Đàm phán hạt nhân Iran: Những gút mắc cuối cùng
Tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm các cường quốc P5+1 đang bước vào giai đoạn nước rút trước hạn chót ký kết hiệp ước hạt nhân lâu dài. Đến ngày 14/7, gút mắc vẫn chưa được khai thông.
Vòng đàm phán vào chiều tối Chủ nhật 13/7 giữa Iran với nhóm P5+1 đã khép lại với những phỏng đoán về kết quả liệu những gút mắc cuối cùng giữa Iran và các cường quốc phương Tây có được khai thông hay không. Chỉ còn 6 ngày nữa là hạn chót ký kết thỏa thuận hạt nhân đã đến, nếu hai bên vẫn chưa sẵn sàng thì tình hình sẽ rất khó khăn.
Các ngoại trưởng Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức đã đến Vienna dự cuộc họp thảo luận chung với Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif nhưng đã rời đi vào chiều cùng ngày, chỉ còn lại Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục cuộc đàm phán song phương với Ngoại trưởng Javad Zarif. Đây được xem là cuộc họp đầy khó khăn của ông Kerry với nhiệm vụ hàng đầu là làm sao thúc đẩy Iran chấp nhận những điều kiện do Mỹ và phương Tây đưa ra để hai bên có thể tiến tới ký kết thỏa thuận đúng hạn định 20/7.
Có 5 vấn đề trọng tâm cần lưu ý khi theo dõi cuộc đàm phán hạt nhân bước vào giai đoạn cuối giữa Iran với phương Tây, trong đó, 2 vấn đề quan trọng nhất là mức độ làm giàu uranium của Iran và việc Mỹ và phương Tây gỡ bỏ cấm vận đối với Iran. Các vấn đề khác cũng đáng lưu ý như hoạt động của Nhà máy Arak, những nghi vấn về việc Iran từng sản xuất vũ khí trong quá khứ và vấn đề giám sát các hoạt động nghiên cứu hạt nhân của Iran.
Từ trái qua: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đau đầu vì những gút mắc trong đàm phán hạt nhân với Iran chưa được khai thông; Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong bàn đàm phán tại Vienna. |
Hiện tại, đàm phán đang xoáy mạnh vào hoạt động làm giàu uranium của Iran, với vấn đề trọng tâm nhất là quy mô chương trình hạt nhân của Iran sẽ như thế nào. Phát biểu ngắn gọn với giới báo chí sáng ngày 14/7, Ngoại trưởng John Kerry cho biết đã thảo luận tích cực với Ngoại trưởng Javad Zarif và Ủy viên phụ trách Đối ngoại EU Catherine Ashton, đại diện cho nhóm P5+1.
Theo những người tham gia cuộc họp, một trong những nội dung quan trọng là việc Iran đưa ra đề nghị mang tính chất linh hoạt, trong đó nước này chấp nhận giảm "một chút" việc làm giàu uranium trong suốt giai đoạn thực thi thỏa thuận hạt nhân. Có thể đề nghị này của Iran khó được các cường quốc phương Tây chấp nhận, nhưng đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Iran sẵn sàng linh hoạt trong đàm phán nhằm đi đến ký kết hiệp ước hạt nhân. Iran đã đưa ra đề xuất này với các nhà ngoại giao châu Âu từ nhiều tuần trước.
Theo thống kê, Iran hiện có 19.000 thiết bị ly tâm, trong đó có khoảng 1.000 thiết bị đã cũ, lỗi thời với công suất làm giàu thấp. Còn lại khoảng 18.000 thiết bị thì chỉ có khoảng 9.400 thiết bị ly tâm đang vận hành tại Nhà máy Natanz.
Theo giới phân tích, đề xuất của Iran là sẽ giảm một số trong 9.400 thiết bị ly tâm này, nhưng vẫn sẽ giữ lại số thiết bị ly tâm cũ đã không còn hoạt động hiện đang lưu giữ tại Nhà máy Natanz. Ngoại trưởng Anh William Hague phát biểu với báo giới ngày 13/7 rằng, vẫn còn một khoảng cách giữa Iran với phương Tây trong vấn đề trọng tâm này.
Trước khi Ngoại trưởng Iran và các nước P5+1 bước vào đàm phán, lãnh tụ tối cao của Iran là Đại giáo chủ Ali Khamenei đã đưa ra một yêu cầu cứng rắn: Phương Tây hãy để Iran nâng công suất làm giàu uranium lên gấp 10 lần hiện tại. Đây là một yêu cầu mang tính mặc cả, được đưa ra nhằm tạo áp lực để các nhà đàm phán Iran có thế trong thương lượng với các đối tác.
Thực tế đến nay cho thấy hạn chót ký kết Hiệp ước hạt nhân xem ra khó có thể bảo đảm bởi các gút mắc, trở ngại giữa các bên vẫn chưa thể được giải tỏa hết. Những vấn đề hai bên chưa cùng nhất trí vẫn còn, như vấn đề số lượng máy ly tâm và công suất làm giàu uranium của Iran trong tương lai vẫn chưa thể ngã ngũ. Iran vẫn cho rằng mình có quyền sở hữu số lượng máy ly tâm và công suất làm giàu gấp 10 lần hiện nay, nhưng phương Tây lại xem đó là điều nguy hiểm
Điều được xem là một tiến bộ duy nhất đạt được trong cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Kerry với Ngoại trưởng Javad Zarif chính là việc đề xuất linh hoạt nêu trên của Iran có thể cứu vãn được tiến trình đàm phán để hai bên có thể tiếp tục các nỗ lực tìm tiếng nói chung. Từ đầu tháng 7, Ngoại trưởng John Kerry đã ra điều kiện Washington chỉ cho phép tiếp tục đàm phán sau hạn chót ngày 20/7 nếu các cuộc thảo luận lần này không đạt được tiến bộ.
Ngày 14/7, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest khen ngợi Iran "đã tham gia vào các cuộc thảo luận toàn diện một cách nghiêm túc và đã thể hiện sự linh hoạt cần thiết". Với thái độ đàm phán như thế, Iran và nhóm P5+1 sẽ có khả năng đi đến ký kết Hiệp ước hạt nhân, và sau đó là Mỹ và phương Tây sẽ dần dần gỡ bỏ các lệnh cấm vận đới với Iran như đã cam kết.
Vấn đề còn lại cũng đáng lưu tâm, được các bên đưa ra thảo luận là thời hạn của Hiệp ước hạt nhân kéo dài bao lâu. Mỹ đã nói rõ rằng, sau khi Hiệp ước hạt nhân hết hiệu lực, Iran sẽ có quyền tự do lựa chọn việc theo đuổi một chương trình hạt nhân quy mô lớn vì mục đích hòa bình. Mỹ đưa ra đề nghị các thỏa thuận trong Hiệp ước có hiệu lực 20 năm, trong khi Iran cho rằng, với những ràng buộc hạn chế khả năng hoạt động chương trình hạt nhân của mình thì các thỏa thuận đó chỉ nên kéo dài trong vài năm. Đây sẽ là những gút mắc cuối cùng để Iran và P5+1 đi đến ký kết thỏa thuận lâu dài về chương trình hạt nhân của Iran