“Cuộc chơi cân não” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un

Thứ Hai, 14/01/2019, 15:13
Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đảm bảo rằng hội nghị thượng đỉnh “sắp tới” với Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khai thông tiến trình giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un cam kết cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai của ông với Tổng thống Mỹ sẽ mang lại “kết quả”, đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế. Đó hoàn toàn là những dự định, những điều chưa xảy ra và đó là một “cuộc chơi cân não”.

Chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Nhân vật số 1 của Triều Tiên đã trở về Bình Nhưỡng sau chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc, chuyến thăm lần thứ tư trong vòng chưa đầy một năm. Như thường lệ, Bắc Kinh chờ đến khi nhà lãnh đạo Triều Tiên rời Trung Quốc mới tiết lộ nội dung cuộc hội đàm. Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc hội đàm với ông Kim Jong-un ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Triều Tiên và Mỹ “xích lại gần nhau”, nhấn mạnh rằng một "cơ hội lịch sử hiếm có" đang mở ra trước mắt cho một thỏa thuận chính trị về Bán đảo Triều Tiên.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã “bày tỏ lo ngại vì sự bế tắc trong quá trình cải thiện quan hệ Mỹ-Triều và trong các cuộc thảo luận về phi hạt nhân hóa”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố: “Lập trường trên nguyên tắc của Bình Nhưỡng để đạt được một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại vẫn không thay đổi. Triều Tiên sẽ tiếp tục tuân thủ lập trường ủng hộ phi hạt nhân hóa và giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và tham vấn”.

Sáng 10-1, Tân Hoa Xã xác nhận Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến Bắc Kinh ngày 8-1 và tiến hành hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chuyến thăm kéo dài 2 ngày diễn ra trong bối cảnh một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đang được chuẩn bị (với địa điểm và thời gian chưa được xác định). Trước đó, trong bài phát biểu mừng năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ sự thất vọng về việc các cuộc đàm phán với Washington không đạt được tiến triển kể từ cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Donald Trump tại Singapore hồi tháng 6-2018. Ông Kim Jong-un cảnh báo nếu mọi việc không được cải thiện - có nghĩa là không có động thái gì để nới lỏng cấm vận và đảm bảo an ninh - Bình Nhưỡng có thể sẽ tìm “con đường mới”.

Từ Bắc Kinh, “ông Kim Jong-un bày tỏ hy vọng rằng các bên liên quan sẽ rất coi trọng và phản ứng tích cực với các mối quan tâm chính đáng của Triều Tiên, đồng thời cùng nhau hướng tới một giải pháp toàn diện cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên".

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Trung Quốc và Triều Tiên đã hẹn nhau ở Bắc Kinh nhằm thống nhất lập trường trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Ngày 6-1, Nhà Trắng cho biết Washington và Bình Nhưỡng đang đàm phán về địa điểm cuộc gặp. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 10-1 đã nói rằng việc ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh là một dấu hiệu cho thấy hội nghị thượng đỉnh “sẽ sớm diễn ra”. Còn theo quan sát của AFP, các cuộc gặp trước đó của ông Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều diễn ra ngay trước hoặc sau khi ông Kim gặp ông Trump hoặc ông Kim gặp ông Moon.

Kim Han-kwon, nhà phân tích tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc cảnh báo: “Nếu những gì mà Triều Tiên đặt lên bàn đàm phán sau cuộc gặp với Trung Quốc không đáp ứng được kỳ vọng của Washington, chắc chắn sẽ xảy ra xung đột quan điểm và dẫn đến những nghi ngại về việc liệu cuộc gặp thượng đỉnh lần hai sẽ diễn ra hay không”.

Dùng Bắc Kinh để gây sức ép với Washington?

Hình ảnh cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 8-1 trên truyền hình Hàn Quốc.

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể báo trước một làn sóng hội nghị thượng đỉnh mới quanh Bán đảo Triều Tiên nhưng cũng là một ẩn ý gây sức ép với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lúc các cuộc đàm phán của họ đang lâm vào ngõ cụt. Chuyến đi của nhà lãnh đạo Triều Tiên vì thế là sự nhắc nhở Tổng thống Mỹ về sức nặng của Bắc Kinh.

Cuộc hội đàm giữa Bình Nhưỡng và Washington về kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều hồi tháng 6-2018. Mỹ nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt phải được duy trì cho đến khi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi Bình Nhưỡng yêu cầu dỡ bỏ ngay lập tức.

Chuyên gia Harry Kazianis thuộc Trung tâm nghiên cứu lợi ích quốc gia có trụ sở ở Washington, cho rằng với chuyến thăm Trung Quốc, ông Kim Jong-un “rất muốn nhắc nhở chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng ông ta có những cơ hội ngoại giao và kinh tế khác ngoài những cơ hội có thể được đưa ra bởi Washington và Seoul”. Washington nên “lo lắng” trước những nỗ lực của Triều Tiên nhằm tăng cường quan hệ với Bắc Kinh vì gần như tất cả giao dịch thương mại của Triều Tiên đều đi qua Trung Quốc. Bất kỳ cải thiện nào trong quan hệ với Bắc Kinh sẽ làm suy yếu chiến lược “gây áp lực tối đa” của Mỹ.

Nhà Lãnh đạo Triều TIên Kim Jong-un chụp ảnh kỷ niệm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in và trẻ em trước cuộc gặp lịch sử tại Panmunjum hồi tháng 4-2018.

Nhìn từ góc độ khác, chuyến đi lần này đã được dàn xếp đúng vào ngày đoàn đàm phán Mỹ đến Trung Quốc để thương lượng về các giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo chuyên gia Kazianis, sự trùng hợp này không phải là ngẫu nhiên và không thể có “thời điểm tốt hơn” cho chuyến thăm của ông Kim Jong-un theo quan điểm của Trung Quốc. “Điều này rõ ràng cho thấy Bắc Kinh có lá bài Triều Tiên để tung ra khi có cơ hội”. Việc lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc vào thời điểm khác thường này “cho phép Bắc Kinh nhắc lại lời cảnh báo với Tổng thống Donald Trump rằng ông khó lòng bỏ qua vai trò của Trung Quốc trong hồ sơ Triều Tiên”.

Báo Le Figaro (Pháp) cũng nhấn mạnh khả năng Trung Quốc dùng chuyến công du của ông Kim Jong-un để gây áp lực với Mỹ “một cách gián tiếp”. Báo này dẫn lời nhà chính trị học Cheng Xiaohe thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận định Bình Nhưỡng cần đến sự ủng hộ của Trung Quốc để một khi Triều Tiên có nhân nhượng thì Bắc Kinh sẽ gây áp lực để Washington cũng phải làm tương tự.

Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, Bình Nhưỡng đã tỏ dấu hiệu sẽ trở lại như trước nếu các cuộc đàm phán với Mỹ thất bại. Triều Tiên cho rằng trong khi họ đã làm tất cả mọi thứ mà họ cần phải làm, Washington vẫn giữ thái độ thù địch và không khoan nhượng. Nếu như cách tiếp cận ngoại giao của ông Kim Jong-un thất bại, Bình Nhưỡng sẽ đổ trách nhiệm cho Washington và cho rằng các lệnh trừng phạt họ là không công bằng. Rõ ràng, ông Kim Jong-un muốn thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ và ông Tập Cận Bình là người nắm giữ chìa khóa.

Tuy nhiên, cũng phải hiểu việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên liên quan đến lợi ích quan trọng của Trung Quốc, ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo này là lập trường lâu dài, kiên định của Trung Quốc. Nhu cầu địa chính trị ngắn hạn và lợi ích của việc coi vấn đề Bán đảo Triều Tiên là một quân bài đều không tương xứng với lợi ích của Trung Quốc trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo này. Trung Quốc quyết không vì lợi ích ngắn hạn mà đánh mất lợi ích lâu dài, to lớn.

Hành động cân bằng

Năm 2018, Hàn Quốc đã đóng vai trò đáng kể trong các nỗ lực ngoại giao nhằm khai thông tiến trình hòa bình, phi hạt nhân hóa và phát triển kinh tế trên Bán đảo Triều Tiên. Giờ đây, giới quan sát lại đặt kỳ vọng cao hơn về vai trò của Seoul trong năm 2019.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, tháng 6-2018.

Tuy nhiên, quan điểm của Mỹ hiện nay lại có sự khác biệt. Trước kia, trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Washington thận trọng tìm cách lôi kéo Bình Nhưỡng hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân đồng thời vẫn duy trì biện pháp ngăn chặn. Còn giờ đây, dù Hàn-Triều đã sẵn sàng hợp tác song Mỹ lại không có khả năng đóng vai trò dẫn dắt. Lý do là chính quyền Tổng thống Donald Trump thấy quá mệt mỏi với những “đóng góp tích cực” để làm tan băng quan hệ với Bình Nhưỡng song lại không thu được gì.

Thế nên, lối tư duy “kiên nhẫn chiến lược” trước đây lại quay trở lại Washington. Đây là tình huống mang lại không ít thử thách cho chính quyền ông Moon Jae-in trong năm 2019. Vướng mắc ở chỗ mối quan hệ liên minh Mỹ-Hàn không bền chặt dưới thời Tổng thống Donald Trump và Seoul phải nhượng bộ trước những yêu cầu “xoay như chong chóng” của Washington. Thế nên, có thể nói rằng Mỹ đã bị lôi kéo vào trung tâm của mối quan hệ Hàn-Triều phát triển nhanh chóng trong năm 2018.

Nếu quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên và Mỹ rơi vào bế tắc thì liệu một mình Seoul có thể linh động chèo lái tiến trình đối thoại để đạt được một thỏa thuận bền vững hay không? Nếu câu trả lời là có thì bằng cách nào? Seoul giờ có thể phải làm điều mà họ không muốn làm trong năm 2017 và 2018: Đó là đưa ra một thỏa thuận có lợi cho cả Mỹ và Triều Tiên, yêu cầu sự trợ giúp của các nước láng giềng và đồng minh, sử dụng sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc để đạt được tiến bộ về các thỏa thuận phát triển kinh tế gắn với vấn đề hạt nhân. Nhiều chuyên gia cho rằng một thỏa thuận như vậy là có thể đạt được.

Phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về việc ông có thể phải tìm “con đường mới” để đảm bảo chủ quyền đất nước và nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên được xem là đoạn quan trọng nhất trong toàn bộ Thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo này. Ruediger Frank, giáo sư kinh tế-xã hội Đông Á tại Đại học Vienna (Áo) nhận định “lời đe dọa tìm con đường mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un không phải là dấu hiệu cho thấy sẽ có thêm các cuộc thử hạt nhân mới mà là một thông điệp gửi đến Tổng thống Donald Trump: ông không phải là lựa chọn duy nhất cho an ninh và phát triển kinh tế (của Triều Tiên). Nếu ông từ chối hợp tác, chúng tôi sẽ không cần ông nữa và sẽ tìm đến Trung Quốc và chúng tôi sẽ đưa Hàn Quốc theo”.

Khi đi thăm đồng minh Trung Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đặt ra một “cuộc chơi cân não” với chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhắc nhở nhà lãnh đạo Mỹ rằng ông không phải là người đối thoại duy nhất của Triều Tiên và ông rất thích sự ủng hộ mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Quả thực quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã không ngừng được cải thiện trong năm 2018. Bằng chứng về sự thay đổi thái độ này là chuyến đi chính thức tới Bắc Kinh đã được công bố trước khi nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Trung Quốc, trong khi các hãng thông tấn trung ương của hai nước chỉ tiết lộ chuyến thăm đầu tiên của Kim Jong-un hồi tháng 3-2018 sau khi ông trở về Bình Nhưỡng.

Chưa đầy một năm kể từ khi tình hình Bán đảo Triều Tiên tạm thời lắng dịu nhờ sáng kiến của ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã mở rộng tìm kiếm sự ủng hộ vững chắc. Chính sách ngoại giao rất tích cực của ông với các nước láng giềng như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ,... đã biến “nhà lãnh đạo từng bị cô lập và bỏ rơi” này thành một người đối thoại không thể chối cãi và được tìm kiếm nhiều trong khu vực.

Trần Ánh
.
.