải vật lộn với cuộc sống thiếu thốn và căng thẳng.

Cơ quan y tế tại Gaza thông báo hàng chục cơ sở y tế, bệnh viện tại đây đã cạn sạch nguồn năng lượng dự trữ, thuốc men. Năng lượng để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cũng không còn khi bị phong tỏa từ Israel. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, 65% nguồn cung năng lượng cho Dải Gaza là từ Israel và chính quyền Palestine tại thành phố Rammallah ở Bờ Tây thanh toán.

Không chỉ bị phong tỏa về năng lượng, mới đây, Mỹ đã chính thức thông báo quyết định chỉ giải ngân 60 triệu USD trong tổng gói viện trợ 125 triệu USD dành cho Cơ quan Cứu trợ và Hành động của LHQ (UNRWA) phụ trách viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine. Với 65 triệu USD còn lại, Washington cũng sẽ tạm thời chưa giải ngân.

Tiếp đó, Mỹ tiếp tục thông báo sẽ không cấp 45 triệu USD viện trợ lương thực cho Palestine như đã cam kết trong khuôn khổ chương trình viện trợ khẩn cấp dành của UNRWA cho Bờ Tây và Dải Gaza. Mỹ ra điều kiện duy trì các khoản viện trợ là Palestine phải chấp nhận tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Israel do Mỹ đóng vai trò trung gian nếu không muốn bị cắt viện trợ.

“Chúng tôi đã viện trợ cho họ (Palestine) hàng trăm triệu USD. Số tiền đó sẽ không đến tay họ nếu họ không ngồi xuống và đàm phán về hòa bình”, ông Donald Trump nhấn mạnh. Đáp lại, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đã tuyên bố Mỹ không còn là trung gian hòa giải trong các cuộc hòa đàm ở Trung Đông.

Thêm vào đó, hậu quả của việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel ở cả phía đông và tây Jerusalem và việc ông gia tăng áp lực lên chính quyền và các cơ quan chính quyền đã gây tác động bên trong các cơ quan đưa ra quyết định của Palestine. Kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2016, nhiều thông tin rò rỉ xung quanh chiến lược của ông để giải quyết xung đột giữa người Arab và người Israel và đây được xem là “một thỏa thuận thế kỷ”.

Chiến lược của ông Donald Trump gồm 3 điểm cơ bản: giải quyết các vấn đề lớn nhất trong đó có 2 vấn đề Jerusalem và người tị nạn, thành lập liên minh khu vực với sự tham gia của Israel để nhằm vào Iran và các phong trào phản kháng, và thành lập một nhà nước Palestine mà bị tước đi chủ quyền và các quyền hạn.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã ngay lập tức phản đối bản kế hoạch của Mỹ mà ông Donald Trump và coi đây là một “cú tát thế kỷ”. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy ban lãnh đạo Palestine bác bỏ kế hoạch này. Thay vào đó, kể từ khi ông Donald Trump tuyên bố thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel, Tổng thống Palestine Abbas đã bắt đầu tăng cường hành động nhằm cản trở các kế hoạch của Mỹ. Ông tuyên bố không đồng ý Mỹ kiểm soát tiến trình hòa bình và cố gắng hết sức để đưa các lực lượng mới tham gia các cuộc đàm phán.

Abbas hy vọng các vòng đàm phán mà đã dẫn đến thỏa thuận hạt nhân Iran được coi là một ví dụ tiêu biểu có thể được sử dụng thêm lần nữa. Tương tự như thỏa thuận khung của Iran, ông Abbas theo đuổi việc các nước như Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc đóng một vai trò cân bằng với Mỹ trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Hoa Huyền
.
.