Cuộc di dân mùa xuân ở Trung Quốc: Đường về… rất dài

Thứ Ba, 13/02/2018, 13:36
Khoảng 3 tỷ lượt người Trung Quốc cùng thời điểm ùn ùn kéo nhau về quê ăn tết Nguyên đán khiến hệ thống giao thông vận tải của đất nước hơn 1,3 tỷ dân phải hoạt động hết công suất. “Cơn sốt di cư” này tạo nên sự đông đặc riêng có của người Trung Quốc tại các nhà ga, sân bay, bến xe... Người ta gọi hành trình trở về bên gia đình ăn tết này là “Xuân Vận” (cuộc di dân mùa xuân)...

Áp lực từ cuộc di dân lớn nhất lịch sử nhân loại

Với người dân nhiều nước châu Á, tết sắp đến, ai cũng mong được về nhà đoàn tụ với gia đình sau một năm làm việc cực nhọc. Hàng trăm triệu người Trung Quốc cũng nghĩ như vậy. Họ cùng có một ước mơ cháy bỏng được trở về quê hương. Ước mơ ấy cùng gặp nhau ở một thời điểm đã khiến hệ thống giao thông ở Trung Quốc cho dù liên tục được cải thiện thì vào dịp tết cũng luôn trở thành một nỗi ám ảnh với nhiều người.

Để về quê, người Trung Quốc làm việc tại các thành phố thường chọn các phương tiện như tàu, xe máy, ô tô, máy bay... Trong số đó, đường bộ và đường sắt là 2 hình thức di chuyển phổ biến nhất. Khoảng 3 tỷ lượt đi lại trong thời gian 40 ngày sẽ là thách thức không nhỏ đối với ngành giao thông của Trung Quốc. Từ “Xuân Vận” xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Nhân dân Nhật báo vào năm 1980. Còn Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã miêu tả Xuân Vận là hiện tượng lượng người lưu động hiếm gặp trên toàn cầu.

Năm này, cũng giống như nhiều năm trước, vào những ngày giáp tết, các nhà ga, bến tàu tại Trung Quốc lại “gồng mình” để “nghênh chiến” với lượng hành khách khổng lồ, cứ năm sau lại phá kỷ lục của năm trước.

Đám đông tại ga Hành Dương (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Ảnh: Tân Hoa Xã.

Theo ước tính, lượng người di chuyển trong đợt Xuân Vận năm 2018 là khoảng 3 tỷ lượt người, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, có 390 triệu lượt người di chuyển bằng đường sắt; 252 triệu lượt người di chuyển bằng đường bộ; 43,5 triệu lượt người di chuyển bằng đường thủy và 58,3 triệu lượt người di chuyển bằng đường hàng không. Đường sắt là phương thức di chuyển mùa tết được lựa chọn nhiều thứ hai tại Trung Quốc với tỷ lệ 12%, chỉ sau đường bộ - chiếm tới 84,6%. Trong khi đó, đường hàng không chiếm 2% và đường thủy chỉ chiếm 1,4%.

Ông Lian Weiliang, Phó Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, cho biết: Thông thường, một cuộc Xuân Vận kéo dài khoảng 40 ngày, tính từ ngày 15 tháng Chạp âm lịch cho đến 25 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Thời gian chính xác mỗi năm sẽ do Ủy ban Kinh tế và Thương mại Trung Quốc công bố. Từ đó, Cục Giao thông, Cục Đường sắt, Cục Hàng không sẽ tự lên kế hoạch ứng phó với lượng hành khách tăng vọt vào thời kỳ cao điểm nhất trong năm.

Được biết, từ năm 1954, Cục Đường sắt nước này đã bắt đầu thống kê chi tiết về hoạt động di chuyển của người dân dịp xuân về. Khi ấy, số lượng hành khách kém xa ngày nay: Lượng khách lưu thông bình quân mỗi ngày là 730.000 lượt người, vào lúc cao điểm lên đến 900.000 lượt người. Những năm 80, số lượng người dân Trung Quốc làm ăn xa nhà tăng mạnh, khiến Xuân Vận dần trở thành một đề tài nóng hổi nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Ngày nay, với tổng chiều dài hơn 121.000 km, mạng lưới đường sắt ở Trung Quốc là hệ thống đường sắt lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Vô số tuyến xe buýt và tàu hỏa được tăng thêm vào những ngày này có thể giải quyết nhu cầu đi lại của lượng hành khách khổng lồ. Theo ước tính, gần 3 tỷ lượt người tham gia vào cuộc Xuân Vận mỗi năm. Con số này mỗi năm lại có dấu hiệu tăng thêm hàng triệu lượt khách.

Niềm vui của hành khách với một tấm vé trên tay. Ảnh Tân Hoa xã.

Với số lượng người dân về quê ăn tết quá lớn, nhiều bến tàu, bến xe ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hàng Châu, Thâm Quyến... liên tục rơi vào tình trạng quá tải mặc dù cơ sở hạ tầng liên tục được cải thiện.

Theo số liệu năm 2016, đa số những người tham gia vào cuộc đại di cư về quê ăn tết là các lao động nhập cư và học sinh. Trung Quốc có khoảng 277,5 triệu lao động nhập cư làm việc xa nhà. Năm 2016, số km trung bình một người di chuyển trong đợt xuân vận là 410 km và tổng số km người Trung Quốc di chuyển trong đợt “di cư” khổng lồ này là 1,2 tỷ km - tương đương 8 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng.

Trước việc hàng tỷ lượt đi được thực hiện trong dịp nghỉ tết năm 2018, Cơ quan Quản lý đường sắt Trung Quốc ước tính khách đi tàu năm nay tăng 31,31 triệu lượt so với năm 2017. Trung bình, mỗi ngày có 9,55 triệu lượt người đi tàu. “Cuộc di cư mùa xuân” với lượng người đi lại lớn kỷ lục như trên nên được giới truyền thông gọi là “cuộc di dân lớn nhất lịch sử nhân loại”.

Như đánh trận

Vào thời kỳ Xuân Vận, Cục Đường sắt Trung Quốc sẽ đưa ra bản đồ vận hành đặc biệt và gia tăng số lượng các chuyến tàu. Họ cũng đưa ra hàng loạt phương án xử lý tình huống trong đợt cao điểm này, bao gồm: phương án cơ bản, phương án dự phòng, phương án khẩn cấp để ứng phó lần lượt với lượng khách bình thường, lượng khách gia tăng và lượng khách đột biến.

Theo thống kê, trong những ngày này, vé tàu tết ở Trung Quốc được bán ra với tốc độ kinh hoàng 1.000 vé/giây.

Để phục vụ hàng chục triệu người mỗi ngày, Tổng Công ty Đường sắt Trung Quốc đã phải chuẩn bị trước đó cả tháng trời. Ông Li Wenxin, người của Tổng Công ty Đường sắt Trung Quốc cho biết ngoài 3.819 chuyến mỗi ngày hiện có, Tổng Công ty đã tăng cường triển khai thêm hơn 1300 chuyến tàu vào dịp trước và sau kỳ nghỉ lễ để nâng cao năng lực vận tải đường sắt. Không chỉ có vậy, hàng trăm chuyến tàu cao tốc cũng bị “vắt kiệt sức lực” khi nó phải gánh thêm một lượng khách khổng lồ.

Một nhà báo của Anh đã thốt lên khi tác nghiệp tại một nhà ga ở Thượng Hải: Cuộc “đại di cư lớn nhất hành tinh” đã bắt đầu và năm nào người ta cũng chứng kiến những cảnh tượng hết sức kinh hoàng và nghẹt thở, khi hàng chục triệu người mỗi ngày cùng đổ xô ra các sân ga, bến tàu để về quê ăn tết. Những biển người chen chúc nhau tưởng như không còn chỗ để thở.

Theo Tân Hoa Xã, tết Nguyên đán Trung Quốc rơi vào ngày 16-2, nhưng kể từ ngày 1-12, “cơn sốt di cư” của người Trung Quốc đã bắt đầu.

Ngoài đường sắt là chủ lực, cuộc sống ngày một khá giả của người dân cũng khiến các nhà ga hàng không nghẽn tắc. Ông Wang Zhiqing, Phó Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cho biết, trung bình mỗi ngày Cục này thực hiện khoảng 14.500 chuyến bay, trong suốt dịp tết và lễ hội đầu năm, Cục này đã phải lên kế hoạch tăng cường thêm 30.000 chuyến bay.

Số lượt di chuyển bằng đường hàng không dự báo tăng 10%, đạt 65 triệu lượt, số lượt di chuyển bằng đường sắt tăng gần 9%. Trong khi đó, số lượt di chuyển bằng đường bộ được dự đoán giảm lần đầu tiên từ trước đến nay. Cụ thể, số lượt di chuyển bằng đường bộ ước tính giảm 1,6% đạt 2,48 tỷ lượt.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, mạng lưới giao thông Trung Quốc đã được tăng cường trong mỗi dịp Xuân Vận. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Trung Quốc đã xây dựng thêm 3.000 km đường sắt mới. Mạng lưới đường sắt tại Trung Quốc tính đến cuối năm 2017 đã lên đến 127.000 km, bao gồm 25.000 km đường sắt cao tốc, theo Tân Hoa Xã. Tổng chiều dài mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc hiện nay là 22.000 km, dài nhất thế giới.

Khách hàng của các hãng tàu hỏa Trung Quốc trong mỗi đợt Xuân Vận chủ yếu là các lao động nhập cư và sinh viên. Theo ước tính, Trung Quốc có khoảng 277,5 triệu lao động nhập cư, chiếm 36% lực lượng lao động toàn quốc. Đây là những người phải di chuyển từ nông thôn ra các thành phố lớn để kiếm được công việc đủ nuôi sống bản thân và gia đình.

Wang Tianzhang, một công nhân xây dựng, quê ở Vũ Hán, đang nằm nghỉ tại nhà ga ở Thượng Hải cho biết mỗi năm anh chỉ về nhà một lần vào dịp tết. Năm nay, Wang không mua nổi món quà nào mang về quê bởi ông chủ chưa thanh toán đầy đủ lương cho anh. Nhưng mọi thứ đến giờ không quá quan trọng. Bởi: “Quan trọng nhất là về nhà vào dịp tết, gặp vợ và các con”, Wang chia sẻ.

Đạp tuyết... để trở về

Về quê - hàng trăm triệu người cùng ý nghĩ như Wang đã khiến mọi ngả đường đều chật cứng, khiến các nhà quản lý giao thông phải vất vả như đánh trận trong mỗi dịp Xuân Vận để đưa được tất cả mọi người về với gia đình của họ.

Rất nhiều người đã bị hoa mắt chóng mặt khi chứng kiến hàng loạt con tàu cao tốc được các nhà ga ở quốc gia đông dân nhất thế giới chuẩn bị để “nghênh chiến” với cuộc đại di cư mùa tết này. Nói không ngoa thì đợt cao điểm giao thông Xuân Vận ở Trung Quốc chính là một cuộc đại di cư với số lượng người tham gia cực lớn và ngày càng tăng trưởng qua các năm.

Để về quê, không ít người phải chấp nhận mua vé đứng trên các chuyến tàu. Như tên gọi của nó, người mua vé đứng chỉ được... đứng suốt cuộc hành trình chứ không có ghế ngồi. Họ được bố trí trong những toa tàu đông đúc, đứng ở các lối đi. Giá vé đứng thường rẻ hơn nhưng có thể phải chịu cảnh nhồi nhét. Tuy nhiên, các công ty đường sắt cũng có hạn mức là số lượng vé đứng không được quá 7% tổng lượng hành khách. Ngay cả khi hành khách chấp nhận sẽ vật vã trong suốt chuyến đi nhưng để mua được vé đứng cũng không hề dễ dàng.

Cho dù ngành giao thông Trung Quốc đã huy động toàn lực và tăng ca tới mức tối đa trong mùa cao điểm, nhưng vẫn có rất nhiều người dân nước này không mua được vé tàu xe để về đoàn tụ với gia đình. Trong những trường hợp như vậy, bất chấp đường sá xa xôi và gió rét, nhiều lao động nghèo nhập cư ở Trung Quốc vẫn chạy xe máy để về quê đón tết cùng người thân.

Cảnh sát bảo vệ an ninh tại các nhà ga. Ảnh: Reuters.

Giữa trời mưa và gió lạnh, nhiều gia đình chọn xe máy làm phương tiện về quê đón tết Nguyên đán. Họ đeo găng tay, mặc áo mưa, đi ủng, hay bọc giày bằng ni lông. Người dân không có lựa chọn khác, bởi các phương tiện đi lại công cộng thường đắt đỏ so với thu nhập của họ. Kinh tế khó khăn, nhiều lao động nhập cư tại các thành phố lớn của Trung Quốc phải sử dụng xe máy về quê ăn tết cùng khát khao cháy bỏng để gặp những người thân bị bỏ lại nơi quê nhà.

Nhiều chuyến đi đã diễn ra suôn sẻ, nhưng trong đó có không ít câu chuyện buồn, như một cặp vợ chồng đèo con bằng xe máy về quê, đứa trẻ được kẹp chặt giữa bố mẹ để tránh mưa và rét nhưng khi về đến nhà, họ phát hiện đứa trẻ đã chết ngạt.

Wang Zhengnian và vợ cùng 3 người bạn ở Quảng Đông đã chạy quãng đường 1.350 km trong suốt 5 ngày. Họ khởi hành từ sáng sớm và nghỉ ngơi khi trời đã tối mịt, bất chấp mưa lạnh, đường xấu và nhiều khi không có đồ ăn. Đến đêm, 5 người cùng ngủ trong một căn phòng ở nhà nghỉ giá rẻ để tiết kiệm tiền. Vì không có điện thoại thông minh, họ dựa vào bản đồ giấy để tìm lối đi và không ít lần sai đường.

Có khoảng 500.000 chuyến hồi hương ăn tết bằng xe máy được thực hiện mỗi năm ở Trung Quốc. Để giúp đỡ những lao động nghèo, chính quyền địa phương, các công ty và tình nguyện viên tổ chức chương trình hỗ trợ người về quê bằng xe máy bằng các phiếu đổ xăng miễn phí, sửa xe, dựng các trạm nghỉ, sưởi ấm và cung cấp lương thực hâm nóng dọc theo các tuyến đường chính. Năm nay, các công ty bảo hiểm còn mở xe buýt miễn phí đến một số khu vực.

Ngay đến cả xe máy nếu không có thì bạn trở về quê bằng cách nào? Nhiều sinh viên Trung Quốc đã chọn một cách di chuyển truyền thống. Thay vì mua vé xe như bao người khác, một sinh viên ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, quyết định chọn cách về quê khác người. Anh không đi xe, tàu hỏa hoặc máy bay mà là đi bộ. Câu chuyện của sinh viên Trương Sấm đang theo học tại một trường đại học ở tỉnh Hà Nam vì không muốn phải chờ đợi và để tiết kiệm tiền, anh này đã đi bộ từ thành phố Tín Dương đến quê nhà ở Thương Khâu, cũng thuộc tỉnh Hà Nam, với khoảng cách giữa 2 thành phố này là hơn 300 km. đã được tờ Nhân dân Nhật báo ghi lại và làm phong phú thêm cho hành trình Xuân Vận ở Trung Quốc.

Mỗi ngày, chàng sinh viên dành 10 giờ để đi. Vận tốc trung bình khoảng 5 km/giờ. Trên suốt quãng đường về quê, anh chỉ mang theo một số vật dụng cần thiết và 69 nhân dân tệ (khoảng 230.000 đồng) trong túi. Chàng sinh viên cho biết chuyến đi đã giúp cuộc sống anh thêm thú vị, đồng thời mang lại nhiều trải nghiệm không dễ gì đi xe hay tàu có được. Trong suốt gần một tuần lễ đi bộ, anh đã được “nếm” cả sự ấm áp, hào hiệp lẫn sự thờ ơ của mọi người.

Hoa Huyền
.
.