Đại sứ di sản văn hoá Pharaon

Thứ Sáu, 18/06/2010, 10:30
Bị bọn đào mộ và bọn buôn lậu (tranh tượng nghệ thuật) bắt tay nhau trộm cắp, Ai Cập đã mất phần lớn di sản pharaon của mình sang châu Âu và Hoa Kỳ. Và chính Zahi Hawass, Tổng thư ký Hội đồng tối cao về cổ vật quốc gia Ai Cập (SCA), nhận sứ mệnh phát động chiến dịch tinh thần chống lại phương Tây, buộc các quốc gia phương Tây hoàn lại 6 trong số những kiệt tác hoàn mỹ nhất cho Ai Cập.

SCA có khoảng 30.000 nhân viên, chịu trách nhiệm giám sát hàng trăm đền tháp đổ nát, những lăng mộ u ám và những phòng báu vật nồng nặc mùi nhựa thông, trước kia từng chứa đầy trang sức vàng và tài liệu bằng giấy cói. Zahi Hawass nổi tiếng trên toàn thế giới, vì ông nắm giữ "toàn bộ chìa khóa" vào thế giới cổ Ai Cập. Ngày 28/5 vừa qua, trong lúc mọi người chờ đợi giây phút dự tiệc chiêu đãi về hưu của Hawass khi ông bước sang tuổi 63, ông lại vinh dự được Tổng thống Mubarak bổ nhiệm chức vụ mới - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Ai Cập. Điều đó có nghĩa là ông có thể tiếp tục làm việc đến cuối cuộc đời.

Hawass tin rằng đất nước ông bị lừa lấy mất di sản văn hóa, và trọng trách của ông là phải đòi lại những di vật quý giá ấy. Chẳng hạn các đạo quân La Mã đã lấy hết những cột đá (obelisks) của Ai Cập. Đến thời Napoleon, nhiều chiến thuyền chất đầy những đồ tạo tác văn hóa về sau cập bến phương Tây, và các báu vật đó sau này là nền tảng cho những viện bảo tàng lớn của phương Tây. Tất nhiên có những món báu vật được mua hợp pháp, bằng tiền mặt số lượng lớn. Nhưng Ai Cập không thiếu những kẻ buôn lậu và đào mộ cổ. Chúng ngang nhiên phạm luật và trộm cắp các di sản "vàng" của đất nước.

Tương tự với tính cách của Nhân sư, thay vì chọc giận phương Tây, ông buộc họ nhìn lại "ý thức tội lỗi' của mình. Kỳ tích trong vài năm qua của Hawass là mang về cho Ai Cập 31.000 cổ vật buôn lậu, chủ yếu là những món lấy từ những cuộc khai quật trái phép và chúng đã bị bán trong hơn 50 năm qua - thông qua những nhà đấu giá như Sotheby's và Christie's - đến các nhà bảo tàng tại Mỹ. Chu du sang Mỹ, ông có công tìm lại xác ướp của Đại đế Ramses đệ nhất ở tận tiểu bang Atlanta.

Nhiều giai thoại về ông trong lúc tìm cổ vật bị thất lạc đã khiến ông có thêm ngày một nhiều biệt danh như “phù thủy xác ướp”, “người hùng sa mạc” và “ông bầu kim tự tháp” (vì ông từng biến các kim tự tháp thành nơi biểu diễn xiếc). Hawass rất có khiếu hài hước nhưng dễ cáu gắt. Mới đây trước cử tọa họp báo tại New York, ông trợn mắt và giơ đấm tay về phía chỗ ngồi của các nhân viên bảo tàng Boston, vì cho rằng họ giữ một bức tượng chắc chắn là di sản của Ai Cập.

Chính tài hùng biện và lý lẽ của ông gây nhiều rắc rối cho các viện bảo tàng danh tiếng tại Paris (Pháp), London (Anh), New York (Mỹ) và Berlin (Đức). Các viện bảo tàng này hầu như "bó tay" trước chiến dịch gây hấn của Zahi Hawass - kẻ tự xưng là "Người bảo vệ các kim tự tháp".

Ví như Viện Bảo tàng Louvre (Pháp) bị buộc phải hoàn trả 5 bức tranh tường lộng lẫy có được từ một tay buôn lậu. Khi Louvre từ chối, Hawass đuổi hết các nhà khảo cổ Pháp khỏi Ai Cập, chấm dứt mọi sự cộng tác với "kho báu nghệ thuật trên dòng sông Seine". Cuối cùng, tháng 10/2009, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phải nhượng bộ, bẽn lẽn gọi điện cho ông Mubarak, hứa món nào của Ai Cập sẽ được hoàn trả rốt ráo. Hawass reo lên: "Đấy mới là chiến thắng của chúng ta". Cuộc chiến của ông Hawass quả thật hết sức gian nan, rất cân não và cần sức khỏe thật tốt, chưa kể cần phải có chút quyền lực để đối phương nể sợ.

Tháng 4/2010, Hawass chủ trì "Hội nghị hợp tác quốc tế về bảo vệ và thu hồi di sản văn hóa". Đại biểu của 25 quốc gia tề tựu tại Cairo để lập Mặt trận thống nhất chống các quốc gia bóc lột thời xưa trên vùng Địa Trung Hải. Cuối hội nghị, chủ nhà đưa ra danh sách yêu cầu thu hồi 6 vật thể, tất cả đều là kiệt tác. Đó là tượng bán thân tể tướng Ankhaf (hiện ở Viện Bảo tàng mỹ thuật Boston), phiến đá có chữ tượng hình Rosetta (London, ảnh 1), một vật thể thiên văn mô tả cung hoàng đạo (Louvre), tượng bán thân Nefertiti (Berlin), tượng đá vôi Hemiunu (ảnh 2, kiến trúc sư mộ phần Cheops) 4.500 tuổi (hiện trưng bày ở Hildesheim, gần Hanover), và bức họa Ramses II ở Turin (Italia).

Không phải mọi việc đều suôn sẻ, và chắc chắn ông còn phải tiếp tục cuộc vận động cam go của mình. Tháng 12/2009, Viện bảo tàng mới ở Berlin gửi đại diện cầm hồ sơ gốc sang Nile tranh luận với Hawass. Số giấy tờ gốc này chứng minh "mọi thứ được mua hợp pháp" khi tượng bán thân Nefertiti được tìm thấy và bán vào năm 1913. Vài kiệt tác khác đã đến châu Âu cách đây khoảng 200 năm, vào thời đó làm gì có những thứ như Hiệp ước Bảo vệ di sản văn hóa thế giới của UNESCO?

Tuy nhiên, những thành tựu của ông góp phần không nhỏ cho đất nước, từ việc xây dựng chiến lược nghiên cứu di sản Ai Cập, cho đến mở rộng bảo tàng xác ướp đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan. Ông đang cho xây dựng 19 viện bảo tàng nằm sát các kim tự tháp, khi hoàn tất vào năm 2013, đó sẽ là nơi chứa bộ sưu tập Ai Cập lớn nhất thế giới, kể cả xác ướp 3.300 năm tuổi của Vua Ai Cập cổ đại Tutankhamun (ảnh 3)

Lệ Đào (tổng hợp)
.
.