Cuộc mặc cả giữa Nga – EU trên hai mặt trận
- Vẫn "cay cú" Nga, EU kéo dài thời hạn trừng phạt kinh tế
- Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Nga - EU
Song song đó, Nga và chính phủ Syria cũng vừa thực hiện lời hứa của mình với Liên Hiệp Quốc chấm dứt không kích thành phố Aleppo - sào huyệt của các nhóm khủng bố - để mở đường cho công tác cứu trợ nhân đạo. Hiện IS đã tháo chạy khỏi thành phố này, chỉ còn Jabhat al-Nusra và các nhóm Syria đối lập được xem là “khủng bố”.
Lộ trình tái đàm phán hòa bình cho Ukraine
Theo Reuters, ngày 19-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã nhận lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Berlin dự cuộc họp “4 bên” nhằm tìm kiếm một giải pháp mới cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Đây là cuộc họp mang nhiều ý nghĩa không chỉ đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, mà còn là dịp “đối mặt” lần đầu tiên sau hơn một năm qua giữa Tổng thống Putin với những người đồng cấp châu Âu và Ukraine.
Đặc biệt, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Đức và Pháp đang chủ trương gia tăng áp lực cấm vận đối với Nga liên quan đến chiến dịch không kích của Nga tại Syria. Tổng thống Pháp Hollande vừa lên tiếng cáo buộc Nga phạm “tội ác chiến tranh” trong chiến dịch ném bom ở Aleppo khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, đáp lại cáo buộc này, Tổng thống Putin đã hủy chuyến thăm Pháp như dự kiến trước đó.
Tại cuộc họp Berlin, thỏa thuận về một lộ trình tái đàm phán hòa bình đã được thống nhất một cách nhanh chóng tại cuộc họp ở Berlin tuy không phải là “đột phá” nhưng chí ít cũng đã cho thấy thiện chí và quyết tâm của Tổng thống Nga trong sự hợp tác cùng lãnh đạo các nước Đức, Pháp và Ukraine nhằm giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng đẫm máu.
Bàn tròn cuộc họp “4 bên” tại Berlin. |
Bên cạnh việc tái đàm phán, lãnh đạo 4 quốc gia cũng bàn bạc việc hình thành những “vùng phân cách” nhằm tách riêng hai phe giao chiến với nhau, cũng như các biện pháp cần thiết để khắc phục dần tình hình khốn khổ của những người dân vô tội tị nạn chiến tranh.
Reuters dẫn nguồn báo chí Nga cho biết, các lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine đã nhất trí rằng các bên cần triển khai một lộ trình vào cuối tháng 11-2016 để tái khởi động các đàm phán chấm dứt nội chiến ở Ukraine. Reuters dẫn nguồn ngoại giao cho biết, tất cả vấn đề về an ninh tại Ukraine sẽ được đưa vào các cuộc đàm phán, trong đó có vấn đề biên giới giữa Ukraine và Nga.
Tổng thống Ukraine Poroshenko tuyên bố Ukraine muốn được kiểm soát lại toàn bộ đường biên giới với Nga, ngầm ý rằng bao gồm cả bán đảo Crimea. Đây sẽ là vấn đề nan giải nếu nó thật sự được đưa trở lại bàn đàm phán, bởi việc thu hồi bán đảo Crimea đã được Quốc hội Nga thông qua thành luật trên cơ sở nguyện vọng của đại đa số người dân sống ở Crimea.
Lộ trình đàm phán là một phần trong các nỗ lực nhằm thực thi Thỏa thuận Minsk ký kết hồi tháng 2-2015, dẫn đến việc tạm thời chấm dứt các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Chính phủ Ukraine và phiến quân ly khai. Tuy nhiên, sau đó thỏa thuận đã không thể được thực thi do hai bên cùng vi phạm ngừng bắn và giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra.
Một giải pháp chính trị nhằm cứu vãn tình hình sau đó cũng thất bại. Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thuộc Cộng hòa nhân dân Donetsk đã tổ chức những cuộc bầu cử riêng.
Vì vậy, để việc thực thi Thỏa thuận Minsk được khôi phục thì trước hết các bên liên quan phải thống nhất được những giải pháp trước mắt để triển khai trở lại lực lượng cảnh sát vũ trang Ukraine tại miền Đông Ukraine do phiến quân ly khai kiểm soát. Để làm được việc này, nữ Thủ tướng Đức Merkel nói rằng Ukraine cần phải thông qua pháp luật để tổ chức lại các cuộc bầu cử địa phương ở các vùng ly khai miền Đông.
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng từng tuyên bố nếu Ukraine tổ chức bầu cử tại miền Đông, thì tổ chức này sẽ gửi lực lượng sang hỗ trợ thực hiện công tác bầu cử. Tuy nhiên, đây là một việc được xem là quá khó đối với Ukraine, vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan nên đã không làm được.
Trước đây, Kiev đã không thể triển khai bầu cử tại miền Đông do không đạt được thỏa thuận với lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk về cơ cấu nhân sự lãnh đạo địa phương cũng như cách thức tổ chức bầu cử sao cho phù hợp tình hình thực tế tại các vùng ly khai. Lần này, nếu có tổ chức bầu cử lại theo gợi ý của EU thì tình hình cũng không mấy khả quan, nếu Kiev vẫn không thay đổi quan điểm đối với thành phần ly khai mền Đông.
Mở lối thoát tại Syria
Một vấn đề liên quan tình hình an ninh khu vực được bàn thảo tại Berlin là chuyện Nga tiến hành không kích tại Syria. Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande đã phê phán Nga gay gắt vì đã ủng hộ hành động quân sự của quân đội Syria, quy kết nước Nga có trách nhiệm liên quan trong chiến dịch không kích tuy nhằm vào “khủng bố” nhưng các bệnh viện tại thành phố Aleppo của Syria trong thời gian qua cũng bị vạ lây gây nên không ít thương vong.
Bà Merkel và ông Hollande cùng tuyên bố tại cuộc họp rằng, khả năng áp dụng cấm vận đối với Nga cho các hành động tại Syria vẫn đang được xem xét và sẽ mang ra thảo luận tại cuộc họp sắp tới với các lãnh đạo EU. Nga không hứa hẹn gì với Đức và Pháp trong vấn đề Syria tại cuộc họp này nhưng đưa ra giải pháp trong một tuyên bố sau đó.
Ngay sau cuộc họp Berlin, hội nghị lãnh đạo cấp cao EU đã diễn ra trong 2 ngày 20 và 21-10 tại Brussels. Tại hội nghị này, 3 nước Anh, Pháp và Đức đã chủ trương đưa ra “cảnh báo cấm vận” đối với Nga nếu “các hành động gây thương vong hiện tại ở Aleppo” vẫn tiếp tục. Anh, Pháp và Đức muốn đưa ra cảnh báo đối với các cá nhân và tổ chức Nga liên quan đến các hành động gây chết chóc ở Syria sẽ phải chịu các chế tài như phong tỏa tài sản và cấm đi lại nếu tiếp tục vi phạm. Thủ tướng Anh Theresa May dẫn đầu nhóm quốc gia thúc đẩy đưa ra lời cảnh báo này và sau lời cảnh báo sẽ là hành động thực tế.
Đặc phái viên LHQ tại Syria Staffan de Mistura họp báo hoan nghênh động thái đơn phương ngừng bắn 11 tiếng của Nga và Syria. |
Cũng như cuộc họp “4 bên” tại Berlin trước đó một ngày, chủ đề chính trên bàn nghị sự vẫn là khủng hoảng Ukraine và chiến dịch không kích của Nga ở Syria. EU xem những diễn biến thực tế tại hai mặt trận này là biểu hiện của “mối đe dọa” từ Nga đối với các “giá trị dân chủ” của EU.
Thủ tướng Anh hối thúc các đồng nghiệp châu Âu mau chóng thể hiện quan điểm rõ ràng rằng “việc Nga hỗ trợ Chính phủ Syria trong các cuộc không kích nhằm vào IS hay Al-Qaeda, mà chủ yếu là để khích lệ nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad nghĩ rằng ông ấy có thể giành chiến thắng”. Do đó, bà May lập luận, Nga đã phá hỏng các nỗ lực “gìn giữ hòa bình” của phương Tây.
Tuy nhiên, cuộc thảo luận căng thẳng kết thúc lúc nửa đêm 20-10 đã đi đến kết luận rút lại lời cảnh báo cứng rắn trên, thay thế bằng lời lẽ nhẹ nhàng hơn: “EU sẽ xem xét tất cả lựa chọn hiện có nếu các hành động gây chết chóc hiện nay tiếp diễn”.
Nguyên nhân của việc bất ngờ hạ giọng này có lẽ liên quan đến những động thái ngoại giao diễn ra giữa Nga, Syria và cơ quan Liên Hiệp Quốc. Ngày 20-10, ngay sau khi kết thúc cuộc họp “4 bên” tại Berlin và khi hội nghị cấp cao EU ở Brussels khai diễn, đại diện ngoại giao Nga và Syria gửi thông báo đến LHQ trong đó cam kết rằng, quân đội Chính phủ Syria sẽ đơn phương áp dụng lệnh ngừng bắn trong khoảng thời gian 11 tiếng mỗi ngày nhằm tạo điều kiện cho công tác cứu trợ nhân đạo.
Ngày 21-10, việc đơn phương ngừng bắn đã chính thức được thực hiện trên thực tế. Đặc sứ LHQ tại Syria Staffan de Mistura đã xác nhận sự việc và lên tiếng hoan nghênh hành động này. Đây không phải lần đầu tiên Nga và Syria đơn phương ngừng ném bom Aleppo trong vòng 2 tuần lễ qua. Và động thái của Nga và Syria dường như đã có tác động nhất định lên quyết định của lãnh đạo các nước thành viên EU. Kết quả là các nước thành viên EU không thể thống nhất việc gia tăng áp lực cấm vận đối với Nga.
Mục tiêu của chiến dịch không kích, như tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21-10, là “các phần tử khủng bố tại Aleppo sẽ phải bị tiêu diệt hết”. Thống kê cho thấy, phiến quân được xem là khủng bố hiện vẫn còn đến hơn 6.000 tên ở khu vực phía đông Aleppo, vẫn đang tìm cách lẩn tránh, không chịu rút khỏi thành phố như yêu cầu của Chính phủ Syria và đang muốn lấy dân thường làm “lá chắn sống” che chở cho bọn chúng.
Vì thế, việc Nga và Syria chỉ chấp nhận ngừng bắn có giới hạn cũng là nhằm hai mục đích: tạo điều kiện cho cứu trợ nhân đạo, bên cạnh đó là để cho những tên khủng bố muốn tháo chạy có cơ hội chạy khỏi Aleppo.