Đám cháy lan rộng từ Jerusalem

Thứ Tư, 13/12/2017, 16:12
Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ gần 1 tuần nay đã, đang và sẽ làm dấy lên sấm chớp trên một bầu trời nặng trĩu dông bão ở Trung Đông. Máu đã đổ trên các đường phố khi làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Mỹ ngày càng gia tăng nhưng tình hình bạo lực dữ dội vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Quyết định của ông Trump đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền ngoại giao của bao đời Tổng thống Mỹ trước đó, đồng thời đặt dấu chấm hết cho vai trò trung gian hòa bình của nước này ở Trung Đông. Tạm thời Mỹ đang bị các nước trên thế giới bày tỏ sự bất bình.

Mất tư cách bảo trợ tiến trình hòa bình

Làn sóng biểu tình phản đối quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang như đám cháy lan từ Trung Đông sang châu Phi tới châu Á.

Ngày 10-12, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình tại các nước Arab và Hồi giáo trong đó có Liban, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Ai Cập, và các vùng lãnh thổ Palestine. Đoàn người biểu tình đốt cờ Mỹ, ném đá vào các cơ sở ngoại giao của Mỹ và hô vang các khẩu hiệu phản đối Mỹ, cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng của việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đối với tình hình trị an vốn không yên bình của khu vực và quốc tế.

Cho đến nay, ít nhất 2 người chết trong các cuộc đụng độ giữa người Palestine với binh sĩ Israel. Hơn 80 người Palestine bị thương ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng và Gaza vì trúng đạn thật và đạn cao su của binh lính Israel.

Liên đoàn Arab họp bất thường ngày 9-12 tại Cairo (Ai Cập) về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại Gaza, những lời kêu gọi người biểu tình phản đối vang lên trên các loa phóng thanh trong nhà thờ Hồi giáo. Tổ chức Hamas đã kêu gọi một cuộc nổi dậy mới của người Palestine như những cuộc nổi dậy kiểu “intifada” trong những năm 1987-1993 và 2000-2005, chứng kiến hàng ngàn người Palestine và hơn một ngàn người Israel thiệt mạng.

Trên bình diện ngoại giao, ngày 10-12, Ngoại trưởng Palestine cho biết Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ không gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm của ông này tới khu vực Trung Đông trong tháng 12. Mặt trận Fatah của Chủ tịch Mahmoud Abbas thì kêu gọi dân chúng tiếp tục đấu tranh sau nhiều ngày biểu tình bạo động chống quân đội và cảnh sát Israel.

Vua Abdullah II của Jordan, quốc gia Arab duy nhất có liên hệ ngoại giao với Israel cũng đã lên án hành động của ông Trump là phá hoại hòa bình Trung Đông. Tỏ tình đoàn kết với Palestine, một phiên họp bất thường của Liên đoàn Arab, được triệu tập tại Cairo chiều 9-12-2017, đã lên án quyết định của Tổng thống Trump.

Cụ thể, 22 thành viên của Liên đoàn Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế chính thức công nhận Nhà nước Palestine, với thủ đô là Đông Jerusalem để ngăn trở quyết định của Tổng thống Mỹ. Một ủy ban đã được thành lập với nhiệm vụ động viên các quốc gia trên thế giới ủng hộ sáng kiến của Liên đoàn Arab.

Ngoại trưởng các nước Arab ngày 10-12 đã tiến hành hội nghị yêu cầu Chính phủ Mỹ rút lại tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel. Trong nghị quyết được thông qua, dù mang tính lý thuyết nhiều hơn các hành động cụ thể, các bộ trưởng Arab kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Donald Trump.  Hiển nhiên, Mỹ sẽ phủ quyết một dự thảo nghị quyết như vậy.

Trong trường hợp đó, các nước Arab sẽ tiếp tục tìm kiếm nghị quyết tương tự ở Đại hội đồng LHQ - Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Cho đến nay, trừ Liban, không một ngoại trưởng nào trong Liên đoàn Arab đòi trừng phạt chính trị và kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, họ yêu cầu Washington rút lại quyết định chuyển sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem bởi vì quyết định này “đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và quan chức phụ trách đối ngoại châu Âu Federica Mogherini tại cuộc họp ở Brussels. Ảnh: EIPA.

Quyết định cô độc

Trước đó ngày 8-12, Hội đồng Bảo an LHQ được triệu tập khẩn cấp theo yêu cầu của 8 nước. 14 thành viên của Hội đồng Bảo an, bao gồm cả hai đồng minh truyền thống của Mỹ là Anh và Pháp, đã lên án quyết định của ông Donald Trump là “không phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”.

Chưa bao giờ, ngay cả khi khai mào chiến tranh Iraq, Mỹ lại bị cô độc đến như vậy. Ngày 11-12, Chính phủ Đức cảnh báo sự nổi lên của chủ nghĩa thù địch và bài Do Thái sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Từ nhiều thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế không thay đổi lập trường về quy chế của Jerusalem. LHQ không công nhận việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem và tuyên bố đạo luật 1980 của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế. Nghị quyết 478 của LHQ năm 1980 kêu gọi các nước có cơ quan ngoại giao tại Jerusalem rời khỏi thành phố. Sau đó, khoảng 30 nước lần lượt chuyển trụ sở đến Tel-Aviv.

Costa Rica và Salvador là hai nước cuối cùng rời khỏi Jerusalem năm 2006. Theo lập trường của LHQ, quy chế cuối cùng của Jerusalem phải do các bên liên quan đàm phán.

Năm 1993, các thỏa thuận lịch sử Israel-Palestine được ký ở Oslo (Na Uy) giữa hai lãnh đạo Yitzhak Rabin và Yasser Arafat dưới sự bảo trợ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã không đề cập đến quy chế của Jerusalem, vấn đề về các khu chiếm đóng Do Thái trong các vùng đất Palestine và sự hồi hương của di dân Palestine, dù đây là ba chủ đề chính của tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai bên.

Tại LHQ, Đại sứ Mỹ Nikki Haley tuyên bố: Washington vẫn có uy tín là một bên trung gian hòa giải. “Hoa Kỳ có uy tín với cả hai bên. Israel sẽ không bao giờ và không bao giờ bị ép buộc phải tham gia một thỏa thuận của LHQ, hoặc của bất kỳ một tập hợp các nước nào đã cho thấy họ coi thường an ninh của Israel”, bà Haley phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ.

Tuy nhiên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tỏ ra thách thức. “Chúng tôi bác bỏ quyết định của Mỹ về Jerusalem. Với lập trường này, Mỹ đã không còn đủ tư cách để bảo trợ tiến trình hòa bình nữa”, ông Abbas nói trong một thông cáo. Các nhà lãnh đạo khác của Palestine cũng không muốn thảo luận về hòa bình với chính quyền Mỹ.

Mohamed Shtayyeh, một cán bộ của Fatah, tuyên bố: “Nói rằng chuyển sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem không làm tan vỡ tiến trình hòa bình là nói bậy. Bởi vì Israel và người Palestine chúng tôi đã đồng ý với nhau đây là chủ đề thương lượng, thế mà bây giờ (Mỹ) nói là không phải thế. Người Palestine từ nay tìm một sức mạnh khác để bảo trợ cho tiến trình hòa bình”.

Người biểu tình Palestine đụng độ với binh sĩ Israel.

Trong lúc các cuộc biểu tình đang lan từ châu Á qua Trung Đông đến Bắc Phi để phản đối quyết định của Mỹ về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Thủ tướng Israel đến Brussels để vận động sự hậu thuẫn của các bộ trưởng châu Âu.

Tại chuyến thăm đầu tiên đến Brussels của người đứng đầu Chính phủ Israel trong 22 năm qua, ông Benjamin Netanyahu hôm qua nói với các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) rằng đã đến lúc họ “công nhận sự thật”. Ông nói rằng EU nên theo bước đi của Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Đã đến lúc người Palestine công nhận nhà nước Do Thái cũng như công nhận thực tế rằng nhà nước ấy có thủ đô gọi là Jerusalem”, ông Netanyahu nói.

Thủ tướng Israel cũng nói rằng ông tin tưởng “tất cả, hoặc hầu hết các nước châu Âu sẽ dời đại sứ quán về Jerusalem, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và hợp tác mạnh mẽ với chúng tôi vì an ninh, hòa bình và thịnh vượng”. Ông Netanyahu còn gọi việc LHQ  không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là điều “nực cười”.

Phóng viên hãng tin Al Jazeera của Qatar đưa tin từ Brussels rằng, đa số các bộ trưởng EU không ủng hộ bước đi của Mỹ. “Phần lớn các nước trong khối EU nói rằng không nên làm điều đó bây giờ. Họ cho rằng con đường cần đi là giải pháp hai nhà nước”, Al Jazeera viết.

Về phần mình, bà Federica Mogherini, quan chức phụ trách đối ngoại của EU, khẳng định khối này sẽ tiếp tục công nhận “sự đồng thuận quốc tế” đối với Jerusalem. Bà nhắc lại cam kết của EU về giải pháp hai nhà nước và rằng lợi ích của Israel là tìm kiếm một giải pháp bền vững cho cuộc xung đột với Palestine.

Kế hoạch “tên lửa hai tầng”

Câu hỏi đặt ra là vì những lý do nào Washington lại đưa ra một quyết định đầy rủi ro như thế? Từ khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào năm 1995, ba đời Tổng thống Mỹ từ Bill Clinton, George W Bush đến Barack Obama, sáu tháng một lần, tìm cách trì hoãn.

Kế hoạch của Donald Trump được ông mô tả là “tên lửa hai tầng”. Tầng thứ nhất, theo giải thích của Tổng thống Mỹ: Phải nhìn nhận thực tế Jerusalem không chỉ là thủ đô của Israel mà còn là thủ đô của một nền dân chủ lớn trên thế giới. Khi lý giải như thế, Tổng thống Mỹ phác họa tầng thứ hai: Xây dựng một hiệp định hòa bình mới, do Mỹ bảo trợ, thay thế thỏa thuận Oslo bế tắc từ hơn một phần tư thế kỷ.

Lập luận của Tổng thống Donald Trump là ông muốn “làm sáng tỏ vấn đề” để “bứng đi những chốt chặn tạo điều kiện đem lại hòa bình”. Theo hai viên chức Mỹ được Reuteurs trích dẫn, Tổng thống Donald Trump hứa với Chủ tịch Palestine Mamoud Abbas một dự án “làm hài lòng Palestine”.

Dự án cụ thể ra sao thì Tổng thống Mỹ không nói rõ: đánh đổi Đông Jerusalem với nhà nước Palestine được Israel công nhận? Người tị nạn Palestine được hồi hương mà cho đến nay Israel kiên quyết khước từ?

Điều chắc chắn là trong kế hoạch này, Mỹ huy động cả Saudi Arabia và Israel, hai nước, vì có đối thủ chung là Iran, sẽ hợp tác giúp Palestine.

Biểu tình tại thủ đô Amman (Jordani) phản đối quyết định của Mỹ.

Lập luận của Tổng thống Donald Trump là ông muốn xóa bài làm lại. Giới phân tích không đồng ý như vậy và đưa ra các cách diễn giải. Trước hết, quyết định của ông Donald Trump nhắm vào mục đích đối nội. Truyền thông Mỹ, ít cảm thông với tổng thống doanh nhân, thì cho là ông Trump muốn thu hút lá phiếu của cộng đồng Do Thái và nhất là cộng đồng Tin Lành Phúc Âm mà trong kỳ bầu cử vừa qua có đến 80% cử tri dồn phiếu cho ông.

Đối với hai cộng đồng tôn giáo này, không thể để cho thánh địa Jerusalem, một lần nữa lọt vào tay người Arab. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ chọn thời điểm này để tung “quả bom Jerusalem”. Một mặt, uy tín của ông đã xuống thấp kỷ lục sau 10 tháng cầm quyền, chỉ còn 35% dân chúng ủng hộ, vào lúc nước Mỹ chuẩn bị bầu lại Quốc hội năm 2018. Thứ hai là để đánh lạc hướng công luận trong bối cảnh vòng vây tư pháp, điều tra vụ thông đồng với Nga, khép chặt dần.

Trong việc này, Tổng thống Trump nghe lời cố vấn của ai? Người thứ nhất là Phó Tổng thống Mike Pence, thuộc Hội thánh Phúc Âm và người thứ hai chính là con rể Jared Kushner, theo Do Thái giáo. Áp lực thứ ba đến từ nhà tỷ phú Sheldon Adelson, chủ nhân nhiều sòng bạc và cũng là nhà tài trợ của ông Donald Trump và là bạn thân của Thủ tướng Israel Benjamin Netanhyahu.

Theo Mediapart, “tên lửa hai tầng” của Tổng thống Trump có nguy cơ nổ ngay tầng thứ nhất. Không những người Arab mà cả thế giới cho đến Giáo hoàng đều phản đối. Theo một thăm dò ý kiến, 56% dân Israel cũng xem quyết định chuyển sứ quán Mỹ về Jerusalem là “không đúng lúc”.

Phản ứng trước “bước đi” của Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein hôm 9-12 tuyên bố với tờ Malaysia Mail Online, rằng “Chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện bất cứ mệnh lệnh nào của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang trong trường hợp cần thiết. Quân đội nước này sẵn sàng triển khai đến Jerusalem khi được lệnh. Malaysia, đất nước có đa số người Hồi giáo, từ lâu vẫn duy trì lập trường ủng hộ nỗ lực đòi độc lập của người Palestine.

Tổng thống Mỹ từng quả quyết rằng ông quyết tâm đạt được một hòa bình “tối hậu” cho vùng Trung Đông, khi mà những vị tổng thống tiền nhiệm chưa đạt được. Nhưng quyết định của ông đẩy cán cân nghiêng về phía Israel trong vấn đề tối quan trọng này. Chắc chắc thỏa thuận hòa bình sẽ ngày càng khó đạt được hơn, bởi vì điều ông làm khiến cho người Palestine nghi ngờ sự công bằng của Mỹ như là một người trung gian trong việc điều đình. Ít nhất là người này đã làm gia tăng căng thẳng trong vùng từ việc đưa ra quyết định vừa qua.

Mộc Thạch - Quang Học (tổng hợp)
.
.