Cuộc đua của những cố vấn Mỹ

Thứ Tư, 25/04/2007, 08:30
Với các nhà phân tích, cuộc vận động tranh cử của các ứng viên cũng chính là cuộc so tài đầy khốc liệt giữa những cố vấn tài năng.

Trên con đường tiến tới Nhà Trắng, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2008 đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để "mua" chất xám của các cố vấn nhằm có được những chủ đề tranh cử tin cậy, kịp thời và hợp với lòng cử tri.  

Theo điều tra riêng của phóng viên tờ Bưu điện Washington, trong 3 tháng đầu năm 2007, các ứng cử viên hàng đầu của Nhà Trắng đã dùng hàng triệu USD cho công việc thuê người thăm dò ý kiến dư luận, tư vấn truyền thông và cố vấn chính trị nhằm tạo nên hình ảnh đẹp cho mình.

Cố vấn Jenny Backus thuộc đảng Dân chủ nói: "Cố vấn cũng như các luật sư. Các ứng viên luôn cần đến sự hỗ trợ của đội ngũ này và nhờ đó họ bước tiến vững chắc hơn trên vũ đài chính trị". Đặc biệt, trong cuộc chạy đua tranh cử năm 2008, vai trò của cố vấn càng trở nên quan trọng vì nó tạo nên bộ mặt mới cho ứng viên và nhiều khi cử tri lại bỏ phiếu chỉ vì họ được "cảm hóa" bởi chính những nhân vật này.

Có lẽ vì nhận thấy điều đó nên các ứng viên cũng không tiếc tiền để có được một người trợ giúp hoàn hảo. Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ John McCain thuộc đảng Cộng hòa đã chi tới 645.000 USD cho 4 cố vấn riêng của mình trong những lần vận động tranh cử tại bang Nam Carolina, Iowa, Floria, Alabama, Michigan và New Hampshire.

Cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney cũng không kém cạnh với số tiền 550.000 USD cho các trợ lý. Bí tiền như cựu Thượng nghị sĩ John Edwards (do phải chi tiêu vào việc chữa trị bệnh ung thư cho vợ) vẫn chịu chi mức 163.000 USD.

Một điều lạ là khi các ứng viên cố gắng gồng sức để dành khoản tiền không nhỏ cho những chân chạy đằng sau thì cái giá của các cố vấn cũng bắt đầu tăng vọt. Điều đó cũng buộc các ứng viên phải thu xếp cho mình một hành trang tài chính khoảng 30 triệu USD để tham gia tranh cử. Dan Turrentine, người chịu trách nhiệm gây quỹ tranh cử cho đảng Dân chủ nói: "Ngày nay, các ứng viên cần nhiều cố vấn hơn, giữ liên lạc thường xuyên với họ và chi nhiều tiền cho công việc này".

Vài năm trở lại đây, nghề cố vấn, trợ lý tranh cử cũng bắt đầu chuyên nghiệp hơn, được tạo thành các tổ chức, các hãng tư nhân với tính chất phức tạp hơn nhiều.  Đi kèm với nó là những khoản chi phí đắt đỏ nhiều khi không cần thiết nhưng chẳng ứng cử viên nào dám cắt bỏ khâu này bởi nó là một phần trong chiến dịch vận động tranh cử.

Có lẽ vì thế mà cựu Thị trưởng New York Rudolph W.Giuliani đã phải thuê hẳn một hãng tư nhân ở Washington làm Ủy ban phụ trách hành động chính trị nhằm tạo ra những cuộc tiếp xúc cử tri một cách hiệu quả, sâu sắc. Số tiền mà Rudolph W.Giuliani chi cho việc quảng cáo, in áp phích, tờ rơi tuyên truyền theo lời khuyên của cố vấn đã lên tới mức gần 50.000 USD.

Còn ứng viên da màu, Thượng nghị sĩ Barack Obama thì dành tới 20.000 USD cho một hãng chuyên tư vấn về tranh cử ở Los Angeles. Cũng nhờ có hãng này mà trong lần vận động tranh cử ở đây, Barack Obama đã thu về hơn 4 triệu USD.

Thượng nghị sĩ Hillary Clinton có lẽ là người "chịu chơi" trong số các ứng viên. Với số tiền quyên góp tranh cử khoảng 36 triệu USD, cựu Đệ nhất phu nhân đã chi 277.000USD cho hãng tư vấn Penn, Schoen & Berland; 155.000 USD cho Công ty Tư vấn truyền thông Grunwald; 184.000 USD cho O'Brien McConnell Pearson và 200.000 USD cho nhóm Chiến lược Mayfield - nhà thiết kế trang web tranh cử cho bà.

Rõ ràng là đằng sau sự thành công của các ứng viên là những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà tư vấn, cố vấn, trợ lý với những suy nghĩ, ý tưởng đầy chiến lược và khôn khéo.

Sẽ là không ngoa nếu nói rằng, chính họ đã tạo nên chiến thắng cho các ứng cử viên và họ là một phần của cuộc đua tài đầy cam go, khốc liệt

Huyền Chi
.
.