Cuộc chiến thánh đường đẫm máu tại Iraq

Thứ Bảy, 30/06/2007, 15:00

Hôm 19/6, một chiếc xe tải chất đầy thuốc nổ đã nổ tung ngay sát một thánh đường Hồi giáo của người Shiite tại trung tâm Baghdad, vào đúng thời điểm các tín đồ tại đây vừa hoàn tất lễ cầu nguyện vào giữa ngày.

Thông tin của Bộ Nội vụ Iraq ngay sau đó cho biết, vụ nổ đã khiến ít nhất 61 người chết và 130 người bị thương. Chỉ vài ngày trước đó, một loạt các vụ tấn công đã diễn ra nhằm vào 5 thánh đường của cộng đồng người Sunni, nhằm trả đũa một vụ khủng bố khác vào “thánh đường vàng” Al-Asquari tại thành phố Samara, vốn được coi là một trong những thánh địa thiêng liêng nhất của cộng đồng người Shiite tại Iraq. Làn sóng “Cuộc chiến thánh đường” tại Iraq đang đe dọa về khả năng bùng nổ một cuộc xung đột sắc tộc mới tại đây...

Theo thông báo của Cảnh sát Iraq, một loạt các vụ tấn công vào các thánh đường Sunni đều diễn ra vào buổi sáng sớm. Trong đó, mục tiêu chính nhằm vào các thánh đường ở thành phố Iskandirie, nằm cách Baghdad 60km về phía nam. Những tay súng không rõ danh tính đã xâm nhập vào 4 thánh đường tại thành phố này và nổi lửa đốt cháy mọi thứ tại đây.

Một quả bom khác đã phát nổ tại một thánh đường Sunni tại thành phố láng giềng Makhavil của Iskandirie. Cảnh sát và lực lượng cứu hộ có mặt sau đó đều cho biết, các vụ tấn công đã gây thiệt hại nặng nề cho các thánh đường. Nhưng rất may là không có nạn nhân nào bị thiệt mạng.

Những vụ tấn công vào các thánh đường Sunni được Cảnh sát Iraq đánh giá là đòn trả đũa những vụ nổ tại khu “thánh đường vàng” Al-Asquari tại Samara, được coi là một trong những thánh địa chính của người Shiite (tương truyền là nơi chôn cất 2 lãnh tụ Hồi giáo hàng đầu là con cháu của nhà tiên tri Muhhamed).

Hậu quả của những vụ nổ này đã phá hủy 2 tòa tháp có độ cao 30m của thánh đường Al-Asquari. Đáng chú ý đây là vụ tấn công thứ hai trong vòng chưa đầy một năm rưỡi nhằm vào Al-Asquari. Vụ đầu tiên xảy ra hồi tháng 2 năm ngoái, khi các tay súng Sunni có quan hệ với Al-Qaeda đã tấn công và cho nổ tung mái vòm vàng của thánh địa này.

Câu trả lời hiện cần được làm rõ là tại sao những tên khủng bố có thể dễ dàng mang thuốc nổ vào thánh đường này, vốn đã được tăng cường nghiêm ngặt các biện pháp an ninh kể từ sau vụ tấn công hồi năm ngoái.

Cần nhớ là vụ tấn công thánh đường Al-Asquari vào năm 2006 từng trở thành ngòi nổ cho một làn sóng thanh trừng sắc tộc, khi các “biệt đội chết” của người Shiite đã đổ ra đường tìm kiếm và sát hại người Sunni. Các số liệu của LHQ cho thấy, số nạn nhân của các xung đột giữa hai cộng đồng Sunni - Shiite chỉ riêng trong năm 2006 đã là 34.000 người.

Trong nỗ lực cố gắng nhằm ngăn ngừa nguy cơ lặp lại các sự kiện đẫm máu hồi năm ngoái, chính quyền của Thủ tướng Nuri Kamal al-Maliki đã cho ban hành lệnh giới nghiêm ngay từ giữa tuần qua tại Baghdad và Samara. Ngoài ra, phía Iraq cũng khẩn cấp yêu cầu bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại đây cho triển khai những lực lượng bổ sung tại cả Baghdad và Samara để có thể giám sát chặt chẽ hơn tình hình an ninh.

Đáng tiếc là tất cả những biện pháp trên đã không ngăn được vụ khủng bố đẫm máu tại thánh đường Khalani của người Shiite tại Baghdad hôm 19-6 vừa qua. Trớ trêu là vụ nổ bom lại diễn ra đúng vào thời điểm quân Mỹ đang tăng cường các đợt tấn công vào các hang ổ của Al-Qaeda ở ngoại ô Baghdad, là nơi họ tuyên bố có rất nhiều bom xe đã được chế tạo.

“Tôi nhìn thấy một ánh chớp lớn trước khi nghe thấy tiếng nổ – nhân chứng Najim Abdul Wahid, lúc đó đang làm việc tại một quảng trường gần sát thánh đường kể lại – Sau khi bò dậy, tôi nhìn thấy nhiều thi thể bị cháy khét nằm la liệt trên đường phố. Mọi người la hét, kêu gọi sự giúp đỡ. Tôi thấy nhiều nạn nhân còn bị thiêu cháy ngay bên trong xe hơi của họ”.  

Thảm kịch mới nhất tại thánh đường của người Shiite tại Baghdad hôm 19/6 đã cho thấy, chính quyền Iraq cũng như quân đội Mỹ sẽ rất khó khăn trong việc ngăn chặn “cuộc chiến thánh đường” đang ngày một lan rộng, bất chấp một loạt các biện pháp ngăn ngừa đã được áp dụng.

Nhiều người dân Iraq còn khẳng định nguyên nhân của bạo lực là do sự hiện diện của quân Mỹ tại đây. “Người Mỹ biết mọi thứ, họ có thể làm mọi việc. Nhưng tại sao họ vẫn để những thảm kịch trên vẫn diễn ra hàng ngày tại Iraq” - Abu Muhammad, một trong những người có trách nhiệm trông coi khu thánh đường bị đánh bom, đã phát biểu như vậy. 

Nhiều quan chức Iraq lại buộc tội cho các nhóm khủng bố có quan hệ với Al-Qaeda về thảm kịch trên, hàng đầu trong số này phải kể tới Al-Qaeda in Mesopotamia, một nhóm khủng bố có các thành viên lãnh đạo đến từ nước ngoài. Nhưng đương kim Thủ tướng Maliki lại cho rằng thủ phạm của vụ khủng bố này là các băng nhóm ủng hộ chế độ cũ của Saddam Hussein.

Nhiều nhà quan sát tại Baghdad còn lo ngại một số sự kiện mới diễn ra trên chính trường gần đây có thể gây tác động làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng. Đáng chú ý là phe cánh cực đoan của thủ lĩnh Muqtada al-Sadr của người Shiite đã tuyên bố ngừng các hoạt động của mình trong Quốc hội để phản đối cuộc tấn công nhằm vào thánh đường Al-Asquari.

Chỉ riêng trong ngày 20/6, đã có tổng cộng 21 thi thể đã được tìm thấy ngay tại Baghdad, tất cả đều được đánh giá là các nạn nhân của xung đột sắc tộc. Còn tại điểm nóng thứ 2 Samara, bất chấp việc có 2.000 cảnh sát được tăng cường khắp nơi trên đường phố, các vụ đấu súng vẫn diễn ra khiến 1 người chết và 2 người bị thương

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.