Cựu Thủ tướng Na Uy bị làm khó vì chính sách của ông Trump

Thứ Tư, 08/02/2017, 18:35
Trước chuyến đi đến nước Mỹ để dự lễ cầu nguyện National Prayer Breakfast diễn ra trong tuần vừa qua, Kjell Magne Bondevik đã nghĩ rằng chuyến đi sẽ chẳng có vấn đề gì, bởi vì ông từng là Thủ tướng Na Uy, một đồng minh của Mỹ, và ông cũng đã nhiều lần lui tới nước Mỹ.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, ông đã cẩn thận liên hệ với Đại sứ quán Mỹ tại Oslo và được bảo đảm rằng giấy thông hành và giấy phép đi lại điện tử của ông đã đủ để vào nước Mỹ.

Thế nhưng, khi đáp chuyến bay xuống sân bay Dulles ở Washington DC vào chiều ngày 31-1, ông bị tạm giữ tại sân bay và bị thẩm vấn trong khoảng một giờ. Nguyên nhân được cho là bởi một dấu đóng vào giấy thông hành của ông. Thông tin chỗ đóng dấu trên giấy thông hành cho biết ông đã từng có chuyến đi đến Iran vào năm 2014.

Cựu Thủ tướng Na Uy Kjell Magne Bondevik trong chuyến thăm Iran năm 2014.

Ông Bondevik kể trên kênh truyền hình TV2 của Na Uy rằng, khi bị tạm giữ, Bondevik được đưa vào chung một căn phòng với những người đến từ Trung Đông và châu Phi để chờ kiểm tra đặc biệt. Ông đã phải chờ khoảng 40 phút mới đến lượt mình và phải trải qua 20 phút trả lời các câu hỏi đại loại như “tại sao ông đã đến Iran và tại sao ông đến Mỹ. Bondevik bảo rằng, ông đã đến Iran để dự một hội nghị về nhân quyền.

Bondevik kể, ông đã hết sức ngạc nhiên khi bị tạm giữ và thẩm vấn. Ông đã liên hệ với Đại sứ quán Na Uy tại Mỹ để yêu cầu giúp đỡ. Mọi việc chỉ được giải quyết ổn thỏa sau 20 phút thẩm vấn và có sự can thiệp của Đại sứ quán Na Uy tại Washington DC.

Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là thông tin về việc Bondevik là cựu Thủ tướng Na Uy đã được ghi rõ ràng trên giấy thông hành, và các nhân viên an ninh cửa khẩu tại sân bay Dulles không thể không nhìn thấy và không biết. Ông Bndevik từng làm Thủ tướng Na Uy 2 nhiệm kỳ, nhiệm kỳ thứ nhất từ năm 1997-2000 và nhiệm kỳ thứ hai từ năm 2001-2005. Ông hiện là Chủ tịch của tổ chức Trung tâm Vận động vì hòa bình và nhân quyền Oslo.

Ông Bndevik tỏ vẻ không hài lòng, cho rằng “họ không có lý do gì phải e sợ một cựu thủ tướng, người đã từng nhiều lần đến Mỹ trong tư cách chính thức”. Ông Bondevik mỉa mai rằng, “có vẻ như khi cái tên một quốc gia nào đó xuất hiện là lập tức mọi ăng-ten đều dựng cả lên”.

Theo Bondevik, ông được nhân viên an ninh Mỹ giải thích rằng, việc tạm giữ và thẩm vấn ông không phải do chính sách hạn chế người Hồi giáo đi lại của Tổng thống Donald Trump mà đây thật sự là một chính sách đã có từ thời Tông thống Barack Obama. Theo đó, nước Mỹ sẽ áp dụng thêm những hạn chế trong xuất nhập cảnh đối với một số công dân của 38 quốc gia, trong đó có Na Uy, nằm trong Chương trình miễn visa nhập cảnh của Mỹ.

Theo quy định mới tại một đạo luật có tên gọi là Luật Cải thiện Chương trình miễn thị thực và ngăn chặn khủng bố đi lại ban hành năm 2015, công dân của 38 quốc gia từng đi đến hoặc có mặt tại Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria hay Yemen từ ngày 1-3-2011 trở đi sẽ không được phép đi lại ở Mỹ theo chương trình miễn thị thực.

Những người rơi vào trường hợp này vẫn có thể nộp đơn xin cấp thị thực nhập cảnh theo thủ tục thông thường tại một Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Mỹ. Đạo luật cũng nêu rõ một số ngoại lệ dành cho nhân viên ngoại giao hoặc quân sự phục vụ công tác của các quốc gia trong danh sách 38 quốc gia.

Dù vì lý do gì thì ông Bondevik cũng cảm thấy rất sốc. Bởi vì, kể từ sau chuyến đi Iran, Bondevik đã đến Mỹ nhiều lần nhưng không hề nghe nói đến việc áp dụng chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh như lần này. Ông cho rằng, vụ việc lần này khiến ông lo lắng cho những chuyến đi trong tương lai, và sự lo lắng này cũng không của riêng một mình ông.

V.Trương (theo ABC News)
.
.