Thượng viện Mỹ phê chuẩn loạt biện pháp chống Nga:

Cuộc đối đầu giữa Tổng thống Trump và “giới tinh hoa nước Mỹ”

Thứ Hai, 19/06/2017, 15:39
Thượng viện Mỹ ngày 14-6 đã bỏ phiếu phê chuẩn loạt biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga với cáo buộc Moskva can thiệp vào chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo các chuyên gia, đây là cách các nghị sĩ Mỹ ngăn chặn Tổng thống Donald Trump đơn phương xích lại gần với Nga hơn. Hành động này cho thấy mức độ chống Nga “cuồng loạn” hiện vẫn tồn tại ở Mỹ.

Bước phòng bị nếu Tổng thống Trump đơn phương hành động

Với đa số áp đảo (97 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống), Thượng viện Mỹ đã dễ dàng thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Dự luật trên sẽ còn phải được Hạ viện thông qua và tổng thống ký mới chính thức có hiệu lực. Nếu được ban hành, đây là sự tiếp nối các biện pháp trừng phạt Nga mà chính quyền Tổng thống Obama đưa ra trước đây nhằm vào ngành năng lượng Nga.

Các biện pháp trừng phạt mới dự kiến sẽ nhắm vào một số quan chức Nga có liên quan đến nhân quyền, đến việc cung cấp vũ khí cho Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad, hoặc đã tham gia vào các cuộc tấn công mạng bị Mỹ cáo buộc. Sự trừng phạt mới cũng sẽ nhắm đến những lĩnh vực kinh tế then chốt của Nga như hầm mỏ, vận tải biển, ngành đường sắt.

Lý do của sự gia tăng trừng phạt của Mỹ lần này là việc Nga can thiệp vào Ukraine và Syria. Ngoài ra, các nghị sĩ Mỹ cũng cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 thông qua các chiến dịch tin tặc.

Một trong những điều khoản trong dự luật mới của Thượng viện Mỹ là không cho phép Tổng thống Donald Trump làm suy yếu hoặc hủy bỏ các biện pháp được áp đặt chống lại Nga nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội.

Một tấm áp phích ca ngợi thái độ gần gũi với Tổng thống Putin của ông Trump đặt tại Nga.

Theo Chủ tịch Ủy ban các vấn đề Quốc tế của Hạ viện Nga Leonid Slutsky, “sáng kiến” của Thượng viện Mỹ khi giới hạn quyền lực của Tổng thống Donald Trump là một kiểu “kế hoạch dự phòng” trong trường hợp ông Trump đơn phương ra quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt Moskva. Daniel McAdams, Giám đốc điều hành Viện Paul Ron vì Hòa bình và Thịnh vượng, đã cực lực phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.

Phát biểu với kênh RT của Nga ngày 15-6, ông Daniel McAdams cho rằng những biện pháp trừng phạt được áp đặt trên “những cơ sở vô lý” và được soạn thảo để cản trở mọi nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ.

“Trước thực tế là một số nhóm tại Mỹ lo ngại rằng ông Donald Trump đang trong thời điểm có suy nghĩ mang tính xây dựng có thể hủy bỏ hoặc hạn chế lệnh trừng phạt chống Nga được phê chuẩn trước đó, họ (Thượng viện Mỹ) đã chuẩn bị nhằm làm cho ‘chắc chân’ mặc dù nếu muốn can thiệp vào các biện pháp trừng phạt Nga, Tổng thống Trump phải có sự phê chuẩn của Quốc hội”, ông Slutsky chia sẻ với báo giới.

Theo ông Slutsky, những hành động này cho thấy mức độ chống Nga “cuồng loạn” hiện vẫn tồn tại ở Mỹ.

Các biện pháp của Thượng viện Mỹ được đưa ra trong bối cảnh “tầng lớp tinh túy” ở Mỹ vẫn đang tiếp tục dồn ông Trump vào chân tường khi cáo buộc ông lên làm tổng thống là nhờ sự giúp đỡ của... tin tặc Nga. Trước khi đắc cử, Donald Trump luôn tỏ thái độ ngưỡng mộ đối với Tổng thống Vladimir Putin và chủ trương xích lại gần Nga. Đây là điều mà đảng Dân chủ và giới truyền thông Mỹ không thể chấp nhận và lấy đó làm lý do chính để công kích ông Trump trong suốt thời gian tranh cử.

Nhưng những người này chỉ đại diện cho một nhóm nhỏ những thành phần tinh túy của nước Mỹ, người dân đi bầu lại nghĩ khác. Chả thế mà ông Trump thắng cử ngoạn mục và nằm ngoài mọi dự đoán của giới truyền thông. “Những thành phần tinh túy của nước Mỹ” không chấp nhận việc ông Trump từ một doanh nhân lên làm tổng thống, và điều này giải thích vì sao nếu như các hồ sơ gây tranh cãi của ông Trump như di trú, bảo hiểm y tế... dễ dàng bị chìm xuồng thì vấn đề nước Nga luôn đeo bám ông suốt thời gian qua và cho tới tận bây giờ còn chưa dứt.

Một phiên họp tại Thượng viện Mỹ.

Thậm chí vào tháng trước, khi tin đồn về ông tiết lộ bí mật quốc gia cho phía Nga, báo chí Mỹ và một số nghị sĩ đã nói tới khả năng phế truất ông Trump. Nhiều thành phần thân hữu của ông đã bị ngã ngựa khi bị báo chí Mỹ dồn ép vì có quan hệ với Nga.

Gần đây nhất là hôm 13-6, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions còn bị các nghị sĩ “quay” gần ba tiếng đồng hồ trước Thượng viện về hồ sơ Nga. Ông bộ trưởng nhiều lần khẳng định sự trung thực của mình và bác bỏ mọi cáo buộc thông đồng với Moskva. Thậm chí giới tinh hoa ở Mỹ còn bổ nhiệm cả cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI Robert Mueller làm thẩm phán đặc biệt để điều tra về những nghi vấn xung quanh khả năng Nga đã can thiệp vào kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 theo hướng có lợi cho ông Trump.

Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh ông Trump thải hồi Giám đốc FBI James Comey ngày 9-5-2017 vì cho điều tra về cựu cố vấn an ninh quốc gia Micheal Flynn, người bị ép phải từ chức trước đó do những cáo buộc đi đêm với Nga.

Sự khác biệt giữa thế giới của ông Trump và “thế giới tinh hoa” Mỹ

Giải thích về sự không thích ông Trump của giới tinh hoa Mỹ, giáo sư Michael Klare, Đại học Hamsphire College Massachusett, Hoa Kỳ, cho biết thế giới của nhà tỷ phú này hoàn toàn trái ngược với mô hình truyền thống của hai chính đảng và hầu hết chiến lược gia Mỹ, trong đó Hoa Kỳ chiếm vị trí trung tâm.

Theo như quan điểm của giới tinh hoa Mỹ hiện nay, thế giới được phân định theo từng vòng tròn đồng tâm phát xuất từ tâm điểm là Nhà Trắng. Canada, Anh và các nước nói tiếng Anh đứng trong vòng tròn thứ nhất, kế tiếp là các thành viên của NATO cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Israel ở vòng thứ hai. Vòng thứ ba là những đối tác kinh tế và quân sự lâu đời như Đài Loan, Philippines, Arập Xêút...

Bên ngoài ba vòng tròn quan hệ đồng minh và thân hữu tương tác này mới đến những đối thủ hoặc những nước mà Washington xem là đối nghịch như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran. Trong nhiều thập niên, chính sách ngoại giao của Mỹ là luôn tăng cường quan hệ với các nước bạn, giữa các nước bạn với nhau song song với nỗ lực cô lập và làm suy yếu các nước đứng ngoài ba vòng tròn thân hữu.

Đôi khi, chính sách này buộc nước Mỹ phải lao vào chiến tranh để bảo vệ một hay nhiều đồng minh ngoại vi trước những mối đe dọa có thật hay suy đoán hoặc để tránh cho đồng minh thân thiết gặp thảm họa chiến tranh.

Theo giáo sư Michael Klare, Donald Trump không có cùng văn hóa chính trị với tầng lớp thượng lưu quyền thế ở Washington nên không chia sẻ quan điểm này với đại đa số chính trị gia tại thủ đô cho dù là Cộng hòa hay Dân chủ.

Thế giới của Donald Trump là thương trường. Thương trường là rừng hoang. Trong rừng hoang không có trung thành hay phản bội mà chỉ có quyền lợi. Với Donald Trump, một doanh nhân thành công trên thương trường, thế giới cũng là thương trường.

Khái niệm vòng trong vòng ngoài, đồng minh, thân hữu, kẻ thù là điều xa lạ với nhà tỷ phú địa ốc. Ông chọn doanh nhân Rex Tillerson làm ngoại trưởng vì hai người có cùng quan điểm, xem thế giới là khu rừng hoang. Khu rừng này chỉ tuân theo một quy luật và một nguyên tắc: mạnh được - yếu thua, nguyên tắc cơ may và rủi ro ở mọi nơi như nhau, độc lập với tính thủy chung của đồng minh hay tráo trở của kẻ thù.

Trong thế giới của Donald Trump, mỗi quốc gia thành viên là một “trung tâm quyền lực” phải tự phấn đấu để tự bảo vệ vị thế của mình để sống còn trên ván cờ quốc tế cạnh tranh không nhân nhượng. Mục tiêu chính sách đối ngoại của một quốc gia là phát huy quyền lợi đất nước mình có nghĩa là phải làm thất bại chính sách tương tự của đối thủ. Do vậy, để được nước Mỹ của Donald Trump xem là bạn hay thù, một quốc gia sẽ được chấm điểm tùy theo đóng góp có lợi cho Mỹ đến mức độ nào, theo thang điểm của nhà tỷ phú “nước Mỹ trước đã”.

Tổng thống Trump sẽ sử dụng quyền hạn để tưởng thưởng đối tác hay trừng phạt đối thủ. Nhóm thứ nhất sẽ được tiếp đón như thượng khách ở Nhà Trắng, được ký những hợp đồng béo bở. Nhóm thứ hai sẽ phải trả thuế nhập khẩu ở mức nặng nhất, bị cô lập về ngoại giao và trong trường hợp bất bình phản ứng khiêu khích thì sẽ bị quân đội Mỹ “đập cho một trận”.

Theo nhận định của giáo sư Michael Klare, quan hệ Mỹ-Nga có thể được cải thiện do ông Trump và Tổng thống Putin có vẻ hợp ý nhau và có tương đồng về quyền lợi dầu khí. Chính trong nhãn quan giản dị “phải tiêu diệt IS bằng vũ lực”, Donald Trump nghĩ đến sự hợp tác của Nga và đồng minh Nga là Syria. Trả lời phỏng vấn của đạo diễn Mỹ Oliver Stone, Tổng thống Nga Putin mới đây cho biết, Nga có cảm tình với Tổng thống Trump vì chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố sẵn sàng khôi phục quan hệ Mỹ-Nga.

Daniel McAdams, Giám đốc điều hành Viện Paul Ron vì Hòa bình và Thịnh vượng.

Theo ông Putin, “dĩ nhiên, chúng tôi có cảm tình với ông Trump bởi vì ông ấy công khai tuyên bố sẵn sàng và mong muốn khôi phục quan hệ Nga-Mỹ. Khi các nhà báo từ các nước khác nhau đặt câu hỏi cho tôi và nghĩ rằng họ có thể bắt thóp tôi một cái gì đó, lúc nào tôi cũng hỏi: Chẳng nhẽ các vị phản đối quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Mỹ hay sao?”.

Ông Putin cho biết thêm “tất nhiên, chúng tôi phải xem xét quan hệ sẽ phát triển trong thực tế giữa hai nước như thế nào. Ông ấy nói về sự phục hồi quan hệ kinh tế, về cuộc chiến chung chống khủng bố, điều đó có gì là xấu?”.

Trong cuộc đối thoại trực tuyến lần thứ 15 với người dân Nga diễn ra ngày 15-6, Tổng thống Putin nói rằng, người Nga tôn trọng người dân Mỹ và muốn mối quan hệ với Mỹ trở lại bình thường. Ông Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi không xem Mỹ là kẻ thù”.

“Thêm vào đó, trong hai sự kiện đặc biệt trong lịch sử, khi mọi thứ trở nên đặc biệt khó khăn với chúng tôi, chúng ta đã chung nỗ lực trong hai cuộc chiến tranh thế giới và là đồng minh”, ông Putin nói thêm.

Trở lại với dự luật trừng phạt mới nhắm vào Nga của Thượng viện Mỹ, Giám đốc điều hành Viện Paul Ron vì Hòa bình và Thịnh vượng, McAdams nói rằng, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là “một sự phản ánh về tính thiếu sáng tạo” của Thượng viện Mỹ.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã nói với các nhà lập pháp rằng, các đồng minh của Mỹ yêu cầu Washington cải thiện quan hệ với Moskva và cảnh báo hành động mới chống Nga có thể cản trở sự tiến bộ trong đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố ở Syria.

“Chúng ta có một loạt các vấn đề cần có sự hợp tác của người Nga” - ông Rex Tillerson nói, đồng thời nhấn mạnh quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. “Mục tiêu của chúng ta hiện này là đừng để mối quan hệ đó thêm xấu đi”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Cũng cần phải nói thêm rằng không ai như ông Trump, hầu hết các phát ngôn của ông đều được đưa lên trang Twitter cá nhân không như các đời tổng thống Mỹ khác phát trên các kênh báo chí truyền thông chính thống. Có lẽ vì ngay từ đầu ông đã biết rằng truyền thông là đại diện cho một bộ phận trong giới tinh hoa ở Mỹ, họ chả ưa gì ông và thực sự ông cũng không ưa họ.

Hôm 29-5 vừa rồi, ông Trump lại một lần nữa tố cáo “lời lẽ dối trá” của truyền thông Mỹ khi liên tục đưa ra nhiều tiết lộ nghi ngờ con rể ông, Jared Kushner và nhiều người thân cận khác, có liên hệ với Nga.

Jeffrey Rathke, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nhận định, chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga thời gian tới sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc đấu giữa giới tinh hoa ở Mỹ và phe của ông Trump trong những điều tra về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.