Cuộc đấu khẩu “vô vị” của các cường quốc

Thứ Năm, 23/04/2020, 10:51
Thay vì đoàn kết và tương trợ đẩy lùi đại dịch đang hoành hành khắp thế giới thì các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc lại lao vào cuộc đấu khẩu về nguồn gốc dịch bệnh và chuyện có giấu dịch hay không. Tổng thống Donald Trump ngày 18-4 cảnh báo Trung Quốc rằng nước này sẽ đối mặt với các hậu quả nếu “biết rõ trách nhiệm” về đại dịch đang diễn ra.

Đây là lời chỉ trích mới nhất trong cuộc khẩu chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cho thấy căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ giữa lúc các chuyên gia nói rằng cần có một mức độ hợp tác chưa từng có để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.

Trả lời đài FoxNews mới đây, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ mở điều tra tìm hiểu nguồn cội SARS-CoV-2. Một ngày trước đó, nhật báo Washington Post khẳng định Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cách nay 2 năm, sau khi thăm một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đã báo động Bộ Ngoại giao Mỹ về tình trạng thiếu an toàn của viện nghiên cứu này.

Theo tin riêng của FoxNew, loại virus gây đại dịch lần này có nguồn gốc tự nhiên chứ không phải nhân tạo. Thứ hai là siêu vi lọt ra bên ngoài từ viện nghiên cứu thiếu an toàn này là do sơ suất của con người chứ không phải do cố tình. Ngoại trưởng Mỹ không phủ nhận hai tin này.

Cùng thời điểm, từ London, Thủ tướng Anh Boris Johnson, đang trong giai đoạn hồi sức, cáo buộc Bắc Kinh che giấu sự thật: Trung Quốc sẽ phải trả lời “một số câu hỏi hóc búa” về sự xuất phát của siêu virus này và lý do vì sao SARS-CoV-2 không bị ngăn chặn sớm?

Theo AFP, Paris dường như đồng tình với quan điểm của Washington và London. Trong một bài phỏng vấn dài trên nhật báo kinh tế Anh Financial Times cũng vào ngày 16-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng có nhiều vấn đề chưa được giải đáp trong cách Trung Quốc đối phó với dịch.

Ngày 19-4, Úc kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch COVID-19 cũng như về cách thức xử lý khủng hoảng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung Quốc. Theo AFP, Ngoại trưởng Marise Payne khẳng định Úc đòi hỏi phải có một cuộc điều tra về cách thức Trung Quốc xử lý vụ dịch bùng lên tại Vũ Hán.

Bà tuyên bố trên kênh truyền hình ABC của Úc: “Chúng tôi cần biết các chi tiết mà chỉ có một báo cáo độc lập mới giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc của virus, cách đối phó và về tính minh bạch trong việc chia sẻ thông tin”. Bà Payne nhấn mạnh là Úc có cùng mối lo ngại với Hoa Kỳ khi Tổng thống Donald Trump chỉ trích WHO quá thân Trung Quốc và xử lý kém vụ đại dịch này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Trung Quốc trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ngày 18-4.

Ngoại trưởng Úc cũng tỏ nghi ngờ sự minh bạch của Bắc Kinh và đánh giá rằng các hậu quả của đại dịch ở một khía cạnh nào đó sẽ làm tổn hại đến quan hệ giữa Úc và Trung Quốc. Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt đã lên tiếng ủng hộ mở điều tra độc lập, đồng thời ông khẳng định, Úc đã hạn chế thành công dịch lây lan một phần là nhờ đi ngược lại những lời khuyên của WHO. Tuần trước, ông Trump đã tuyên bố ngưng tài trợ cho WHO, cáo buộc cơ quan này “thiên về Trung Quốc”.

Trước những lời công kích của phương Tây, Bắc Kinh kêu gọi quốc tế “đoàn kết” chống dịch. Tối 18-4, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng bảo vệ Bắc Kinh, chỉ trích những lời cáo buộc Trung Quốc thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là “thiếu xây dựng”. Điện Kremlin ngày 19-4 phát đi thông điệp mạnh mẽ kêu gọi các nước trên thế giới cùng hợp tác và đoàn kết để chống lại virus Corona chủng mới.

Trả lời trong chương trình “Moscow. Kremlin. Putin” trên kênh truyền hình Rossiya-1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, trong bối cảnh hiện nay, sự hợp tác và tương trợ giữa các quốc gia trên toàn cầu là điều tất yếu và rất quan trọng. Điều này trở thành nhu cầu và đang ngày càng tăng lên. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, các nguyên thủ quốc gia cũng đã có sự trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau.

Nga đã gửi viện trợ tới Trung Quốc, Italy, Serbia, Tây Ban Nha và các nước châu Âu khác trong khi Mỹ cũng gửi tới Italy một đội quân y để đối phó với dịch bệnh. Bất chấp các nghi ngờ về ngoại giao khẩu trang hay ngoại giao cứu trợ, ngoại giao bằng đội ngũ áo blouse trắng thì Trung Quốc, Cuba cũng đều được đánh giá cao về tương trợ lẫn nhau giữa các quốc gia.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres, trong những tuyên bố mới nhất, đã kêu gọi người dân trên toàn thế giới đoàn kết để chống lại kẻ thù chung là SARS-CoV-2, đồng thời xây dựng một thế giới công bằng hơn. Tuyên bố được cho là có cân nhắc đến các nhận định của Mỹ cho rằng họ đã đóng góp nhiều tiền cho ngân quỹ của WHO nhưng việc họ yêu cầu tổ chức này phải điều tra sát sao hoạt động chống dịch của Trung Quốc đã bị tổ chức này bỏ ngoài tai.

Phòng thí nghiệm Vũ Hán, nơi bị nghi phát tán virus Corona.

Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều bị nhật báo Pháp La Croix chỉ trích trong bài xã luận mang tựa đề “Thiếu đứng đắn”. Tác giả Guillaume Goubert rất bất bình ghi nhận là trong lúc thế giới đứng trước một đại dịch đặc biệt khó khăn, hai cường quốc hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc không làm được gì hay hơn là lợi dụng cơ hội để mưu cầu những lợi ích chính trị đáng ngờ... Nhiều nhà phân tích khác cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng những cuộc đấu khẩu này thật... “vô vị” giữa lúc cả thế giới đang cần sự đoàn kết và tinh thần tương trợ tối đa giữa cơn khủng hoảng vì đại dịch gây nên.

Phía Trung Quốc, theo La Croix, đang nỗ lực tuyên truyền để xóa nhòa những lỗi lầm ban đầu trong việc đối phó với SARS-CoV-2 để khẳng định ngược lại là cách chính quyền Trung Quốc áp chế dịch hữu hiệu hơn các nước khác. Cụ thể, ngày 23-2, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Cuộc khủng hoảng này một lần nữa cho thấy ưu thế hơn hẳn của hệ thống xã hội chủ nghĩa mang đặc thù Trung Quốc”.

Về phía Mỹ, nhà báo Goubert cho rằng khi thông báo đình hoãn mọi đóng góp tài chính của Mỹ cho WHO hay khi bị chỉ trích là quá dễ dãi đối với Trung Quốc, Tổng thống Trump đã cố tìm ra một cái bung xung, đánh lạc hướng dư luận để che đậy sai lầm của chính mình, nhất là trong giai đoạn bầu cử... Tính tới ngày 21-4, số ca nhiễm virus Corona ở Mỹ tăng lên hơn 788 nghìn người và hơn 42 nghìn người thiệt mạng, gần gấp đôi so với con số tử vong ở nước có nhiều người chết thứ hai là Italy. Với hơn 788 nghìn ca, Mỹ là quốc gia có con số nhiễm COVID-19 cao nhất trên thế giới và con số này tăng gấp đôi chỉ trong vòng 13 ngày.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.