Cuộc khủng hoảng Syria sẽ ra sao trong năm nay?

Thứ Hai, 14/01/2013, 21:05

Cuộc khủng hoảng tại Syria đã bước sang tháng thứ 22 mà chưa lộ rõ lối thoát khả quan nào. Trong một động thái mới, Tổng thống Assad vừa lên tiếng kêu gọi nhân dân Syria đoàn kết chống lại kẻ thù trong khi cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm tới số phận người dân Syria hơn là bản thân ông Assad. Liệu sau đây người dân Syria có được “giải phóng” hay lại giống như những gì nhân dân Libya hay Iraq đang phải gánh chịu?

Sáng kiến hòa bình ba điểm của Tổng thống Al-Assad

Phát biểu trên tuyền hình hôm 6/1, Tổng thống Bashar Assad nhắc nhở người Syria rằng, việc bảo vệ đất nước khỏi những thế lực đen tối là trách nhiệm của toàn thể người dân Syria. Ông đề xuất 3 bước đưa Syria thoát khỏi khủng hoảng

Việc đầu tiên là các quốc gia nước ngoài cần cam kết chấm dứt hỗ trợ tài chính cho lực lượng đối lập. Sau đó, Chính phủ Damascus mới có thể triệu tập hội nghị đối thoại quốc gia. Giai đoạn thứ ba của tiến trình hòa bình sẽ là thành lập chính phủ mới và ban hành ân xá toàn thể.

Theo các chuyên gia Nga, đây là kế hoạch tốt, tuy nhiên ông Assad đã im lặng về một điều quan trọng: liệu ông có từ chức không? Sergey Seregichev thuộc Viện Nghiên cứu Trung Đông (Nga) nhấn mạnh: "Tiến hành ân xá là điểm tích cực, lập chính phủ mới cũng vậy. Nhưng Tổng thống là nhân vật ở trung tâm cấu trúc quyền lực của Syria. Có rất nhiều điều phụ thuộc vào chuyện ai sẽ giữ cương vị này. Vì thế, có khả năng là sau đấy những thành viên đối lập sẽ không hài lòng bởi ông Assad không nói rõ khi nào ông ấy rời đi. Còn những thành viên cực đoan sẽ nói, chế độ hiện nay đã kiệt quệ, đang đi tới chỗ cáo chung, vậy thì tại sao phải chịu đựng những đối tượng đang mấp mé bờ vực sụp đổ mà tốt hơn hết hãy đẩy nhanh tới kết thúc. Số người này chắc sẽ tuyên cáo rằng chế độ đang kiếm cớ trì hoãn kéo dài thời gian".

Trong bài phát biểu của mình, ông Assad gọi những đối tượng nổi dậy là “bọn tội phạm và tay sai của phương Tây”, mà người ta không nên cho ngồi vào bàn cùng đối thoại. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng, hiện thời chưa nhìn thấy các đối tác cho cuộc đàm phán giải quyết xung đột trong nước. Đồng thời, ông Assad khẳng định, chính quyền Syria ngay từ đầu đã không bác bỏ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này.

Gumer Isaev đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông từ Saint-Peterburg nhận xét: "Đây là thời điểm rất quan trọng, trong chừng mực các lực lượng đổ tiền và vũ khí hỗ trợ phe đối lập Syria cũng đã nhận ra rằng tình hình hiện tại đang bế tắc. Bất kể thực tế là phe đối lập đã và đang vội vã thực hiện hàng loạt vụ đánh bom khủng bố và phá hoại, và ở một số khu vực quân đội Syria kiểm soát kém, nhưng có thể nói rằng, phe đối lập đã không thể nhanh chóng lật đổ được chính quyền của Tổng thống Assad hay là đạt tới những thành tích nghiêm túc. Hiện thời ở Syria thậm chí không có thành phố nào là trung tâm kháng chiến, như kiểu Benghazi tại Libya. Vì vậy, sáng kiến với đề xuất tạo ra chính phủ cứu quốc thu hút những lực lượng khác nhau, kể cả phái đối lập vừa phải, chính là phương án phù hợp nhất có thể thực thi".

Chẳng phải đợi lâu mới có phản ứng với đề xuất của ông Assad, Liên minh quốc gia đối lập Syria đã tuyên bố không chấp nhận đề nghị giải pháp hòa bình để khắc phục xung đột ở đất nước này.

Trả lời phỏng vấn Reuters, người phát ngôn của Liên minh Dân tộc Syria Walid Bounni tuyên bố, đề nghị của ông Assad ngăn chặn khả năng đạt được một giải pháp chính trị và khẳng định rằng, điều kiện tiên quyết của đối lập là "ông Assad từ chức và chế độ phải giải thể".

Chuông nguyện hồn ông Assad sắp điểm?

Cho đến nay, các cuộc dàn xếp quốc tế dường như vẫn vô vọng. Cuối tháng 12/2012, Đặc phái viên LHQ Lakhdar Brahimi đã đến Damascus gặp Tổng thống Assad để thực hiện sứ mạng mà người trung gian hòa giải Kofi Annan trước đó đã bất thành. Tuy nhiên, ông Assad vẫn không có ý nhượng bộ.

Trong khi đó, Moskva đã bóng gió họ không còn đủ kiên nhẫn ủng hộ ông Assad đến cùng (Moskva  đã lên kế hoạch di tản nhân sự khỏi Syria vào cuối tháng 12/2012). Sự kiện một nhóm nhân vật lãnh đạo đối lập Syria có mặt tại Moskva  cuối tháng 11/2012 trong đó có Riad Darar, thủ lĩnh Hội đồng Điều phối quốc gia Syria (NCC), thật sự là một tín hiệu rõ nhất cho thấy Moskva  đã không còn tin tưởng khả năng cầm cự của Tổng thống Bashar al-Assad. Ngày 13/12/2012, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói rằng, sự sụp đổ của ông Assad là không thể tránh khỏi. Ngày 27/12/2012, trong buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Makdad, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đề cập việc mời Mouaz al-Khatib (thủ lĩnh tổ chức chính trị đối lập SNC, thành lập tại Qatar ngày 11/11/2012) đến Moskva để hội đàm, đồng thời đề nghị Assad cũng thực hiện hành động tương tự.

Nga rõ ràng đang tích cực tìm một giải pháp rốt ráo cho vấn đề Syria (một cuộc gặp dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2013, giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov, Đặc phái viên LHQ Lakhdar Brahimi và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns). Phần phương Tây, họ đã công nhận tính chính danh của SNC khi xem đó như là một chính phủ hợp pháp duy nhất của Syria (được Mỹ chính thức thừa nhận ngày 11/12/2012 và sau đó là khoảng 100 quốc gia).

16 tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng "đã đến lúc Tổng thống Bashar al-Assad phải rời đi", Tổng thống Nga Vladimir Putin, vào ngày 20/12/2012, cũng lên tiếng một cách rất rõ ràng: "Chúng tôi không quan tâm đến số phận chế độ Assad... Chúng tôi ủng hộ một giải pháp có thể giúp cứu khu vực và đất nước (Syria), trước hết, là không sụp đổ và tránh được cuộc nội chiến bất tận. Quan điểm của chúng tôi là không giữ Assad và chế độ của ông ta duy trì quyền lực bằng bất cứ giá nào"!

Liệu Syria có thành một Iraq thứ hai?

Một nhóm nhân sĩ, trí thức quốc tế, trong đó có nhà văn và cũng là nhà viết kịch bản phim người Thổ Nhĩ Kỳ được giải thưởng Nobel - ông Orhan Pamuk - đã cảnh báo rằng ông Assad nên chuẩn bị cho ngày "tận thế" giống như ông Gaddafi của Libya. Tuy nhiên, vấn đề thực sự đáng lo ngại là người dân Syria sẽ đối mặt với những khó khăn thách thức ra sao sau khi chế độ Assad sụp đổ? Liệu Syria có trở thành một Iraq thứ hai?

Báo cáo LHQ ngày 2/1/2013 cho biết, tính từ ngày 15/3/2011 đến ngày 30/11/2012, cuộc xung đột chính trị nghiêm trọng tại Syria đã làm thiệt mạng 59.648 người.

Nếu chế độ Assad sụp đổ, chắc chắn dân chúng Syria sẽ đối mặt với thực trạng đổ nát và một chế độ không được quản lý chặt chẽ giống như Iraq trước đây. Cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein và nhà nước của ông đã bị triệt tiêu cùng với tất cả các tổ chức, quân đội, cảnh sát, cơ quan tình báo, và sau đó tình trạng hỗn loạn tràn lan xuất hiện. Người Mỹ kéo đổ bức tượng Saddam ở quảng trường Firdos với sự phấn khích cuồng nhiệt, nhưng ngay sau đó họ nhận ra rằng những hy vọng của họ là ảo vọng.

Sau khi tiêu tốn hàng tỉ USD và hàng trăm nghìn thường dân bị chết, Iraq vẫn là một quốc gia có nguy cơ tan vỡ và sa lầy trong các cuộc xung đột nội bộ. Tất nhiên không hoàn toàn giống Iraq, Syria không bị các thế lực ngoại bang chiếm đóng, nhưng cuộc nội chiến diễn ra quá lâu đã thúc đẩy các phe phái tìm cách tàn sát lẫn nhau. Do đó, mặc dù triển vọng ở Syria hậu Assad sẽ khác triển vọng tại Iraq, nhưng các đảng phái ở Syria vẫn khó có thể nhanh chóng đạt được một thỏa hiệp.

Mặt khác, mặc dù nhóm "Những người bạn của Syria" khẳng định tương lai của Syria phải do người dân Syria quyết định, song điều đó không có nghĩa là phe đối lập Syria hiện đã có một kế hoạch hoàn chỉnh để bảo đảm tương lai của đất nước. Một sai lầm nghiêm trọng trước đây ở Iraq là chính sách trừng phạt người Arập Sunni của chính quyền mới, và chính quyền mới đã phải trả giá đắt vì tiếp tục gây nên tình trạng bất ổn trên cả nước. Do đó, phe đối lập Syria không được phép để xảy ra một kịch bản tương tự. Một vấn đề nguy hiểm nữa không thể bỏ qua là liên minh các nước ủng hộ phe đối lập đang có xu hướng tìm cách loại bỏ các nhóm cực đoan, từ đó có thể gây mất ổn định và gán cho các nhóm này là các tổ chức khủng bố. Hiện nay, ít nhất Mỹ, Anh và Đức đã thể hiện quan điểm ngả theo xu hướng này.

Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất ở Syria cần được quan tâm là trong giai đoạn chuyển tiếp, các nhóm khủng bố có thể tìm được các loại vũ khí của chế độ hiện nay. Tình huống nguy hiểm nhất là sự phân cực chính trị ngày càng tăng kết hợp với các loại vũ khí sẽ tạo nên cuộc chiến tranh bất quy tắc. Kịch bản này khiến dư luận quan tâm đến những gì đã diễn ra ở Afghanistan trong những năm 90 của thế kỷ trước. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ muốn loại bỏ hoàn toàn nguy cơ Afghanistan hóa ở Syria. Tuy nhiên, điều này không dễ làm được vì khi thay đổi chế độ, những sai lầm và sự kiện khó lường thường xuất hiện nhiều hơn dự kiến

Mộc Thạch – Đan Kô (tổng hợp)
.
.