Đàm phán hạt nhân Iran: Những tín hiệu tích cực

Thứ Ba, 24/09/2013, 17:15

Trong bài trả lời phỏng vấn trên kênh Truyền hình NBC của Mỹ hôm thứ tư 18/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã một lần nữa khẳng định: "Iran sẽ không bao giờ xây dựng vũ khí hạt nhân".

Ông Rouhani đã phát đi tín hiệu rõ ràng cho giới lãnh đạo phương Tây rằng, ông hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong vấn đề hạt nhân. Bài phỏng vấn này gây chú ý mạnh ở các thủ đô phương Tây, vì nó đã phát đi thông điệp mới nhất từ lãnh đạo Iran đối với việc tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho chương trình hạt nhân, đồng thời cải thiện quan hệ giữa Iran với phương Tây, nhằm đưa Iran ra khỏi tình trạng khó khăn về kinh tế xã hội do bị phong tỏa toàn diện.

Những tín hiệu tích cực có lẽ đã bắt đầu xuất hiện ngay từ sau cuộc bầu cử ở Iran hồi tháng 6 vừa qua, với Hassan Rouhani giành chiến thắng. Ông Rouhani được xem là một người "cải cách trong tầng lớp bảo thủ", một trí thức được đào tạo ở Anh quốc, cho nên dễ dàng được phương Tây đón nhận và tin tưởng. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 4/8, Rouhani đã đề xuất một bộ sậu nội các mới với toàn những nhân vật cải cách, trong đó đặc biệt là nữ Phó tổng thống đầu tiên, bà Elham Aminzadeh.

Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Rouhani đã nói đến khả năng Iran sẽ cởi mở hơn trong đàm phán hạt nhân, sẵn sàng cùng phương Tây thỏa thuận để đạt được kết quả tốt nhất. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại Đại hội đồng LHQ sắp tới.

Ngày 4/9, ngày lễ Rosh Hashanah của người Do Thái, Tổng thống Rouhani, đại Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei và tân Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đã đồng loạt gửi những lời chúc mừng đến người Do Thái trên toàn thế giới - một động thái được giới phân tích đánh giá là một trong những nỗ lực hòa giải nhằm xóa bớt căng thẳng với Israel - đồng minh cật ruột của Mỹ ở Trung Đông. Động thái ngoại giao này là một thiện chí có thật của lãnh đạo Iran.

Sau đó, trong bài phát biểu tại buổi lễ ra mắt nội các mới hôm 17/9, đại Giáo chủ Khamenei đã ủng hộ các đề xuất cải cách của Tổng thống Rouhani, trong đó có đề xuất về những nhượng bộ mà Iran có thể chấp nhận để cùng phương Tây đạt thỏa thuận về hạt nhân, cải thiện quan hệ.

Một động thái quan trọng của Tổng thống Rouhani (ngay sau khi Mỹ và Nga đạt được thỏa thuận về vũ khí hóa học ở Syria) là ông đã trao đổi thư từ với Tổng thống Mỹ Barack Obama về nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ song phương, chương trình hạt nhân và các đề xuất đàm phán hạt nhân. Tổng thống Mỹ Obama đã đáp lại thiện ý của ông Rouhani bằng việc xác nhận hai người có thể gặp nhau và nói chuyện bên lề cuộc họp thường niên khóa 68 Đại hội đồng LHQ tại New York (diễn ra từ 24/9 đến 1/10 tới đây).

Ngày 15/9, Tổng thống Rouhani lên mạng xã hội Twitter thông báo về việc ông sẽ có cuộc gặp và đối thoại với Ngoại trưởng Anh William Hague cũng tại Đại hội đồng LHQ. Ngoại trưởng Javad Zarif cũng thông báo cuộc gặp với ông Hague.

Đáp lại tín hiệu từ lãnh đạo Iran, Nhà Trắng đang tỏ ra khá dè dặt. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng, Tổng thống Obama "chào mừng" các tín hiệu tốt lành từ Tehran, rằng nước Mỹ sẵn sàng giải quyết vấn đề hạt nhân miễn là Iran bảo đảm chương trình hạt nhân của mình chỉ dành cho mục đích hòa bình, và rằng trong thời gian sắp tới Nhà Trắng sẽ thử thách quyết tâm của Tổng thống Rouhani trong việc cùng phương Tây đi đến thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân.

Trong khi đó, London lại tỏ vẻ hồ hởi cho khả năng nối lại các cuộc gặp ngoại giao và đàm phán với Iran. Bộ Ngoại giao Anh đã xác nhận kế hoạch cụ thể cho những cuộc gặp giữa Ngoại trưởng William Hague với Tổng thống Iran Rouhani và Ngoại trưởng Javad Zarif.

Giới quan sát lẫn giới chức phương Tây đang có vẻ bất ngờ trước những tín hiệu đầy lạc quan từ Iran. Nhưng sẽ không là bất ngờ nếu phương Tây hiểu rằng, Iran đang thay đổi trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề hạt nhân, theo hướng có thể chấp nhận một số nhượng bộ hay giải pháp nào đó để giải tỏa bế tắc trong đàm phán, để đạt được thỏa thuận, nhưng lập trường về quyền lợi phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình phải được bảo đảm

Văn Trương (tổng hợp)
.
.