Đa số người Nga thích những bộ phim thời Xôviết

Thứ Ba, 18/07/2006, 08:02

Một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trước Ngày Chiến thắng đã cho một kết quả bất ngờ: Các công dân Nga (500 ngàn người tuổi từ 18 trở lên) được hỏi đã nêu ra những cuốn phim và sách về chiến tranh mà họ yêu thích nhất. Đa số người được hỏi (56%) thích những phim ra đời từ thời Xôviết.

Những phim mới của Nga về chiến tranh ít được khán giả biết hơn nhiều. Theo kết quả thăm dò ý kiến, phim về chiến tranh được yêu thích nhất đối với khán giả Nga là siêu phẩm điện ảnh, ra đời từ 30 năm trước đây của đạo diễn Stanhislav Rostoski “Bình minh nơi đây yên tĩnh”, trong đó sự thật về chiến tranh được kết hợp thành công với chủ đề sâu sắc và hình ảnh hấp dẫn.

Đứng thứ 2 là bộ phim  - bức tranh về chiến trận  “Họ chiến đấu vì Tổ quốc” của đạo diễn lừng danh Sergei Bondarchuk, sản xuất vào những năm 70 của thế kỷ XX.

Trong số các phim hiện đại về chiến tranh chỉ có “Ngôi sao” của đạo diễn trẻ Nhikolai Lebedev là lọt vào top ten các phim hay nhất. Thậm chí phim “Chim tu hú” được nhiều giải thưởng của các liên hoan phim và bộ phim với chủ đề sâu sắc “Tháng 8 năm 1944” cũng không được khán giả đánh giá cao. Để được công nhận, có lẽ cần phải có thời gian.

Còn đối với quyển sách được yêu thích nhất về chiến tranh, gần 65% người được hỏi khó đưa ra tác phẩm văn học được yêu thích nhất. 1/3 số còn lại nêu tên quyển “Đội cận vệ thanh niên” của tác giả Aleksandr Fadeev, “Số phận một con người” và “Họ chiến đấu vì Tổ quốc” của nhà văn Mikhail Sholokhov, “Chuyện về một người chân chính” của Boris Polevôi, “Người sống và người chết” của Konstatin Simonov, “Bình minh nơi đây yên tĩnh” của Boris Vasiliev và một số tác phẩm khác, được biết đến trong chương trình học phổ thông hoặc được chuyển thể thành phim.

Các tác phẩm văn học mới về chiến tranh như  “Vị tướng và đội quân của ông” của tác giả Georgia Vladimov, “Nữ đội viên thiếu niên nghèo khó” của Mikhail Kononov hầu như không được nhắc tới. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy người Nga ngày càng ít đọc sách văn học

Hoàng Thương (Theo Trud)
.
.