Đại dịch và nguy cơ mất kiểm soát...
Trả lời tờ Le Monde của Pháp, ông Mardini nhấn mạnh không chỉ cần hành động càng nhanh càng tốt để chống lại tác động tàn phá của SARS-CoV-2 đối với các cộng đồng đặc biệt dễ bị tổn thương này, mà còn phải cảnh báo hậu quả mà đại dịch này có thể mang đến cho họ.
Trong lời nói đầu của một báo cáo mới nhất có tên “COVID-19 và những cuộc xung đột: 7 xu hướng cần cảnh giác”, Crisis Group - trung tâm phân tích khủng hoảng, đã cho rằng những quốc gia có chiến tranh cần được quan tâm đặc biệt vì ở đây hội tụ đủ các vấn đề yếu kém của y tế và chiến tranh hoặc bối cảnh chính trị. Chúng có thể làm phát sinh những khủng hoảng mới hoặc làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng hiện có.
Phân phối bột mì tại trung tâm viện trợ nhân đạo của thành phố cảng Hodeidah. |
Vào ngày 27-3, trong một cuộc họp báo trực tuyến từ New York, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, ông Antonio Guterres, tuyên bố: “Sự tàn phá của SARS-CoV-2 trên thế giới cho thấy rõ chiến tranh là điên rồ. Đây là lý do tại sao tôi kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, ở khắp mọi nơi trên thế giới”.
Hệ thống y tế kém ở các khu vực xung đột
Trên những vùng đất bị chiến tranh tàn phá và trong các khu vực khủng hoảng, nơi các cuộc biểu tình kéo dài vẫn tiếp diễn, các hệ thống y tế không còn hoạt động hoặc bị suy yếu đáng kể và do đó không thể đối phó với đại dịch COVID-19. Tại Yemen, theo ICRC, sau 5 năm chiến tranh, có 24 triệu người cần viện trợ nhân đạo, 50% cơ sở y tế không hoạt động vì nhân viên không thể đến đó và không còn nhận được tiền lương. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Syria, nơi một nửa bệnh viện và trung tâm dành cho phụ nữ và trẻ em không còn hoạt động trước đại dịch COVID-19, trong khi các cuộc bắn phá vẫn tiếp diễn, đáng chú ý là ở Idlib.
Afghanistan, Somalia hay vùng Sahel, mỗi khu vực khủng hoảng đều phải đối mặt với các vấn đề y tế thường trở nên trầm trọng hơn do nhiều yếu tố có thể do quản lý khủng hoảng kém, tham nhũng, hoặc vì các lệnh trừng phạt quốc tế.
Trong báo cáo mới nhất, Crisis Group đã trích dẫn một số trường hợp: Iran, bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chịu lệnh trừng phạt của Mỹ; Venezuela, do cuộc đối đầu giữa chính phủ và phe đối lập đã khiến toàn bộ hệ thống y tế gặp rắc rối; Gaza, Palestine, nơi các hệ thống y tế suy yếu sau nhiều năm bị phong tỏa đang vật lộn để trang bị và tổ chức lại.
Libya cũng không nằm ngoài, nơi chính phủ Tripoli, được Liên Hợp quốc công nhận, đã cam kết dành khoảng 350 triệu đô la để chống lại các tác động của COVID-19, trong khi theo Crisis Group, thật khó để biết số tiền này sẽ được dùng làm gì, bởi vì hệ thống y tế sụp đổ sau làn sóng bỏ đi nước ngoài của các bác sĩ trong chiến tranh.
Xung đột khiến cho nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19 gặp khó khăn hơn rất nhiều. |
Viện trợ quốc tế khó tiếp cận
Viện trợ quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, các biện pháp giúp đỡ luôn rất khó để thực hiện ngay cả khi xảy ra khủng hoảng dịch bệnh nghiêm trọng, như đã từng trong đợt dịch bại liệt ở Syria năm 2013, 2014 hoặc trong trận dịch tả ở Yemen từ năm 2016.
Gần đây hơn, vào năm 2019, tại Cộng hòa dân chủ Congo (DRC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã gặp khó khăn rất lớn trong việc ngăn chặn dịch Ebola bùng phát ở phía đông nước này. Crisis Group lưu ý rằng bất chấp sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc, các dân quân địa phương hung bạo đã chặn lối vào một số khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và trong một số trường hợp, các máy bay chiến đấu đã nhắm vào các bác sĩ và cơ sở hạ tầng y tế.
Ngay cả khi chính quyền Congo và WHO đã thành công chấm dứt dịch bệnh trong những tháng gần đây nhưng dịch bệnh này rõ ràng đã kéo dài lâu hơn và làm chết nhiều người hơn (trong tổng số 2.264 trường hợp tử vong được xác nhận) so với khi dịch bệnh xảy ra ở một khu vực ổn định.
Ngoài những khó khăn liên quan đến tình hình mất an ninh làm cản trở công tác viện trợ cho những khu vực này, tình hình đặc biệt đáng lo ngại đối với các bác sĩ và các đoàn nhân đạo trong nước và quốc tế, những người này có thể gặp khó khăn trong việc tiếp viện trợ cho dân chúng.
Chẳng hạn ở Yemen hay vùng Idlib ở Syria, các chuyến bay quốc tế đã bị đình chỉ để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Các bệnh viện ở đây đã rất yếu kém lại gặp vấn đề nghiêm trọng về nguồn nước nên các đội cứu hộ quốc tế chỉ giữ các thành viên thiết yếu của họ tại chỗ.
Trường hợp của người di cư
Do chiến tranh, người di cư là một trong những nhóm người chịu nhiều rủi ro nhất về sức khỏe. Theo Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn, năm 2019, người di cư nội địa lên hơn 70 triệu người trên toàn thế giới và con số này đã tăng lên nhiều do những cuộc xung đột khác nhau đang diễn ra.
Lịch sử đã chỉ ra rằng các vấn đề lây nhiễm thường lan nhanh trong những nhóm người di cư nội địa và đặc biệt là trong các trại tị nạn. Ở Bangladesh, như Crisis Group báo cáo, trong các trại tị nạn Rohingya, hơn một triệu người sống trong những nơi trú ẩn quá đông đúc với vệ sinh và chăm sóc giảm đến mức tối thiểu.
Ngoài ra, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao và người dân trong trại không được thông tin phòng ngừa, theo lệnh cấm của chính phủ đối với việc sử dụng điện thoại di động và internet trong các trại tị nạn, có thể tạo ra một tình huống thảm khốc nếu COVID-19 xuất hiện. Bởi vì nó có thể lan rất nhanh trong trại và ra các vùng lân cận.
Một tình huống đáng lo ngại khác là trại tị nạn al-Hol ở phía Đông Bắc Syria, nơi có hơn 10.000 người đến từ các quốc gia khác nhau và thuộc mọi thành phần, tất cả đều trong tình trạng dễ bị tổn thương nhất. Crisis Group đã viết về trại này: “Người trong trại tị nạn này thiếu thực phẩm, nước sạch và thường không được tiếp cận với các dịch vụ y tế”.
Cuối cùng, khi dịch bùng phát, người di cư và tị nạn cũng có thể quyết định di chuyển để tìm sự an toàn và khi ấy sẽ khiến các quốc gia lo ngại. Ví dụ, Mỹ, Brazil và Colombia lúc đầu đã đón những người di cư từ Venezuela nhưng sau đó họ đã đóng cửa biên giới để phòng dịch bệnh lây lan.
Tuy đại dịch có thể làm xấu đi một số cuộc khủng hoảng quốc tế nhưng nó cũng có thể là dịp để thay đổi lịch sử. Đề xuất của UAE và Kuwait gửi viện trợ y tế cho Iran bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 hoặc yêu cầu ngừng bắn gần đây của Arab Saudi tại Yemen có thể nằm trong số đó.