Cuộc đua giành người tài ở Ấn Độ

Thứ Sáu, 05/05/2006, 08:00

Một số tập đoàn công nghệ cao đã bắt đầu phàn nàn vì mức lương ở Ấn Độ. Chính sự cạnh tranh giành người có tay nghề cao đã đẩy mức lương ở nước này lên cao.

IBM tuyên bố sẽ đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại Ấn Độ. Microsoft dự định đầu tư 1,7 tỉ USD vào nước này và tuyển dụng 3.000 nhân lực. AMD, Cisco, Intel, những đại gia khác trong làng computer và IT thế giới đều chủ trương mở rộng hoặc đầu tư mới hàng tỉ USD tại tiểu lục địa này. Ấn Độ đang trở thành địa bàn sản xuất công nghệ tin học có ý nghĩa toàn cầu. Một trong những lợi thế của Ấn Độ là mức lương và chi phí sản xuất thấp. Theo dự báo năm nay tăng trưởng của ngành IT Ấn Độ là 30%.

Tuy nhiên, các đánh giá về chi phí sản xuất ở Ấn Độ giữa các tập đoàn nước ngoài đã có sự khác nhau. Lãnh đạo của SAP cho rằng: “Sự cạnh tranh giành nhân lực ở miền Trung  Bangalore đang tăng lên, do đó mức lương ở các khu vực này tăng vọt. Là một tập đoàn quốc tế, chúng tôi buộc phải tìm các  thị trường khác để thay thế, điều này không có nghĩa là chúng tôi rút lui khỏi Ấn Độ vì tiềm năng của nước này rất lớn”.

SAP đang có ý định tăng cường đầu tư vào Trung Quốc và Đông Âu vì tại các địa bàn giá nhân công thấp hơn so với Ấn Độ. Vậy có đúng là mức lương ở Ấn Độ đã tăng cao? Giám đốc Hãng India Consult Johannes Wamser cho rằng: “Không thể nói như vậy vì cũng như ở các nước khác, giá nhân công ở Ấn Độ có sự khác biệt lớn giữa các vùng và các ngành. Thí dụ một công nhân công nghiệp thu nhập 1 ngày khoảng trên dưới 4 euro, trong khi đó lương trong lĩnh vực IT ở Bangalore lại tương đối cao. Tuy nhiên, lương một nhà quản lý trình độ cao ở một doanh nghiệp hạng trung tại đây cũng chỉ từ 600 đến 1.000 euro.

Lương một người mới tốt nghiệp đại học từ 200 đến 300 euro. Trong khi đó lương một kỹ sư Đức mới ra trường đã lên đến 3.200 euro/tháng. Một kỹ sư Ấn Độ xuất sắc có 20 đến 25 năm kinh nghiệm cũng chỉ có mức lương không quá 2.000 euro/tháng".

Nhưng thực tế là các hãng phương Tây sẵn sàng trả lương cho các kỹ sư Ấn Độ có trình độ cao tới 600 euro, so với mức lương ở Silicon Valley thì mức lương này “rẻ như bèo”. Điều này tất nhiên nhiều người Ấn Độ biết và những người giỏi “ra đi không về”. Từ đó lực lượng kỹ sư trẻ, có khả năng ở Ấn Độ một thời dường như vô tận nay dần trở nên khan hiếm.

Các hãng của Ấn Độ có nhu cầu tuyển chọn chuyên gia tin học và kỹ sư cũng tăng lên, những hãng lớn của Ấn Độ cũng như các tập đoàn quốc tế có thể sử dụng đồng lương để chiêu nạp người tài, trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh giành nhân lực tay nghề cao.

Để giải quyết vấn đề nhân lực có tay nghề, hầu hết các doanh nghiệp lớn ở Ấn Độ đều mở các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng. Một số đầu tư tiền triệu để hỗ trợ các trường đại học hiện có. Lực lượng trẻ ở Ấn Độ vô cùng dồi dào, họ rất ham học và có chí tiến thủ. Tuy nhiên nhà nước thiếu kinh phí để đầu tư thỏa đáng cho giáo dục và đào tạo. Tiềm năng này của Ấn Độ đang bị lãng phí.

Hàng năm ở Ấn Độ có khoảng 300.000 người tốt nghiệp đại học. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế thì các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật của Ấn Độ hiện nay có trình độ tương đương các trường đại học hàng đầu  thế giới

V.P (Theo Spiegel)
.
.