Chuyện khó tin nhưng có thật:

Cứu sống bệnh nhân bị vỡ đôi tim sau hai ngày

Thứ Ba, 15/03/2011, 16:40
Tối 19/2, sau 5 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện Việt - Đức đã lập một kỳ tích là cứu sống được bệnh nhân Nguyễn Văn Hòa, 32 tuổi ở Nam Sách - Hải Dương bị vỡ tim từ trước đó 2 ngày.

Ca tai nạn kinh hoàng

Chiều 21/2/2011, hơn một ngày sau ca phẫu thuật, tôi có mặt tại phòng hậu phẫu của Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện Việt - Đức. Dù vẫn phải nằm giữa một đống các loại máy móc quanh giường nhưng bệnh nhân Hòa đã qua cơn nguy kịch và đang hồi phục tốt.

Trong câu chuyện với tôi, tuy đã 4 ngày sau khi xảy ra tai nạn, anh Trần Thế Dũng, anh rể của nạn nhân Hòa vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc. Sáng 17/2, anh Hòa sang giúp một người họ hàng dọn dẹp để đào móng nhà. Cùng với việc nhờ người làm, chủ nhà còn thuê cả một chiếc máy xúc để xúc đất. Đang làm thì bất ngờ anh Hòa bị chiếc gầu máy xúc quật giữa ngực, lăn ra bất tỉnh.

Khi người nhà đưa lên Bệnh viện huyện Nam Sách cấp cứu thì anh Hòa tỉnh dậy và kêu đau ngực, vì vậy bệnh viện huyện chỉ sơ cứu rồi lập tức chuyển lên Bệnh viện đa khoa Hải Dương. Tại đây, sau 1 ngày nằm điều trị nhưng không thấy tiến triển, bệnh viện tiếp tục chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bạch Mai.

Nằm ở Bệnh viện Bạch Mai 1 đêm, thấy tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu hơn, vẫn kêu đau ngực, khó thở, cho uống sữa thì nôn và chỉ đòi uống nước liên tục; bác sĩ xác định cú đập đã khiến bệnh nhân bị hở van tim và xác định phải mổ.

Cho đến đầu giờ chiều 19/1, Bệnh viện Bạch Mai quyết định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Việt - Đức mổ cấp cứu. Tại đây, sau khi khám, các bác sĩ thông báo tim anh Hòa bị tổn thương rất nặng và để cứu được bệnh nhân chỉ còn cách duy nhất là mổ, tuy nhiên hy vọng cứu sống cũng rất mong manh đồng thời đề nghị gia đình nếu đồng ý mổ thì phải chuẩn bị kinh phí vì ca phẫu thuật này sẽ rất tốn kém vì phải sử dụng tối đa các thiết bị hiện đại nhất.

5h giành giật sự sống cho bệnh nhân bị vỡ đôi tim

Đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, mổ cho rất nhiều bệnh nhân bị các loại bệnh liên quan đến tim mạch, nhưng PGS - TS Nguyễn Hữu Ước, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện Việt- Đức, bảo rằng chưa bao giờ anh lại gặp trường hợp như bệnh nhân Hòa.

Khi nhập viện, bệnh nhân Hòa đã ở trong tình trạng tím tái, khó thở, lơ mơ, suy đa tạng nặng, căn cứ vào kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Bạch Mai và tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ Ước xác định bệnh nhân Hòa đã bị hở van 2 lá và van 3 lá, suy tim rất nặng. Vì vậy để có thể cứu được bệnh nhân thì phải mổ ngay bằng phương pháp mổ tim hở, nghĩa là mở lồng ngực bệnh nhân, lấy quả tim ra để phẫu thuật. Trong suốt thời gian phẫu thuật, tim, phổi bệnh nhân sẽ ngừng hoạt động và máy móc hoạt động sẽ thay chức năng của tim, phổi để cơ thể vẫn sống, đồng thời thông báo toàn bộ tình trạng bệnh nhân cho gia đình.

6h chiều 19/2, sau khi làm xét nghiệm máu và một vài xét nghiệm cơ bản, ca mổ được tiến hành với sự tham gia của 23 bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên.

Dù đã tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nặng nhưng khi mở lồng ngực bệnh nhân, các bác sĩ vẫn "toát mồ hôi hột" bởi dù đã chẩn đoán tim bệnh nhân bị tổn thương rất nặng nhưng khi mổ lấy quả tim thì mới thấy hết mức độ nguy kịch bởi quả tim bệnh nhân gần như bị vỡ làm đôi vì bị vỡ toàn bộ vách liên thất 2 đường, đứt cột cơ van 2 lá và van 3 lá, vỡ nhĩ trái gây suy tim nặng, trong khoang màng tim tụ tới 150ml máu.

Tiến sĩ Ước bảo rằng, với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, ông tự chia ra 4 loại thương tổn ở tim do tai nạn.

Loại thứ nhất là tim bị đứt rời khỏi cơ thể khiến người bị nạn sẽ chết ngay.

Loại thứ hai là tim bị vỡ nhiều buồng, với loại tổn thương này, đại đa số bệnh nhân cũng chết ngay sau tai nạn, số còn lại cũng sẽ chết trên đường đi cấp cứu.

Loại thứ ba là tim bị vỡ 1 buồng, thường là vỡ buồng nhĩ, với những trường hợp này có thể cứu được nhưng mỗi năm Bệnh viện Việt - Đức cũng chỉ tiếp nhận được khoảng 5 ca khi đến bệnh viện là còn sống để phẫu thuật.

Loại thứ tư là chấn thương không biểu hiện, nghĩa là tim bị dập cơ nhưng không có biểu hiện lâm sàng, nên những ca này thường cũng chỉ phát hiện được khi mổ tử thi.  

Trở lại với trường hợp của bệnh nhân Hòa, khi mở lồng ngực và đưa quả tim ra để phẫu thuật, các bác sĩ rất ngạc nhiên bởi thông thường với loại tổn thương dập nát phần lớn tim như vậy, bệnh nhân nếu không chết ngay thì cũng sẽ chết trên đường đi cấp cứu, vậy mà trường hợp này có thể sống thêm được hơn 2 ngày. Khi mở ra, quả tim cũng đã dãn to gấp đôi bình thường. Điều may mắn với bệnh nhân Hòa là do có thể lực rất tốt và do quả tim bị vỡ trong nội bộ nên máu không thoát ra ngoài.

Tuy nhiên, với những trường hợp như vậy, hy vọng cứu sống hầu như không còn. Vì thế lúc đầu, kíp phẫu thuật tưởng phải đóng buồng tim ngừng phẫu thuật. Nhưng "còn nước còn tát", với quyết tâm cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành sửa tạo hình, khâu vá lại vách liên thất, van hai lá và ba lá... cho tới 11h đêm 19/3, sau 5 giờ phẫu thuật liên tục, việc khâu vá, phục hồi cho quả tim mới thực hiện xong.

Ban đầu, vẫn phải hỗ trợ máy, nhưng chỉ 1 giờ sau, tim của bệnh nhân đã tự đập trở lại. Lúc này các bác sĩ mới yên tâm đóng lồng ngực cho bệnh nhân. Sau 1 đêm, bệnh nhân đã tỉnh, không sốt và đi tiểu được. 

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước- Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch-lồng ngực Bệnh viện Việt - Đức, ngay ở các nước có nền y học tiên tiến nhất thì vẫn có tới hơn 90% bệnh nhân vỡ tim tử vong.

Tuy tình trạng hiện nay của bệnh nhân vẫn rất nặng, nhưng đã có thể hy vọng là việc cứu sống bệnh nhân đã thành công. Và điều đáng nói nữa là về mặt khoa học, ca phẫu thuật này đã một lần nữa khẳng định trình độ của các bác sĩ Việt Nam đã có thể đảm nhận được những ca bệnh khó nhất.

Và điều các bác sĩ chuyên khoa tim mạch cảnh báo với những người không may bị tai nạn rằng, nếu bị va đập vào giữa xương ức, sau đó có dấu hiệu đau ngực dữ dội thì cần lập tức đến các bệnh viện có chuyên khoa về tim mạch để cấp cứu

Nguyễn Thiêm
.
.