Cuộc chiến tình báo trên mạng Internet

Chủ Nhật, 28/08/2005, 07:50

Đầu tháng 6/2005, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tiến hành điều khiển một trò chơi chiến tranh điện tử trên mạng, giống với vụ khủng bố 11/9 nhằm vào nước Mỹ. Bài tập này diễn ra trong 3 ngày, có tên là “Chân trời yên tĩnh” (Silent Horizon) nhằm thử khả năng đối phó của Chính phủ Mỹ và nền công nghiệp quốc phòng đối với những cuộc tấn công trên mạng Internet đang leo thang trong nhiều tháng qua.

Một số quan chức CIA tiết lộ rằng, bài tập nhạy cảm này đã diễn ra tại Charlottesville, cách Washington về phía tây nam chỉ khoảng 2 giờ xe chạy. Những vụ tấn công trên mạng này được giả định xảy ra 5 năm sau do một liên minh chống Mỹ cũng được CIA hư cấu, bao gồm những hacker chống toàn cầu hóa. Mối thiệt hại nghiêm trọng nhất đã được giả định là nước Mỹ bị giáng những đòn khủng khiếp vào giờ cuối cùng của trò chơi chiến tranh, thiệt  hại còn lớn hơn những vụ không tặc tấn công hồi 11/9/2001. Tuy nhiên, giả định này lại mâu thuẫn với những lời đảm bảo của chuyên gia chống khủng bố của Mỹ cho rằng hậu quả từ một cuộc tấn công trên mạng là gần như không thể xảy ra.

Theo ông Dennis McGrath, người đã giúp đỡ chỉ huy 3 bài tập tương tự cho Cơ quan Nghiên cứu Công nghệ An ninh của Trường đại học Dartmouth cho biết, những cuộc tấn công “Trân Châu cảng kỹ thuật số” là khó có khả năng xảy ra và những gì mà con người gọi là khủng bố trên mạng thì không nằm trong danh sách khẩn cấp.

Trung tâm Tác chiến Thông tin của CIA với nhiệm vụ tính toán các mối đe dọa của chính phủ nước ngoài, tổ chức tội phạm và những hacker, đã chỉ đạo trò chơi chiến tranh đối với những hệ thống máy tính của Mỹ. Khoảng 75 người, hầu hết là nhân viên CIA cùng với những quan chức hiện tại và trước đây của Mỹ đã tập trung trong những căn phòng hội nghị và giả bộ phản ứng lại đối với những dấu hiệu của cuộc tấn công giả định trên máy tính.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn rất lo ngại về những kẻ khủng bố bằng đánh bom, những mối đe dọa phóng xạ và sinh học. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI Robert Muller đã cảnh báo hồi đầu năm rằng, những kẻ khủng bố đang gia tăng huấn luyện những nhà khoa học công nghệ máy tính. Tuy nhiên, hầu hết những hacker đều không có tiềm lực hoặc động cơ để tấn công những hạ tầng, cơ sở thông tin quan trọng của Mỹ. Những đánh giá tình báo gần đây nhất của Chính phủ Mỹ về những mối đe dọa trong tương lai xuyên suốt đến năm 2020 cho thấy những cuộc tấn công trên mạng đã được lường trước nhưng những kẻ khủng bố trước tiên vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các loại vũ khí thông thường.

Nhà chức trách Mỹ đã bày tỏ những mối quan tâm về việc những kẻ khủng bố đang kết hợp những cuộc tấn công thông thường như là đánh bom với những vụ hacker tấn công để phá vỡ mọi nỗ lực giải cứu. Những cuộc tấn công kiểu này có thể gọi là tấn công “lai tạp” hoặc “số đông”.

Theo ông Dorothy Denning, một chuyên gia dự báo về những mối đe dọa trên mạng Internet, thì một trong những vấn đề tồn tại của Cơ quan Tình báo Mỹ là thiếu khả năng sáng tạo. Họ chỉ nghĩ về những điều có thể ảnh hưởng mà không quan tâm đến những viễn cảnh dường như không xảy ra. Nhiều chuyên gia đã đưa ra câu hỏi rằng, liệu Chính phủ Mỹ có thể phát hiện sớm một cuộc tấn công trên mạng mà không cần có sự giúp đỡ đáng kể từ công ty thông tin tư nhân không?

Đ.T (Theo AP)
.
.