Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ: Đối thoại tốt hơn đối đầu
- Thực hư chuyện Nga - Mỹ có thỏa thuận ngầm tại Helsinki?
- Sau thượng đỉnh Nga-Mỹ, Tổng thống Putin sắp gặp mặt lãnh đạo Kim Jong-un
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã kết thúc sau gần 4 giờ đồng hồ và hai nhà lãnh đạo đã có cuộc họp báo chung, đưa ra nhiều tín hiệu tích cực về hy vọng cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc.
Người biểu tình ôn hòa mong muốn hai nhà lãnh đạo đạt được các thỏa thuận có lợi cho hòa bình thế giới, cắt giảm vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters. |
“Thời điểm bước ngoặt”
Vào khoảng 14h (giờ địa phương, 18h theo giờ Hà Nội), ngày 16-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Đây là hội nghị thượng đỉnh được mong đợi nhất suốt nhiều năm qua trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm cải thiện quan hệ. Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin đã bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh tại Dinh Tổng thống Phần Lan bằng một cuộc trò chuyện với báo giới. Phát biểu với báo giới trước khi bắt đầu cuộc gặp riêng, Tổng thống Putin cho rằng đã đến lúc hai bên có những cuộc thảo luận quan trọng về mối quan hệ song phương và nhiều vấn đề cấp bách khác trên thế giới.
Về phần mình, Tổng thống Trump cho rằng việc duy trì mối quan hệ hòa thuận với Nga là một điều tốt đẹp chứ không phải điều xấu, cả thế giới đều mong muốn Nga và Mỹ hòa thuận.
Ông Trump khẳng định sẽ thảo luận về mọi vấn đề từ thương mại, quân sự, vũ khí hạt nhân cho đến quan hệ với Trung Quốc trong cuộc gặp riêng với Tổng thống Putin. Tổng thống Mỹ cũng đánh giá cao việc Nga vừa tổ chức thành công World Cup 2018.
Không khí lạc quan bao trùm hội nghị khiến kết quả cũng rất khả quan. Tại cuộc họp báo sau các cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Putin đánh giá cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí cởi mở và tập trung vào công việc, gọi đây là cuộc gặp thành công và hữu ích.
Theo nhà lãnh đạo Nga, mối quan hệ căng thẳng hiện tại giữa Nga và Mỹ là do các nguyên nhân khách quan và hai cường quốc đều đang đối mặt với những thách thức giống nhau, như cơ chế an ninh quốc tế, nhận diện chủ nghĩa khủng bố. Đây cũng là hai lĩnh vực mà ông Putin hy vọng sẽ tìm thấy tiếng nói chung với Mỹ.
Về phần mình, Tổng thống Trump cũng có chung đánh giá về cuộc gặp, gọi đây là “thời điểm bước ngoặt” trong quan hệ giữa Moskva và Washington. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, cuộc đối thoại với ông Putin diễn ra “cởi mở và có kết quả”, nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại đối với Nga và Mỹ cũng như toàn thế giới, đồng thời cho rằng hai nước phải tìm ra cơ hội hợp tác nếu muốn cải thiện tình hình trên thế giới. Tổng thống Mỹ cũng cho biết hai bên đã nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận những vấn đề đã đề cập tại Helsinki, thậm chí hy vọng các cuộc gặp sẽ diễn ra thường xuyên.
Qua phát biểu tại họp báo, có thể ghi nhận hai bên đã đạt được không ít ý kiến chung. Thứ nhất là hiệu quả trong hợp tác giữa các cơ quan tình báo, đặc biệt là trong thời gian diễn ra World Cup 2018 vừa qua tại Nga. Tổng thống Nga khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác trong phân tích toàn bộ các hồ sơ chính trị-quân sự, đồng thời đề xuất thành lập nhóm công tác chung về chống khủng bố.
Về vấn đề Syria, nhà lãnh đạo Nga đánh giá Moskva và Washington có thể đảm nhận vai trò thủ lĩnh trong giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Syria. Lãnh đạo Nga và Mỹ cũng thảo luận về vấn đề Iran, tình hình thực hiện thỏa thuận tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Tổng thống Putin cho biết ông bày tỏ mối lo ngại khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Nga V.Putin tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: ABC News. |
Theo phát biểu của hai bên, Nga và Mỹ vẫn giữ quan điểm khác nhau về vấn đề Bán đảo Crimea. Nguyên thủ nước Nga khẳng định vấn đề Crimea đã khép lại, không được đưa ra bàn luận.
Về vấn đề mà đông đảo ý kiến chuyên gia đều đánh giá là “gai góc” liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, Tổng thống Trump cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi vì hoàn toàn không có âm mưu nào như điều tra cáo buộc. Ông Trump cũng cho biết, tới đây đại diện của Hội đồng An ninh Liên bang Nga và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ sẽ sớm gặp gỡ để phát triển kết quả hội nghị thượng đỉnh Helsinki.
Trong khi đó, hợp tác kinh tế cũng là một nội dung thảo luận tại cuộc gặp thượng đỉnh. Hai bên đã nhất trí thành lập một nhóm chung để tập hợp các chủ doanh nghiệp lớn của giới kinh doanh hai nước.
Cuộc đối thoại phù hợp với lợi ích của toàn thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi cuộc gặp là “sự khởi đầu tốt cho tất cả các bên” và tin tưởng quan hệ hai nước sẽ thay đổi sau cuộc gặp tại Helsinki. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định tầm quan trọng của ngoại giao và hợp tác so với xung đột và thù địch, đồng thời cho rằng đối thoại giữa Nga và Mỹ phù hợp với lợi ích của toàn thế giới.
Ngay sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki kết thúc và lãnh đạo hai cường quốc có cuộc họp báo chung, đã có những phản ứng đầu tiên từ phía các nhà lập pháp Nga, đánh giá tích cực về cuộc gặp này. Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko cho rằng giữa Tổng thống Nga và Mỹ đã thiết lập được bầu không khí tin cậy.
Bà Matvienko nói thêm, cuộc gặp này không chỉ đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc thiết lập đối thoại chính trị, mà còn có vai trò vô cùng to lớn đối với sự ổn định trên thế giới.
Người đứng đầu Ủy ban Các vấn đề quốc tế Hội đồng Liên bang Konstantin Kosachev gọi các kết quả cuộc gặp là tích cực, là “nhiều nhất có thể” và coi đây là sự khởi đầu tốt đẹp để khôi phục hợp tác giữa hai nước trên cơ sở hệ thống và thường xuyên. Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế Duma quốc gia (Hạ viện) Leonid Slutski cho rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump là sự kiện lịch sử và hiệu quả ở mức cao nhất có thể.
Bên cạnh đó, ông Slutski cũng cảnh báo, hiệu quả thực tế của nó chỉ có thể nhận định được sau vài tuần tới, cụ thể là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tới đây vào quốc hội.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 16/7 bày tỏ hy vọng rằng cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump là một “bước đi nhỏ” hướng tới hàn gắn mối quan hệ xuống cấp giữa Mỹ và Nga. Phát biểu với đài truyền hình RT, ông Peskov cho rằng hai nhà lãnh đạo tuy không có chương trình nghị sự chặt chẽ nhưng đều nhận thức được “trách nhiệm đặc biệt” của mình đối với sự ổn định toàn cầu.
Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin tôn trọng lập trường “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump vì ông Putin cũng đặt nước Nga trên hết, song cho rằng cách duy nhất để đạt tiến triển tại hội nghị thượng đỉnh lần này là cả hai bên đều phải cởi mở để tìm kiếm các lĩnh vực cùng có lợi.
Về phía Mỹ, một thành viên của Ủy ban Quốc phòng thuộc Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Frants Klintsevich, cho rằng hội nghị có thể được coi là bước khởi đầu cho một sự đột phá trong quan hệ song phương giữa Moskva và Washington.
Một cái “gai” nhỏ
Phát biểu với báo giới tối 16-7 sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moskva không bao giờ và sẽ không bao giờ can thiệp vào tiến trình bầu cử của Mỹ. Tổng thống Putin đánh giá cuộc gặp này là những bước đi đầu tiên để khôi phục “một mức độ tin tưởng chấp nhận được và trở lại mức độ tương tác trước đây trong các vấn đề liên quan đến lợi ích đa phương”.
Trong khi đó, ở phía bên kia, ngay sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki kết thúc, giới nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều bày tỏ sự không hài lòng khi cho rằng đây là “cơ hội bị bỏ lỡ” với việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố không thấy có bất cứ lý do nào của việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Đáp lại, sau cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Ủy ban Mỹ phụ trách điều tra cáo buộc “sự can thiệp” của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể gửi yêu cầu tới Moskva về việc thẩm vấn những nghi phạm, thậm chí Nga có thể cho phép các quan chức Mỹ tham gia thẩm vấn.
Tổng thống Putin cho biết: “Chúng tôi có thể đề xuất ủy ban liên quan của các ngài do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đứng đầu, gửi cho chúng tôi một yêu cầu chính thức trong khuôn khổ thỏa thuận này nhằm tiến hành thẩm vấn những người mà ông ấy coi là phạm phải bất cứ tội trạng nào”.
Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Nga có thể cho phép các đại diện chính thức của Mỹ, bao gồm ủy ban nói trên, có mặt trong các buổi thẩm vấn đó”.
“Chốt” lại vấn đề cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, Tổng thống Trump khẳng định, cuộc điều tra của Mỹ về việc Nga can thiệp bầu cử là một thảm họa đối với nước này. Theo Tổng thống Trump, đội ngũ cố vấn bầu cử của ông đã tiến hành một chiến dịch tuyệt vời và đây là lý do tại sao ông trở thành tổng thống.
Khôi phục lòng tin
Có thể thấy rõ, cả hai tổng thống đều tin rằng, sau cuộc gặp này, Nga và Mỹ đang có những bước đi để khôi phục lòng tin. Theo Tổng thống Trump, quan hệ Nga-Mỹ đã được cải thiện qua hội nghị thượng đỉnh này. Ông nói: “Quan hệ của chúng ta chưa bao giờ tồi tệ hơn bây giờ. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi”.
Tổng thống Trump khẳng định quan hệ ngoại giao với Nga là điều cần thiết. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ và Nga phải tìm ra những cách thức để “hợp tác nhằm theo đuổi những giá trị chung” và bày tỏ tin tưởng lãnh đạo hai nước sẽ gặp lại nhau thường xuyên hơn trong tương lai.
Tổng thống Trump khẳng định: “Chúng tôi đã tạo ra những bước đi đầu tiên hướng tới tương lai tươi sáng hơn, dựa trên nền tảng là hợp tác và hòa bình”. Nhà lãnh đạo Mỹ cảm ơn Tổng thống Putin về việc thúc đẩy đối thoại mở giữa hai nước vì “điều tốt đẹp hơn cho tất cả”. Tổng thống Trump nói: “Hôm nay là một ngày rất tích cực... Việc tiếp tục cuộc đối thoại này phục vụ lợi ích của hai nước và chúng tôi sẽ gặp lại nhau trong tương lai”.
Tổng thống Mỹ và Phu nhân tới Phần Lan. Ảnh: Politico. |
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga tại thủ đô Helsinki của Phần Lan ngày 16-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không bao giờ gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một kình địch mà mô tả nhà lãnh đạo này là một đối thủ tốt. “Hiện nay, tôi gọi ông ấy là một đối thủ tốt”.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cho biết, ông đã hy vọng ông Donald Trump đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 vì những cam kết của ông Trump trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Putin nêu rõ: “Vâng, tôi muốn ông ấy đắc cử bởi vì ông ấy nói về việc bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói lời tạm biệt nhau tại Helsinki, khép lại một trong những sự kiện được mong chờ trong đời sống chính trị thế giới năm nay. Với những tuyên bố đầy ấn tượng và gợi mở, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã tạo ra được khúc dạo đầu tốt đẹp, hứa hẹn những thay đổi theo hướng tích cực mối quan hệ vốn nhiều thăng trầm giữa hai nước.
Quan hệ Nga - Mỹ là một trong những mối quan hệ nước lớn phức tạp nhất trên thế giới, tính phức tạp vừa có nguyên nhân lịch sử, vừa có vấn đề và mâu thuẫn hiện thực trong các thời kỳ khác nhau, chỉ một cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki lần này là chưa đủ để hàn gắn mối quan hệ song phương đầy trắc trở này. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là tiền đề đầy hứa hẹn cho những chuyển động tích cực sau này “nhằm theo đuổi những giá trị chung”.