Đại dịch đẩy nhiều lao động nhập cư Hong Kong vào bẫy nợ

Thứ Năm, 28/05/2020, 12:11
Khi Rose (không phải tên thật), một lao động giúp việc người Philippines ở Hong Kong, biết tin một người thân bị ung thư, cô cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cầu cứu một công ty cho vay.

Rose là lao động nhập cư sống ở Hong Kong khoảng một thập niên, đã vay khoảng 20.000 HKD vào cuối năm 2019 để có tiền mua các loại thuốc và phương pháp điều trị cần thiết. Rose ngay lập tức bắt đầu trả góp 3.000 HKD hằng tháng - hơn một nửa tiền lương của cô. Nhưng, sau đó dịch COVID-19 bùng phát ở Hong Kong vào cuối tháng 1/2020, làm xáo trộn mối quan hệ của cô với chủ nhân.

Rose, 45 tuổi, bất ngờ bị sa thải vào tháng 3 trong khi hoàn toàn không có kế hoạch tiết kiệm hay dự phòng. Rose nói trong nước mắt: “Tôi bị căng thẳng rất nhiều. Đầu tôi đau nhói vì không ngừng suy nghĩ”. Sự lo lắng bắt nguồn từ việc cô không thể hỗ trợ gia đình ở Philippines trong khi bị đe dọa bởi công ty cho vay ở Hong Kong. Cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến những lao động nhập cư tại Hong Kong như Rose rơi vào bẫy nợ nần.

Thách thức không giới hạn

Hong Kong có khoảng 400.000 lao động nước ngoài, hầu hết đến từ Philippines và Indonesia. Nhiều người vay tiền ngay khi bắt đầu hành trình nhập cư, thường phải trả phí trung gian bất hợp pháp. 

Nợ nần tăng lên khi người lao động tìm kiếm các khoản vay bổ sung để giải quyết các trường hợp khẩn cấp như trả học phí, cải tạo nhà hoặc thành lập doanh nghiệp nhỏ. Mặc dù nợ là vấn đề tồn tại lâu dài của những người lao động nhập cư ở đây, với mức lương tối thiểu là 4.630 HKD, cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã mang đến những thách thức bổ sung.

Lao động nhập cư ở khu trung tâm thương mại Central, Hong Kong.

Angelica (không phải tên thật), 54 tuổi, người đã nộp đơn đến cảnh sát tố cáo một người cho vay tiền tiếp tục quấy rối bà ngay cả sau khi đã trả tiền vay, nói rằng cuộc sống đã trở nên khó khăn hơn kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Angelica lo lắng cả về tình hình ở Philippines.

Bạn của cô, cũng là một lao động nhập cư, đã đi nghỉ phép ở Philippines hồi tháng 12/2019 và không thể trở lại sau khi dịch COVID-19 tấn công khu vực. Grace hiện cũng bị người cho vay tiền đe dọa. Grace cho biết nhiều lao động nhập cư ở Hong Kong đang đối mặt với các vấn đề tương tự.

Dễ bị tổn thương hơn

Manisha Wijesinghe, Giám đốc phụ trách tố tụng Tổ chức phi lợi nhuận Help for Domestic Workers (Giúp đỡ lao động giúp việc nhà), cho biết số lao động giúp việc nhà gặp rắc rối về tài chính ngày càng tăng giữa đại dịch COVID-19. 

Wijesinghe thừa nhận cuộc khủng hoảng dịch bệnh làm cho người lao động nhập cư giúp việc nhà cực kỳ dễ bị tổn thương. 

Trong khi đó, rất khó để có bất kỳ cuộc đàm phán nào với những người cho vay tiền. Tynna Mendonza, quản lý chương trình cao cấp tại Enrich, một tổ chức từ thiện thúc đẩy trao quyền kinh tế cho lao động nhập cư ở Hong Kong, cho biết trong thời gian gần đây số lượng yêu cầu tư vấn tài chính từ lao động nhập cư ngày càng tăng. Theo Mendonza, hầu hết các khoản vay của người lao động nhập cư từ 4.000 đến 15.000 HKD nhưng cũng có một số trường hợp khoản vay lên tới 100.000 HKD.

Nhiều người không thể trả các khoản vay đúng hạn vì họ không thể rời khỏi nhà của chủ nhân cho nên trở thành nạn nhân của những người cho vay tiền. 

Thách thức tài chính như vậy có thể có tác động đến an ninh và sự tự tin trong công việc cũng như đối sức khỏe tinh thần của lao động nhập cư giúp việc nhà. Vào ngày 21/4/2020, một lao động nhập cư người Philippines đã tự sát sau khi để lại một ghi chú chi tiết các vấn đề tài chính. Mendonza nói rằng lao động nhập cư Philippines và Indonesia chia sẻ những thách thức tương tự. 

Nhưng người lao động Indonesia có thể dễ bị tổn thương hơn trước những người cho vay nặng lãi do họ ít được giúp đỡ hơn, đặc biệt là khi nhiều người trong số họ không thể đọc và hiểu tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc. Thông thường, trong tuyệt vọng, họ chỉ biết ký hợp đồng cho vay mà không hoàn toàn hiểu được nội dung của nó.

Nhiều kiểu giăng bẫy

Một số người cho vay tiền đăng bài  trên mạng xã hội và thậm chí in các biểu ngữ với hình ảnh và thông tin cá nhân của những lao động nhập cư giúp việc nhà đã không thể trả các khoản vay của họ. Mendonza phân tích: “Có những người cho vay tiền sử dụng chiến thuật “trấn lột” - lãi suất cao, quấy rối, không có biên lai, thu hộ chiếu bất hợp pháp - khi biết rằng nhiều người lao động hoàn toàn không biết gì về dịch vụ tài chính trong khi rất cần tiền”. 

Lao động nhập cư không thể tìm kiếm các khoản vay từ các ngân hàng ở Hong Kong, điều đó có nghĩa là họ cần vay tiền từ các công ty cho vay được cấp phép hoặc thậm chí từ bọn người cho vay nặng lãi. Người cho vay tiền ở Hong Kong có thể tính phí lên tới 60% tiền lãi mỗi năm cho các khoản vay.

David Bishop, giảng viên chính về kế toán và luật Đại học Hong Kong và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Migrasia, cho biết các tính toán lãi suất trong các tài liệu cho vay thường không chính xác khiến có vẻ như người vay đang trả lãi ít hơn so với thực tế. Bất cứ điều gì trên 60% tiền lãi là bất hợp pháp nhưng bất cứ điều gì trên 48% được coi là tống tiền, ông nói. 

Tuy nhiên, điều cực kỳ phổ biến là có các khoản vay có lãi trên 48% và không có gì lạ khi tìm thấy lãi suất cao bất hợp pháp trên 60%. Năm 2019, chủ sở hữu của một công ty cho vay ở Hong Kong đã bị bắt sau khi cung cấp khoản vay 4 triệu HKD cho hơn 1.400 nạn nhân - những người bị yêu cầu giao nộp hộ chiếu và hợp đồng lao động của họ làm tài sản thế chấp một cách bất hợp pháp.

Tổng lãnh sự quán Indonesia, Ricky Suhendar, thừa nhận rằng vay nợ là một vấn đề phổ biến trong số những lao động nhập cư Indonesia ở Hong Kong. Ông cũng cho biết lãnh sự quán đã tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức và các chương trình đào tạo về kiến thức tài chính cho lao động nhập cư ở Hong Kong. Theo Suhendar, lãnh sự quán Indonesia nhận được từ 5 đến 10 đơn khiếu nại và yêu cầu hỗ trợ mỗi ngày.

Diên San (Tổng hợp)
.
.