Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều: Hòa bình đã ở rất gần
- Truyền thông Hàn-Triều đưa tin đa chiều về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều
- Thượng đỉnh liên Triều: Toàn văn Tuyên bố Bàn Môn Điếm
Những que diêm thắp hy vọng
Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước qua Khu phi quân sự ngày 27-4 để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, một cuộc gặp cấp cao nhất trong bối cảnh hiện nay được coi là "cơn lốc" ngoại giao.
Nhiều người Hàn Quốc, Triều Tiên hay thậm chí cả những người ở rất xa Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thực sự tin kết quả thần kỳ đang diễn ra trên bán đảo này khi cách đó ít tháng, tình hình hai bên vẫn căng như dây đàn liên quan tới các vụ thử hạt nhân hay các cuộc tập trận, triển khai tên lửa... trên bán đảo này.
Bước nhảy vọt lớn này đã diễn ra và cho dù vẫn chỉ là những tuyên bố, những nó như cú hích, tạo động lực cho các bước đi quan trọng tiếp theo. Thành quả khó khăn này đang được lãnh đạo, người dân và tất cả các bên có liên quan, bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc, Nga... đều đang trân quý và mơ về một giấc mơ lớn lao hơn.
Tiếp tục nỗ lực hết sức để đưa Bán đảo Triều Tiên trở thành một khu vực phi hạt nhân và hòa bình vĩnh viễn, chứ không phải là chứng kiến thành quả này trượt khỏi tầm tay và đón đợi những cuộc đối đầu ác liệt hơn nữa.
Vẫn biết còn một chặng đường dài để thực hiện việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo này. Tuy nhiên, một khi đã đồng lòng thì không gì là không thể. Triều Tiên đã cho thấy thái độ sẵn sàng đàm phán, và phía bên kia đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc cũng rất cố gắng để đạt được mục tiêu. Người dân Hàn Quốc đang mơ về một cuộc “đại đoàn viên” khi nhiều sinh viên hay người dân biểu thị sự ủng hộ nhà lãnh đạo của họ.
Trong khi đó, phía bên này, người dân Triều Tiên cũng mơ một giấc mơ tương tự, với một đất nước Triều Tiên rộng mở cánh cửa với thế giới; một Triều Tiên ổn định với một nền kinh tế phát triển, người dân được cải thiện cuộc sống sau nhiều thập kỷ bị cô lập liên quan tới các lệnh cấm của phương Tây và Liên Hiệp Quốc...
Những ước mơ ấy rất có cơ sở khi thiện chí đang thay dần xu thế đối đầu. Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cách đây đúng một tuần tuyên bố dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân hay thử nghiệm tên lửa của nước này, đồng thời sẽ chuyển trọng tâm sang xây dựng kinh tế đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các bên liên quan và người dân thế giới, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay, không ai muốn có thêm bất kỳ một điểm nóng nào, nhất là nó liên quan tới vũ khí hạt nhân.
Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 tuy đã có một hiệp định đình chiến, nhưng hai bên vẫn chưa thực sự có một thỏa thuận hòa bình. Trên thực tế hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và Khu vực phi quân sự giữa hai nước, nơi ông Moon và ông Kim gặp nhau vẫn đầy rẫy các bãi mìn và chiến hào. Việc ký kết một thỏa thuận hòa bình, tuyên bố chấm dứt chiến tranh là ước mơ cháy bỏng của người dân trên Bán đảo Triều Tiên.
Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi bộ qua đường phân định quân sự (MDL) để tới Nhà hòa bình trên lãnh thổ Hàn Quốc, nơi diễn ra hội nghị, trở thành lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) như một biểu tượng cho mong muốn hòa bình.
Và nghi lễ trồng cây chung (loại cây được lựa chọn là cây thông có nguồn gốc từ năm 1953, năm đánh dấu Triều Tiên và Hàn Quốc ký thỏa thuận đình chiến), giữa hai nhà lãnh đạo tại khu vực MDL (nơi đánh dấu xung đột và chia tách hai miền Triều Tiên trong 65 năm qua), với những nắm đất được lấy từ núi Halla ở Hàn Quốc và từ núi Baekdu ở Triều Tiên; nước tưới sẽ được lấy từ sông Hàn ở Hàn Quốc và sông Taedong ở Triều Tiên đã cho thấy hai nước đang thực sự hướng tới sự hòa hợp, thống nhất cho bán đảo đã bị chia cắt quá lâu này.
Tấm bia với dòng chữ "Gieo trồng hòa bình và thịnh vượng", đã đủ nói lên thông điệp của hai nhà lãnh đạo, ước mơ của tất cả người dân ở hai bên đường phân định mà hai nhà lãnh đạo vừa cùng nhau bước qua.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp thượng đỉnh liên triều diễn ra sáng 27-4. Ảnh: Reuter. |
Đúng hướng
Những thay đổi tích cực từ Bán đảo Triều Tiên đang nhận được sự ủng hộ của Mỹ, một bên đối tác quan trọng trong tiến trình hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên. Nhiều quan chức phía Mỹ nhận định, Triều Tiên đang hành động công khai và đi đúng hướng trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tổng thống Donald Trump đánh giá nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "rất cởi mở và có thiện ý", đồng thời hy vọng rằng Mỹ có thể đàm phán với Triều Tiên với sự chân thành cao nhất. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo rằng, những gì vừa đạt được cũng chỉ là bước đầu, giải quyết vấn đề Triều Tiên là “chặng đường dài”.
Nhìn lại 2 kỳ hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong lịch sử sẽ thấy những tiến bộ đạt được là vô cùng ý nghĩa. Kể từ khi ký hiệp định đình chiến năm 1953, hai miền Triều Tiên mới chỉ tổ chức được 2 lần hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Đó vào các năm 2000 và 2007.
Năm 2003, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-Hyun đắc cử, ông tiếp tục duy trì "chính sách Ánh dương" của người tiền nhiệm nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều. Và hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai sau 7 năm gián đoạn đã được tổ chức từ ngày 2 đến 4-10-2007 tại thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Roh Moo Hyun đã di chuyển đến Bình Nhưỡng bằng đường bộ để hội đàm với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il. Ông trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên vượt qua ranh giới quân sự trên bộ.